Về sự kiện Nhà Nguyễn “triệt phá” thành Thăng Long ( tham khảo)

Thứ năm - 06/07/2023 03:59
  “Nhằm mục đích hạ thấp vai trò kinh đô cũ, để làm mất tư cách “quốc đô” lâu đời của Thăng Long, năm 1805 triều Nguyễn ra lệnh phá hủy khu hoàng thành cũ được xây dựng từ đời nhà Lê và cho xây một tòa thành mới quy mô nhỏ hẹp hơn nhiều ngay trên vị trí thành cũ…”(tlđd, tr. 10).
Bản đồ Hoàng thành Thăng Long thời Hồng Đức, năm 1490. (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội)
Bản đồ Hoàng thành Thăng Long thời Hồng Đức, năm 1490. (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội)

Trên Tạp chí Xưa và Nay số 80B tháng 10 năm 2000 có bài viết “Dấu ấn Thăng Long Hà Nội (những năm đầu đến giữa thế kỷ XIX) của tác giả Đinh Xuân Lâm, trong bài viết có đoạn:

        “Nhằm mục đích hạ thấp vai trò kinh đô cũ, để làm mất tư cách “quốc đô” lâu đời của Thăng Long, năm 1805 triều Nguyễn ra lệnh phá hủy khu hoàng thành cũ được xây dựng từ đời nhà Lê và cho xây một tòa thành mới quy mô nhỏ hẹp hơn nhiều ngay trên vị trí thành cũ…”(tlđd, tr. 10).

         “Đến năm thứ nhất đời Tự Đức 1848, lại hạ lệnh phá dỡ những vật liệu thuộc cung điện cũ của nhà Hậu Lê ở trong thành, mang hết các đồ chạm trỗ mỹ thuật bằng gỗ và bằng đá về Huế để trang trí các cung điện trong đó, các di tích xây dựng của các triều đại trước, vì vậy mất mác gần hết, chỉ còn sót lại đôi rồng đá trước thềm điện Kính Thiên”(tlđd, tr. 11).

           Tìm hiểu thêm về quá trình hình thành và sự tồn tại của thành Thăng Long trong các trang sử cũ, chúng tôi thấy những nhận định đó rất cần được nghiên cứu thêm. Dưới đây xin phép được trình bày với một vài tư liệu gốc:

           Về sự tồn tại của thành Thăng Long, sách Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ tục biên– Thế tôn Nghị Hoàng đế kỷ cho biết: từ thời nhà Mạc, thành Thăng Long đã được tu sửa, nhưng đến khi nhà Mạc bị diệt thì thành đã bị thiêu hủy vào năm Quang Hưng thứ 15 (1592) . Sách chép:

         “Quan quân thừa thắng đuổi tràn đến tận sông. Phóng lửa đốt cung điện và nhà cửa trong thành, khói lửa kín trời.” (H1 tờ 29a).

                        

                 Ở tờ 29b, sách chép:

           “Ngày đấy, quân Mạc xác chết gối lên nhau, lấp đầy hào rãnh, máu chảy trôi chày. Chém đến hơn mấy nghìn thủ cấp giặc, tướng Mạc bị chết đến mấy chục viên. Khí giới chất như núi. Cung điện, nhà cửa ở kinh thành tiêu điều sạch không.” (H2 Tờ 29b).

           Trong cuốn “A Description of the Kingdom of Tonqueen” (Mô tả Vương Quốc Đàng Ngoài) của Samuel Baron xuất bản khoảng năm 1865, tác giả từng sống ở Bắc Hà, do đó ông  mô tả thành Thăng Long bấy giờ như sau:

          “Ba tầng thành cũ của thành thị và hoàng cung, xem trong đống đổ nát trông vẫn có vẻ đã từng là kết cấu chắc chắn. Triều đình của nhà vua, hoàng tử, tướng lĩnh…, và tòa án được xây ở đây, tôi chỉ có thể nói, nó được xây trên một dải đất rộng, kết cấu chủ yếu bề ngoài làm từ gỗ. Tất cả các nhà khác được dựng từ tre và bùn, không được chắc chắn lắm, vài nhà gạch ngoại trừ cơ sở của người nước ngoài nổi bật. Lạ lùng là, 3 tầng thành cũ của thành thị và hoàng cung, xem trong đống đổ nát trông vẫn có vẻ đã từng là kết cấu chắc chắn với cửa lớn quý tộc, được lát bằng loại đá giống cẩm thạch. Hoàng cung rộng khoảng 6,7 dặm chu vi, cổng, sân, nhà… biểu lộ sự tráng lệ phù hoa cũ của nó.” (Sđd, tr.34).

          Bên cạnh việc mô tả sự tan nát của thành Thăng Long, tác giả cũng đề cập đến phủ chúa:

        “Cung phủ của vị chúa đóng ở Kẻ Chợ, hầu như là ở giữa một thành phố chết. Nó rất rộng, và có tường bao quanh, có hoặc không có dãy nhà nhỏ dành cho tiện nghi của quân đội. Những nhà này có 2 tầng, hầu hết mở rộng để lấy không khí. Các cổng rất lớn và trang nghiêm, tất cả đều bằng gỗ cứng như phần lớn của cung điện.” (Sđd, tr. 36).

                               

                                               Sách “A Description of the Kingdom of Tonqueen”.

             Qua đó, ta có thể hình dung rằng, dưới thời nhà Lê bấy giờ điện Kính Thiên là điện thờ, và triều đình chỉ sử dụng mỗi điện Cần Chính, các điện xung quanh sập hết. Cho đến đời Lê Hiển Tông (174—1787), Hoàng thành ngày càng đổ nát, xuống cấp hơn.

             Sách Tang thương ngẫu lục do Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án biên soạn chép lại những việc từ khoảng cuối Lê trở về trước. Đây là đoạn chép vào năm Cảnh Hưng, Ất Tỵ 1785 :

         “Bấy giờ, việc chầu trong triều đường bỏ bễ từ lâu; nền điện cũ ở núi Nùng bỏ làm điện Kính Thiên, thờ Hiệu Thiên Thượng Đế (giời), Hậu Thổ Địa Kỳ (đất) và phụ phối Đức Thái Tổ Hoàng Đế. Những ngày mồng một và rằm, vua ra coi chầu ở điện Cần Chính. Viện Đãi lậu ở hai bên điện ấy nối nhau sụp đổ, cỏ mọc lên thềm ngập đến đầu gối, cứt ngựa vấy ra bừa bãi...”(H3 sách Tang thương ngẫu lục).

                              

                                                         H3 sách Tang thương ngẫu lục

                       

                                                                  Bìa sách Tang thương ngẫu lục

           Thực tế là, sau khi nhà Mạc bị diệt, Hoàng thành chỉ được sửa trong vòng 1 tháng để đón vua Lê về. Còn cung điện mới xây đều nhằm vào phủ chúa Trịnh. Ngoài ra, thời Lê trung hưng, trong hơn 100 năm, Thăng Long không có cả vòng thành Đại La. Mãi đến thế kỉ XVIII, để chống lại khởi nghĩa nông dân, Chúa Trịnh mới cho xây thành Đại Đô theo nền thành Đại La. Sách Tang thương ngẫu lục cũng cho biết”:

       “Năm Cảnh Hưng 6 (1745 Tháng 7, mùa thu. Sửa đắp, thành bằng đất ở thành Đại Đô. …Trịnh Doanh bèn hạ lệnh: Xem xét địa thế trong kinh kỳ, liệu lượng công trình đắp đất, số dân phu phải làm; rồi bắt dân các huyện chung quanh kinh kỳ góp sức sửa đắp. Khi đắp xong, mở tám cửa, mỗi cửa đặt hai ô tả và hữu, phân phối binh lính canh giữ để phòng bị lúc yên ổn, lúc nguy cấp.“(H4 Tang thương ngẫu lục).

                                     

                                                        H4 sách Tang thương ngẫu lục

           Đến giai đoạn Tây Sơn lấy danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh, và sau khi chiếm lĩnh Bắc Hà, nhà Tây Sơn cũng đã tu bổ lại. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục Chính Biên quyển 40 chép:

         “… Xét thành Thăng Long vốn là kinh đô cựu triều, lâu năm nghiêng núng, khi nhà Tây Sơn chiếm giữ, theo nền cũ đắp thành vòng từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng…”(H5 sách Khâm Định…, phần khung đỏ).

                                     

                                            H5 sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

          Điều đó có nghĩa là 2 vòng thành cũ đến đây có thể chỉ còn lại… 2 cái cửa, và nhà Tây Sơn chỉ đắp lại có nửa thành mà thôi. Cho nên đến thời Gia Long (1802-1820), nhà vua vẫn tiếp tục tu sửa lại: “Sau khi Quang Toản bị bắt đến đấy mới đắp lại, chu vị 1295 trượng, cao 1 trượng 3 thước 2 tấc.” (H5 sách Khâm Định…, phần khung cam).

            Sau khi thống nhất đất nước, năm Quý Hợi (1803), Hoàng thành Thăng Long được tiếp tục sửa sang lại, đồng thời cho đổi tên: Thăng Long (升龍 : rồng bay lên) đổi thành Thăng Long (升 隆 : thịnh vượng). Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 24, chép:

           “Vào năm Bính Tý (1816), vua Gia Long cho sửa hành cung Bắc Thành và làm lại điện Kính Thiên. Năm 1819, khi tu sửa thành Thăng Long, vua Gia Long cho tu sửa thành Thăng Long, sai 5.300 người ở Ngũ quân và Tượng quân ở Bắc Thành sung vào làm việc, miễn cho năm nay không phải về Kinh, hưởng tiền 35.000 quan, gạo 35.000 phương. Đến triều vua Minh Mạng, vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Vua cho đặt tỉnh Hà Nội có 4 phủ, 14 huyện: phủ Hoài Đức lĩnh hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận; phủ Ứng Hòa lĩnh 4 huyện: Sơn Minh, Hoài An, Chương Đức, Thanh Oai; phủ Lý Nhân lĩnh 5 huyện: Bình Lục, Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Nam Xương; phủ Thường Tín lĩnh 3 huyện Thượng Phúc, Thanh Trì, phú Xuyên. Năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng cho thay đổi kiến trúc thành tỉnh Hà Nội. Thành tỉnh Hà Nội ở huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, chu vi 1385 trượng 4 thước 2 tấc, cao 1 trượng, 2 thước, 2 tấc, xây bằng gạch đá, 5 cửa, một kỳ đài; hào rộng 9 trượng 5 thước; nguyên trước là thành Thăng Long, đắp năm Gia Long thứ 4, năm Minh Mạng thứ 16 chuẩn y lời đề nghị đổi là thành tỉnh Hà Nội nguyên cao 1 trượng 3 thước, giảm làm 1 trượng 2 thước 2 tấc”.

                    

         Mộc bản sách ĐNTL chép việc vua Gia Long cho xây dựng thành Thăng Long, năm Quý Hợi (1803) ( Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV).

         Sự việc vua Minh Mạng đã bớt đi chiều cao của thành cũng được cụ Nguyễn Văn Siêu chép trong sách Phương Đình Dư Địa Chí :

        “Lại thấy thành (Thăng Long) cũ không đúng khuôn phép, đắp lại. Xét thành Thăng Long vốn là đô cũ của các triều, lâu năm nghiêng núng, khi nhà Tây Sơn chiếm giữ, nhân nền cũ đắp thành vòng từ của Đông Hoa đến của Đại Hưng mới đặt quan trấn giữ. Năm Tân Dậu quân nhà Nguyễn tiến lấy kinh Phú Xuân, Nguyễn Quang Toản bỏ thành chạy ra Thăng Long, năm sau bị bắt, đến đây mới đắp lại, chu vi 1 295 trượng, cao 1 trượng 3 thước 2 tấc. Năm 16 niên hiệu Minh Mạng, bớt đi 1 thước 8 tấc, trong thành xây dựng Hành cung”. ( Phương Đình…, sđd, tr. 365).

         Qua đó ta thấy nhà Nguyễn tự xây thành cao, rồi tự bớt chiều cao thành, chớ không phải hạ thấp thành có từ  nhà Lê để thấp hơn thành Huế.

            Sau đó, lại nhân việc tiếp sứ Bắc, nhà vua đã lệnh cho xây thêm. Sách Đại Nam thực lục Đệ Nhất kỷ quyển 19 chép:

           “Vua cho sự thể bang giao là một việc quan trọng, hạ lệnh cho quan Bắc Thành noi theo việc cũ của triều Lê, xây thêm điện vũ (Đặt điện Cần chánh ở bên trong năm cửa trước điện Kính Thiên, ngoài cửa điện Cần chánh dựng một cái rạp dài, đằng trước đặt cửa Chu Tước) và nhà tiếp sứ ở bên sông”. (H 6)

                        

                                                                 H6 Sách Đại Nam thực lục

            Qua đó ta thấy, giai đoạn sau khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn và thu phục thành Thăng Long, hầu như thành đã chẳng còn gì nữa. Mặc khác, nhà Nguyễn đã tu bổ thành ấy qua nhiều triều vua, cũng như bổ sung thêm các điện đài. Sách Đại Nam nhất thống chí soạn thời Tự Đức chép:

          “Bản triều đầu đời Gia Long lấy làm lị sở Bắc Thành… Năm thứ 4, sai quan đốc sức việc xây đắp, trong thành dựng kỳ đài và hành cung với 2 điện chính, một tả vu, một hữu vu; mặt sau dựng 3 tòa nội điện, sau điện dựng lầu Tinh Bắc, quanh nội điện đều xây tường gạch; lại đằng trước chính điện xây đường ống bằng đá thẳng đến Đoan Môn, có biển khắc bằng đá hai chữ “Đoan Môn”, đây là di tích từ đời Lý; ngoài cửa dựng đài bia, xây kỳ đài, quy mô rộng lớn.”(ĐNNTC tập 3, sđd, tr. 291-202).

             Dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847), sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 14 đã ghi chép vào năm Tân Sửu 1841, nhà vua đã cho “Dựng hành cung ở Hà Nội và quán sứ ở Bắc Ninh và Lạng Sơn. Hành cung ở Hà Nội: trước điện Kính Thiên dựng điện Thị Triều, điện Cần Chính, đều lợp ngói. Ngoài cửa Ngũ Môn làm nhà rạp dài liền nhau, đằng trước là cửa Chu Tước. Bờ phía nam sông Nhị, làm nhà Công quán, lợp ngói; bờ phía bắc, từ nhà quán sứ ở Gia Thuỵ đến các trạm tiếp đón sứ  thần ở Lạng Sơn gồm 7 sở, chỗ nào cũng làm một cái nhà lợp ngói ở chính giữa. Còn các toà nhà ở trước sau và hai bên tả hữu chỗ hành Cung và quán sứ thì đều dùng gỗ tạp, lợp cỏ tranh”.(ĐNTL T6, sđd, tr. 141); và tháng Chạp năm đó đã “Cho đổi tên điện Kính Thiên ở Hà Nội làm điện Long Thiên”. (ĐNTL T6, sđd, tr. 276).       

         Trong suốt thời gian trị vì của vua Tự Đức (1847-1883), tra cứu trong sách Sử Quốc Triều chính biên toát yếu, chúng tôi không thấy ghi chép gì về việc nhà vua hạ lệnh phá dỡ thành Thăng Long cả.

        Tóm lại, qua những tư liệu đó ta thấy việc cho rằng “triều Nguyễn ra lệnh phá hủy khu hoàng thành cũ được xây dựng từ đời nhà Lê” và vào năm 1848, tức ngay sau khi lên ngôi, vua Tự Đức đã “hạ lệnh phá dỡ những vật liệu thuộc cung điện cũ của nhà Hậu Lê ở trong thành, mang hết các đồ chạm trỗ mỹ thuật bằng gỗ và bằng đá về Huế…” như tác giả Đinh Xuân Lâm đã viết ở trên rất cần được nghiên cứu và chứng minh thêm.

 ******

Tài liệu tham khảo:

– Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ tục biên, Nxb Văn Hóa TT, 2011.

– Mô tả xứ Đàng Ngoài, Samuel Baron, Hoàng Tuấn Anh dịch, Nxb KHXN, 2019.

 -Đại Nam thực lục (T1-T6), Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Nxb Giáo Dục, 2007.

– Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục T2, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Nxb Giáo Dục, 2007.

– Phương Đình Dư Địa Chí, Nguyễn Văn Siêu, Ngô Mạnh Nghinh dịch, Nxb VHTT, 2001.

– Đại Nam Nhất Thống Chí T3, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 2006.

– Tạp chí Xưa & Nay số 80b, tháng 10/2000.

Tác giả bài viết: Tôn Thất Thọ

Nguồn tin: nghiencuulichsu.com

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Xin mời quý bà con cộng đồng cùng chia sẻ và kết nối thông tin với ban biên tập cổng thông tin họ Nguyễn Việt Nam.
Email: info@honguyenvietnam.org

Điện thoại: 0907097567
Zalo Group: https://zalo.me/g/ggupcf777
Facebook Groups: https://www.facebook.com/groups/congdonghonguyen
Fanpage: https://www.facebook.com/honguyenvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay14,438
  • Tháng hiện tại50,054
  • Tổng lượt truy cập14,170,417
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây