Ngay sau đó ông trở lại Pháp tiếp tục con đường học tập, mọi công việc của triều đình được giao cho Hội Đồng Phụ chính do Tôn Thất Hân đứng đầu dưới sự giám sát của người Pháp.
Sau 10 năm học tập ở Pháp, ngày 16.8.1932, vua Bảo Đại về nước chính thức nắm quyền chấp chính (1932 – 1945). Với hoài bão của một người trẻ tuổi tiến bộ, khát khao mang những điều mới mẻ từ phương Tây để canh tân đất nước, tuy nhiên lên ngôi trong bối cảnh đất nước bị rơi vào vòng đô hộ, bản thân nhà vua lại không dám phản kháng mạnh mẽ như lời ông bộc bạch: “Tôi nghĩ rằng không nên mạnh tay quá, nếu không muốn bị chịu chung số phận của mấy vị tiên đế hẩm hiu trước”1, có lẽ chính vì vậy mặc dù thật sự mong muốn làm điều gì đó cho dân, cho nước, cho triều đại nên thành quả các chương trình cải cách của vua Bảo Đại không để lại dấu ấn sâu đậm, thậm chí thất bại song trên phương diện nào đó không thể không nhắc đến ông với những dấu ấn trong 13 năm chấp chính.
* Ông vua trẻ và những dự định cải cách
Sau khi về nước ngày 10.9.1932 vua Bảo Đại ban bố đạo Dụ số 1 tuyên cáo tự mình chấp chính, tuyên bố cải cách về quan trường, cải cách pháp luật, tổ chức tư pháp, giáo dục đồng thời hủy bỏ quy ước ngày 06.11.1925 và chấm dứt vai trò của Hội đồng Phụ chính.
Để thực hiện các dự định cải cách vua Bảo Đại bổ nhiệm năm vị thượng thư mới, gồm: Ngô Đình Diệm thay thế Nguyễn Hữu Bài làm Thượng thư bộ Lại, Bùi Bằng Đoàn thay thế Tôn Thất Đàn làm Thượng thư bộ Hình, Thái Văn Toản thay thế Vương Tứ Đại làm Thượng thư bộ Công, Hồ Đắc Khải làm Thượng thư bộ Hộ, Phạm Quỳnh làm Thượng thư bộ Giáo dục kiêm Tổng lý Ngự tiền văn phòng.
Đồng thời một ban cải cách cũng được lập ra do Phạm Quỳnh làm Chủ tịch và Ngô Đình Diệm làm Thư ký. Ngô Đình Diệm được giao thảo và đệ trình một chương trình cải cách về hành chính, quan trường, giáo dục.
Ngoài ra, vua Bảo Đại cũng cho thay đổi một số nghi thức như: bỏ lệ quỳ lạy của các quan tại các buổi thiết triều; trả tự do cho các phi tần của tiên đế, ai muốn ở lại phụng thờ tiên đế Khải Định thì vẫn có quyền ở lại nơi cũ và được trợ cấp hàng tháng cho đến chết; xóa bỏ những lễ tiết cổ hủ xa hoa, giảm bớt các vật dụng bày biện rườm rà trong Hoàng cung… Hà Thành ngọ báo – một tờ báo đương thời – đã đưa tin về những cải cách của vua Bảo Đại như sau: “Đức Bảo Đại ôm những tư tưởng mới bên Thái-tây về, từ những việc nhỏ cho tới việc lớn đã thay đổi nhiều, ngày nào cũng để riêng vài giờ đọc qua các tờ báo Pháp, Nam… Khi hoàng thượng ngự thiện (ăn cơm) không để cho thị vệ đứng cầm quạt lông quạt lâu, mà dùng quạt điện, không cho thị vệ dâng tăm, nước đến bàn ăn, như những cách chầu các đấng Tiên đế. Hoàng Thượng ngự thiện xong, tự lại rửa mặt. Những sự ấy tuy thường nhưng rất có ý nghĩa. Ngài đã tỏ ra một vị đế vương biết quý thời giờ, biết sinh hoạt một cách giản dị”.2
Kỳ vọng của vua Bảo Đại khi tiến hành cải cách là nhằm thanh lọc và củng cố đội ngũ quan lại, đồng thời đáp ứng đòi hỏi bức thiết của các tầng lớp nhân dân về giáo dục, qua đó cứu vãn uy tín chính trị và xốc lại triều đình Huế vốn đã bị bù nhìn hóa và tàn tạ, rệu rã đến gốc rễ.
Tuy nhiên, chương trình cải cách vấp phải sự phá hoại của chính quyền thực dân Pháp. Một mặt họ giả bộ ủng hộ cuộc cải cách bằng những lời hoa mỹ: đem những cái mãnh lực của sự dĩ vãng điều hòa với sự tiến bộ mới mà dùng vào việc cải tạo. Mặt khác lại dựa vào các phần tử bảo thủ, lạc hậu, chống đối ngấm ngầm mọi cố gắng về cải cách; đối xử bất công giữa công chức người Pháp và công chức người Việt khiến cho công chức người Việt không mặn mà với công việc chuyên môn. Ngoài ra giữa Ngô Đình Diệm và Phạm Quỳnh không tìm được tiếng nói chung, dẫn tới việc Ngô Đình Diệm xin từ chức. Chương trình cải cách của vua Bảo Đại hoàn toàn thất bại. Quá tin vào người Pháp khiến ông đã phải chua chát nhận ra: “Đối với dân tộc tôi, tôi không được quyền nhầm lẫn như thế nữa. Đành lại đợi”. Từ đó đến ngày Nhật đảo chính Pháp, vua Bảo Đại tỏ ra thờ ơ, lơ là với triều chính. Tuy nhiên một số chính sách mới, chưa từng có tiền lệ vẫn được ông ban hành như:
Năm 1938, theo đề nghị của bộ Lễ và bộ Công, vua Bảo Đại cho phép mở cửa Đại Nội trong cả năm, trừ ba ngày Tết để du khách có thể vào tham quan, chiêm ngưỡng các công trình trong Hoàng Thành như: Ngọ Môn, Thái Hòa Điện, Cần Chánh Điện, Thế Miếu, Cửu đỉnh; cho phép sử dụng công văn, châu bản, bản đồ, tranh ảnh, thư họa và các tài liệu, hiện vật tại Càn Thành Điện và Nội Các để trưng bày triển lãm. Đây là lần đầu tiên các văn thư quan trọng của triều đình như châu bản, bản đồ trước đây quản lý rất nghiêm mật được đưa ra trưng bày rộng rãi.3
Năm 1941, vua Bảo Đại chuẩn y bản tấu của Bộ Kinh tế Nam triều về việc lấy ngày 1 tháng 5 là ngày lễ Lao động. Trong ngày này, người lao động được nghỉ và không bị trừ lương. Đây là lần đầu tiên áp dụng quyền lợi ngày nghỉ lễ Lao động đối với người dân Việt Nam; cấm sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ làm việc tại các ngành nghề độc hại nguy hiểm; bắt buộc các công trường lao động phải có phương tiện cứu hộ và nhân viên y tế chuyên trách.4
Năm 1943, với sự tham vấn của ông Ngô Đình Nhu, ngày 11.8.1943, vua Bảo Đại đã ban hành Dụ thành lập Cơ quan Lưu trữ và Thư viện thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Nam triều. Đây là cơ quan đầu tiên của triều Nguyễn quản lý thống nhất cả văn thư và thư tịch của triều đình gồm: tài liệu lưu trữ và sử liệu của Quốc Sử Quán; tài liệu lưu trữ của Nội Các; tài liệu lưu trữ tại Tàng Thư Lâu; tài liệu lưu trữ của Cơ Mật Viện; tài liệu lưu trữ của các bộ, cơ quan ở kinh đô và các tỉnh; Thư viện Bảo Đại. Đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng, tiền đề cho việc thành lập cơ quan lưu trữ nhà nước Việt Nam sau này.5
Ngoài ra, ngày 06.6.1884, triều Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Giáp Thân (hay còn gọi là Hiệp ước Patenôtre), theo đó Pháp sẽ đại diện quyền lợi của Đại Nam trong quan hệ đối ngoại và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Đại Nam, trong đó có vấn đề thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Dưới triều Bảo Đại, nhà vua đã phối hợp với người Pháp tiến hành các biện pháp thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo trên. Cụ thể:
Ngày 30.3.1938, vua Bảo Đại đã ký đạo Dụ số 10, tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam-Ngãi, cho “tháp nhập các cù lao Hoàng sa vào địa phận tỉnh Thừa–Thiên”.6 Ngoài ra vua còn cử một toán lính người Việt ra trấn đóng các đảo ở Hoàng Sa, phối hợp với lực lượng người Pháp để quản lý quần đảo này.
Ngày 03.02.1938 (tức ngày 15 tháng Chạp năm Bảo Đại thứ 13), vua ban thưởng huy chương “ngũ hạng Long tinh” của triều Nguyễn cho ông Louis Fontan người vừa qua đời do nhiễm phải bệnh sốt nguy hiểm trong thời gian công tác ở Hoàng Sa theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil.7 Tiếp đó ngày 15.2.1939 (tức ngày 27 tháng Chạp năm Bảo Đại thứ 13) lại ban thưởng huy chương “ngũ hạng Long tinh” cho ngạch lính khố xanh ở Trung Kỳ do họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn cao nguyên và lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa.8 Như vậy theo nội dung của của tờ Dụ năm 1938 và hai châu bản năm 1939 đã chứng tỏ giai đoạn này dù triều đình nhà Nguyễn đang phụ thuộc vào sự bảo hộ của Pháp nhưng vua Bảo Đại vẫn rất quan tâm đến việc thực thi chủ quyền và phòng thủ ở Hoàng Sa. Những tài liệu quý giá trên đã khẳng định chủ quyền liên tục của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
* Vua Bảo Đại sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09.3.1945)
Theo cách nói của người Pháp: “Bảo Đại hào hoa lịch lãm và sành điệu, ông săn bắn giỏi, lái xe cừ, điều khiển cả máy bay, khiêu vũ, đánh gôn, chơi quần vợt cái gì cũng tuyệt, chỉ có điều ông không biết làm vua”.9 Nhưng có lẽ đó chưa phải là tất cả vì ngoài ra ông cũng còn là một nhà chính trị “thận trọng và tính toán”.10
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đại diện ngoại giao của Nhật là Yokoyama đã đến gặp Bảo Đại và đề nghị ông tuyên bố độc lập và sớm lập chính phủ để “hợp tác” với Nhật Bản. Theo gợi ý của Yokoyama ngày 11.3.1945, Bảo Đại tuyên bố độc lập của Việt Nam; xóa bỏ Hiệp ước Giáp Thân (1884) và các hiệp ước khác đã ký với Pháp; và sẵn sàng hợp tác với Đế chế Nhật Bản để cùng xây dựng khối Đại Đông Á thịnh vượng chung. Tiếp đó, ngày 17.3.1945, vua Bảo Đại ra đạo Dụ “dân vi quý” với bốn nội dung chính:
Đồng thời gửi điện báo mời một số nhân sĩ mà ông tin tưởng về Huế để thành lập chính phủ mới. Việc ban hành đạo Dụ “dân vi quý” được xem là một chuyển biến tích cực đáng kể của nhà vua. Có lẽ lúc đó cũng giống như hồi mới về nước năm 1932, vua Bảo Đại thật sự muốn làm một ông vua có thực quyền, thực lòng muốn làm một số việc có lợi đối với bản thân nhà vua, với Nam triều và với dân với nước.
Thành viên tham gia chính phủ mới theo mong muốn của vua Bảo Đại có Ngô Đình Diệm và một số người khác, nhưng với sự toan tính của người Nhật, họ đã để Trần Trọng Kim thay thế vị trí của Ngô Đình Diệm. Mặc dù vậy với lập luận cho rằng: “Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải là độc lập hẳn nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất có hại cho nước ta”11, nên ngày 17.4.1945, vua Bảo Đại vẫn phê duyệt bản danh sách thành viên nội các Trần Trọng Kim với 11 người (tuy nhiên chỉ có 10 người tham gia, vì kỹ sư Lưu Văn Lang có điện gửi khước từ tham gia nội các). Lập luận và tính toán đó của vua Bảo Đại được đánh giá là “sáng suốt và khôn ngoan”12, vì trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ “việc nội các ra đời, là ít nhiều đáp ứng đòi hỏi khách quan, đặc biệt kịp lấp vào khoảng trống chính trị sau cuộc đảo chính Nhật – Pháp”.13
Ngày 08.5.1945, lễ ra mắt chính thức của Nội các Trần Trọng Kim được tổ chức tại dinh Tổng trưởng nội các. Buổi lễ đã thông qua bản Tuyên chiếu của hoàng đế Bảo Đại với nội các, và sau đó là bản tuyên cáo của nội các với quốc dân. Trong bản tuyên chiếu, hoàng đế Bảo Đại đã nhắn nhủ nội các “Điều quan cần nhất là phải gây sự đồng tâm hợp lực trong toàn thể quốc dân, phải đoàn kết chặt chẽ các giai tầng xã hội, và luôn giữ một mối liên lạc mật thiết giữa chính phủ và nhân dân”.14
Từ ngày 08.5.1945 đến khi thoái vị vua Bảo Đại với sự tư vấn của Nội các Trần Trọng Kim đã quyết định ban hành một số đạo dụ, công bố một số chính sách đáng được ghi nhận như: ban hành một số đạo dụ góp phần cổ vũ tinh thần dân tộc; đạo dụ về phong trào thanh niên; đạo dụ về giáo dục… Cụ thể:
Tháng 6.1945, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, tên các đường phố, công viên tại các thành phố, thị xã tỉnh lỵ trước đây đều do Toàn quyền dùng tên người Pháp đặt, xét thấy đến lúc không hợp thời nữa. Vì vậy vua Bảo Đại quyết định giao cho Thủ hiến, Đốc lý các tỉnh, thành phố lựa chọn tên các danh nhân người Việt để thay thế, khuyến khích địa phương nào chọn tên danh nhân người địa phương đó.15 Trong đó, đáng chú ý nhất là việc lấy tên vua Quang Trung đặt tên cho một con phố lớn tại Huế – kinh đô của triều Nguyễn, thay cho tên người Pháp trước đó.16
Tiếp đó, ngày 07.6.1945, vua Bảo Đại ban đạo Dụ số 47 về việc xây dựng tượng đài kỷ niệm những người đã hy sinh vì nước trong thời kỳ Pháp thuộc tại Huế và các tỉnh17; địa giới chia Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ trong thời kỳ Pháp thuộc bị xóa bỏ, thay vào đó là Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ…
Về giáo dục: Ngày 03.6.1945, vua Bảo Đại ra Tuyên chiếu về tinh thần cải cách nền học vấn quốc gia, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục đối với vận mệnh quốc gia. Tiếp đó, đầu tháng 7.1945, Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đã chắp bút để Nội các đệ trình Hoàng đế Bảo Đại ban hành một đạo dụ về cải cách giáo dục theo hướng dân tộc và hiện đại hóa. Cũng trong đầu tháng 7.1945, vua Bảo Đại đã ra đạo Dụ số 71 thành lập Ủy ban Cải cách giáo dục gồm 18 thành viên. Đến ngày 30.7.1945, vua Bảo Đại ban Dụ số 67 quy định việc dạy chữ quốc ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam kể từ bấy giờ.
Ngày 16.5.1945, vua Bảo Đại ban Đạo sắc về tổ chức phong trào thanh niên. Theo đó, ở Huế một hội đồng cố vấn thanh niên đã được thành lập, giúp việc cho bộ Thanh niên do Hoàng Đạo Thúy làm Chủ tịch; Trần Duy Hưng làm phó Chủ tịch kiêm phụ trách Bắc chi bộ và Tạ Quang Bửu làm phó Chủ tịch, phụ trách Nam chi bộ. Tiếp đó tại các tỉnh ở Bắc Kỳ đều có ủy ban vận động thanh niên.
Đích thân Bộ trưởng bộ Thanh niên Phan Anh và Hoàng Đạo Thúy đã đi diễn thuyết khắp các tỉnh và thành phố hô hào, kêu gọi thanh niên tham gia vào phong trào thanh niên xã hội, sẵn sàng đứng lên phụng sự tổ quốc. Về sau khi Nội các Trần Trọng Kim ngày càng tỏ ra bất lực, ảnh hưởng của mặt trận Việt Minh ngày càng lớn mạnh thì chính đội ngũ thanh niên yêu nước này từ thủ lĩnh cho tới đội viên kể cả Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Hoàng Đạo Thúy đã gia nhập vào đội ngũ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, đóng góp đáng kể vào cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Cố vấn Vĩnh Thụy ngồi hàng ghế đầu thứ hai từ phải sang tại Lễ mít tinh vận động cứu đói tổ chức trước Nhà Hát Lớn, ngày 11/10/1945. (ảnh tư liệu)
* “Trẫm ưng làm dân của một nước độc lập hơn là vua của nước nô lệ”
Bước sang tháng 8.1945, chiến tranh thế giới thứ II đi đến hồi kết thúc, quân Đồng minh tấn công như vũ bão, dồn quân Nhật đến đường cùng. Trong hai ngày 06.8 và 09.8 Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật là Hiroshima và Nagasaki. Cùng lúc đó, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Ở trong nước phong trào cách mạng dâng lên khắp các vùng miền, từ thành thành thị tới nông thôn, nhất là phong trào cách mạng do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo. Cũng trong thời gian này thực dân Pháp âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta.
Tình hình trên đặt ra cho vua Bảo Đại và nội các Trần Trọng Kim những thử thách hết sức gay go. Tin tức bất lợi tiếp tục đến với vua: một số thành viên nội các tự nguyện rút lui; ngày 05.8.1945, nội các Trần Trọng Kim chính thức đệ đơn xin vua Bảo Đại cho từ chức và được chuẩn y một ngày sau đó. Trong lúc chưa lập được chính phủ mới, nhà vua yêu cầu Trần Trọng Kim và những người còn lại của nội các cũ tạm thời lập một nội các lâm thời để điều hành công việc.
Tuy nhiên ngày 14.8.1945, Nhật hoàng chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Chớp thời cơ từ ngày 14 đến ngày 28.8, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào với tinh thần đem sức ta mà giải phóng cho ta, đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn. Vua Bảo Đại lúc này thay vì chống đối lực lượng cách mạng thì “ông đã lựa chọn đứng về phía nhân dân, về phía dân tộc”.18
Tại cuộc họp khẩn cấp của Nội các lâm thời ngày 17.8.1945 do đích thân nhà vua chủ tọa, ông đã ký một số bức thông điệp gửi nguyên thủ các nước Đồng minh, yêu cầu họ công nhận nền độc lập của Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là bức thông điệp gửi cho tướng de Gaulle (lúc đó đang ở Washington D.C., Hoa Kỳ) cùng các nhà ngoại giao và tướng lĩnh Pháp ở Viễn Đông. Nội dung của bức thông điệp có đoạn như sau:
“Ngài đã trải qua quá nhiều đau khổ trong bốn năm kinh hoàng, không thể không hiểu được rằng dân tộc Việt Nam đã có hai ngàn năm lịch sử và một quá khứ nhiều lúc vinh quang, không muốn, không thể nào chịu đựng nổi sự thống trị hoặc bất cứ sự cai trị của một ngoại bang nào nữa.
Chắc chắn ngài sẽ hiểu hơn nếu như Ngài được trông thấy ở đất nước chúng tôi chuyện gì đang xẩy ra, nếu Ngài cảm nhận được ý chí độc lập ấp ủ trong con tim của mọi người dân mà không một sức mạnh trần thế nào ghìm lại được. Dù cả khi Ngài có tái lập được ở đây một nền thống trị của Pháp đi chăng nữa thì nó cũng chẳng được một ai tuân phục: mỗi thôn xóm sẽ là một ổ kháng cự, mỗi người cộng tác viên cũ của Pháp sẽ trở thành một kẻ thù; và tất cả các viên chức và các nhà thực dân của Ngài cũng sẽ tự nguyện xin được thoát ra khỏi không khí nghẹt thở đó.
Tôi yêu cầu Ngài hiểu rõ rằng: Phương sách duy nhất để gìn giữ lấy quyền lợi và ảnh hưởng tinh thần của nước Pháp ở Đông Dương là thẳng thắn công nhận nền độc của Việt Nam và từ bỏ mọi ý đồ khôi phục chủ quyền hay bất cứ một hình thức cai trị nào của người Pháp”.19
Thông điệp trên có giá trị như lời cảnh báo nghiêm khắc trước âm mưu tái chiếm, tái lập chế độ thực dân ở Việt Nam, phản ánh đúng ý chí quyết tử để bảo vệ quyền sống trong độc lập, tự do của nhân dân ta lúc đó.
Cũng trong ngày 17.8, vua Bảo Đại còn ký ban hành đạo Dụ số 105 và một tờ Chiếu quan trọng. Dụ khẳng định:
Trong tờ Chiếu nhà vua tuyên bố có đoạn viết: “Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phương diện. Trẫm để hạnh phúc của nhân dân trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân của một nước độc lập hơn làm vua của một nước nô lệ”.20
Ngày 20.8, vua Bảo Đại quyết định tự nguyện thoái vị, trả lại chính quyền cho nhân dân. Ngày 22/8, một sĩ quan Nhật đến gặp Bảo Đại, tuyên bố sẵn sàng bảo vệ an ninh cho nhà vua và hoàng tộc nhưng nhà vua đã từ chối: “Tôi không muốn quân đội ngoại bang làm cho đồng bào tôi phải đổ máu”.21
Trưa ngày 23.8.1945, vua Bảo Đại nhận được tối hậu thư của Thành bộ Việt Minh tỉnh Nguyễn Tri Phương (tỉnh Thừa Thiên) yêu cầu nhà vua thoái vị. Ngay lập tức Bảo Đại chính thức ban Chiếu thoái vị. Lời Chiếu có đoạn viết:
“Hạnh phúc của dân Việt Nam! Độc lập của nước Việt Nam! Muốn đạt được mục đích, Trẫm đã tuyên bố: Trẫm sẵn sàng hy sinh hết cả mọi phương diện… mặc dù Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm. Mới gần gũi quốc dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm mong muốn, Trẫm cũng kiên quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho chính phủ dân chủ cộng hòa… Còn về phầm trẫm, sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa”.22
Chiều ngày 30.8.1945, lễ thoái vị của hoàng đế Bảo Đại được chính thức tổ chức tại Ngọ Môn. Phái đoàn của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tổng bộ Việt Minh do Trần Huy Liệu dẫn đầu đã tham dự buổi lễ và tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Đích thân nhà vua đọc chiếu thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời, đánh dấu sự kết thúc của chế độ quân chủ nói chung và vương triều Nguyễn nói riêng trong lịch sử Việt Nam. Ngày hôm sau, vua Bảo Đại (đã trở thành công dân Nguyễn Vĩnh Thụy) nhận được điện của Chính phủ lâm thời mời ông ra Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ, và ông đã đồng ý.
Hành động chính thức bàn giao quyền lực cho chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa của vua Bảo Đại, đã góp phần làm cho cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc thêm trọn vẹn, nhanh gọn và ít đổ máu, khối đoàn kết dân tộc thêm được củng cố.
Bản thân vua Bảo Đại sau nhiều năm khi được hỏi về việc thoái vị ông đã thẳng thắn trả lời: “Lúc đó chẳng có ai, có lực lượng nào đủ sức làm cho nước Việt Nam độc lập, vinh hiển ngoài lực lượng của ông Hồ, nên hành động của ông lúc đó là thức thời và hợp lẽ phải”.23
Năm 1994, trong một chuyến đi thăm Napoli, trả lời phỏng vấn trên tờ báo Italia Il Mattino, ông đã nhắc lại quan điểm trên và nói rõ hơn rằng: “Chính nền giáo dục phương Tây (mà ông đã theo học từ nhỏ) đã dạy rằng quốc gia không thuộc sở hữu của một dòng họ, một cá nhân nào. Vào thời điểm 1945, ai là người đủ sức giành và giữ độc lập thì ông giao phó, nên việc thoái vị, nhận làm cố vấn cho Chính phủ Hồ Chí Minh lúc đó không bao giờ ông cảm thấy ân hận”.24
Tiếc rằng sau này ông đã không còn đủ bản lĩnh đi tiếp với dân tộc trên các chặng đường gian khổ để bảo vệ quyền sống trong đôc lập, tự do, hạnh phúc, như ông từng tuyên thệ trong Chiếu thoái vị đọc tại Ngọ Môn ngày 30.8.1945.
H.T.T.N.
Chú thích:
1 Bảo Đại, Con rồng Việt Nam (Paris, 1990), 91.
2 Hà Thành ngọ báo, số 1533, ra ngày 08.10.1932.
3, 4, 5, 15 Nguyễn Thu Hoài, “Một số chính sách canh tân thời vua Bảo Đại qua di sản tư liệu châu bản triều Nguyễn”, Tham luận hội thảo Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại, 122-123.
6, 7, 8 Trần Đức Anh Sơn, Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, (TPHCM: Văn hóa Văn nghệ, 2014), 36; 98-99.
9 https://nhandan.vn
10 Aachimdes L.A. Patti, Tại sao Việt Nam? (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2008), 644.
11, 12, 13, 14, 18, 19, 20, 21, 22 Phạm Hồng Tung, Nội các Trần Trọng Kim. Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử. (Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009), 115, 315, 316, 318, 317.
16 Báo Tin Mới, số 1683, ra ngày 01.8.1945
17 Báo Đông Pháp, số 6056, ra ngày 04.7.1945.
23, 24 Nhiều tác giả, Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta, (TPHCM: Hồng Đức, 2016), 278
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thân gửi Toàn thể cộng đồng Họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn chúng ta tự hào là dòng họ có số lượng dân số lớn nhất Việt Nam hiện nay. Họ Nguyễn cũng là dòng họ có nhiều nguồn dân số phân bổ trên nhiều vùng miền nhất của cả nước. Ở đâu trên mảnh đất...