Phủ Diên Khánh Vương và những câu chuyện lịch sử

Thứ bảy - 13/12/2014 22:17
Phủ đệ của ông hoàng Diên Khánh Vương nằm bên dòng sông Hương phủ màu rêu phong thời gian, ẩn giấu nhiều câu chuyện thú vị về một vị hoàng thân sống trải qua bốn triều vua là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức rất được trọng vọng. Đồng thời, nơi đây vẫn còn lưu giữ những dáng vẻ quyền quý, thâm nghiêm của một vương phủ lừng lẫy xưa kia.
Phủ Diên Khánh Vương và những câu chuyện lịch sử

Khi nhắc đến Cố đô Huế, chúng ta thường nghĩ ngay đến những cung điện, lăng tẩm, đền đài, lầu son gác tía vang bóng một thời. Nhưng cùng với đó, có một loại hình kiến trúc mà nhắc đến tên thôi, người ta cũng đã liên tưởng ngay đến Huế: đó chính là phủ đệ của các ông hoàng bà chúa triều Nguyễn. Phủ đệ xứ Huế như những di sản quý báu hàm chứa giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của vùng đất Đế đô nói riêng và cả nước nói chung. Mỗi phủ đệ cổ kính lại thấp thoáng trong đó lối sống, nề nếp gia phong đặc trưng của văn hóa, con người Huế; để mỗi khi bước chân vào cổng ngõ phủ đệ, chúng ta sẽ cảm nhận rõ âm hưởng, vẻ đẹp đậm chất vương giả, đài các, thâm nghiêm của chốn kinh kỳ nhưng lại bình dị, hiền hòa, hữu tình với cảnh quan thiên nhiên rợp bóng cây xanh. Trong hàng chục ngôi phủ đệ còn tồn tại khá nguyên vẹn cho đến hôm nay, phủ Diên Khánh Vương có lẽ là một công trình kiến trúc tiêu biểu, đặc sắc ở miền núi Ngự sông Hương.

Phủ đệ của ông hoàng Diên Khánh Vương nằm bên dòng sông Hương phủ màu rêu phong thời gian, ẩn giấu nhiều câu chuyện thú vị về một vị hoàng thân sống trải qua bốn triều vua là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức rất được trọng vọng. Đồng thời, nơi đây vẫn còn lưu giữ những dáng vẻ quyền quý, thâm nghiêm của một vương phủ lừng lẫy xưa kia.

pha he dien khanh vuong
Sơ đồ phong tước tại phủ Diên Khánh Vương

VỊ HOÀNG TỬ HIẾU THẢO
Hoàng tử Nguyễn Phúc Tấn 阮福晉, tên gọi khác là Thản, sinh ngày 16 tháng 2 năm Kỷ Mùi (tức ngày 21-3-1799) tại thành Gia Định, là con trai thứ 7 của vua Gia Long với Đức từ Chiêu nghi Nguyễn Hữu Thị Điền [1]. Ông có tướng mạo khôi ngô và tính tình hiền hậu [2]. Năm Gia Long thứ 16 (1817), hoàng tử Tấn được triều đình tấn phong làm Diên Khánh Công 延慶公 khi mới 19 tuổi [3]. Tước hiệu này được đặt theo tên phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Ông hoàng Tấn là người em trai rất thân thiết với vua Minh Mạng, vài lần lầm lỡ, vi phạm luật lệ đều được nhà vua bênh vực tha bổng. Điển hình như vụ ông cầm roi đánh Cai đội Lê Văn Hương, vua Minh Mạng phải giải bày với bá quan văn võ đại thần trong triều rằng: “Việc Diên Khánh Công đã làm có trái với phép, các khanh hãy vì trẫm tha thứ cho, từ nay về sau có kẻ nào bắt chước lỗi ấy thì không rộng tha nữa”[4]. Cứ 5 ngày một lần, vua Minh Mạng sai người đến phủ Diên Khánh Công hỏi thăm, khi rỗi việc triều chính thì thỉnh thoảng đến chơi [5]. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhân dịp Đức ông Diên Khánh Công lên thọ 40 tuổi, vua sai hoàng tử Ninh Thuận Công Miên Nghi cùng với Quản thị vệ Võ Văn Giải đem phẩm vật mừng ban cho ông [6]. Đến năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua cho đúc các con thú bằng vàng để ban thưởng cho các hoàng thân và hoàng tử, trong đó hoàng thân Diên Khánh Công được ban cho một con kỳ lân bằng vàng nặng 6 lạng 4 đồng cân [7].

Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), vua xuống dụ miễn cho các thân công Kiến An, Định Viễn, Diên Khánh, Điện Bàn, Thường Tín, An Khánh và Từ Sơn, đều là hoàng thúc của vua, khỏi phải lạy vào ngày thường chầu, trừ khi triều hội và các điển lễ lớn [8]. Sang năm 1842, Đức ông Diên Khánh Công theo hầu vua Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, được vua thưởng rất hậu [9]. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), triều đình tổ chức tế trời đất ở đàn Nam Giao. Sau khi lễ Tế Giao hoàn tất, vua Thiệu Trị ban thưởng cho các hoàng thúc, hoàng thân và các quan văn võ kim tiền, ngân tiền theo thứ bậc. Do đó, Diên Khánh Công được vua ban cho một đồng kim tiền lớn hạng nhất có đề chữ “Long vân khế hội” [10].

Dưới triều vua Thiệu Trị, Đức ông Diên Khánh Công luôn một lòng kính cẩn, thường theo hầu vua. Khi vua đau ốm, Đức ông thường hầu hạ sớm đêm, không trễ biếng [11]. Chính vì thế mà vua Thiệu Trị ngày càng thêm quý trọng, căn dặn vua Tự Đức sau này nên hậu đãi ông để báo đáp công khó nhọc. Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà, Diên Khánh Công xin trông coi việc tang. Vì nhận ân sủng đặc biệt nên Diên Khánh Công càng cảm kích, mưu tính báo đền lại. Năm Tự Đức thứ 1 (1848), nhân dịp mừng thọ 50 tuổi của Diên Khánh Công, vua sai hoàng đệ Gia Hưng Công Hồng Hưu cùng Thị vệ đại thần là Lâm Duy Nghĩa đưa phẩm vật ban tặng cho ông. Đến năm 1850, vua Tự Đức xuống dụ thưởng cho Diên Khánh Công một chiếc thuyền bồng để phòng theo hầu. Cũng trong năm đó, vua Tự Đức đặc cách sách phong cho mẹ của Diên Khánh Công là Đức từ Nguyễn Hữu Thị Điền tước vị Chiêu Nghi, có danh phận và địa vị cao quý để làm tròn thành ý của hoàng khảo Thiệu Trị lúc còn tại thế. Việc sách phong cho các phi tần tiền triều đến bậc Chiêu Nghi được xem là khá hiếm hoi dưới triều Nguyễn.

Khi Đức từ cao tuổi già yếu, Đức ông Diên Khánh Công rước mẹ về phủ đệ để thuận tiện việc nuôi dưỡng hầu hạ. Đức ông phụng sự mẹ mình hết mực chí hiếu, người đời không ai chê được. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), Đức ông để tang mẹ và thương xót quá độ. Sau khi tế đàm (tức lễ hết tang) vài tháng, thì Diên Khánh Công ốm nặng, thường nói rằng: “Cả nhà chịu ơn hậu của nước chưa báo đền được một chút nào, một sớm chết đi, nuốt hận lâu mãi mà thôi, không một lời nào nói đến việc nhà cả” [12]. Lúc Đức ông bị ốm nặng, vua Tự Đức đặc biệt cho Ngự y đến phủ đệ xem mạch chữa bệnh, ban cấp các thứ thuốc của vua dùng, ngày nào cũng sai trung sứ đến thăm hỏi và nắm tình hình.

Ngày 23 tháng 6 năm Giáp Dần (tức ngày 17-7-1854), Đức ông Diên Khánh Công qua đời, hưởng thọ 56 tuổi. Vua Tự Đức nghe tin rất thương tiếc, nghỉ coi chầu 4 ngày, truy tặng cho Đức ông tước vị Diên Khánh Vương 延慶王, ban thụy là Cung Chính 恭正. Việc tổ chức tang lễ và xây dựng viên tẩm của Đức ông [13] do triều đình theo lệ cấp tiền để làm, lại cấp thêm cho 4.000 quan tiền. Vua Tự Đức có làm bài thơ để viếng, đồng thời sai quan ở Quốc Sử Quán soạn bài văn khắc lên tấm bia đá, đem dựng ở viên tẩm của Đức ông Diên Khánh Vương, trong đó nội dung về hành trạng của Đức ông được khắc ở mặt sau bia, còn mặt trước bia thì khắc các lời dụ và thơ ngự chế những lần ban cho để lưu danh muôn thuở. Đến ngày an táng, nhà vua sai Ninh Thuận Công Miên Nghi ban trà rượu và cho quan đến tế 1 đàn [14]. Đến năm Tự Đức thứ 15 (1862), triều đình lại ban cấp 10 mẫu tự điền (trong đó có 2 mẫu 5 sào tại làng Vân Thê, 5 mẫu tại làng Công Lương, 2 mẫu 5 sào tại làng Xuân Hòa) để làm hương hỏa và thu hoa lợi lo việc tế tự hàng năm.
 

12
Bình phong trang trí hình tượng Long mã

2. NHÀ SOẠN TUỒNG KIỆT XUẤT
Tuồng (hát bội) là một loại hình nghệ thuật sân khấu phát triển cực thịnh dưới triều Nguyễn (1802-1945) và trở thành nét văn hóa không thể thiếu ở vùng đất Cố đô. Trong suốt giai đoạn trị vì của vua Tự Đức, hàng trăm vở tuồng đã được sáng tác, hàng trăm đào, kép giỏi quy tụ về Kinh đô Huế để trổ tài diễn xuất. Nhà vua đã cùng với các danh nho, quan lại trong triều và các hoàng thân quốc thích tiến hành biên soạn, chỉnh lý nhiều vở tuồng hát. Sinh thời, Đức ông Diên Khánh Vương cũng say sưa với nghệ thuật tuồng và rất trọng các đào, kép giỏi. Đức ông đã lập một gánh hát chuyên nghiệp, đồng thời thiết lập hẳn một nơi diễn tuồng riêng tại phủ đệ, qua đó trở thành cái nôi đào tạo ra nhiều lớp diễn viên có tài năng, ngày đêm luyện tập. Chính niềm đam mê tuồng hát quá đà của hoàng thân Diên Khánh đã dẫn đến hành động vi phạm luật pháp. Đó là sự việc xảy ra vào năm 1825, Đức ông Diên Khánh sai thuộc binh tại phủ đệ đi Bình Định tìm bắt con hát về phủ diễn tuồng nhưng bắt càn cả dân thường. Việc làm không hay này đã bị triều đình phát giác và vua Minh Mạng đã phạt ông 1 năm bổng [15].

Ngoài giờ làm việc, Đức ông Diên Khánh Vương còn dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tuồng tích, vũ đạo về tuồng hát. Sau đó, Đức ông đã chấp bút biên soạn bộ tuồng Quần phương tập khánh, Lý phụng đình, đồng thời tham gia biên soạn vở trường thiên Vạn bửu trình tường. Đây là một bộ tuồng được coi là di sản quý của hát bội nước ta, với 108 hồi, tác phẩm nặng về tư tưởng tôn quân, lấy trung hiếu, tiết nghĩa làm đạo lý. Với công trình đồ sộ này, “các tác giả đã thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện. Giá trị của nó là sự sáng tạo phong phú các tình tiết gay cấn liên kết nhau trong một vở trường thiên mà Diên Khánh Vương là người mở đầu, có công sáng tác lớn, vạch đường, dẫn lối” [15a]. Trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam, Đức ông Diên Khánh Vương là hiện tượng khá đặc biệt, một thành viên thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn, đồng thời là một nghệ sĩ tài năng của thế kỷ XIX.
 

grab1702042750PDKV 4 copy
Hoành phi đề chữ “Diên Khánh Vương từ”
 

3. NHỮNG HẬU DUỆ DANH TIẾNG
Hoàng thân Diên Khánh Vương khai mở ra phòng 7 thuộc Đệ Nhất chánh hệ và được ngự ban bài Phiên hệ thi để làm chữ lót đặt tên cho con cháu.
“Diên Hội Phong Hanh Hợp 延會豐亨合
Trùng Phùng Tuấn Lãng Nghi 重逢雋朗宜
Hậu Lưu Thành Tú Diệu 厚留成秀妙
Diễn Khánh Thích Phương Huy 衍慶適芳徽” [16].

Đức ông Diên Khánh Vương có 20 con trai và 28 con gái. Dưới đây, chúng tôi xin trình sơ lược vài nét về hành trạng một số hậu duệ của Đức ông được phong tước và bổ nhiệm làm quan trong triều.

Công tử Diên Vực 延域 (1822-1853) là con trai trưởng của Đức ông Diên Khánh Vương với Đức bà nguyên cơ Nguyễn Đức Thị Thân. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông được triều đình ân phong tước Mộ Trạch Đình hầu.

Công tử Diên Lệnh 延坽 (1828-1889) là con trai thứ 8 của Đức ông Diên Khánh Vương với bà phủ thiếp Trương Thị Cẩm. Năm Tự Đức thứ 17 (1864), ông được triều đình ân phong tước Phụng Quốc Khanh.

Công tử Diên Trực 延埴 (1833-1917) là con trai thứ 11 của Đức ông Diên Khánh Vương với bà phủ thiếp Tống Phước Thị Đề. Năm Thành Thái thứ 1 (1889), ông được triều đình ân phong tước Trợ Quốc úy.

Công tử Diên Áo 延墺 (1835-1897) là con trai thứ 12 của Đức ông Diên Khánh Vương với bà phủ thiếp Nguyễn Đức Thị Thân. Năm Thành Thái thứ 2 (1890), ông đã xuất gia đầu Phật tại chùa Đông Thuyền. Đến năm Thành Thái thứ 4 (1892), Diên Áo thọ ký với Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ chùa Từ Hiếu. Năm 1894, ông lập riêng thảo am tại ấp Thuận Hòa (thuộc làng Dương Xuân Thượng), lấy hiệu là Châu Lâm đại sư để tu tập và phụng thờ Tam bảo.

Công tử Diên Điệp 延堞 (1842-1909) là con trai thứ 16 của Đức ông Diên Khánh Vương với bà phủ thiếp Trần Hưng Thị Toàn. Năm 1867, ông tham dự kỳ thi Hương và đỗ Tú tài. Năm Thành Thái thứ 2 (1890), Diên Điệp được Phủ Tôn Nhơn dâng phiến xin chỉ dụ, chuẩn cho làm quá kế [17] phòng An Khánh Quận vương [18] để trông coi việc thờ tự, đổi tên thành Khâm Thạnh cho hợp với bài Phiên hệ thi của phòng này. Năm Thành Thái thứ 4 (1892), ông được triều đình tập phong tước An Khánh Huyện công, rồi đến năm 1903 được vua Thành Thái ân phong tước An Khánh Quận công. Với gia sản giàu có, thêm việc làm nhiều điều nghĩa cho dân làng An Bình mà ông được tôn vinh làm hậu Khai canh.

Công tôn Hội Kỳ 會錤 (1847-1918) là con trai trưởng của Công tử Diên Vực với bà Nguyễn Hữu Thị Lựu. Năm Tự Đức thứ 35 (1882), ông được triều đình tập phong tước Diên Khánh Huyện hầu, đến năm Duy Tân thứ 5 (1911) được cải phong tước Diên Khánh Hương công.

Công tôn Hội Thường 會鏛 (1848-?) là con trai trưởng của Công tử Diên Giai với bà Nguyễn Văn Thị Nghiêm. Năm Tự Đức thứ 30 (1877), ông thi trúng hạng Bình và được bổ hàm Chánh Bát phẩm. Năm sau (1878), ông được triều đình bổ làm Miếu thừa Hữu ty Từ Tế. Đến năm Tự Đức thứ 35 (1882), Hội Thường được bổ chức Tri huyện Quảng Điền.

Công tôn Hội Quán 會錧 (1875-1933) là con trai thứ 6 của Công tử Diên Áo với bà Trần Thị Ôn. Năm Duy Tân thứ 4 (1910), ông được triều đình sung quyền Tư giáo hệ Đệ Nhất chánh, rồi thăng chức Miếu thừa ty Hữu Từ Tế. Năm Bảo Đại thứ 5 (1930), Hội Quán được vinh thăng hàm Hàn lâm viện Trước tác.

Công tằng tôn Phong Xá 豐涻 (1877-1927) là con trai thứ 2 của Công tôn Hội Kỳ với bà Hồ Thị Sâm. Năm Khải Định nguyên niên (1916), ông được triều đình tập phong tước Kỳ Ngoại hầu.

Công tằng tôn Phong Mãn 豐滿 (1886-1962) là con trai thứ 3 của Công tôn Hội Kỳ với bà Hồ Thị Sâm. Năm Khải Định thứ 2 (1917), ông nhập ngạch binh phục vụ tại Hữu ty Từ Tế. Năm Bảo Đại thứ 3 (1928), Phong Mãn được bổ hàm Chánh Cửu phẩm, đến năm Bảo Đại thứ 6 (1931) được thăng hàm Tòng Bát phẩm. Năm Bảo Đại thứ 18 (1943), ông được triều đình ân phong tước Trợ Quốc úy.

Công huyền tôn Hanh Tùng 亨松 (1900-1949) là con trai của Công tằng tôn Phong Xá với bà Trương Thị Qua. Năm Bảo Đại thứ 4 (1929), ông được triều đình tập phong tước Tá Quốc khanh.

Công huyền tôn Hanh Quảng 亨櫎 (1917-?) là con trai của Công tằng tôn Phong Mãn với bà Ngô Thị Cúc. Ông có biệt tài về hội họa. Những bức tranh truyền thần đang được thờ phụng tại phủ Diên Khánh Vương đều họa sĩ Hanh Quảng vẽ
 

Nội thất phủ Diên Khánh Vương
Nội thất phủ Diên Khánh Vương
 

4. VƯƠNG PHỦ VÀ NHỮNG CỔ VẬT QUÝ GIÁ
Đến tuổi trưởng thành, hoàng tử Tấn được vua Gia Long tấn phong tước Thân công và ban cấp phủ đệ ở làng Vân Thê vào năm 1817. Bộ máy tổ chức phủ Diên Khánh Công gồm có 1 Trưởng sử, 1 Tư vụ, 1 Chánh và 1 Tòng bát phẩm Thư lại, 2 Chánh và 2 Tòng cửu phẩm Thư lại, 25 vị nhập lưu Thư lại, 3 Chánh Đội trưởng suất đội và 3 đội Thuộc binh. Lúc này, triều đình còn trang bị súng thần công, súng điểu thương, voi chiến để các đội thuộc binh ở phủ đệ có điều kiện luyện tập trở thành đội quân tinh nhuệ. Tuy nhiên, đến triều vua Minh Mạng, phủ Diên Khánh Công giao nộp lại voi chiến cho triều đình để sung vào tượng binh.

Bản Tấu của Diên Khánh Công xin nạp lại voi chiến cho triều đình vào ngày 11 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 13 (1832) cho biết: “Bề tôi Diên Khánh Công kính tâu lên mong thánh thượng soi xét, ngày mùng 8 tháng này nhận được một tập sao lục của bề tôi Bộ Binh nói rằng: “Kính xét vào năm Gia Long thứ 6 (1807) có việc ban cấp cho các Công voi chiến. Điều đó là đặc cách nhất thời, không thể viện theo làm lệ thường. Từ khi hoàng thượng ta lên ngôi đến nay, tuy các hoàng tử đã xuất phủ đều được tấn phong tước công, nhưng voi chiến thì chưa từng được ban cấp. Cũng bởi vì vật này chỉ nên dùng cho việc nhà binh, không phải là tư gia có thể nuôi dưỡng được, lẽ nên tâu xin nạp lại mới là chỉnh lý. Thế mà đến nay còn nuôi tại gia chưa thấy nạp lại. Như vậy hầu như chưa thỏa, xin ban sắc xuống phàm có voi chiến còn nuôi riêng tại gia thì phải tâu lên rõ để nạp lại”. 

Đã kính được châu phê điều tấu này. Từ đó sai Phủ Tôn Nhơn truyền chỉ tuân hành. Khâm thử. Khâm tuân. Do bề tôi vào năm Gia Long thứ 13 (1814) kính được ban cấp 1 thớt voi Cù, nay nhận được tờ xin của Bộ, kính được phê dạy, bề tôi mới biết lần trước không thi hành trả lại, thật là ứng xử chưa hợp. Thật là sợ hãi, cứ thực tâu lên xin đem thớt voi Cù đăng nạp vào kinh tượng quản lãnh nhận thu sung vào ngạch voi chiến. Xin kê chiều cao, chiều dài của voi chiến như sau, kính tâu, kê: Voi Cù thân cao 5 thước 9 tấc, ngà dài 2 thước 7 tấc 7 phân. Ngày tháng này bề tôi Nội các Hà Duy Phiên, Trương Phúc Đĩnh, Thân Văn Quyền vâng chỉ y như lời tâu. Khâm thử” [19].

Sau khi Đức ông Diên Khánh Vương qua đời, phủ đệ được chuyển đổi thành phủ thờ và giao cho Công tử Diên Lệnh toàn quyền quản lý. Năm Tự Đức thứ 10 (1857), nhận thấy địa thế phủ Diên Khánh Vương nằm ở vị trí thấp trũng, thường chịu cảnh ngập lụt vào mùa mưa và nhà rường đang bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng nên Công tử Diên Lệnh đã bàn bạc với các thành viên trong phòng thống nhất di dời phủ đến làng Vĩ Dạ Hạ, cách Kinh thành Huế một đoạn không xa. Công việc chuyển dời và xây cất phủ Diên Khánh Vương tại địa điểm mới được tiến hành khi có sự chấp thuận của vua Tự Đức và Phủ Tôn Nhơn.

Theo Tờ trình xin dựng lại phủ thờ Diên Khánh Vương của Công tử Diên Lệnh ngày 17 tháng 2 năm Tự Đức thứ 10 (1857) có ghi: “Do phủ thờ cũng là phủ đệ của cố phụ vương rường cột, nóc mái khá cao rộng, xây dựng đã nhiều năm, gần đây rui mèn đã hư hỏng, ngói có chỗ bị sụt. Lại thêm đất nhiều sâu kiến, tuy đã lần lượt tu bổ nhưng cũng bị hư hoại. Huống hồ địa thế thấp thỏm, khoảng tháng 8, tháng 9 thường gặp lũ lụt ngâm suốt mấy ngày đêm khiến cho phụ vương chúng tôi lúc sinh tiền thường nói may sao nhờ được ơn nước nhà mới ít nhiều kéo dài năm tháng mà việc dựng xây nhà cửa, ăn ở lâu dài, chí hướng này vẫn chưa trọn. Sau khi phụ vương qua đời, chúng tôi chứng kiến cảnh nhà, dù nghĩ đến lời nói của cha, vẫn không biết làm thế nào để an ủi chí nguyện ấy. Nhưng trộm thấy cố phụ vương chúng tôi nguyên có một khoảnh đất tại làng Vĩ Dạ Hạ, không xa cách gì với phủ đệ, đất lại cao ráo, rộng rãi, sáng sủa, chúng tôi mong muốn triệt hạ nhà cửa phủ đệ này, dời đến nơi ấy để xây dựng từ đường lo việc thừa tự mới được bền vững. Còn sở đất vườn này xin giao lại cho các em chia lập nhà riêng cư trú. Tuy nhiên một phen xây dựng lại, công việc nặng nề, thế khó tự lo liệu được. Vì thế kính bẩm đầy đủ, may nhờ liệt vị thân đài đem việc này tâu lên để hoàng ân đặc cách đoái tưởng chuẩn cho các quan toan liệu xây dựng. Đó không những là giúp cho nhà thờ của cố phụ vương khỏi thê lương mà cũng là giúp cho chúng tôi vĩnh viễn tuân thủ. Xin đội ơn khấu bẩm. 

Ngày 17 tháng 2 năm Tự Đức thứ 10 (1857) dâng đơn bẩm. Năm ấy đội ơn được chuẩn cho xây dựng lại từ đường ở làng Vĩ Dạ Hạ. Năm Tự Đức thứ 22 (1859) kính vâng sắc ban xuống chuẩn cho Tôn nhơn phủ tâu lên để tu bổ (được châu điểm). (Lại được châu phê, y lời tâu, giao bộ Công đến khám và dự trù vật liệu di dời xây dựng. Khâm thử)”[20].

Hiện nay, phủ Diên Khánh Vương tọa lạc tại địa chỉ số 228 Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, TP. Huế. Dù đã trải qua nhiều năm tháng và tu sửa [21] nhưng ngôi phủ đệ này vẫn giữ được những dấu ấn lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo và thể hiện danh phận, quyền uy và sự cao quý của những vị chủ nhân mang dòng máu hoàng gia nhà Nguyễn ngày trước. Công trình bao gồm các hạng mục chính như bến phủ, cổng vòm, bình phong, nhà chính, nhà phụ và sân vườn. Phủ Diên Khánh Vương được quy hoạch tuân thủ theo đúng những nguyên tắc phong thủy của kiến trúc truyền thống phương Đông.

Khi bước tới cổng phủ, hiện ra ngay trước mắt chúng ta đó chính là một cổng vòm kiểu cổ lâu với những đường nét cổ kính đặc trưng của kiến trúc cung đình Huế. Hướng chính của cổng quay ra phía sông Hương. Mái đắp nổi bằng xi măng giả ngói âm dương, trang trí hình tượng “Lưỡng long triều nhật” biểu trưng cho địa vị vương giả và sự quyền quý của chủ nhân phủ đệ. Chính giữa cổng, ở mặt ngoài, bên dưới mái thứ hai là biển ngạch đắp nổi dòng chữ “Diên Khánh Vương từ môn 延慶王祠門” (Cổng phủ thờ Diên Khánh Vương) bằng nghệ thuật khảm thủy tinh màu. Trên cổng có tạo tác các ô hộc hình vuông, hình chữ nhật trang trí hoa văn. Còn các đầu đao trang trí hình tượng hoa lá hóa đang quay đầu vào vị trí trung tâm của cổng. Toàn bộ những họa tiết trang trí này đều sử dụng bằng kỹ thuật khảm sành sứ. Hai bên trụ cổng có đắp nổi câu đối bằng chữ Hán theo kiểu khảm thủy tinh màu.
延年子孫承福廕
慶代尊祖累仁慈
Phiên âm:
Diên niên tử tôn thừa phúc ấm;
Khánh đại tôn tổ lũy nhân từ.
Dịch nghĩa:
Muôn đời con cháu hưởng phúc ấm;
Mừng đời tổ tông tích nhân từ.
 

Họa tiết trang trí rồng ngang trên sập thờ phủ Diên Khánh Vương
Họa tiết trang trí rồng ngang trên sập thờ phủ Diên Khánh Vương

Hai cánh cổng gỗ bản khoa mở ra dẫn vào bên trong. Đi vào phía trong sân phủ sẽ thấy một bức bình phong cổ kính. Bình phong xây theo kiểu có mái, mặt trước có trang trí biểu tượng “Long mã”. Theo quan niệm Đông phương, Long mã là hóa thân của kỳ lân, là sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Đó là một linh vật có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, đuôi bò, trán sói, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa; trên lưng có mang bức Hà đồ, là sách trời ban cho vua để trị nước. Tấm bình phong không chỉ gắn với quan niệm ngăn chặn khí xấu xâm nhập vào phủ và mong cầu sự an vui, phồn thịnh, mà còn xem như một tác phẩm nghệ thuật nâng lên giá trị và vẻ đẹp của công trình kiến trúc phủ Diên Khánh Vương. Hai bên tả hữu của bình phong có xây hệ thống la thành nội bao quanh sân. Tiếp giáp với mặt sau bình phong có quy hoạch một hồ nước hình tròn nuôi cá cảnh.

Kiến trúc chính của phủ Diên Khánh Vương là một tòa nhà nằm trên một mặt bằng hình chữ nhật tại vị trí trung tâm, với kết cấu nhà rường 3 gian 2 chái, cột kèo được chạm trổ, tường vách xây bằng gạch 3 mặt và mái lợp ngói móc Hạ Long (nguyên xưa lợp ngói liệt). Nóc mái đắp nổi biểu tượng “Hoa lá hóa triều nhật”. Ở hai đầu bờ nóc và cuối các bờ quyết cũng trang trí họa tiết hoa lá hóa. Toàn bộ giàn mái được chống đỡ bởi một hệ thống cột gỗ lim, mít để mộc, bào nhẵn và đứng song hành từng cặp dựng trên chân đá tảng. Trước 3 lối cửa ra vào, 12 cánh cửa được làm bằng gỗ, theo lối thượng song hạ bản, hai bên chái cũng có trổ hai cửa ra vào.

Nội thất phủ Diên Khánh Vương được chia làm ba gian thờ, trong đó bố trí gian giữa là thờ phụng Đức ông Diên Khánh Vương, gian bên trái (hướng nhìn ra) thờ Mộ Trạch Đình hầu Diên Vực, Diên Khánh Hương công Hội Kỳ, gian bên phải thờ Đức từ Chiêu nghi Nguyễn Hữu Thị Điền. Phía trên liên ba gian chánh giữa có treo bức hoành phi đề 4 chữ “Diên Khánh Vương từ 延慶王祠” (Phủ thờ Diên Khánh Vương).

Trên nền màu sơn son, tất cả các đại tự đều chạm nổi tinh tế và thếp vàng óng ánh. Chung quanh hoành phi được viền bằng một khung chạm khắc biểu tượng “Lưỡng long chầu nhật”, thể hiện rõ phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Phía dưới hai hàng cột trước gian thờ giữa có treo câu đối chữ Hán sóng đôi do Tuần phủ Ninh Bình Nguyễn Hữu Tường [22] kính tặng.
梅骨認前身金闥多年承厚眷
銀潢流正派珠堂此日有餘光
Phiên âm:
Mai cốt nhận tiền thân kim thát đa niên thừa hậu quyến;
Ngân hoàng lưu chánh phái châu đường thử nhật hữu dư quang.
Dịch nghĩa:
Cốt cách vua chúa truyền từ đời trước nay đã được nhiều năm con cháu ghi hơn một quyển;
Dòng dõi của vua thuộc dòng thứ, hệ chánh, phủ đường ngày hôm ấy còn giữ vẻ vinh quang.
Dòng lạc khoản ghi: “Đinh Mùi niên thu nguyệt 丁未年秋月” (Tháng mùa thu năm Đinh Mùi [1907]); “Điệt tôn Ninh Bình Tuần phủ Nguyễn Hữu Tường bái phụng 孫侄寧平巡撫阮有庠拜奉 (Điệt tôn là Tuần phủ Ninh Bình Nguyễn Hữu Tường kính bái).
Bức hoành phi và câu đối trang trí trong không gian thờ tự phủ Diên Khánh Vương đã làm tăng thêm sự tôn nghiêm và biểu tỏ lòng tri ân của con cháu đối với bậc tiền nhân đã khuất.

Về cách thiết trí thờ tự tính từ ngoài vào trong bao gồm án thờ (hương án), bàn thờ, sập thờ, khám thờ được chế tạo công phu, sơn thếp rực rỡ tạo nên sự uy nghi và trang trọng. Án thờ nằm ngoài cùng, che cho bàn, sập và khám thờ, thiết lư trầm, cặp chân đèn, quả bồng, hai bình hoa, bộ đồ trà, bộ đồ rượu và chén nước cúng. Bàn thờ đặt sau án thờ, là nơi để đặt bát nhang. Sập thờ thiết cơi đựng đồ cúng, khay đài đựng rượu và đặt các vật phẩm khi dâng cúng tại các buổi lễ tế tự. Sau lưng bàn thờ, sập thờ và sát vách là nơi đặt 3 khám thờ được tạo tác và trang trí hết sức tinh xảo.

Chiếc sập và 3 khám thờ đang được bảo quản tại phủ Diên Khánh Vương được xem là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, đồng thời đã điểm tô cho không gian phủ thờ thêm phần linh thiêng, trang trọng nhưng vẫn toát lên vẻ quyền quý, thanh nhã của chủ nhân từng mang thân phận Thân vương.

Sập thờ cấu tạo từ một tấm ván gỗ đặt trên khung đỡ có bốn chân thấp. Sập chân quỳ, trang trí chủ yếu bằng kỹ thuật chạm nổi kết hợp với sơn son thếp vàng, họa tiết đầu rồng. Phần thanh giằng giữa các chân sập cũng được chạm khắc trang trí biểu tượng rồng ngang, hoa cúc, các dải hoa văn dây lá với những đường nét mềm mại, sinh động và rất tinh xảo. Theo ông Hiệp Lư (đời thứ 6), chủ tự phủ Diên Khánh Vương cho biết chiếc sập là một chiến lợi phẩm của nhà Nguyễn trước nhà Tây Sơn. Sau đó, vua Gia Long đã ban tặng chiếc sập này cho hoàng tử Diên Khánh Vương làm vật gia bảo truyền tử lưu tôn.

Ba chiếc khám thờ có điểm chung là được chế tác bằng gỗ gần giống như ngôi nhà có mái, trang trí các họa tiết đậm chất cung đình Huế, đồng thời có cửa đóng mở, phía bên trong thiết thần chủ, tức nơi ở của linh hồn người đã khuất. Sự khác biệt của 3 chiếc khám thờ này thể hiện ở hoa văn, kiểu thức và chất liệu trang trí. Trước hết, khám thờ Đức ông được trang trí họa tiết “Lưỡng long chầu nhật”, bát bửu, hoa lá bằng nghệ thuật khảm xà cừ tinh tế toàn bộ bề mặt. Khám thờ Đức từ không sơn son thếp vàng nhưng được chạm khắc các họa tiết chim phụng, hoa cúc, chữ Vạn, vân mây cách điệu tinh xảo. Còn khám thờ Công tử Diên Vực có mô típ trang trí hoa lá và được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Ngày nay, phủ thờ Diên Khánh Vương được con cháu trong gia tộc gìn giữ và bảo quản khá tốt. Lễ húy kỵ Đức ông Diên Khánh Vương được tổ chức vào ngày 22 tháng 6 Âm lịch hàng năm, đây cũng chính là ngày hiệp kỵ những người đã quá vãng trong phủ. Việc thờ cúng tổ tiên không chỉ là chuẩn mực luân lý mà còn là tấm lòng hướng về cội nguồn, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu. Trong cái không gian và thời gian thiêng tại phủ thờ Diên Khánh Vương, từ sâu thẳm trong tâm hồn của con cháu hậu duệ, quá khứ và hiện tại bỗng giao hòa vào nhau rất gần gũi, không có cái cảm giác cách biệt. Chính sự rung cảm tâm linh đó đã góp phần tu chỉnh ý thức và hành vi của người đang sống sao cho tốt hơn, hoàn thiện hơn, có tính nhân văn hơn.
 

Khám thờ Đức ông Diên Khánh Vương trang trí khảm xà cừ
Khám thờ Đức ông Diên Khánh Vương trang trí khảm xà cừ

THAY LỜI KẾT
Nếu chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình ngược dòng thời gian quay về quá khứ bằng các ký ức của di sản Huế thì nên bắt đầu từ phủ Diên Khánh Vương tọa lạc bên dòng sông Hương thơ mộng. Bởi ngôi biệt phủ này vẫn còn ẩn chứa nhiều câu chuyện kể và không gian văn hóa – kiến trúc sống động, góp phần giúp chúng ta hiểu sâu hơn về những giá trị trầm tích của mảnh đất Thần kinh. Đồng thời, phủ thờ Diên Khánh Vương cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia và trở thành địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn mà du khách trong và ngoài nước nên viếng thăm mỗi khi có dịp ghé thăm Cố đô Huế.

 

TS. Trần Văn Dũng/TCVHPG415

 

Chú thích:
* Tiến sĩ Trần Văn Dũng – Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế
[1] Đức từ Chiêu nghi Nguyễn Hữu Thị Điền (1780-1852) là trưởng nữ của quan Khâm sai Cai đội Vân kỵ úy Nguyễn Hữu Nghị, nguyên quán ở làng Bồ Điền, tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1794, Đức từ vào hầu vua, rồi được phong làm Tài nhân. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850), bà được triều đình tấn phong làm Chiêu Nghi.
[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Tập 2, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 61.
[3] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập 1, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 954
[4] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 58.
[5] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Tlđd, tr. 59.[6] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 5, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 270.
[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 5, Tlđd, tr. 696.
[8] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 66.
9] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Tập 2, Tlđd, tr. 62.
[10] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tlđd, Tập 6, tr. 578.
[11] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Tập 2, Tlđd, tr. 62.
[12] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Tập 2, Tlđd, tr. 63.
[13] Viên tẩm Diên Khánh Vương tọa lạc ở ấp Ngũ Tây, làng An Cựu (nay thuộc phường An Tây, TP. Huế).
[14] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 7, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 328.
[15] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Tập 2, Tlđd, tr. 445.
[15a] Tôn Thất Bình (2000), “Tuồng Cung đình Huế dưới triều Tự Đức (1847-1883)”, Kỷ yếu Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Tuồng Cung đình Huế, Huế, tr. 110.
[16] Tôn Thất Cổn (1943), Hoàng tộc lược biên, Nxb Imprimerie Nguyễn Văn Của, Sài Gòn, tr. 6.
[17] Quá kế: tức người hàng con cháu dòng này được chỉ định qua giữ việc hương hỏa cho bậc trưởng bối dòng khác không có con trai nối dõi.
[18] An Khánh Quận vương Nguyễn Phúc Quang (1811-1845) là con trai thứ 12 của vua Gia Long với Đức từ Mỹ nhân Trịnh Thị Thanh. Năm 1825, ông hoàng Nguyễn Phúc Quang được vua Minh Mạng sách phong làm An Khánh Công. Sau khi mất vào năm 1845, An Khánh Công được triều đình truy tặng tước Quận vương. Do An Khánh Quận vương không có con nối dõi nên được phối thờ tại đền Triển Thân.
[19] Theo Gia phả phòng Diên Khánh vương (bản Việt dịch) do ông Hiệp Lư cung cấp.
[20] Theo Gia phả phòng Diên Khánh Vương (bản Việt dịch) do ông Hiệp Lư cung cấp.
[21] Căn cứ vào các nguồn tư liệu cho biết phủ Diên Khánh Vương đã được trùng tu, tôn tạo lớn vào các năm 1867, 1956, 1983.
[22] Nguyễn Hữu Tường (1865-1913), tự Trọng Đản, hiệu Tống Xuyên là con trai thứ 2 của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ với bà Trần Thị Lựu. Ông đỗ Cử nhân năm 1888, nhậm chức Tri huyện Nam Trực năm 1892, đồng Tri phủ Vĩnh Tường năm 1893, quyền Án sát tỉnh Hà Nam năm 1895, sau nhậm Án sát tỉnh Hưng Yên, Án sát tỉnh Bắc Ninh, Tuần phủ tỉnh Ninh Bình, rồi thăng chức Tổng đốc tỉnh Hưng Yên.

 

Tác giả bài viết: BBT Honguyenvietnam.org

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Xin mời quý bà con cộng đồng cùng chia sẻ và kết nối thông tin với ban biên tập cổng thông tin họ Nguyễn Việt Nam.
Email: info@honguyenvietnam.org

Điện thoại: 0907097567
Zalo Group: https://zalo.me/g/ggupcf777
Facebook Groups: https://www.facebook.com/groups/congdonghonguyen
Fanpage: https://www.facebook.com/honguyenvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Họ Nguyễn Việt Nam.ORG

Cũng chính vì sự đa dạng, và gắn liền với nhiều sự đổi thay trong quá trình phát triển dòng họ đó, mà ít nhiều đến bây giờ chúng ta đã phần nào bị thất lạc hoặc mất kết nối với các nhánh họ và những tư liệu lịch sử từ ngàn năm ông cha ta, ông bà ta để lại. Với mục đích xây dựng một kênh...

Quỹ Cộng Đồng HNVN
 
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây