Theo sách Khởi nghĩa Lam Sơn của tác giả Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Nhân văn, Hà Nội, 1998 và bản dịch Lam Sơn thực lục của Mạc Bảo Thần, Nhà xuất bản Tân Việt, 1943 thì danh sách 18 người có mặt trong hội thề Lũng Nhai cùng Lê Lợi cắt máu ăn thề nguyện cùng sống chết đánh giặc cứu nước cũng có tên Nguyễn Trãi.
Tuy nhiên, theo danh sách ở cuốn Lam Sơn thực lục của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 2006, thì danh sách này không có cái tên Nguyễn Trãi quen thuộc ta vẫn thường biết đến từ trước đến nay, mà thay vào đó là cái tên Nguyễn Tiến “rất xa lạ” với chúng ta bây giờ.
Vậy, thực ra Nguyễn Trãi có tên trong danh sách hội thề Lũng Nhai năm 1416 hay không? Nguyễn Tiến là ai?
Trước hết tôi xin được đưa ra một vài lời dẫn và một số ý kiến nhỏ của cá nhân tôi như sau:
Sách: Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn của Ty Văn hoá Thanh Hoá xuất bản năm 1973 và sách: Những mẫu chuyện lý thú về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của tác giả Trịnh Mạnh, Nhà xuất bản giáo dục, năm 2007 có mẫu chuyện ghi việc Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đi tìm minh chủ và gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Trong hai cuốn sách này đều ghi khi Nguyễn Trãi đi tìm minh chủ và gia nhập nghĩa quân Lam Sơn thì ông đi cùng Trần Nguyên Hãn.
Cũng theo hai cuốn sách này thì khi Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vào đất Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn đã phải cải trang thành một người bán dầu và Nguyễn Trãi cải trang thành một chàng thư sinh để che mắt giặc Minh.
Như chúng ta đã biết, Trần Nguyên Hãn là người ở xã Sơn Đông, nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, thuộc dòng tộc con cháu nhà hậu Trần. Vì nhà Trần mất, ông bất mãn với việc giặc minh xâm lược đã đàn áp và bóc lột nhân dân ta tàn bạo nên đã nuôi chí quyết chống giặc cứu nước. Biết Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn chống lại giặc Minh nên ông đã cùng Nguyễn Trãi từ Đông Quan vào Lam Sơn tìm minh chủ và gia nhập nghĩa quân.
Vậy, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đã gia nhập nghĩa quân Lam Sơn trong thời gian nào?
Có tài liệu cho rằng Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn gia nhập nghĩa quân Lam Sơn vào năm 1420, cũng có tài liệu lại nói là năm 1423.
Sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án chép rằng Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến gặp Lê Lợi hai lần. Lần thứ nhất hai ông đến rồi bỏ về khi thấy Lê Lợi ngồi trong góc cửa, quần vén lên tận đùi, một chân duỗi dọc, tay xách chiếc đùi lợn, tay kia cầm dao xẻo ăn một cách thô lậu. Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi thấy vậy đều thở dài và chê Lê Lợi là phường tầm thường, ham ăn ham uống nên sáng hôm sau cả hai đến cáo từ Lê Lợi, nói dối là xin phép về thăm quê rồi bỏ đi (Cũng có tài liệu cho rằng khi thấy Lê Lợi cầm cả cái đùi lợn xẻo ăn trong ngày giỗ nên hai ông định bỏ về nhưng sau đó lại ở lại). Trên đường đi hai người ghé nghỉ quán trọ vì trời đã tối và nghe được lời bàn của hai tên lính Minh xem thiên văn đoán vận nước Nam thì nghe được một người nói: Vua nước Nam là một viên hổ tướng đa sát, mà việc ăn uống thì có phần sỗ sàng thô lậu. Nghe vậy Trần Nguyên Hãn giật mình, sáng mai bàn với Nguyễn Trãi và hai người trở lại đất Lam Sơn. Trên đường đi hai người thấy đâu cũng nghe người ta ca ngợi đức tính và lòng hào hiệp của Lê Lợi. Lần này, sau khi ở lại xem xét kỹ và để ý thấy Lê Lợi thường đêm khuya nghiền ngẫm binh thư, lương thực nhập xuất bất thường, binh khí thì thường xuyên rèn rũa bổ sung, lại thấy thường lúc nửa đêm về sáng là lúc Lê Lợi vắng nhà nên Nguyễn Trãi rắp tâm theo dõi thì bắt gặp Lê Lợi đang bàn việc quân ở Du Sơn (núi Dầu). Khi Nguyễn Trãi nghe Lê Lợi dự tính là sẽ khởi binh vào năm Hợi (1419) thì từ bên ngoài Nguyễn Trãi mới cất lời: Chúa công tính nhầm rồi! Nguyễn Trãi bước vào trình bày rõ lai lịch của mình và tính lại cho mọi người nghe rồi tất cả tôn Lê Lợi làm chủ tướng. Như vậy thì ta có thể tạm khẳng định là Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn gia nhập nghĩa quân Lam Sơn trước khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra chứ không phải đến năm 1420 hoặc 1423 như một số tài liệu đã nói. Đương nhiên nói như vậy không có nghĩa là Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn gia nhập nghĩa quân Lam Sơn trước sự kiện “Hội thề Lũng Nhai”.
Sự kiện, khi Nguyễn Trãi vào gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và tìm minh chủ Lê Lợi nhưng chưa thực sự tin tưởng vào con người Lê Lợi có thể làm một lãnh tụ qua việc ông và Trần Nguyên Hãn thấy Lê Lợi một tay cầm dao, tay kia cầm chiếc đùi lợn, quần vén đến tận đùi, một chân duỗi dọc ngồi trong góc nhà xẻo ăn một cách thô lậu trong ngày giỗ nên hai ông đã lấy cớ để bỏ về. Trên đường về, tình cờ nghe được lời bàn tán của hai tên lính Minh trong quán trọ về Thiên văn và nói đến việc thời vận có nói rằng: Vua nước Nam là một viên hổ tướng đa sát, mà việc ăn uống thì có phần sỗ sàng thô lậu nên hai ông đã quay trở lại Lam Sơn. Tuy nhiên, lần này quay lại, Nguyễn Trãi đã để ý rất kỹ Lê Lợi và thường theo dõi hành tung của ông. Trong một lần theo dõi Lê Lợi thì ông đã bắt gặp Lê Lợi đang bàn việc quân ở Du sơn và lúc này Lê Lợi mới để ý đến Nguyễn Trãi. Từ khi Nguyễn Trãi nghe Lê Lợi bàn với các tướng sĩ là dự định sẽ khởi binh vào năm Hợi (1419) thì ông mới bắt đầu được tham dự bàn luận việc quân cơ. Đặc biệt, khi Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô sách thì ông mới được trọng dụng vì lúc này Lê Lợi mới biết đến tài năng của ông. Điều này chứng tỏ việc Lê Lợi biết đến Nguyễn Trãi và để ông tham dự việc quân cơ đã là lúc Lê Lợi sắp khởi binh chứ không phải Nguyễn Trãi được Lê Lợi biết đến và trọng dụng ông trước hoặc trong hội thề Lũng Nhai.
Theo gia phả họ Đinh Liệt thì vào mùa Xuân năm 1423, trong khi Lê Lợi sai Phạm Văn Xảo đi tìm Nguyễn Trãi ở Đông Quan thì lúc này Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đã đi tìm đến với Lê Lợi rồi. Nguyễn Trãi lấy tên là Trần Văn và Trần Nguyên Hãn lấy tên là Trần Võ. Tuy nhiên thì ban đầu vì chưa rõ lai lịch nên Nguyễn Trãi chỉ được giao làm Ký lục quân lương, Trần Nguyên Hãn thì chở thuyền do phía Lam Sơn. Sau này, khi Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô sách thì Lê Lợi mới nhận ra tài năng và học vấn của hai ông và hai ông mới được trọng dụng.
Như vậy thì có lẽ Nguyễn Trãi phải gia nhập nghĩa quân Lam Sơn trước năm 1418 nhưng điều đó không có nghĩa là Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn trước khi hội thề Lũng Nhai diễn ra và Nguyễn Trãi cũng có mặt trong hội thề Lũng Nhai.
Một vấn đề nữa là: vì Nguyễn Trãi khi vào Lam Sơn gia nhập nghĩa quân đi cùng Trần Nguyên Hãn thì lẽ nào Nguyễn Trãi có mặt trong hội thề Lũng Nhai mà Trần Nguyên Hãn lại không có mặt trong hội thề?
Như chúng ta đã biết thì đa số các tướng sĩ ban đầu của nghĩa quân Lam Sơn là những người họ hàng thân thích cũng như bạn bè thân hữu xa gần của Lê Lợi nên ta có thể khẳng định cái tên Nguyễn Tiến phải là một trong số những người bà con thân thích hoặc bạn bè quanh vùng của Lê Lợi chứ không thể là một người xa lạ được.
Theo sách Lam Sơn thực lục của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 2006 thì đã có sự nhầm lẫn giữa chữ Trãi và chữ Tiến của dịch giả trong khi dịch Lam Sơn thực lục.
Cũng theo sách này thì Nguyễn Tiến người lộ Khả Lam (nơi đây có lẽ thuộc vùng đất thượng du của tỉnh Thanh Hoá ngày nay). Tuy nhiên, về thân thế, sự nghiệp cụ thể hơn về Nguyễn Tiến thì cho đến nay vẫn chưa tìm thấy được tài liệu nào.
Điều này tôi cho là phù hợp bởi lý do: lực lượng ban đầu của nghĩa quân Lam Sơn là rất ít và lực lượng này là bạn bè thân hữu và người trong gia tộc hoặc những người Lê Lợi đã quen biết từ trước. Vì ban đầu để chuẩn bị cho việc khởi nghĩa chống giặc Lê Lợi chưa thể phát động hưởng ứng rộng rãi trong toàn dân mà vẫn còn trong bí mật xây dựng lực lượng. Chỉ đến khi lực lượng của nghĩa quân đủ đáp ứng được cho việc khởi binh thì mới có thể công bố rộng rãi được.
Như vậy ở đây có thể trong khi dịch Lam Sơn thực lục đã xảy ra sự nhầm lẫn trong khi dịch là rất lớn. Bởi trong chữ Hán thì chữ Trãi và chữ Tiến có thể nói là gần giống nhau.
Trên đây là một số lời dẫn và ý kiến của cá nhân tôi về việc Nguyễn Trãi có mặt trong hội thề Lũng Nhai hay không. Rất mong được sự quan tâm bàn luận, góp ý và đánh giá của độc giả, các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu…về vấn đề này.
—
Tác giả bài viết: Lê Văn Viện
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Cũng chính vì sự đa dạng, và gắn liền với nhiều sự đổi thay trong quá trình phát triển dòng họ đó, mà ít nhiều đến bây giờ chúng ta đã phần nào bị thất lạc hoặc mất kết nối với các nhánh họ và những tư liệu lịch sử từ ngàn năm ông cha ta, ông bà ta để lại. Với mục đích xây dựng một kênh...