Thời Niên Thiếu Tại Việt Nam
Hoàng tử Bảo Long sinh ra tại điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành, kinh đô Huế, vào đêm mùng 10 tháng Chạp năm Ất Hợi (theo dương lịch là ngày 4-1-1936). Vào buổi sáng, việc hạ sinh hoàng tử đã được báo cho dân chúng tại kinh đô bằng các phát súng thần công, “…Bảy phát súng thần công lay động cả Kinh thành Huế và người dân biết ngay là Hoàng hậu đã hạ sinh Hoàng tử chứ không phải hạ sinh công chúa, vì nếu sinh công chúa thì đã có chin tiếng súng.”[2]
Điện Kiến Trung hiện nay đã được trùng tu.
Điện Kiến Trung, chỗ ở của Vua Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương, là một công trình kiến trúc trong Tử Cấm Thành của Kinh đô Huế do chính vua cha của Vua Bảo Đại là Vua Khải Định (trị vì 1916-1925) ra lệnh cho Bộ Công xây cất (1919-1921) trên nền cũ của Lầu Minh Viễn được xây vào năm 1827 vào đời Vua Minh Mạng[3]. Tấm ảnh nguyên trạng của Điện Kiến Trung trước năm 1945 cho thấy rõ kiến trúc của điện hoàn toàn chịu ảnh hưởng Tây phương nên rất thích hợp cho Vua Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương là những người đã hấp thụ nền giáo dục của Pháp. Chính trong ngôi điện này mà Hoàng tử Bảo Long đã sinh sống và lớn lên trong thời niên thiếu trong vòng tay yêu thương của mẹ mình là Hoàng Hậu Nam Phương.
Hoàng tử Bảo Long năm 1937 (?) (Nguồn: Internet).
Khi Hoàng tử Bảo Long được ba tuổi, ngày 17 Tháng Giêng Năm Kỷ Mảo (dương lịch là ngày 7-3-1939), Vua Bảo Đại, theo gương của tiên đế là Vua Khải Định, đã cho tổ chức tại Điện Thái Hòa lễ phong danh hiệu Đông Cung Hoàng Thái Tử[4] cho Hoàng tử Bảo Long. Với danh hiệu này, Hoàng Tử Bảo Long chính thức trở thành người sẽ nối ngôi Vua Bảo Đại.
Lễ Phong Đông Cung Hoàng Thái Tử của Hoàng Tử Bảo Long. (Nguồn: Trích từ bài viết Bảo Long: le dernier Đông Cung Hoàng Thái Tử.
Xem clip : Hình ảnh lễ tấn phong hoàng thái tử Bảo Long năm 1939 (NCLS)
https://www.youtube.com/watch?v=rmllGWp7BWk&t=1s
Sau khi Vua Bảo Đại thoái vị vào ngày 30-8-1945, và phải ra làm việc ở Hà Nội với chức Cố Vấn Tối Cao trong Chính phủ Hồ Chí Minh, Hoàng Tử Bảo Long theo mẹ về sống tại Cung An Định, thuộc làng An Cựu ở Huế, trước vốn là phủ riêng của Phụng Hóa Công, về sau lên ngôi là Vua Khải Định, và cũng chính là cung của Đông Cung Hoàng Thái Tử Vĩnh Thụy trước khi lên nối ngôi và trở thành Vua Bảo Đại.
Cung An Định (Nguồn: Internet).
Thời gian 1945-1946 tình hình chính trị tại Việt Nam có rất nhiều biến động. Tháng 9-1945, ngoài Bắc quân Trung Hoa và trong Nam thì quân Anh vào giải giới quân Nhựt. Lợi dụng cơ hội này, quân Pháp theo chân quân Anh vào chiếm lại Sài Gòn, và các tỉnh phía Nam, Nam Bộ kháng chiến bùng nổ vào tháng 10. Qua năm 1946, quân Pháp lộ rõ ý định mang quân ra chiếm lại Miền Bắc luôn. Chính phủ Hồ Chí Minh phải ký Hiệp ước sơ bộ với Pháp vào ngày 6-3-1946. Giữa tháng 3-1946, Hồ Chí Minh cử một phái đoàn sang Trùng Khánh để cầu viện với Chính phủ Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch. Cựu Hoàng Bảo Đại là một thành viên của phái đoàn này. Giữa tháng 4-1946, khi phái đoàn về nước, Cựu Hoàng bị bỏ lại tại Côn Minh. Sau một thời gian, đến tháng 9-1946 thì Cựu Hoàng sang sống tại Hong Kong và liên lạc lại được với gia đình. Cuốc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ vào đêm 19-12-1946.
Sau khi đã liên lạc được với Cựu Hoàng ở Hong Kong, Bà Nam Phương yên tâm về phần Cựu Hoàng nhưng rất lo sợ cho an ninh của mẹ con Bà tại Huế, nhứt là cho Hoàng tử Bảo Long, vì họ đang sống trong sự kiểm soát chặt chẽ của Việt Minh. Do đó, bà đã tìm cách thu xếp cho cả gia đình vào tá túc trong Dòng Chúa Cứu Thế nằm gần Cung An Định. Bà bố trí cho Hoàng tử Bảo Long đi trước:
“Ngày 19 tháng 12 năm 1946, từ mờ sáng, Bảo Long rời khỏi cung An Định, nơi cậu ta sống cùng mẹ và các em từ khi cha thoái vị. Người kéo xe đã chờ sẵn ngoài cổng. Cùng đi còn có một người trẻ tuổi, theo hầu từ lúc chào đời, chắc hẳn còn là người bạn thân thiết của cậu.”[5]
Sau đó khi Bà cùng với 4 người con nhỏ cũng rời Cung An Định di tản sang Dòng Chúa Cứu Thế thì không phải dễ dàng vì lúc đó việc ra đi của Hoàng tử Bảo Long đã bị lộ và những người của Việt Minh đã biết được rồi:
“Lần nầy không giữ được bí mật nữa. Người chính trị viên đơn vị bảo vệ đã biết rõ ý định của bà đưa các con ra khỏi cung An Định. Thoạt đầu anh ta tức giận không chấp nhận lời thỉnh cầu của bà. Bà cựu hoàng từ tốn và kiên trì giảng giải lý lẽ. Cuối cùng người chính trị viên cũng mủi lòng đồng ý làm ngơ để bà đưa các con ra khỏi cung An Định.”[6]
Sau ngày 19-12-1946, chiến tranh đã thật sự xảy ra tại Huế, và:
“Khu vực trường dòng Cứu thế nằm giữa hai vị trí đối địch cho nên sẽ trở thành điểm tranh chấp ác liệt giữa hai bên Pháp, Việt.”[7]
Vì vậy, sau một thời gian, Bà Nam Phương lại tìm cách mang các con đi nơi khác để được an toàn hơn. Người Pháp đã liên lạc với Bà, và sau đó chính các vị linh mục Dòng Chúa Cứu Thế (người Canada) cũng yêu cầu Bà nên đi để tránh phiền phức cho nhà Dòng với Việt Minh, nên sau cùng Bà Nam Phương quyết định chấp nhận sự bảo vệ của người Pháp. Lúc đầu gia đình Bà Nam Phương chuyển sang Trường Thiên Hựu và sau đó được quân Pháp dùng xe bọc sắt đưa đến trụ sở của Ngân Hàng Đông Dương tại Huế, và cả gia đình Bà trú ngụ trong căn hầm trước kia là nơi chứa các két sắt của ngân hàng nên rất an toàn.
Sau mấy tháng giao tranh, lực lượng Việt Minh bị đẩy ra khỏi thành phố Huế. Bà Nam Phương và các con rời khỏi nơi trú ần trong trụ sở Ngân Hàng Đông Dương. Cung An Định đã bị thiệt hại nặng nề. Tất cả các cung điện trong thành nội cũng đã bị tiêu hủy theo đúng chính sách “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh. Không còn chổ cư ngụ nữa, Bà Nam Phương phải đưa các con vào Đà Nẵng và sau đó vào tận Đà Lạt, và cư ngụ trong biệt thự của mẹ Bà.
Trong thời gian này, chiến tranh Việt-Pháp đang tạo ra nhiều khó khăn cho Pháp. Chính phủ Pháp muốn tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, nên tìm cách thương thuyết, điều đình với Cựu Hoàng. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả các đảng phái quốc gia chống Việt Minh, Cựu Hoàng đã tỏ ra rất cứng rắn trong việc thương thuyết, đặt ra nhiều điều kiện với Pháp, trong đó quan trọng nhứt là Pháp phải trả Nam Kỳ về với Việt Nam. Lúc đó đã có tin đồn là Pháp muốn tìm một con bài khác để thay Bảo Đại, và họ đã nghĩ đến Bảo Long:
“Một nhà báo hỏi cựu Hoàng hậu Nam Phương lúc đó đang ở Đà Lạt: “Có phải con bà sắp lên ngai vàng không?” Bà không trả lời nhưng cũng không cải chính.”[8]
Lời đồn này không thành sự thật. Một thời gian sau, Bà Nam Phương mang các con sang Hong Kong đoàn tụ với Cựu Hoàng, và sau đó sang Pháp:
“Tháng 8-1947 gia đình bà Nam Phương từ Đà Lạt xuống Sài Gòn. Từ đây, nhờ phi cơ Anh, bà Nam Phương cùng các con đến Hồng Kông ngày 3-9-1947, tái ngộ với Cựu Hoàng Bảo Đại. … Bà Nam Phương chỉ ở lại Hồng Kông trong thời gian ngắn, rồi cùng các con qua Pháp ngay trong tháng 9-1947, sống tại Cannes.”[9]
Thời Thanh Niên và Trưởng Thành Tại Pháp
Khi mới sang Pháp, Bà Nam Phương và các con trú ngụ tại lâu đài Thorenc nguy nga tráng lệ ở Cannes, lúc đó vẫn còn là tài sản của Cưu Hoàng Bảo Đại.
Lâu đài Thorenc tại Cannes, Pháp (Nguồn: Internet).
Xem clip : Gia đình hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương tại Cannes, Pháp năm 1955 (NCLS)
Những thước phim hiếm về gia đình hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu (1951-1955) (NCLS)
https://www.youtube.com/watch?v=09JyTpT5YbI&t=39s
Hoàng Thái Tử Bảo Long được mẹ ghi danh cho vào học trường École des Roches, môt trường trung học tư thục rất nổi tiếng trong vùng Normandie ở phía Bắc nước Pháp, dành cho con em của các hoàng gia và gia đình quý tộc của Châu Âu[10]. Khi Hoàng tử Bảo Long vào học, trường đã tạm dời về Maslacq thuộc vùng Pyrénées-Atlantiques, phía Tây Nam nước Pháp. Kể từ 1950, trường mới được dời trở về vùng Normandie.
Ecole des Roches – Tòa nhà chánh Ecole des Roches – Toàn cảnh khuôn viên. (Nguồn: Internet).
Trong thời gian này, Cựu Hoàng Bảo Đại, sau các cuộc đàm phán rất cam go với Chính phủ Pháp, trước là với Cao Ủy Émile Bollaert (nhiệm kỳ Cao Ủy từ tháng 3 năm 1947 đến tháng 10 năm 1948) tại Vịnh Hạ Long ở Việt Nam, sau là với chính Tổng Thống Pháp Vincent Auriol (nhiệm kỳ Tổng Thống 1947-1954) tại Điện Élysée ở Pháp, đã đạt được những đòi hỏi của Ngài là Pháp phải trả Nam Kỳ về cho Việt Nam và phải để cho Việt Nam được độc lập hoàn toàn. Cuối tháng 4-1949, Cựu Hoàng về Việt Nam và trú ngụ tại Biệt Điện ở Đà Lạt và đến ngày 13-6-1949, Ngài xuống Sài Gòn. Cuối tháng 6-1949, Chính phủ Nguyễn Văn Xuân từ chức và Cưu Hoàng đích thân cầm quyền,vừa là Quốc Trưởng vừa là Thủ Tướng kể từ 1-7-1949. Sau 6 tháng trực tiếp cầm quyền, ngày 22-1-1950, Cựu Hoàng giao chính phủ lại cho Thủ Tướng Nguyễn Phan Long. Từ đó trở đi, Cựu Hoàng chỉ đãm nhiệm chức vụ Quốc Trưởng, và trú ngụ ở Đà Lạt phần lớn thời gia.
Tuy Quốc Gia Việt Nam không còn là một chính thể quân chủ nữa, Quốc Trưởng Bảo Đại vẫn tiếp tục tìm cách đề cao vai trò Đông Cung Hoàng Thái Tử của Hoàng tử Bảo Long. Trong suốt thời gian Quốc Trưởng Bảo Đại là người đứng đầu và lãnh đạo Chính phù Quốc Gia Việt Nam, Hoàng tử Bảo Long thường về Đà Lạt để nghĩ hè. Năm 1952, lúc vẫn còn đang học tại Ecole des Roches, với tư cách Đông Cung Hoàng Thái Tử của mình, ông đã được than phụ là Quốc Trưởng Bảo Đại cử sang Londres để dự Lễ Đăng Quang của Nữ Hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị. Năm 1953, Chính phù Quốc Gia Việt Nam cho phép Bưu Điện phát hành hai bộ tem in hình Đông Cung Hoàng Thái Tử Bảo Long, một bộ tem in hình Hoàng Thái Tử mặc quốc phục và một bộ tem in hình Hoàng Thái Tử mặc quân phục Ngự Lâm Quân với quân hàm Đại Tá như trong hình bên dưới đây:
Hình hai bộ tem Việt Nam với hình Đông Cung Hoàng Thái Tử Bảo Long. (Nguồn: Internet).
Năm 17 tuổi, cuối năm học 1952-1953, Hoàng tử Bảo Long đậu bằng Tú Tài II Ban Triết Học (Baccalauréat Deuxième Partie, Section Philosophie). Hoàng tử Bảo Long rất muốn vào học Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, đã được thành lập từ năm 1950, nhưng Quốc Trưởng Bảo Đại không cho phép, nên ông phải theo học Trường Sĩ Quan Saint Cyr của Pháp, khóa 141 (1954-1956)[11]. Sau khi tốt nghiệp Saint Cyr ông đã theo học một năm tại Trường Thiết Giáp Saumur nổi tiếng của Pháp. Thời gian này, phụ thân của ông là Quốc Trưởng Bảo Đại đã bị Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cho tổ chức Trưng cầu dân ý truất phế rồi, không còn quyền hành gì nữa cả, và, dĩ nhiên, vai trò của ông như là Đông Cung Hoàng Thái Tử, kế nghiệp Vương triều Nhà Nguyễn, cũng bị chấm đứt một cách tức tưởi và dứt khoát. Hoàng tử Bảo Long bị khủng hoảng tinh thần khá trầm trọng và ông đã có ý định đi tìm một cái chết ở chiến trường. Chính vì vậy mà Hoàng tử Bảo Long đã tình nguyện gia nhập đạo binh Lê Dương (Légion Étrangère) và phục vụ trong Trung Đoàn 1 Kỵ Binh (1er R.E.C. = 1er Régiment Étranger de Cavalerie) tai chiến trường Algérie ở Bắc Phi. Nhưng ông đã không chết tại chiến trường rất khốc liệt này. Ngược lại, ông lại trở thành một anh hùng trong đạo quân đánh thuê này, nổi tiếng gan dạ và chiên đấu rất anh dũng, được tưởng thưởng rất nhiều huy chương trong đó có cả huy chương cao quý nhứt của quân đội Pháp là Croix de Guerre[12]. Có một lần ông đã bị thương rất nặng khi chiếc chiến xa do ông chỉ huy cán phải mìn, nhưng ông cũng không báo cho gia đình biết.. Sau 10 năm ở trong Binh Đoàn Lê Dương nổi tiếng này, ông đã giải ngũ và trở về Pháp. Từ đó trở đi, ông sống như một người bình thường, không lập gia đình, sống khép kín, không tham gia bất cứ sinh hoạt chính trị nào. Ông làm việc trong một ngân hàng ở Paris, trông coi tài sản của gia đình Mẹ ông là cựu Hoàng Hậu Nam Phương.
Những Chuyện Buồn Cuối Đời
Năm 1958, Bà Nam Phương từ giả Lâu đài Thorenc ở Cannes và dọn về ở làng Chabrignac thuộc tỉnh Corrèze, vùng Nouvelle-Aquitaine, miền Nam nước Pháp. Bà qua đời đột ngột vào ngày 14-9-1963 ở tuổi 49, trong cô đơn, hoàn toàn không có thân nhân bên cạnh. Hoàng tử Bảo Long, đã sống suốt thời thơ ấu và thiếu niên trong vòng tay thương yêu của me, đã rất buồn vì không đã không có mặt bên cạnh mẹ vào phút cuối đời của bà. Ông càng đau xót hơn khi về sau được biết là cha ông không những không có mặt ở đám tang mà, sau đó, cũng không đến viếng mộ mẹ ông một lần cả.
Kể từ đó mối quan hệ giữa hai cha con ông trở nên rất lạnh nhạt và sau cùng đi đến chổ mâu thuẩn trầm trọng phải nhờ đến pháp luật can thiệp. Đó là vụ tranh chấp giữa ông và cha ông, Cựu Hoàng Bảo Đại, về quyền sở hữu ấn kiếm của Vương triều Nhà Nguyễn. Trong buổi lễ thoái vị tổ chức tại Ngọ Môn, kinh đô Huế, vào ngày 30-8-1945, Vua Bảo Đại đã trao ấn và kiếm, tương trưng cho vương quyuền của chế độ quân chủ nay đã cáo chung, cho phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gồm các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, và Cù Huy Cận[13]. Hai báu vật này được phái đoàn chinh phủ mang về Hà Nội và sau đó không có một tin tức gì về ấn kiếm này nữa cả. Chính Cựu Hoàng Bảo Đại cũng không bao giờ nghĩ rằng còn có ngày tìm lại được các báu vật đó. Sau đó Chiến Tranh Việt-Pháp bùng nổ vào tối ngày 19-12-1946 và nhiều biến cố chính trị đã diễn ra như đã được trinh bày bên trên.
“Khoảng cuối năm 1951, quân Pháp đào đất xây đồn bốt ở ngoại thành, khu vực Nghĩa Đô đã bắt gặp 1 thùng dầu hỏa bằng sắt tây bên trong có cái kiếm bị bẻ đôi sơn màu đen cùng một cái ấn. Tháng 3-1952, Pháp tổ chức lễ long trọng tại Quảng trường Ba Đình trao lại cho quốc trưởng Bảo Đại (khiếm diện).”[14]
Lễ trao lại ấn kiếm cho Quốc Trưởng Bảo Đại (Nguồn: Internet).
Vào khoảng năm 1953, Quốc Trưởng Bảo Đại nhờ Thứ Phi Mộng Điệp mang ấn kiếm sang Pháp giao cho bà Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long cất giữ. Về sau, khoảng đầu thập niên 1980, Cựu Hoàng Bảo Đại đòi cặp ấn kiếm lại nhưng Hoang tử Bảo Long không chịu giao. Nội vụ phải đưa ra tòa. Sau cùng tòa xử Bảo Long được giữ thanh kiếm, còn cái ấn thì giao lại cho Cựu Hoàng. Từ đó đến nay không có thông tin gì thêm về cặp ấn kiêm đó nữa[15].
Chuyện buồn cuối cùng trong đời của vị Đông Cung Hoàng Thái Tử này là mối lương duyên không thành của ông với một người đàn bà Pháp tên Isabelle Hebey. Bà Hebey là một nhà thiết kế nội thất nổi tiếng, đã từng làm việc cho công ty của nhà thiết kế thời trang nổi danh Yves Saint Laurent của Pháp. Hai người quen nhau khi bà được Hoàng tử Bảo Long giao cho việc trang trí căn phòng của ông ở Neuilly vào khoảng cuối thập niên 1960. Lúc đó bà Hebey đang sống với người chồng thứ ba là kiến trúc sư Marc Delanne. Hai người yêu nhau và bà Hebey đã đồng ý sẽ ly dị ông chồng kiến trúc sư để kết hôn với Hoàng Tử Bảo Long vào tháng 6-1969. Không rõ tại sao dự định này không thành và đám cưới của hai người không bao giờ xảy ra[16]. Từ đó, Hoàng tử Bảo Long sống độc thân mãi cho đến khi ông mất vào ngày 28-7-2007 ở tuổi 71, trong một bệnh viện ở thành phố Sens, thuộc tỉnh Yonne, trong vùng Bourgogne-Franche-Comté, cách Paris khoảng 100 km về phía Tây-Nam[17].
Thay Lời Kết
Nguyễn Phúc Bảo Long, Hoàng trưởng tử của Vua Bảo Đại, đã được phụ hoàng chính thức phong làm Đông Cung Hoàng Thái Tử, là người sẽ kế vị ngôi báu của vương triều Nhà Nguyễn. Định mệnh phũ phàng của nhà Nguyễn và của chính ông đã khiến ông phải sống một cuộc đời đau buồn kéo dài ba phần tư của một thế kỷ, với cái hư danh của một Đông-Cung-Hoàng-Thái-Tử nhưng không có ngôi báu để kế vi.
____________________
GHI CHÚ:
[1] Võ Hương An. Từ điển Nhà Nguyễn. Irvine, Calif.: Nam Việt, 2012, tr. 38-39. Trong quyển từ điển này, tác giả ghi chữ Long trong tên Hoàng tử Bảo Long bằng Hán tư 龍, tôi nghĩ không đúng vì chữ Long đó thuộc bộ Long, có nghĩa là Rồng. Theo quy định của Vua Minh Mạng khi ban Đế Hệ Thi thì các hoàng tử có song danh (cũng gọi là tự danh) bắt đầu bằng chữ Bảo thì chữ thứ nhì phải là một chữ thuộc bộ Phụ; vì thế trong trương hợp của Hoàng tử Bảo Long, chữ Long viết theo Hán tự phải là chữ Long này 隆 (thuộc bộ Phụ, có nhĩa là Long Trọng, Hưng Thịnh) thì mới đúng. Rất tiếc, trong cuốn Nguyễn Phúc Tộc thế phả: thủy tổ phả, vương phả, đế phả do Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc xuất bản tại Huế năm 1995, khi chép tên của Hoàng tử Bảo Long không có chua thêm Hán tự. Tên của Vua Bảo Đại lúc chưa lên ngôi là Vĩnh Thụy thì chữ Thụy có chua Hán tự 瑞 thuộc bô Ngọc là hoàn toàn đúng.
[2] Phan Thứ Lang. Giai thoại và sự thật về Bảo Đại vua cuối cùng Triều Nguyễn. Tái bản có sửa chửa và bổ sung. T/p Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2010. Tr. 94.
[3] Võ Hương An, sđd, tr. 294-295.
[4] Võ Hương An, sđd, dưới tiêu đề “Sách lập Đông Cung Hoàng Thái Tử,” tr. 528-531. Triều nhà Nguyễn chỉ có ba vị Đông Cung Hoàng Thái Tử (không kể Đông Cung Cảnh vì Đông Cung Cảnh được phong trước khi Vua Gia Long lên ngôi): Hoàng Tử Đãm về sau là Vua Minh Mạng, Hoàng Tử Vĩnh Thụy về sau là Vua Bảo Đại và Hoàng Tử Bảo Long. Sau khi lên ngôi vào năm 1820, Vua Minh Mạng đã bãi bỏ việc lập Đông Cung Hoàng Thái Tử, và quy định là người kế vị sẽ được chỉ định trong di chiếu. Tất cả các đời vua kế tiếp theo đều giữ đúng quy định này. Vua Khải Định là người đầu tiên không theo quy định này và đã phong cho con trai duy nhứt của mình là Hoàng Tử Vĩnh Thụy làm Đông Cung Hoàng Thái Tử vào năm 1922.
[5] Grandclément, Daniel. Bảo Đại, hay là Những ngày cuối cùng của Vương quốc Annam, bản dịch Việt ngữ của nguyên tác tiếng Pháp Bao Dai, ou Les deniers jours de l’Empire d’Annam; Quyển 2, Chương 15. Tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://truyenfull.vn/bao-dai-hay-la-nhung-ngay-cuoi-cung-cua-vuong-quoc-an-nam/quyen-2-chuong-15/
[6] Grandclément, sđd, cùng Quyển, cùng Chương.
[7] Grandclément, sđd, cùng Quyển, cùng Chương.
[8] Grandclément, sđd, cùng Quyển 2, Chương 24.
[9] Trần Gia Phụng. Bảo Đại (1913-1997). Toronto: Nhà xuất bản Non Nước, 2014. Tr. 98.
[10] Ecole des Roches đã phải dời xuống phía Tây-Nam nước Pháp, đặt cơ sở trong Lâu đài Maslacq, thuộc thị trấn Maslacq trong Vùng Pyrénées-Atlantiques, trong thời gian “cuộc di tản 1940” (L’Exode de 1940), trong thời gian đầu của trận Đệ Nhị Thế Chiến, khi quân Đức tấn công và chiếm các nước Bỉ, Hòa Lan, Lục Xâm Bảo và Miền Bắc của nước Pháp. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, năm 1950, trường mới dời trở về thị trấn Clières, trong tỉnh Seine-Maritime, thuộc vùng Normandie.
[11] Liste d’élèves de l’École spéciale militaire de Saint Cyr, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://fr.wikipedia.org/wiki/Liste_d%27%C3%A9l%C3%A8ves_de_l%27%C3%89cole_sp%C3%A9ciale_militaire_de_Saint-Cyr#1950-1959 Khóa 141 (1954-1956) này được đặt tên là Khóa Trung Tá Amilakvari, mà người cựu sinh viên sĩ quan nổi tiếng nhứt là Đại Tướng (tức là Tướng 5 sao, Général d’armée) Philippe Morillon đã từng là Tư Lệnh Lực Lượng Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (FORPRONU) trong cuộc chiến ở Bosnie-Herzégovie từ tháng 9-1992 cho đến tháng 7-1993.
[12] HIH Crown Prince Bao Long (1936-2007, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.geocities.com/vietmonarchy/baolong_memorial.html Trong tài liệu, có đoạn ghi rõ như sau: “Bao Long volunteered to join the French Foreign Legion and it was in that famous band of warriors that he fought in the French colonial war in Algeria where he was decorated with the Croix de Guerre for merit and bravery in battle.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Bảo Long đã tình nguyện gia nhập Binh Đoàn Lê Dương và cùng với binh đoàn này ông đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh thuộc địa tại Algérie và đã được thưởng huy chương Croix de Guerre về tài năng và anh dũng trong chiến đấu”).
[13] Trần Gia Phụng, sđd, tr. 197.
[14] Bùi Minh. Bước đường lưu lạc của cặp ấn kiếm cưu Hoàng Bảo Đại trao, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/buoc-duong-luu-lac-cua-cap-an-kiem.html
[15] Thanh Tùng, Ngọc Văn. Cặp ấn kiếm của Bảo Đại giờ ở đâu? tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.tienphong.vn/van-hoa/cap-an-kiem-cua-vua-bao-dai-gio-o-dau-903946.tpo
[16] Nerves of steel, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://tmagazine.blogs.nytimes.com/2011/11/04/nerves-of-steel/
[17] Bao Long, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://fr.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3o_Long#Formation_et_carri%C3%A8re
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Cũng chính vì sự đa dạng, và gắn liền với nhiều sự đổi thay trong quá trình phát triển dòng họ đó, mà ít nhiều đến bây giờ chúng ta đã phần nào bị thất lạc hoặc mất kết nối với các nhánh họ và những tư liệu lịch sử từ ngàn năm ông cha ta, ông bà ta để lại. Với mục đích xây dựng một kênh...