Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến trên của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cùng xem xét, xử lý.
Đầu năm 2022, lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo hồ sơ di sản, bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm, thứ phi chúa Nguyễn Ánh (sau là hoàng đế Gia Long), hiện thờ tại An Sơn Miếu. Năm 1783, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, chạy ra Côn Đảo, bà Phi Yến cùng chạy theo. Vì ngăn Nguyễn Ánh cầu viện Pháp, bà bị chồng giam giữ trong hang đá trên hòn đảo hoang vắng, phía tây nam của đảo chính. Con trai bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh là hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) khóc đòi mẹ, bị chúa ném xuống biển, xác trôi vào làng Cỏ Ống, được dân làng mang chôn và lập miếu thờ.
Vẫn theo hồ sơ di sản, năm 1785, bà Phi Yến được dân làng rước về. Tại đây, bà bị người làng là Biện Thi xâm phạm danh tiết nên tự vẫn. Bà mất ngày 18/10 âm lịch, năm 1785. Để tỏ lòng thương tiếc, dân làng xây ngôi miếu để thờ bà. Sang thế kỷ XIX, năm 1861, Pháp chiếm Côn Đảo, lập nhà tù và di dời toàn bộ dân về đất liền nên ngôi miếu không được chăm sóc, dần hư hỏng, sụp đổ.
"Đến năm 1958, Trưởng ty ngân khố tỉnh Côn Sơn là ông Nguyễn Kim Sáu đã xem lại sử lược, nhận thấy người phụ nữ trung trinh tiết liệt nên cho xây lại ngôi miếu nhỏ trên nền ngôi đền ngày xưa, thờ bà Phi Yến, đặt tên An Sơn Miếu. Để tưởng nhớ, ngày 17-18/10 âm lịch hàng năm, dân làng An Hải tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến", hồ sơ di sản nêu.
Tượng Bà Phi Yến trong điện chính miếu An Sơn. Ảnh: phongnhaexplorer
Tuy nhiên, ngày 26/4, Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam (còn gọi là Hội đồng Nguyễn Phúc tộc) gửi văn bản đến Thủ tướng, đề nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo.
Sau khi tổ chức tọa đàm khoa học, Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam khẳng định "thứ phi Hoàng Phi Yến chỉ là nhân vật hư cấu". Triều đại nhà Nguyễn để lại những văn bản ghi chép rõ ràng, đảm bảo cho lai lịch, hành trạng, công nghiệp của các vị hoàng đế. Hoàng đế Gia Long "không phải là truyền thuyết".
Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện không ghi chép ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy Phi Yến. Gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên hoàng tử Cải là con vua Gia Long. Kết quả khảo cứu sử sách triều Nguyễn cho thấy, chúa Nguyễn Ánh chưa từng đến Côn Đảo.
"Quyết định công nhận di sản không chỉ gây băn khoăn trong dư luận, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa trên phương diện chuyên môn mà trên phương tiện tình cảm còn gây bức xúc với bà con dòng tộc Nguyễn Phước trên toàn quốc cũng như ở hải ngoại. Các cứ liệu lịch sử là cơ sở xếp loại di sản văn hóa cấp quốc gia đã động chạm một cách phi lý đến cuộc đời và sự nghiệp hoàng đế Gia Long, vua khai sáng và khởi nghiệp vương triều Nguyễn", đơn kiến nghị nêu.
Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam cũng lo ngại "các căn cứ của hồ sơ di sản sẽ là khởi nguồn để nảy nở sáng tác văn hóa nghệ thuật (thơ văn, kịch nghệ, diễn xướng dân gian) về sau, lan truyền, nhân bản nhận định sai lầm và gây ra hậu quả khôn lường".
Hội đồng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hủy bỏ hoặc thu hồi quyết định công nhận lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo là di sản phi vật thể quốc gia. Việc này nhằm bảo vệ tính chính đáng của hồ sơ khoa học; thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn với vị vua khởi nghiệp triều đại để đất nước có được hình hài như hôm nay, không xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh linh hoàng đế Gia Long.
Lễ giỗ bà Phi Yến năm 2019. Ảnh: Cổng thông tin Côn Đảo
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh Lợi nhận định truyền thuyết bà Phi Yến khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở miền Trung, vào đến Nam Bộ đã tích hợp với tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ, biến thành tục thờ ba cậu, một hóa thân khác của Thiên Y Ana. Về sau, truyền thuyết được dã sử hóa qua hình tượng bà Phi Yến, gắn kết với hành trình của Nguyễn Ánh những ngày bôn tẩu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, truyền thuyết về bà Phi Yến ở Côn Đảo bắt nguồn từ một vở cải lương trong dân gian và được người dân thờ phụng. Bản thân câu chuyện này không có thật. Điều này đã được các sử gia chứng minh, làm rõ từ lâu.
Tác giả bài viết: Viết Tuân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Cũng chính vì sự đa dạng, và gắn liền với nhiều sự đổi thay trong quá trình phát triển dòng họ đó, mà ít nhiều đến bây giờ chúng ta đã phần nào bị thất lạc hoặc mất kết nối với các nhánh họ và những tư liệu lịch sử từ ngàn năm ông cha ta, ông bà ta để lại. Với mục đích xây dựng một kênh...