CỘNG ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM - CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
NHÌN LẠI XU HƯỚNG BỎ CHỮ HÁN Ở ĐÔNG Á: TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM
Thứ ba - 16/05/2023 23:14
Tiến trình bỏ chữ Hán ở Việt Nam chỉ bắt đầu sau khi nước ta dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức đã được hơn 2.000 năm, tức muộn hơn so với Nhật và Triều Tiên/ Hàn Quốc, nhưng kết quả cuối cùng lại triệt để thực hiện được mục tiêu bỏ chữ Hán, tức “Thoát Hán” về ngôn ngữ.
Năm 179 TCN, Triệu Đà thôn tính nước ta vào nước Nam Việt, sau đó chính quyền nhà Triệu bắt đầu dạy dân ta học tiếng nói và chữ viết của người Trung Quốc. Trước đó người Việt Nam chỉ có ngôn ngữ nói, chưa hề có ngôn ngữ viết. Chữ Hán là thứ chữ viết đầu tiên mà người Việt tiếp xúc; tầng lớp tinh hoa người Việt đã nhận thức được tính chất vô cùng quan trọng của phát minh này, và nảy ra ý tưởng tìm cách mượn chữ Hán về dùng. Muốn vậy, họ đã sáng tạo “cách đọc Hán-Việt” đối với chữ Hán: đặt cho mỗi chữ Hán một tên tiếng Việt gọi là “từ Hán-Việt”, qua đó thực hiện đọc chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ của mình mà không đọc bằng tiếng Trung Quốc. Như vậy, người Việt Nam chỉ học chữ Hán mà không học tiếng Hán, qua đó mượn được chữ Hán về dùng mà vẫn nói tiếng mẹ đẻ của mình, nhờ thế dân tộc ta không bị văn hóa Hán đồng hóa.
Chữ Hán đọc bằng tiếng Việt được dân ta gọi là “Chữ Nho”, chỉ dùng để viết, không dùng để nói. Từ Hán-Việt làm tăng ít nhất gấp đôi lượng từ vựng tiếng Việt nhưng hoàn toàn không làm thay đổi ngữ âm tiếng Việt. Chữ Nho trở thành chữ viết chính thức của các nhà nước phong kiến Việt Nam, góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi thời tiền sử mông muội, tiến sang thời đại văn minh có chữ viết. Việt Nam trở thành nước Đông Á chịu ảnh hưởng lớn nhất của văn hóa Trung Hoa. Nhưng chỉ tầng lớp trên trong xã hội Việt Nam biết dùng chữ Hán/Nho, còn dân chúng đều mù chữ. Suốt 2.000 năm, người Việt sùng bái chữ Hán, chưa hề có ý tưởng bỏ chữ Hán.
Thế kỷ 10, tổ tiên ta thử nghiệm dùng chữ Hán và chữ Hán tự tạo để ghi âm tiếng Việt, làm ra chữ Nôm vừa có tính biểu ý, vừa có tính biểu âm. Do chữ Nôm được tạo ra trên cơ sở chữ Hán nên biết chữ Hán mới học được chữ Nôm, vì thế chữ Nôm khó hơn chữ Hán. Mặt khác, vì mỗi chữ Nôm thể hiện một âm tiết, mà tiếng Việt có cực nhiều âm tiết, cho nên phải tạo ra và sử dụng cực nhiều chữ (ít nhất vài chục nghìn chữ) , khiến cho chữ Nôm quá khó nhớ khó dùng, không thể phổ cập được. Thời xưa tầng lớp trên ở ta sùng bái chữ Hán, khinh rẻ chữ Nôm, coi là thứ chữ “nôm na mách qué” của dân thường, hầu hết nhà nước phong kiến không công nhận. Vì thế chữ Nôm không được quan tâm phát triển, hoàn thiện. Nhưng chữ Nôm thể hiện được lời nói và tư tưởng tình cảm của người bình dân, nhờ thế bộ phận tầng lớp tinh hoa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v… đã xây dựng được một nền văn học chữ Nôm thành công vượt xa văn học chữ Nho.
Chữ Nôm thể hiện ý thức độc lập tự chủ về ngôn ngữ của người Việt, được sử dụng không chính thức cho tới đầu thế kỷ 20, nhưng do chữ Nôm được tạo chữ trên cơ sở chữ Hán, có sử dụng nhiều chữ Hán nguyên gốc, nên việc sử dụng chữ Nôm không đem lại kết quả bỏ được chữ Hán.
Tuy vậy, chữ Nôm có tính biểu âm đã trở thành nền tảng để đầu thế kỷ 17, các giáo sĩ đạo Thiên Chúa đến nước ta truyền giáo, khi học tiếng Việt và chữ Nôm, họ đã phát hiện chữ Nôm có tính biểu âm – tức có điều kiện cho phép phiên âm hoá, Latin hoá chữ Nôm thành một loại chữ có thể ghi âm được tiếng Việt. Sau khoảng ba chục năm dầy công nghiên cứu, các giáo sĩ đã thực hiện thành công việc Latin hoá, phiên âm hoá, hiện đại hoá chữ Nôm, làm ra loại chữ biểu âm Latin hoá đầu tiên ở Đông Á, về sau được dân ta gọi là “Chữ Quốc ngữ”, có đặc điểm ghi âm được 100% tiếng Việt, lại dễ học, dễ nhớ, dễ viết, dễ dùng, ưu việt hơn hẳn chữ Nho, chữ Nôm. Chữ Quốc ngữ nhanh chóng được các nhà cách mạng, nhà trí thức Tây học và nhà Nho tiên tiến dẫn đầu toàn dân ta nhiệt liệt ủng hộ sử dụng chữ Quốc ngữ, bắt đầu khởi sự tiến trình bỏ chữ Hán ở Việt Nam.
Cần nhấn mạnh: chữ Nôm có thể phiên âm hoá, Latin hoá được, vì chữ Nôm tuy có gốc chữ Hán nhưng có tính biểu âm. Chữ Hán không có tính biểu âm, cho nên không thể phiên âm hoá, Latin hoá được – các thử nghiệm của người Trung Quốc đã chứng tỏ điều đó. Tiếng Hán và tiếng Việt đều là ngôn ngữ đơn lập (monosyllabic) nhưng tiếng Hán nghèo âm tiết nên không thích hợp dùng chữ viết biểu âm. Còn tiếng Việt do giàu âm tiết –– lượng âm tiết cơ bản nhiều gấp chục lần tiếng Hán, lại có 6 thanh điệu (trong khi tiếng Hán có 4), cho nên thích hợp dùng chữ viết biểu âm. Vì thế tổ tiên ta mới làm và dùng được chữ Nôm rồi chữ Quốc ngữ.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, các phong trào cách mạng như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục đã chủ động mở trường mở lớp dạy chữ Quốc ngữ cho tầng lớp bình dân, lôi cuốn đồng bào cả nước hăng hái học chữ Quốc ngữ, dùng chữ Quốc ngữ.
Có thể coi hai sự kiện sau đây đánh dấu nước ta chính thức bỏ chữ Hán, dùng chữ Quốc ngữ: Cuối năm 1918 Triều đình Huế ra lệnh bỏ các kỳ thi chữ Hán; và tháng 9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời lập Nha Bình dân học vụ, quyết định phổ cập chữ Quốc ngữ, mở đầu phong trào xoá nạn mù chữ trong cả nước.
Từ sau 1945, tất cả các ban ngành trong nước, mọi sách báo, văn bản, ấn phẩm của chính quyền và xã hội hầu như chỉ dùng chữ Quốc ngữ, không dùng chữ Hán, chữ Nôm. Rõ ràng, chữ Quốc ngữ đã giúp dân tộc ta thực thi tiến trình “Bỏ chữ Hán” dưới hình thức phong trào xoá nạn mù chữ của dân chúng, không có sự cưỡng chế của chính quyền, thế nhưng lại thu được hiệu quả rất cao.
Bỏ chữ Hán là một bước ngoặt lịch sử đánh dấu quyết tâm để cây văn hóa Việt Nam ra khỏi bóng dâm cớm nắng của đại thụ văn hóa Trung Hoa, vươn cao trong rừng cây văn hóa thế giới. Học giả Phạm Quỳnh nói: chữ Quốc ngữ “như chiếc bè cứu người Việt ra khỏi cảnh trầm luân là có nước của mình mà phải học mướn viết nhờ nước ngoài”. Đúng là từ ngày dùng chữ Quốc ngữ, dân tộc ta mới được làm chủ thứ chữ viết hoàn toàn thích hợp với tiếng Việt, chấm dứt mấy nghìn năm chỉ học văn minh Trung Hoa, viết bằng chữ mượn của Trung Quốc, qua đó thực hiện một bước tiến thần kỳ: xây dựng nền văn minh Việt đích thực và hoà vào dòng chảy của văn minh thế giới.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam bỏ chữ Hán vì động cơ chính trị “bài Hoa”. Thiển nghĩ, đó là một nhận xét phiến diện. Thực tế cho thấy, tiến trình bỏ chữ Hán tại Việt Nam diễn ra một cách tự nhiên theo quy luật sinh tồn khách quan: nhân tố ưu việt hơn sẽ thay thế nhân tố lạc hậu –– chữ Quốc ngữ ưu việt sẽ thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Tiến trình đó đã diễn ra dù là trong thời kỳ nước ta ở dưới chính quyền cai trị của thực dân Pháp hoặc dưới chính quyền dân chủ nhân dân.
Sự thay thế chữ viết ấy hợp lý hợp tình, hợp lòng dân, sớm muộn cũng xảy ra như một tất yếu lịch sử không ai không nhận thấy. Ngay cả thực dân Pháp khi mới chiếm một phần nước ta, ngày 22/2/1869 đã ban hành nghị định “bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán” trong các công văn ở Nam Kỳ (do Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký). Tiếp đó ngày 28/12/1918, người đứng đầu chính quyền phong kiến nhà Nguyễn vốn sùng tín chữ Hán là vua Khải Định cũng ký đạo dụ ra lệnh từ năm 1919 bãi bỏ mọi kỳ thi Hán học. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công được vài tuần, chính quyền cách mạng đã ra sắc lệnh số 20 ngày 8/9/1945 do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Võ Nguyên Giáp ký, quy định bắt buộc học chữ Quốc ngữ. Mấy sự kiện đó đã cho thấy việc dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán, chữ Nôm là một xu thế khách quan tất yếu của lịch sử mà các chính quyền thực dân Pháp, triều đình Huế và chính quyền cách mạng đều nhận thức được và đều thi hành.
Tóm lại, chữ Quốc ngữ đã góp phần quyết định đẩy nhanh tiến trình bỏ chữ Hán. Không có chữ Quốc ngữ thì người Việt không thể “Thoát Hán” về ngôn ngữ, một phần quan trọng của “Thoát Hán” về văn hóa.
Dưới đây là toàn văn bản dự thảo, được trình lên Đại Hội Hội Đồng Họ Nguyễn Việt Nam phê duyệt và gửi lên các cấp chức năng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua.
( DOWNLOAD BẢN GỐC TẠI ĐÂY )