Hai anh em đặc biệt
Khi Nguyễn Quán Nho tên hiệu Giản Trai còn nhỏ thì cha ông là Nguyễn Quán Hoàn đã khuất núi. Ở vùng quê xa kinh đô thuộc xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên (nay là thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), gia đình lại nghèo nên điều kiện học hành của Nguyễn Quán Nho rất khó khăn. Nhưng khó khăn càng như làm tăng thêm ý chí hiếu học của cậu thiếu niên. Tương truyền, không có tiền đi học nên ông theo mẹ đi làm thuê cho nhà giàu trong vùng rồi học lỏm bằng cách áp tai sát vách nghe giảng. Không có tiền mua giấy mực, ông lấy que vạch lên nền đất, vạch lên cây xương rồng hoặc viết lên lá chuối. Về đêm, ông học theo tấm gương danh nhân Mạc Đĩnh Chi bỏ đom đóm vào vỏ trứng để có ánh sáng học…
Thấy ông là người có chí học hành, nên tiến sĩ Trịnh Cao Đệ (1630-1706) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Dần (1650) đón về kinh nuôi và trực tiếp dạy học. Nhiều năm trước, hậu duệ của Nguyễn Quán Nho và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Trịnh Cao Đệ - người cùng quê hương là cậu (tức em mẹ) Nguyễn Quán Nho. Nhưng mới đây, cán bộ của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội khi nghiên cứu gia phả họ Nguyễn ở Vãn Hà đã phát hiện ra Trịnh Cao Đệ là anh họ bên mẹ của Nguyễn Quán Nho.
Trịnh Cao Đệ đỗ cao, làm quan đến chức Tả Thị lang, từng được tin dùng tổ chức soạn khắc dựng loạt bia tiến sĩ lần thứ 2 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám hẳn là người thầy giỏi nên đào tạo ra Nguyễn Quán Nho thì không có gì là ngạc nhiên nữa.
Và vào khoa thi năm Đinh Mùi (1667), Nguyễn Quán Nho đã lần lượt đỗ các kỳ thi hương, thi hội. Tới kỳ thi đình, chỉ lấy đỗ đến Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Vinh dự thay, Nguyễn Quán Nho là người đứng đầu. Năm ấy, ông 29 tuổi.
Bài thi đình của Nguyễn Quán Nho được tập hợp trong Lê triều đăng long tuyển và lưu tại Viện Nghiên cứu Hán nôm, ký hiệu VHv.335/1-5. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu thì đây là bài văn thi đình phong phú, được viết với văn phong sắc sảo, xứng đáng là kỳ bút trong lịch sử giáo dục và khoa cử Nho học nước ta, đồng thời cho thấy ông còn là một chiến lược gia giúp triều đình chấn hưng đất nước.
Điều ngạc nhiên thú vị mà con cháu họ Nguyễn họ Trịnh tự hào là hai anh em, thầy – trò đỗ đạt, làm quan khi về hưu lại về quê và cùng được thờ làm thành hoàng làng.
Bổng lộc của quan là máu mỡ của dân
Thói thường, khi từ nghèo túng mà trở nên phú quý vinh hoa, người ta dễ sa vào ăn chơi hưởng lạc. Có người còn sợ gặp lại người thân khi còn hàn vi. Với Nguyễn Quán Nho, ông đã nhận được những bài học quý báu từ chính người mẹ của mình. Chuyện truyền rằng thân mẫu Nguyễn Quán Nho là bà Trịnh Thị Phúc (quê ở làng Bồng Thượng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là một người mẹ mẫu mực. Khi con đỗ đầu khoa thi, vinh quy về làng, bà cứ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Khi mọi người tất bật đón tân khoa thì bà vẫn còn ung dung vớt bèo ở ao về nuôi lợn. Lý trưởng sợ bị quở trách chạy ra mời bà về. Bà nói: “Nó thi đỗ là việc của nó sao lại phải đón rước, tôi đang bận vớt bèo!”. Nguyễn Quán Nho nghe kể lại, vội cởi áo mũ, cởi giày, xắn quần ra ao làng cầm gậy vớt đầy rổ bèo đem về nhà rồi mời mẹ ra đình làng làm lễ. Đến nay làng Dương Hòa còn lưu truyền câu ca “Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy”.
Tâm lý thường tình, bà mẹ của vị tân khoa có lẽ rất vui khi con đỗ đạt. Nhưng niềm vui không che lấp được lý trí. Bà vớt bèo để giáo dục con nhớ tới thủa hàn vi, khi nhà nghèo không có ăn mà bà con láng giềng nhường chút cơm cháy vào nồi cho mượn. Và cái danh xưng “chàng cháy” có từ lúc đó.
Đỗ đạt, được triều đình bổ làm quan ở Ninh Bình. Gần Tết, vì việc công bận bịu nên Nguyễn Quán Nho không về thăm mẹ được nên gom góp tiền bổng lộc sắm cho mẹ già chiếc áo lụa và sai lính đem về. Mẹ ông giở ra thấy tấm áo quý chưa từng được mặc. Bà thừ người ra một lúc ngẫm ngợi, rồi nói với người lính: “Con ta làm quan chưa đầy năm mà đã có áo lụa gửi về, vậy nếu con ta làm quan mười năm thì sẽ gửi về bao nhiêu? Lại còn bắt người lặn lội đường xa về đây chỉ vì việc riêng của mình. Mẹ vẫn đủ sức làm lấy mà ăn không cần đến của phi nghĩa. Người về bảo con ta rằng: Bổng lộc của quan là máu mỡ của dân đấy”. Sau đó, bà đốt tấm áo, gói nắm tro gửi người lính đem về cho con. Người lính sợ hãi nhưng không dám trái ý bà. Trở về công quán, người lính dâng gói tro áo và báo lại những câu nói của bà cho quan Nguyễn Quán Nho. Hiểu sự răn dạy của mẹ nên suốt đời làm quan, Nguyễn Quán Nho luôn giản dị, thanh liêm, không bòn rút của dân lành.
Cống hiến
Cuộc đời làm quan của Nguyễn Quán Nho tương đối suôn sẻ. Ông lần lượt giữ nhiều vị trí, chức vụ, từ Phó đô ngự sử; Tả Thị lang Bộ Lại; Thượng thư Bộ Binh; Thượng thư Bộ Lại; Tri lục phiên (trông coi công việc của 6 phiên, 6 cơ quan tham vấn cho 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công ở triều đình nhà Lê). Khi giữ chức Tham tụng (Tể tướng), ông được chúa Trịnh cho kiêm chức Tả hiến tư giảng.
Trong suốt quá trình làm quan, ông từng 4 lần tham gia các phái đoàn của triều đình nhà Lê -Trịnh sang Trung Quốc thực hiện các mối quan hệ bang giao giữa hai nước. Tuy làm quan với chức cao vọng trọng, ông luôn sống giản dị, khoan dung, làm hết chức phận, một lòng phò vua, giúp chúa, chăm lo công việc, hết lòng yêu thương, gần gũi dân. Ông thường xuyên quan tâm đến công tác đê điều, phòng lụt bão, miễn giảm một số thuế khóa cho dân. Dưới sự quản lý, chăm lo của ông, mùa màng của nông dân quanh năm tươi tốt, nhân dân được sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc.
Tài năng và đức độ của Nguyễn Quán Nho được thể hiện qua bức thư của Thái tử Trịnh Cương (sau là chúa An Đô Vương) gửi cho ông, khi đã trí sĩ tại quê nhà. Trong đó có viết: “Tôi gửi lời kính thăm thầy. Tôi thấy lòng thầy trung thành thâm cảm; trước là giúp bề trên, sau là yêu tôi mà thầy giữ lấy lẽ chính. Tôi đã được ân nghĩa, còn lâu, tôi chẳng quên đâu...” (Văn tài võ lược xứ Thanh - NXB Thanh Hóa 2017).
Sử gia Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã đánh giá Nguyễn Quán Nho là một trong những đại thần rường cột của triều đình nhà Lê. Cuộc đời của ông đã “ngôn hành tương cố” từ bài thi cho đến khi làm quan. Ông đã thực hiện nếp sống, làm quan theo như một câu trong bài văn thi đình: “gạt bỏ nếp sống phù phiếm, khôi phục thể chế thuần hậu, thi hành lệnh thưởng phạt, sử dụng phép khinh trọng, giữ nếp thái bình, dùng lễ nhạc làm rường mối, giữ gìn rường mối ấy”.
Nguyễn Quán Nho đã có những cải tiến về quản lý ruộng đất. Ông đề nghị chúa Trịnh: “Ra lệnh cho dân sửa và viết rõ cuốn sổ ghi chép mốc giới ruộng đất, rồi do quan huyện, quan châu và quan thừa ty tra xét, duyệt y, bấy giờ mới chuyển nộp lên chính đường. Hễ có đám nào tranh giành nhau thì cho phép quan huyện được khám xét phán xử. Khi xong xuôi thì đem nộp nguyên án lên phủ đường, sai quan đến tại chỗ mà chia địa giới”.
Về cải tiến hình ngục, Nguyễn Quán Nho kiến nghị phân cấp thẩm quyền rất rõ, hiệu quả. Những vụ kiện nhỏ như đánh nhau thì giao cho xã trưởng tra xét, lập hồ sơ. Những việc lớn thì quan phủ hay châu huyện đem nguyên án nộp lên nha môn khám xét, phân xử. Nếu đương sự có đơn kêu lên phủ đường (chúa Trịnh) thì cho phép cung khai cam đoan (tức như xử phúc thẩm bây giờ). Nếu là trọng phạm thì giữ lại, đợi lệnh chỉ, sai quan xét xử lại… Thực hiện những cải tiến này cũng sẽ tránh được các tệ nhận hối lộ của quan trường…
Về cách bổ dụng quan lại, sử dụng người tài, Nguyễn Quán Nho tâu trình chúa Trịnh “Về số lại viên tại các nha môn nhiều việc hay ít việc, ở trong kinh hay ngoài trấn, phải bổ theo tỷ lệ công việc nhiều ít”.
Với chức tham tụng (ngang tể tướng), Nguyễn Quán Nho được người đương thời ca tụng. Cùng là tham tụng nhưng Lê Hy là người cùng thời lại khiến thiên hạ chê trách là khiến thiên hạ “sầu bi”.
Tại đền thờ Nguyễn Quán Nho ở làng Dương Hòa nay vẫn còn câu đối:
“Bái tướng, phong công
tứ triều nguyên lão
Trung quân, ái quốc
thiên cổ hoàn nhân”
Nghĩa là:
Làm tướng, lập công trải bốn triều đứng hàng đệ nhất
Phò vua, yêu nước xưa nay xứng bậc vẹn toàn.
Cũng tại đền thờ ông, con cháu họ Nguyễn Quán vẫn còn lưu giữ được bức họa chân dung của ông. Bức vẽ khổ lớn trên lụa, tương truyền được vẽ khi ông đi sứ nhà Thanh. Trên tranh có viết mấy câu thơ. Dịch nghĩa là: Sinh năm Mậu Dần; Đỗ đại khoa năm Đinh Mùi; Luôn luôn sống hiền hòa; Thẳng thắn nhưng mềm mỏng; Trung vua yêu nước; Ghét bọn gian tà; Rõ ràng hình ảnh; Trụ cột quốc gia”.
Từ Khôi
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Thân gửi Toàn thể cộng đồng Họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn chúng ta tự hào là dòng họ có số lượng dân số lớn nhất Việt Nam hiện nay. Họ Nguyễn cũng là dòng họ có nhiều nguồn dân số phân bổ trên nhiều vùng miền nhất của cả nước. Ở đâu trên mảnh đất...