Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
Vừa là tướng tài, thơ phú lại hay, khí chất tài tử phong lưu nức tiếng, ông chính là nhân vật nổi bật trong sử Việt thế kỷ 19.
Ở Trung Quốc thời Đường có Quách Tử Nghi. Đó là một tướng quân công – nghiệp hiển hách, cũng lại là nhà thơ nổi tiếng tốt chữ, phong lưu tài tử đến già. Nước Nam ta cũng có một “Quách Tử Nghi” như thế. Ông chính là đệ nhất phong lưu tài tử với hàng nghìn bài thơ phú bất hủ.
“Ra ngoài tướng Võ, vào triều quan văn”, ông tài kiêm văn võ, góp phần an định nước nhà suốt mấy chục năm sự nghiệp. Ông chính là Nguyễn Công Trứ.
Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn. Ông sinh ngày mồng Một tháng 11 năm Mậu Tuất (1778), con của Đức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tấn. Các cụ xưa nói: “Trai mồng một, gái ngày rằm” quả không sai. Vừa mới lọt lòng mẹ, Công Trứ đã không biết khóc, mặc cho người nhà dùng đủ cách. Nhưng một khi đã cất tiếng khóc thì oang oang như tiếng chuông đồng.
Người cha Công Tấn vốn hiếm muộn, nay ở tuổi lục tuần có quý tử thì mừng khôn xiết. Là một nhà Nho hay chữ, nghĩ đây cũng là một điềm báo điều hỉ, ông chọn cho cậu quý tử bướng bỉnh tên huý là Củng (nghĩa là bền chặt, vững vàng), còn tên chữ là Trứ (nghĩa là rõ ràng, nổi trội).
Cậu bé đó chính là Uy Viễn Tướng công Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ, tương lai kiêm nhà thơ trác việt. Cả cuộc đời của cậu Củng Trứ về sau quả đúng như những điều người cha già mong mỏi: bền gan vững chí và lẫy lừng sáng tỏ.
Để độc giả có thể hình dung rõ hơn về con người của Nguyễn Công Trứ, chúng tôi thiết nghĩ dùng những điển tích, giai thoại về ông để minh họa là phải hơn cả.
Dưới đây là những câu chuyện nổi tiếng, đã được lưu truyền hàng trăm năm về nhân vật chính của chúng ta.
Chạm trán quan Tuần phủ
Đối với các đệ tử Nho gia thì việc lập thân, tạo dựng công nghiệp cho hậu thế chính là lý tưởng cả đời. Nguyễn Công Trứ một đời mang trong lòng một bầu nhiệt huyết kinh bang tế thế. Cái chí khí ấy đã thể hiện ra ngay từ lúc nhỏ.
Vừa mới lên tỉnh học được ít lâu, một chiều nọ đẹp trời, nho sinh Củng lang thang dạo phố bỗng bắt gặp một đoàn xe ngựa của quan Tuần phủ đi hành hạt, dù lọng nghênh ngang, tiền hô hậu ủng. Cậu vô tình lớ ngớ cản đường đoàn người ngựa và bị toán lính hầu bắt tới trình quan về tội vô lễ. Cậu trò vừa bị giải đến nơi, đã nghe quan quát hỏi:
– Sao dám thất lễ với bản quan?
– Bẩm quan lớn, tiểu sinh nguyên học ở trường làng, vừa mới lên tỉnh chưa biết rõ các nghi lễ nên mới vô tình vô lễ, xin quan lớn dung thứ.
– À, nếu cậu đúng là sĩ tử trường Đốc học, bản quan sẽ ra một vế đối. Cậu đối hay thì được tha, bằng không sẽ bị bắt giam về tội “phạm thượng”!
Rồi quan đọc:
– “Khách khoa bảng, khách văn chương, giữa quan khách, khách lại gặp khách”.
Không nghĩ ngợi lâu, Nho Củng ứng khẩu đối ngay:
– “Ai anh hùng, ai hào kiệt, trong trần ai, ai dễ biết ai!”
Tuần phủ nghe xong hết lời khen cậu là kẻ thiếu niên mà chí khí lớn lao, nên chẳng những tha lỗi cho mà còn thưởng thêm một quan tiền đồng.
Rồi quan quay sang nói với các vị đồng hành:
– Quả là “Khả úy đoan đoan đích hậu sinh”.
Đây vốn là một câu cổ thi, nghĩa là: “Kẻ hậu sinh này rất đáng sợ”
Dùng thơ khất nợ
Tuy tài hoa là vậy, nhưng ông trời cũng không vì thế mà ưu ái cho Nguyễn Công Trứ, thậm chí còn khắc nghiệt với ông hơn bất cứ khách công danh nào. Ông đi thi nhiều lần mà không đỗ đạt nên vẫn sống nghèo khổ cho đến tận trung niên, năm hơn 40 tuổi.
Tuy vậy, Nguyễn Công Trứ vẫn luôn lạc quan, vui vẻ dù phải chịu một cuộc sống túng quẫn, đúng với tinh thần “An bần lạc đạo” của kẻ sĩ quân tử Nho gia. Chuyện ấy đến nay vẫn còn truyền lại nhiều giai thoại.
Sau một lần đánh tổ tôm, Nguyễn Công Trứ bị thua rồi mang nợ. Chủ nợ là một ông già, đòi mãi không được, cuối cùng đến tận nhà ăn vạ. Trước mặt ông lão, chàng nho sinh nghèo lục lọi hết mọi rương hòm xem có gì đáng giá đem đi cầm, nhưng khốn thay chỉ thấy có mấy quyển sách đã cũ sờn. Bí quá, chàng ta đành phải “cầu cứu” đến… Nàng Thơ, tức cảnh ngâm nga:
Thân “bát văn” tôi đã xác vờ
Trong nhà còn biết “bán chi” giờ?
Của trời cũng muốn, “không thang” bắc
Lộc thánh còn mong “lục sách” chờ
Thiên tử “nhất văn” rồi chẳng thiếu
Nhân sinh “tam vạn” hãy còn thừa
Đã không “nhất sách” kêu chi nữa?
“Ông lão” tha cho cũng được nhờ!
Ông lão vốn rắp tâm đến đòi cho bằng được nợ, thấy Công Trứ giở thơ thẩn ra đã có ý bực. Nhưng rồi nghe hết cả bài thì thấy thơ hay quá, lại tài nữa, câu nào cũng có tên một quân bài tổ tôm mà lại nói lên được cảnh học trò nghèo kiết không tiền… Vừa thương vừa phục, ông lão đã bằng lòng cho nhà thơ khất nợ.
“Ba vạn anh hùng đè xuống dưới. Chín lần thiên tử đội lên trên”
Nhà Nho chân chính không sợ khó khổ, nghèo hèn cũng không sợ mất mạng. Họ chỉ sợ không giữ được tiết tháo của mình. Thế nên những lúc nghèo khổ nhất hay đối mặt với cường quyền chính là lúc họ thể hiện sự cứng cỏi, khí phách của mình. Nguyễn Công Trứ chính là một người luôn như thế.
Một lần có việc đi xa, trời rét, chàng học trò Nguyễn Công Trứ ghé vào quán nước bên đường nghỉ chân, rồi rúc vào ổ rơm trong quán ngủ nhờ. Vừa lúc đó, Tả quân Lê Văn Duyệt dẫn một đạo quân đi ngang qua cũng ghé vào quán. Những người trong quán thấy quan quân rầm rập thì sợ hãi nép tận vào các góc xa, riêng Nguyễn Công Trứ vẫn đắp chiếu nằm trên ổ rơm ngủ khì như không có chuyện gì xảy ra.
Một viên quản cơ thấy vậy nạt nộ om sòm, hất chiếu đánh thức kẻ vô lễ dậy. Chàng thư sinh điềm nhiên, chậm rãi ngồi lên, không tỏ vẻ gì là sợ hãi cả. Thấy vậy, Tả quân Lê Văn Duyệt lấy làm lạ, hỏi:
– Nhà ngươi là ai, mà thấy đạo quân của ta đến vẫn cứ nằm lì, không đứng dậy chào cho phải phép? Ngươi không sợ ta trách phạt hay sao?
Chàng học trò khôn khéo đáp lời quan:
– Bẩm quan lớn, tiểu sinh vốn biết đạo quân của ngài là đạo quân nhân nghĩa, chẳng vô cớ làm hại ai bao giờ, nên không việc gì phải sợ. Vả lại, tiểu sinh là học trò, đi đường xa mệt, gặp trời mưa lạnh lại có ổ rơm ấm quá nên trót ngủ quên mất ạ.
Thấy Nguyễn Công Trứ quả có dáng vẻ nho nhã, Tả quân liền bảo:
– Nếu ngươi đúng là học trò thì hãy làm vài câu thơ vịnh cảnh nằm ổ rơm đắp chiếu như vừa rồi, nếu hay ta sẽ tha, bằng không sẽ chịu phạt đó.
Cậu Nho sinh dường như chỉ đợi có thế, ứng khẩu đọc ngay:
Ba vạn anh hùng đè xuống dưới
Chín lần thiên tử đội lên trên.
“Ba vạn anh hùng” chính là chơi chữ, lấy từ ý “anh hùng rơm”. “Chín lần thiên tử” lấy từ ý “chiếu thiên tử” (chiếu chỉ của vua). Tả quân Lê Văn Duyệt nghe xong, giật mình khen hay, hỏi tên tuổi, thưởng cho Trứ một số tiền rồi thả cho đi, và ghi nhớ mãi trong lòng về người học trò kì tài ấy.
(Còn nữa)
Tĩnh Thủy
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Thư mời tham gia xây dựng Cổng Thông Tin Điện Tử Họ Nguyễn Việt Nam ************************* Kính gửi : Cộng Đồng Họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn chúng ta là một dòng Họ rộng lớn và rất nhiều chi, nhiều nhánh Họ rộng khắp trên toàn quốc và cả thế giới. Việc thành lập một Cổng Thông...