CỘNG ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM - CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Truyện núi tản viên
Chủ nhật - 07/04/2013 05:32
Núi Tản Viên ở phía tây kinh thành Thăng Long nước Nam Việt. Núi cao một vạn hai nghìn ba trăm trượng, chu vi chín vạn tám nghìn sáu trăm trượng. Ba núi đứng xếp hàng, đỉnh tròn như cái tán cho nên có tên ấy. Theo sách Ai Giao Châu tự của Đường Tăng thì Đại vương núi này là Sơn Tinh họ Nguyễn, vô cùng linh ứng. Khi hạn hán, lúc lụt lội cầu đảo để phòng tai trừ hoạn lập tức có ứng nghiệm. Kẻ thờ cúng hết lòng thành kính. Thường thường, vào những ngày quang đãng như có bóng cờ xí thấp thoáng trong hang núi. Dân trong vùng nói rằng đó là Sơn thần hiển hiện.
Khi Cao Biền nhà Đường ở An Nam, muốn yểm những nơi linh tích bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc quần áo vào, rồi đặt ngồi trên ngai, tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém đầu. Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật đó. Biền đem thuật đó để tiến Đại vương núi Tản Viên, thấy Vương cưỡi ngựa trắng ở trên mây, nhổ nước bọt mà bỏ đi. Biền than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Vượng khí đời nào hết được”. Sự linh ứng đã hiển hiện ra như vậy đó.
Xưa kia Đại vương trông thấy phong cảnh núi Tản Viên đẹp đẽ bèn làm một con đường từ bến Bạch Phiên đi lên phía nam núi Tản Viên, qua động An Vệ, ở các ngọn luồn lạch suối đều dựng điện để nghỉ ngơi. Rồi lại đi qua ria núi đến chỏm núi có mây che thì định cư ở đó. Đôi lúc rong chơi trên sông Tiểu Hoàng giang xem đánh cá, phàm đi qua các làng xóm đều dựng điện để nghỉ ngơi. Về sau, nhân dân theo dấu vết các điện đó mà lập đền miếu để thờ cúng.
Lại theo truyện cũ ở sách Giao Châu ký của Lỗ Công, tương truyền rằng Đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui với loài thuỷ tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu. Thời vua Chu Noãn Vương, vua Hùng Vương thứ 18 đến ở đất Việt Trì, châu Phong, lấy quốc hiệu là Văn Lang. Vua có người con gái tên là Mỵ Nương (cháu gái 27 đời của Thần Nông) có sắc đẹp; Thục Vương Phán cầu hôn, nhà vua không bằng lòng, muốn chọn rể hiền.
Mấy hôm sau, bỗng thấy hai người, một người xưng là Sơn Tinh, một người xưng là Thuỷ Tinh đến để cầu hôn. Hùng Vương truyền tỉ thí pháp thuật. Sơn Tinh chỉ núi, núi lở, ra vào trong đá không có gì trở ngại. Thuỷ Tinh lấy nước phun lên không biến thành mây mưa. Vua nói: “Hai vị đều có phép thần thông, nhưng ta chỉ có một con gái, vậy ai mang sính lễ tới trước, ta khắc gả cho”. Sáng hôm sau, Sơn Tinh mang ngọc quý, vàng bạc, sơn cầm, dã thú… các lễ vật đến tiến vua y cho.
Thuỷ Tinh đến sau, không thấy Mỵ Nương, cả giận đem loài thuỷ tộc định đánh để cướp lại. Vương lấy lưới sắt ngăn ngang sông huyện Từ Liêm. Thuỷ Tinh bèn mở một dải sông Tiểu Hoàng Giang từ Lý Nhân ra Hát Giang, vào sông Đà Giang để đánh ập sau lưng núi Tản Viên. Lại mở ngách sông Tiểu Tích Giang hướng về trước núi Tản Viên, đi qua Cam Giá, Xa Lâu, Cổ Hào, Ma Sá (1) ở khoảng ven sông đánh sụt thành cái vũng lớn để mở lối đi cho quân thuỷ tộc. Thường làm mưa gió mịt mù, dâng nước lên đánh Vương. Dân ở trên núi thấy thế bèn dựng một hàng rào để đón đỡ, đánh trống gõ cối(2), hò reo để cứu viện. Thấy củi cành trôi bên ngoài hàng rào bèn bắn, thuỷ tộc chết biến thành xác ba ba thuồng luồng trôi tắc cả khúc sông.
Hàng năm vào khoảng tháng bảy, tháng tám vẫn thường như vậy. Dân vùng chân núi hay bị gió to nước lớn, lúa má thiệt hại cả. Người đời tương truyền rằng đó là Sơn Tinh và Thuỷ Tinh tranh nhau lấy Mỵ Nương (3).
Đại vương được bí quyết trường sinh của thần tiên nên rất hiển linh, đó là vị đệ nhất phúc thần của nước Đại Việt vậy.
Quan Hàm lâm học sĩ triều Trần là Nguyễn Sĩ Cố đi chinh tây vào bái yết, có bài thơ rằng:
Sơn tự thiên cao thần tối linh,
Tâm quynh tài khấu dĩ văn thanh.
Mỵ Nương diệc hữu hiển linh trứ.
Thả vị thư sinh bảo thử hành.
(Nghĩa là: Núi cao như trời, thần rất thiêng. Cửa lòng vừa gõ đã nghe tiếng. Mỵ Nương nếu có, tài hiển linh, hãy phù hộ chuyến đi của kẻ thư sinh này.)
Ở cuối truyện về sau có thêm một đoạn:
Theo sách Thế Pháp tập thì xưa kia Lạc Long Quân và Au Cơ sinh một bọc trăm trứng. Mỗi trứng nở ra một người con trai. Long Quân đem năm mươi con về dưới biển. Năm mươi con cùng ở với Au Cơ phân nhau trị thiên hạ, hiệu là Hùng Vương. Mà Đại vương núi Tản Viên chính là một trong năm mươi người con đi xuống biển không phải là hạo khí của núi tụ nên.
Vương từ hải quốc qua cửa bể Thần Phù trở về, tìm nơi đất thanh u, dân tục đôn hậu chất phác mà ở. Đi men theo sông Cái đến đất Long Đỗ, thứ đến Trấn Trạch, định lại, nhưng không vừa ý. Bèn bỏ đi, men sông Lô Giang, ngược lên tới bờ Phúc Lộc Giang, đứng bên bờ trông thấy núi Tản Viên cao vút đẹp đẽ, ba ngọn núi đứng xếp hàng, nghiễm nhiên như tranh vẽ. Lại thêm dân ở dưới núi có tục mổ trâu, nấu rượu hàng ngày ăn uống, ca vịnh ngâm nga, thực là chất phác. Vương bèn làm một con đường thẳng như sợi dây từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía nam núi Tản Viên, tới động An Uyên(4) lập điện để nghỉ ngơi(5).
-----------------
Chú thích:
Bản A.750 chép: “… đến Cam Giá, Đông Lâu, Cổ Hiều, Ma Sá”. Bản A.1752 chép: “… lại mở ngách sông Tiểu Chiết Giang chạy về phía trước núi Tản Viên, tới Cam Giá, Xa Lâu, Cổ Hiều, Ma Sá, Lộc Sơn thì đánh sụt thành vũng”.
Bản A.1200 chép: “… đánh trống để báo cho nhau biết.”
Bản A.1200 chép: “… tranh lấy Mỵ Nương”. Bản chính A.33 chép nhầm là Man Nương, chúng tôi chữa lại là Mỵ Nương cho đúng.
Bản A.1752 chép: “… đi tới Ngô Đồng, lập điện để nghỉ ngơi.” Bản A. 2107 và bản A.750 chép: “… đi tới Vệ Động…”
Theo các bản A.1752 và A.750 thì đoạn cuối này từ câu: “Xưa Lạc Long Quân và Au Cơ sinh ra một bọc trăm trứng…” cho tới hết được xếp ở đầu truyện, sau câu: “… ba núi đứng xếp hàng, đỉnh tròn như cái tán cho nên có tên ấy”.