CỘNG ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM - CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Danh tướng Nguyễn Khoái
Thứ sáu - 06/05/2011 08:52
Thời Trần, có hai nhân vật cùng họ cùng tên là Nguyễn Khoái và cùng được sử cũ trân trọng ghi tên. Một người là danh tướng, một người là danh thần. Tuy cùng âm là Khoái nhưng mặt chữ Hán của hai tên gọi này lại hoàn toàn khác nhau. Chữ Khoái (蒯) là tên của danh tướng vốn tên một loài cỏ (cỏ này có thể lấy sợi để dệt). Chữ Khoái (袂-?) là tên của danh thần (người sinh sau danh tướng Nguyễn Khoái chừng nửa thế kỉ) có nghĩa là vui vẻ, sắc sảo, mau chóng... Trang viết nhỏ này chỉ nói về danh tướng Nguyễn Khoái mà thôi.
Nguyễn Khoái sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu, hiện tại vẫn chưa ai rõ. Sử cũ chỉ cho biết rằng, Nguyễn Khoái là tướng chỉ huy quân Thánh Dực dưới thời vua Trần Nhân Tông (1278- 1293) và từng dũng cảm lập công lớn trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288).
Thời Trần, quân Thánh Dực là một trong những đơn vị quân chủ lực của triều đình. Tướng chỉ huy đội quân đó ngoài tài năng và uy tín, còn phải có một quá trình thử thách khá lâu dài. Từ thực tế này, chúng ta có thể ước đoán rằng, Nguyễn Khoái đã trở thành võ quan của triều Trần khoảng cuối đời vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278) hoặc đầu đời vua Trần Nhân Tông.
Trong cuộc chiến tranh lần thứ hai (1285), hoạt động chủ yếu của Nguyễn Khoái là đem đội quân Thánh Dực theo hầu cận để bảo vệ Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, đồng thời, sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh chiến đấu do Thượng Hoàng và Nhà vua ban ra. Cả hai nhiệm vụ này, Nguyên Khoái đã hoàn thành một cách xuất sắc. Ông đã lập công lớn trong việc tấn công vào đội quân của tướng giặc là Toa-Đô. Bấy giờ, quân của Toa-Đô từ đất Chiêm Thành tiến ra, hòng kết hợp với quân chủ lực của Thoát-Hoan, tạo thành hai gọng kìm nguy hiểm, từ Nam lên và từ Bắc xuống, để bóp nát chủ lực của ta. Trải ba năm1 chinh chiến (1282-1285), đạo quân của Toa-Đô tuy đã bị thiệt hại nhiều, nhưng vẫn thực sự là một đạo quân mạnh. Từ khi tướng chỉ huy quân đội nhà Trần ở phía Nam là Trần Kiện chạy đi đầu hàng, tinh thần của đạo quân Toa-Đô có phần phấn chấn hơn. Cuối mùa xuân năm Ất Dậu (1285), Toa-Đô hùng hổ tiến ra vùng châu thổ sông Hồng. Sử cũ chép:
“Toa-Đô từ Chiêm Thành kéo ra đánh phá và cướp bóc suốt dọc đường đi. Chúng trèo đèo vượt sông, từ châu Ô, châu Lý, châu Hoan và châu Ái, tiến ra Tây Kết2. Nhà vua bàn với quần thần rằng:
- Giặc đi xa muôn dặm để mưu cướp nước người ta (đây chỉ nước Chiêm Thành - NKT), do không chiếm được nên mới bỏ đi. Nay nhằm lúc chúng đang mỏi niệt mà đem quân ta đã được nghỉ ngơi dưỡng sức để ra đối địch, đánh ngay trận phủ đầu thì ắt chúng sẽ mất hết nhuệ khí và sẽ bị phá tan.
Bàn xong đâu đấy rồi, Nhà vua liền hạ lệnh cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và Chiêu Thành Vương (chưa rõ tên), cùng với Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đem quân tinh nhuệ đi đón đánh. Khi quân ta tiến đến Hàm Tử, hai bên đánh nhau rất quyết liệt”3.
Như vậy là, trước khi trở thành một trong những tướng chỉ huy chiến dịch Tây Kết, Nguyễn Khoái đã tham gia vào chiến dịch Hàm Tử. Thắng lợi của chiến dịch Hàm Tử có ảnh hưởng to lớn và mạnh mẽ đến thắng lợi của chiến dịch Tây Kết, và ngược lại, thắng lợi của chiến dịch Tây Kết vừa có tác dụng củng cố thắng lợi của chiến dịch Hàm Tử, vừa có ý nghĩa mở đường cho thắng lợi của một loạt chiến dịch sau đó, đẩy quân Nguyên vào thế khủng hoảng nghiêm trọng để rồi cuối cùng là bị thất bại hoàn toàn.
Trong cuộc chiến tranh chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ ba (1288), tướng Nguyễn Khoái lại tiếp tục lập được chiến công vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Bấy giờ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết đánh trận quyết chiến chiến lược với quân Mông-Nguyên ở Bạch Đằng. Đây là trận thủy chiến có quy mô lớn, được tổ chức theo kế hoạch kết hợp chặt chẽ giữa mai phục với bao vây. Đội quân Thánh Dực do Nguyễn Khoái chỉ huy có nhiệm vụ dũng mãnh tấn công, chia cắt đội hình giặc khi chúng đang lúng túng vì đã lọt vào ổ mai phục của ta. Và Nguyễn Khoái đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Chiến thuyền của đạo quân Thánh Dực đã khiến cho giặc hốt hoảng, vừa cố sức chống đỡ, vừa tìm đường tháo chạy. Nhưng, chúng đã không thể nào thoát được bởi bãi cọc gỗ cực kì lợi hại mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chuẩn bị công phu từ trước.
“Bấy giờ, thủy triều rút xuống rất nhanh, tướng Nguyễn Khoái thống lĩnh quân Thánh Dực xông ra, đánh mạnh vào đội hình giặc, phá tan được quân Nguyên. Ngay lúc ấy, đại binh Nhà vua cũng vừa tiến tới. Ô-Mã-Nhi phải thu thập chiến thuyền còn lại để tháo chạy, chẳng ngờ, thuyền vướng cọc gỗ, bị lật nhào xuống nước. Quân Nguyên chết không biết là bao nhiêu mà kể. Ta bắt được của chúng hơn bốn trăm chiếc”4.
Triều Trần đánh giá rất cao công lao của Nguyễn Khoái. Tháng 4 năm 1289, vua Trần định công ban thưởng cho tất cả các tướng có công đánh giặc. Nguyễn Khoái được phong tước Hầu và được cấp hẳn cả một Hương, đó là Hương Khoái Lộ. Hương này, nay thuộc tỉnh Hải Hưng. Có thề coi đó như một ngoại lệ hiếm hoi, bởi lúc bấy giờ, Nguyễn Khoái là một trong số rất ít người không thuộc hàng quý tộc được hưởng đặc ân này.
Cũng chính vì sự đa dạng, và gắn liền với nhiều sự đổi thay trong quá trình phát triển dòng họ đó, mà ít nhiều đến bây giờ chúng ta đã phần nào bị thất lạc hoặc mất kết nối với các nhánh họ và những tư liệu lịch sử từ ngàn năm ông cha ta, ông bà ta để lại.
Với mục đích xây dựng một kênh...