Tìm lại lịch sử việc giữ vững biên cương, mở mang lãnh thổ cũng lắm điều đáng nhớ, trong đó công lao của Nhà Nguyễn là rất lớn, đặc biệt trong việc mở mang bờ cõi về Đằng Trong và sựu thống nhất toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay. Trong bài này ta sẽ nói về quá trình mở mang bờ cõi về Đằng Trong của Nhà Nguyễn.
Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, do áp lực từ các cuộc tấn công của chúa Trịnh từ phương bắc và nhu cầu mở rộng đất đai về phương nam, các chúa Nguyễn đã bắt đầu một công cuộc mở mang nhanh, mạnh bờ cõi Việt Nam về phía nam. Quá trình này chấm dứt sự tồn tại 17 thế kỷ của vương quốc Chăm Pa. Bước này chia thành nhiều giai đoạn khác nhau:
Năm 1611, Nguyễn Hoàng (阮潢,1558-1612) đánh Chiêm Thành lấy đất lập ra phủ Phú Yên chia ra làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuyên Hòa, nay thuộc Phú Yên.
Khi đó, vùng đất Nam Bộ nay thuộc quyền cai quản của Thủy Chân Lạp còn là vùng đất sình lầy, nước mặn, chẳng trồng trọt gì được, thỉnh thoảng mới có một một vùng đất cao để làm vườn làm nhà, đường giao thông lại không có, dân cư thưa thớt. Các quan lại Thủy Chân Lạp (di huệ của Chân Lạp) cũng quản lý rất lỏng lẻo, đất đai bỏ hoang, trộm cắp hoành hành, thú dữ rập rình. Trong bối cảnh đó, đồng thời với việc Chúa Nguyễn tổ chức khai thác miền đất đã chiếm được của Chiêm Thành, nhiều dân Việt ở Đàng Trong bỏ dải đất miền Trung khắc nghiệt, vào khai khẩn đất làm ruộng ở Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai, phải tốn công đắp đê ngăn nước mặn, đào mương, đúc cống, chật vật và họ cũng tổ chức buôn bán ở Sài Gòn. Trong quá trình đó họ không gặp phản kháng gì đặc biệt của Chân Lạp.
Nhằm rảnh tay đối phó với Chúa Trịnh ở Đàng ngoài và tranh giành ảnh hưởng với người Bồ ở Chiêm Thành, năm 1631 Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (阮福元, 1613-1635) học tập vua nhà Trần đã đi một nước cờ cao “đổi giai nhân lấy bình yên”.
Một trong những người thiếp của ông là Nguyễn Thị Giai (阮氏, 1578-1630) trưởng nữ của Khiêm vương Mạc Kính Điển 莫敬典 mà Kính Điển lại chính là cháu Mạc Đăng Doanh (莫登瀛, 1530-1540), chắt Mạc Đăng Dung (莫登庸, 1527-1530). Khi nhà Mạc thất cơ (1592), Kính Điển tử trận em là Mạc Cảnh Huống vào Nam theo Nguyễn Hoàng có đem theo con Kính Điển cùng đi. Người con gái đó được Nguyễn Thị Ngọc Dương (vợ Cảnh Huống, dì Phúc Nguyên) tiến cháu vào hầu Phúc Nguyên khi cha Sãi vương là Nguyễn Hoàng còn tại vị và vì thế nên con Mạc Kính Điển lại mang họ Nguyễn. Chính Nguyễn Thị Giai là thân mẫu của Nhị Công nữ Ngọc Van 玉萬公女 và Tam Công nữ Ngọc Khoa, hai giai nhân góp công trong việc mở mang bờ cõi Đại Việt về phía Nam. Như vậy 2 Công nữ của Chúa Nguyễn có công đặt bàn đạp Nam tiến cho Đại Việt là thuộc dòng dõi nhà Mạc (1527-1592) vốn phát tích ở Cổ Trai, Dương Kinh, Hải Phòng và là hậu duệ của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.Năm 1623 chúa Nguyễn Phúc Nguyên (阮福元, Chúa Sãi, 1613-1634) gây áp lực với Chân Lạp, “mượn” vùng đất Prey Nokor (Sài Gòn ngày nay) đặt trạm và quan chức thu thuế lưu dân Việt đang sinh sống xung quanh ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa. Nhờ sự tác động của hoàng hậu Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac Ksattecey (tức Ngọc Vạn Công nữ 玉萬公女, người con gái thứ hai của Sãi Vương được Chúa gả cho vua Chân Lạp là Chey-Chetta II vào năm 1620), vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến đó canh tác. Đây là lần đầu tiên quan binh Đại Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và Mô Xoài là bàn đạp để người Việt dần dần tiến xuống đồng bằng sông Cửu Long, một bước đặt nền từ chủ trương hôn phối.
Năm 1631 Sãi vương gả tam Công nữ là Ngọc Khoa 玉姱公女 cho vua Chiêm Porome kết tình hoà hiếu và đây cũng là nguyên nhân mà từ 1639 người Bồ Đào Nha không giao thương với Chiêm nữa. Truyền thuyết cũng như tục ngữ Chiêm Thành đều có ý trách cứ, nếu không muốn nói là phẫn nộ, cho rằng bà Ngọc Khoa đã làm cho vua Po Romê trở nên mê muội và khiến cho nước Chiêm sụp đổ. Năm 1653 vua nước Chiêm Thành là Bà Thấm nhằm đòi lại đất Phú Yên đã đưa quân ra đánh chiếm. Chúa Hiền là Nguyễn Phúc Tần (阮福瀕,1648-1687) sai quan cai cơ là Hùng Lộc sang đánh. Bà Thấm phải dâng thư xin hàng. Chúa Nguyễn để từ sông Phan Lang trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông Phan Lang trở ra lấy làm phủ Thái Ninh, sau đổi làm phủ Diên Khánh, nay thuộc Khánh Hòa. Tại đây đặt dinh Thái Khang để Hùng Lộc làm thái thú.
Năm 1658, vua nước Chân Lạp mất, nội bộ nước Chân Lạp lục đục vì tranh giành ngôi. Chúa Nguyễn Phúc Tần (阮福瀕, 1648-1687) đã giúp một hoàng thân Chân Lạp lên ngôi, đáp lại vị vua mới của Chân Lạp đã ký hiệp ước triều cống chúa Nguyễn hàng năm và cho phép người Việt được làm chủ vùng đất đã khai hoang ở Sài Gòn, Đồng Nai và Bà Rịa. Lúc này Tiêm La (hậu duệ của Phù Nam cũ) đã mạnh nên muốn giang tay ra phía Đông tới đây nhưng vì nhà Nguyễn đang mạnh nên phải thôi. Tại khu vực này lưu dân Việt sinh sống ngày càng đông đúc, chúa Nguyễn đã cử một đội quân mạnh để giữ gìn an ninh cũng như đặt các quan cai trị và thu thuế.
Năm 1679 có quan nhà Minh gồm Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến là Tổng binh Trấn thủ đất Long môn (Quảng Tây), Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình là tổng binh châu Cao, Lôi, Liêm (Quảng Đông) không chịu làm tôi nhà Thanh, đem 3000 người cùng 50 chiếc thuyền sang xin ở làm dân Đại Việt. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, bèn cho vào ở đất Đông Phố (Gia Định). Những người này chia nhau ở đất Lộc Đã (Đồng Nai), Ban Lân (Biên Hòa) và Mỹ Tho (Tiền Giang), cày ruộng, làm nhà, lập ra phường phố, có người phương Tây, người Nhật Bản, người Chà Và đến buôn bán khá đông.
Năm 1680 Mạc Cửu, người gốc Quảng Đông, khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh đã cùng gia quyến bỏ sang Chân Lạp, mở sòng bạc và cai quản 7 xã gồm toàn lưu dân, gọi là Hà Tiên. Mạc Cửu mở rộng đất đai gồm vùng đất Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc vốn thuộc Chân Lạp nhưng Chân Lạp không kiểm soát được. Năm 1718 để tránh áp lực thường xuyên của Xiêm La sang cướp phá, Mạc Cửu đã dâng đất khai phá xin nội thuộc về chúa Nguyễn, chúa Phúc Chu đổi tên thành Trấn Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu làm chức Tổng binh, cai quản đất Hà Tiên. Khi Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ lại được làm chức đô đốc, tiếp tục cai quản Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đắp thành, xây lũy, mở chợ, làm đường và đưa người về dạy học để khai hóa đất Hà Tiên.
Năm 1693 với lý do vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn Phúc Chu (阮福周, Chúa Quốc,1691-1725) sai quan tổng binh là Nguyễn Hữu Cảnh đem binh đi đánh bắt được Bà Tranh cùng thân thuộc về Phú Xuân (Huế). Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm Thành làm Thuận Phủ, nay thuộc Bình Thuận. Đất này cho con cháu của Bà Tranh làm đề đốc trấn giữ, bắt đổi y phục như người Việt Nam để phủ dụ dân Chiêm Thành.
Tuy nhiên, do sự kháng cự của người Champa và cũng cần tập trung cho việc khai phá đồng của Chân Lạp nên qua năm 1695, chúa Quốc đổi Thuận Phủ ra làm Thuận Thành Trấn, dành cho người Chăm cơ chế tự trị nhưng vẫn thuộc sự bảo hộ của chúa Nguyễn. Đến năm 1832, vua Minh Mạng (明命皇帝,1820-1840) xóa bỏ cơ chế tự trị, lập thành tỉnh Bình Thuận.Việc này đồng nghĩa với việc Vương quốc Chăm Pa chính thức không còn tồn tại.
Năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu (阮福啁, 1691-1725) sai Nguyễn Hữu Cảnh làm kinh lược đất Chân Lạp. Ông chia đất Đông Phố của những người Tàu ra làm dinh, làm huyện, lấy Đồng Nai làm huyện Phúc Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Ông đặt Trấn Biên dinh (Biên Hòa), đất Trấn Biên thì lập làm xã Thanh Hà, và Phan Trấn dinh (Gia Định), đất Phan Trấn thì lập làm xã Minh Hương, rồi sai quan vào cai trị. Chúa Nguyễn lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất, lập sổ bộ nước Việt. Năm 1699, triều đình Chân Lạp tổ chức một cuộc phản công nhằm dành lại nhưng bị thất bại.
Năm 1739 Mạc Thiên Tứ mở rộng đất đai kiểm soát của mình sang bán đảo Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng. Đưa thêm các vùng đất mới này vào Trấn Hà Tiên thuộc lãnh thổ Đàng Trong của chúa Nguyễn
Năm 1753, biết vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Đàng Ngoài để lập mưu đánh chúa Nguyễn, chúa Nguyễn Phúc Khoát (阮福闊,Võ Vương, 1738-1765) sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên. Năm 1755, Nặc Nguyên (Ang Tong) thua bỏ thành Nam Vang chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ, rồi xin dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (nay là Long Xuyên và Cần Thơ) cho chúa Nguyễn để cầu hòa.
Năm 1757 Nặc Nguyên (Ang Tong) mất, chú họ là Nặc Nhuận đang xin chúa Nguyễn phong cho làm vua thì bị người con rể là Nặc Hinh giết và cướp ngôi. Quan tổng suất là Trương Phúc Du thừa kế sang đánh thắng Nặc Hinh. Chúa Nguyễn Phúc Khoát (阮福闊, 1738-1765) cho lập Nặc Tôn (Outey II), con Nặc Nhuận, vốn đang nương nhờ Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên trong lúc hoạn nạn, làm vua Chân Lạp. Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu tương ứng với Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh) để tạ ơn chúa Nguyễn. Nặc Tôn lại dâng 5 phủ là Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ (5 phủ này về sau khi Pháp thành lập Liên bang Đông Dương đã cắt trả về cho Cao Miên, ngày nay là 2 tỉnh Takéo và Kampot). Vương quốc Chân Lạp chính thức chấm dứt sự tồn tại. Mạc Thiên Tứ đem những đất ấy dâng chúa Nguyễn, chúa cho thuộc về trấn Hà Tiên cai quản.
Cuộc Nam tiến của Đại Việt đến đây kết thúc bởi phía trước đã là biển (Vịnh Thái Lan). Sau này quan dân Đại Việt luôn tâm niệm về cội nguồn Văn Lang của mình:
Từ thủa mang gươm đi mở cõi,
Ngàn năm thương nhớ đất Thắng Long.