Giữa năm 1941, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng và lấy tên là Lê Quang Đạo. Từ cuối năm 1941, đồng chí công tác ở các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng…, là Xứ ủy viên rồi Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1948, đồng chí là Bí thư liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông; cuối năm 1948 là Khu ủy viên, rồi Ủy viên Thường vụ Liên khu III, phụ trách công tác tuyên huấn. Từ năm 1949, đồng chí giữ chức Phó ban Tuyên truyền Trung ương. Từ tháng 9/1950, đồng chí được phân công sang quân đội, đến tháng 5/1955 là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên huấn, địch vận, đối ngoại. Năm 1958, được phong quân hàm Thiếu tướng; năm 1974 được thăng Trung tướng.
Đồng chí là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (tháng 9/1960), đến Hội nghị Trung ương lần thứ 20 (tháng 3/1972) được bầu vào Ủy viên chính thức. Tại Đại hội IV của Đảng (tháng 12/1976), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi được bầu vào Ban Bí thư, sau đó được tái cử ở Đại hội V và Đại hội VI.
Tháng 12/1978, đồng chí rời quân đội và được phân công là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Năm 1982, đồng chí được cử giữ chức Trưởng ban Khoa giáo Trung ương; năm 1983, phụ trách công tác dân vận của Trung ương và tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tháng 6/1987, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII đã bầu đồng chí giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đầu năm 1993, đồng chí thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội để chuyên trách về công tác Mặt trận. Tháng 8/1994, Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IV đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Ngày 24/7/1999, đồng chí Lê Quang Đạo mất tại Hà Nội. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, với những công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều huân huy chương cao quý khác.
Trong rất nhiều đóng góp của đồng chí Lê Quang Đạo, Đảng ta đã ghi nhận vai trò to lớn trong việc “đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, mở rộng dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh”[1]. Sau Đại hội VI của Đảng, Quốc hội phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật. Đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức hoạt động của Quốc hội, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật. Đồng chí đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và nhân dân trong giai đoạn mới; đồng thời, ra sức thực hiện chương trình xây dựng pháp luật để Quốc hội thông qua được nhiều bộ luật, luật và pháp lệnh. Bên cạnh đó, đồng chí đã góp phần tích cực trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Việc điều hành Quốc hội thảo luận, chất vấn thực sự dân chủ, đổi mới đã phát huy trí tuệ của các đại biểu, tạo được không khí cởi mở, đoàn kết.
Trong 6 năm trên hai cương vị ấy, đồng chí góp phần tích cực để Quốc hội khóa VIII thông qua 20 luật, 30 pháp lệnh và nghiên cứu để chuẩn bị thể chế hóa nhiều luật và pháp lệnh quan trọng khác. Đồng chí cũng rất chú trọng tới những vấn đề lý luận và thực tiễn, đổi mới phong cách làm việc, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thực hiện quyền giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...[2].
Các câu chuyện dưới đây thể hiện dấu ấn sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. Tháng 3/1988, đồng chí điều hành để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay đồng chí Phạm Hùng vừa qua đời. Theo dự kiến, Bộ Chính trị đã giới thiệu đồng chí Đỗ Mười để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng một đoàn đại biểu ở phía Nam đã giới thiệu thêm một ứng cử viên thứ hai, cũng đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Cuộc trao đổi về ứng cử viên diễn ra sôi nổi. Đồng chí nói với các đoàn đại biểu trong buổi thảo luận: “Chúng tôi xin ghi nhận có hai đồng chí được giới thiệu”. Sau đó, đồng chí gặp riêng hai người được đề cử và xin gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Khi Tổng Bí thư hỏi ý kiến riêng thì đồng chí Lê Quang Đạo đáp: “Đảng vừa có chủ trương đổi mới toàn diện, trường hợp này nằm trong quyền hạn của Quốc hội, tôi thấy nên để Quốc hội lựa chọn giữa hai ứng cử viên bằng lá phiếu…”. Kết quả, đồng chí Đỗ Mười trúng cử Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và mọi người đều nhận thấy sự đổi mới theo chiều hướng dân chủ.
Một quyết định khác của đồng chí Lê Quang Đạo đã mở ra thời kỳ ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Quốc hội. Một lần, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão than phiền về cách thức lấy biểu quyết (giơ tay và đếm số người biểu quyết), vừa không giữ được bí mật khi cần, lại mất nhiều thời gian và không đảm bảo chính xác, nên có trường hợp những người không biểu quyết cũng được coi như tán thành. Chủ tịch Lê Quang Đạo nhận xét: “Đây không phải là vấn đề nhỏ. Nó liên quan tới thái độ nghiêm túc của Quốc hội đối với vấn đề lập pháp”. Rồi đồng chí hỏi: “Sao ta không sử dụng biểu quyết bằng điện tử?”. Sau đó, đồng chí gợi ý có thể nhờ Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng làm giúp. Chỉ một thời gian sau, nhờ sự giúp đỡ của Tổng cục, Quốc hội đã có một hệ thống biểu quyết bằng điện tử vận hành nhanh gọn, chính xác[3].
Thí dụ sau đây cũng góp phần phản ánh quan điểm, thái độ của đồng chí Lê Quang Đạo đối với hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, công tác xét xử nói riêng và sự tôn trọng nhân dân. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của ngành tòa án năm 1988, đồng chí nói: “Nhiệm vụ chủ yếu của tòa án là xét xử để đi đến quyết định người bị truy tố có tội hay không có tội, tội đó cần trừng trị hay tha bổng hình phạt ở mức nào là hợp lý hợp tình, bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật. Pháp luật nghiêm nhưng phải minh. Nghiêm là tội nào thì phải chịu mức hình phạt ấy theo pháp luật đã quy định, làm cho kẻ phạm tội phải chấp hành, phải hối hận và phải cải tạo sửa chữa, đồng thời, minh là phải bảo đảm tính công bằng xã hội, quyền dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân phải được tôn trọng. (…) Uy tín của Nhà nước ta, của chế độ ta đối với dân và với thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố công tác xét xử nghiêm minh và hoạt động có hiệu quả của ngành tòa án…”.
Mới đây, tại Bắc Ninh, quê hương đồng chí, sau 6 tháng phát động (từ tháng 1 đến tháng 7/2021), cuộc thi tìm hiểu “Thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo” đã nhận được 101.068 bài dự thi. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, hầu hết các bài thi có bố cục rõ ràng, nội dung sâu sắc, sáng tạo trong cách thức trình bày, dẫn dắt thuyết phục, thể hiện sự hiểu biết về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo và sự nghiên cứu nghiêm túc, tâm huyết của tác giả… Điều đó cho thấy sự quan tâm của nhân dân đối với cuộc thi và lòng ghi nhớ công lao của đồng chí Lê Quang Đạo ở Bắc Ninh là không phai nhạt.
Là vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí Lê Quang Đạo đã để lại dấu ấn quan trọng trong hoạt động của Quốc hội nói chung, trong công tác lập pháp nói riêng. Có lẽ vì thế mà trong tâm trí và tình cảm của người dân về vị Chủ tịch này vẫn luôn sâu đậm.
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Hải
Ý kiến bạn đọc
Thư mời tham gia xây dựng Cổng Thông Tin Điện Tử Họ Nguyễn Việt Nam ************************* Kính gửi : Cộng Đồng Họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn chúng ta là một dòng Họ rộng lớn và rất nhiều chi, nhiều nhánh Họ rộng khắp trên toàn quốc và cả thế giới. Việc thành lập một Cổng Thông...