Danh Y Tuệ Tĩnh - Nguyễn Bá Tĩnh - Danh y họ Nguyễn

Thứ tư - 16/09/2015 20:45
Nguyễn Bá Tĩnh - Tuệ Tĩnh Thiền sư (慧靜禪師, 1330-?), thường được gọi tắt là Tuệ Tĩnh hoặc Huệ Tĩnh (慧靜), người làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương) được phong là ông tổ ngành dược Việt Nam và là người mở đầu cho nền y dược cổ truyền Việt Nam. Các bộ sách Nam Dược thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư của ông không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam.
Tue Tinh   Nguyen Ba Tinh
Tue Tinh Nguyen Ba Tinh
Nhiều thế kỷ qua, Tuệ Tĩnh được tôn là vị thánh thuốc Nam. Tại Hải Dương, còn đền thờ ông ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, và khu B trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương có tượng Tuệ Tĩnh. Câu đối trên bia thờ ông ở đền viết, dịch nghĩa như sau:
“Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh
Sống nhờ của Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm giang” 
Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.
Năm 55 tuổi (1385), Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, mất ở đó, không rõ năm nào. Bia văn chỉ ở làng Nghĩa Phú (do Nguyễn Danh Nho soạn năm 1697) cùng các tư liệu khác ở địa phương đều ghi như vậy.
Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật, và bài "Phú thuốc Nam” 630 vị cũng bằng chữ Nôm. Thơ văn Nôm đời Trần rất hiếm, nếu quả thực đó là tác phẩm của Tuệ Tĩnh thì chúng không chỉ giá trị trong y học mà còn là tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn học bởi vì đây là các tác phẩm ở thời kì đầu của văn học chữ Nôm.
Câu nói của ông: "Nam dược trị Nam nhân” thể hiện quan điểm đầy biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh. Quan điểm ấy dẫn dắt ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam: Ông Thánh thuốc Nam! 
Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ: 
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình
Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở ho cả ngành thú y dân tộc của Việt Nam.
Theo honguyenvietnam.org Nǎm 45 tuổi, Tuệ Tĩnh thi đình. đậu Hoàng giáp. Nǎm 55 tuổi ông bị bắt đi sứ sang Trung Quốc. Ông được nhà Minh giữ lại làm việc ở Viện Thái y, rồi mất ở bên ấy, không rõ nǎm nào. 
Sự nghiệp trước tác: về phật học, ông đã giải nghĩa bằng chữ nôm 3 sách Thiền tông khóa hư lục của vua Trần Thái Tông soạn.
Về y học ông đã soạn các sách Dược tính chỉ nam và Thập tam phương gia giảm (theo Hải Dương phong vật chí), nhưng phần nguyên tác của Tuệ Tĩnh không còn tròn vẹn do binh hỏa, cụ thể các thư tịch của ta đã bị quân nhà Minh phá hủy hồi đầu thế kỷ XV khi chúng sang xâm chiếm nước ta. Những tác phẩm còn lại đến nay đều do người đời sau biên tập lại với tài liệu thu thập trong nhân dân. Hiện có:
1. Bộ Nam dược thần hiệu, do Hòa thượng Bản Lai ở chùa Hồng Phúc ở Trung Đô (phố Hòe Nhai, dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay) biên tập, bổ sung và in lại nǎm 1761, gồm Bản thảo dược tính 499 vị, (bằng thơ) và 10 khoa chữa bệnh, với 3932 phương thuốc nam ứng trị 184 loại bệnh, kèm theo môn thuốc chữa gia súc.
2. Nam dược chính bản, do triều Lê Dụ Tông đổi tên là Hồng nghĩa giác tư y thư và in lại nǎm 1717, quyển thượng gồm: Nam dược quốc ngữ phú (danh từ được học 590 vị thuốc nam). Trực giải chỉ nam dược tính phú (220 vị thuốc nam và một thiên Y luận về lý luận cơ bản, âm dương ngũ hành, tạng phủ, kinh mạch (thiên này xuất hiện ở bản in lại nǎm 1723: AB. 288)
3. Thập tam phương gia giảm, phụ Bổ âm đơn và Dược tính phú (242 vị) bằng chữ Hán, gồm 13 cổ phương đông y và phương Bổ âm đơn do tác giả sáng chế cùng phương pháp.
4. Thập tam phương gia giảm và Bổ âm đơn đã được đời sau diễn dịch ra ca nôm và in ở Hồng Nghĩa giác tư y thư quyền hạ nǎm 1723 (AB 306).
5. Một bài Nhân thân phú (tương truyền, của Tuệ Tinh), khái quát về lý luận cơ bản người tương ứng với thiên nhiên, cơ nǎng sinh lý, tạng phủ khí huyết và đường hướng dưỡng sinh chú trọng giữ gìn tinh khí thần để nâng cao tuổi thọ.
Tuệ Tĩnh đã xây dựng nền móng của y học nước nhà với truyền thống chữa bệnh bằng thuốc nam, theo phương châm "Thuốc nam Việt chữa người Nam Việt ". Ông đã gây phong trào trồng thuốc ở gia đình, vườn đền chùa và thu trữ thuốc theo thời vụ để có sẵn thuốc chữa bệnh kịp thời. Truyền thống của Tuệ Tĩnh đã được đời sau thừa kế và phát huy rạng rỡ trong việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triến y học dân tộc:
- Hoàng Đôn Hòa, Lương dược hầu dưới triều Lê Thế Tông, quê ở Đa Sĩ (xã Kiến Hưng, tỉnh Hà Tây) đã chữa bệnh rộng rãi và cứu cho nhân dân qua khỏi vụ dịch nǎm 1533 với thuốc nam trồng kiếm tại địa phương, và chữa cho quân đội triều Lê khỏi dịch sốt rét và thồ tả ở Thái Nguyên nǎm 1574 với thuốc Tam hoàng hoàn gồm Hoàng nàn, Hoàng lực do Tuệ Tĩnh đã phát hiện ở Nam dược thần hiệu và Hùng hoàng đã được dùng chống khí độc lam chướng ở Thập tam phương gia giảm. Đường lối dưỡng sinh của Tuệ Tĩnh nói ở Bổ âm đơn về phòng bệnh hư lao, đã được Hoàng Đôn Hòa cụ thể bằng thuyết "Thanh tâm tiết dục” với phép "Tịnh công hô hấp” ở sách Hoạt nhân toát yếu.
- Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ XVIII) đã thừa kế 496 bài thơ dược tính của Nam dược thần hiệu chép vào sách Lĩnh nam bản thảo, với nhiều phương thuốc nam của Tuệ Tinh chép vào các tập Hành giản trân nhu và Bách gia trân tàng. Đường hướng dưỡng sinh của Tuệ Tỉnh về giữ gìn tinh khí thần để sống lâu cũng được Lãn Ông phụ họa thêm ở thiên Khởi cư của tập "Vệ sinh yếu quyệt".
- Đặc biệt truyền thống thuốc nam của Tuệ Tĩnh đã để lại tập quán trong nhân dân: trồng một số cây ở vườn đền chùa vừa làm cảnh vừa làm thuốc, và ở gia đình, mọi người ít nhiều đều biết dùng một số cây gia vị, rau quả hay các vị thuốc thường có quanh mình, cùng các phép xông hơ, chườm nóng, xoa bóp... để chữa một số bệnh ban đầu, khi mới xảy ra, rất tiện lợi.
Truyền thống y học của Tuệ Tĩnh đã phục vụ đắc lực sức khỏe nhân dân từ bao đời nay, sự nghiệp trước tác của ông đã giữ một vị trí trọng đại nhất trong lịch sử y học Việt Nam. Vì vậy, nhân dân ta đã lập đền thờ ông: Đền Thánh thuốc nam ở quê hương thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, đền Bia ở thôn Vǎn Thai, xã Cẩm Vǎn, miếu Nghè ở chùa Giám, xã Tân Sơn, huyện Cẩm Bình, tinh Hải Hưng. Ngoài ra, ông còn được thờ là Thành hoàng ở xã Yên Lư, huyện Thủy Nguyên, ngoại thành Hải Phòng (có sắc phong là Thượng thượng dẳng phúc thần nǎm 1572, theo thần phả do Nguyễn Bính, Đông các đại học sĩ ở Viện Cơ mật triều Lê soạn).
Ngày nay, các di tích nói trên đã được Bộ Vǎn hóa xếp hạng là di tích lịch sử để tưởng nhớ công đức của vị Đại danh y Tuệ Tĩnh đối với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của dân tộc ta.
Honguyenvietnam.org

Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Tài khoản nhận tài trợ đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xây dựng phả hệ, dịch phả sử và kết nối thông tin các chi tộc:
Số tài khoản: 0907097567 - Ngân hàng MB Bank - Chủ tài khoản: Ts Nguyễn Hữu Thi ( Người sáng lập và đại diện điều hành honguyenvietnam.org )
( Xin vui lòng ghi rỏ nội dung ck:  tài trợ quỹ Tấm Lòng Vàng Honguyenvietnam.org )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay11,671
  • Tháng hiện tại207,232
  • Tổng lượt truy cập11,093,869
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây