NGUYỄN VĂN THOẠI (1701 - 1829)
Năm 16 tuổi (1777), đầu quân theo Nguyễn Ánh sang Bangkok (Thái Lan), về nước dẫn quân đi đánh Tây Sơn, làm Khâm sai cai cơ, rồi Khâm sai thống binh cai cơ, được phong tước Hầu (nên về sau thường gọi là Thoại Ngọc Hầu).
Năm 1789, làm Phó quản doanh được thăng Khâm sai thượng đạo bình Tây tướng quân.
Năm 1799, được cử đi công cán ở Viên Chăn (Lào). Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802), ông được thăng Khâm sai thống binh cai cơ trông coi việc ở Bắc Thành, rồi lãnh Trấn thủ Lạng Sơn. Được điều đi làm Trấn thủ Định Tường, rồi được cử làm Thống quân biền binh bảo hộ Cao Miên.
Năm 1818, được bổ làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (nay là Long Xuyên - Cần Thơ). Tại đây, ông cùng quan quân sở tại thiết kế và điều hành dân binh đào kênh Đông Xuyên (ở Long Xuyên). Kênh này sau khi hoàn thành được đặt tên là Thoại Hà. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông điều khiển 80.000 nhân công làm việc trong 5 năm liền (1820-1824) để đào con kênh nối Châu Đốc với Hà Tiên, dẫn nước ra biển phía Tây. Đây là công trình lớn do ông thiết kế và chỉ huy thành công, đã mang lại kết quả to lớn trong công cuộc khai phá miền Hậu Giang. Nhân dân vui mừng, triều đình hoan hỉ. Vua Minh Mạng ban sắc đặt tên kênh này là Vĩnh Tế hà (tên của vợ ông Châu Thị Vĩnh Tế) và đặt tên cho ngọn núi nhìn xuống con kênh là Thoại Sơn (tên nôm là núi Sập).
Nguyễn Văn Thoại còn có công mộ dân khẩn hoang ở vùng An Hải, Châu Đốc, biến vùng đất hoang vu nơi biên giới thành trù phú, dân cư ngày một đông đúc, an vui.
Nguyễn Văn Thoại là một nhân vật tài kiếm văn võ, một nhà hoạt động chính trị ngoại giao xuất sắc, (hai lần được cử làm Bảo hộ Cao Miên), khi sang Viên Chăn, lúc được cử ra giải quyết vấn đề biên giới phía Bắc (Lạng Sơn), khi về trấn ngự biên giới Tây Nam. Ông còn là doanh điền, một nhà hoạt động kinh tế có tầm nhìn chiến lược và có đầu óc tổ chức giỏi.
Ông mất ngày mồng 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu tại nhiệm sở Châu Đốc, thi hài được an táng bên chân núi Thoại Sơn. Tưởng nhớ công lao và sự nghiệp của ông, nhân dân lập lăng thờ. Lăng Thoại Ngọc Hầu được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.
Tại phường An Hải, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đền thờ Thoại Ngọc Hầu được xây dựng rất khang trang.
Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Nguyễn Văn Thoại dài 2.010m, rộng 8m, từ ngã tư đường Ngô Quyền đến nhà khách của Quân khu V (thường gọi là T.20), chạy dọc ven theo bãi tắm Mỹ Khê đến giáp đường Nguyễn Công Trứ.
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Thân gửi Toàn thể cộng đồng Họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn chúng ta tự hào là dòng họ có số lượng dân số lớn nhất Việt Nam hiện nay. Họ Nguyễn cũng là dòng họ có nhiều nguồn dân số phân bổ trên nhiều vùng miền nhất của cả nước. Ở đâu trên mảnh đất...