KHỞI TỔ ĐỊNH QUỐC CÔNG NGUYỄN BẶC (924-979)

Thứ sáu - 07/11/2014 05:26
Khai quốc công thần Thái Tể Triều Đinh (968 - 979), Thái thủy tổ của một nhánh dòng họ Nguyễn.
Anh Nguyễn Bặc là NGUYỄN BỒ (Tùy tướng của Đinh Bộ Lĩnh, năm Đinh Mão cử đi đánh Nguyễn Siêu ở Đông Phù Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, bị tử trận).
KHỞI TỔ ĐỊNH QUỐC CÔNG NGUYỄN BẶC (924-979)
KHỞI TỔ ĐỊNH QUỐC CÔNG NGUYỄN BẶC (924-979)
Nguyễn Bặc (924-979) là đệ nhất công thần, một trong “Tứ Trụ” của nhà Đinh. Ông sinh năm Giáp Thân (924), cùng tuổi và cùng làng Đại Hữu với vua Đinh. Sau này, ông giúp Đinh Bộ Lĩnh bình định mười hai sứ quân, lập công lớn, được vua Đinh phong là Định Quốc công, vị trí như Tể tướng trong triều đình nhà Đinh.
Theo gia phả, Nguyễn Bặc là con trai Nguyễn Thước, một gia tướng của Dương Đình Nghệ. Hiện nay, gần núi Kỳ Lân, thuộc thôn Văn Hà, xã Gia Phương (Gia Viễn, Ninh Bình) còn di tích mộ phát tích của họ Nguyễn Bặc và họ Đinh Bộ Lĩnh.
Năm 951, Đinh Bộ Lĩnh dấy binh ở động Hoa Lư để mưu cầu thống nhất giang sơn. Nguyễn Bặc đã có mặt ngay từ buổi đầu dưới ngọn cờ đại nghĩa đó. Trong những năm tháng đánh dẹp các sứ quân, Nguyễn Bặc luôn luôn bên cạnh Vạn Thắng Vương và là vị tướng dũng lược tiên phong.
Theo thần phả đình Ba Dân ở Thanh Trì (Hà Nội), ngày 6-6-967 (Đinh Mão), Đinh Bộ Lĩnh điều một đạo quân do tướng Nguyễn Bồ chỉ huy tiến đánh sứ quân Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt, một sứ quân mạnh nhất lúc bấy giờ, nhưng nhiều ngày vẫn không hạ được thành. Tướng Nguyễn Bồ (là anh ruột Nguyễn Bặc) và ba tướng khác, cùng rất nhiều binh lính đều tử trận. Đinh Bộ Lĩnh cả giận, thống lĩnh toàn quân, cử Nguyễn Bặc làm Đại tướng tiên phong, đánh một trận phá tan sứ quân Nguyễn Siêu vào ngày 15-7-967 (Đinh Mão). Đến nay, bốn làng Tây Phù Liệt còn đền thờ các tướng Nguyễn Bặc và Nguyễn Bồ làm Thành hoàng. Chiến thắng Tây Phù Liệt, phá tan sứ quân Nguyễn Siêu, có ý nghĩa quyết định trong việc kết thúc thắng lợi công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, đưa giang sơn về một mối của nghĩa quân Hoa Lư do Vạn Thắng Vương thống lĩnh.



Đình thờ Nguyễn Bặc, Nguyễn Bồ ở Tứ Hiệp - Thanh Trì - Hà Nội

Nguyễn Bặc trưởng thành nhanh chóng, trở thành vị tướng tài ba bậc nhất của Vạn Thắng Vương. Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Bặc được xếp là Đệ nhất công thần, đứng đầu các quan văn võ; nhưng khi thiết triều, ông khiêm tốn ngồi sau Đinh Điền, vì ông cho rằng, Đinh Điền cũng là bạn đồng niên, đồng hương, lại cùng họ với vua Đinh.

 

Mộ Thái Thủy Tổ Định Quốc công nguyễn Bặc
Xuân Mạnh, Tri Kiên cùng bà con họ Nguyễn Triệu Cơ Quỳnh Đôi dâng hương năm 2008
 
 
Chuyện kể lại rằng, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân thắng lợi, vua Đinh phân vân nên lấy vị hiệu cũ là Vạn Thắng Vương hay xưng đế.
Chính Định Quốc Công Nguyễn Bặc tâu rằng: “Ngày nay, nhà vua đã thống nhất bờ cõi, thu giang sơn về một mối, dân chúng khắp nơi một lòng quy phục, có thực lực mạnh hơn hẳn Lý Nam Đế và Ngô Vương Quyền trước đây, tại sao chỉ xưng vương mà không xưng đế như các triều vua phương Bắc? Nhà vua không lên ngôi Hoàng đế, dựng nền chính thống của nước Đại Cồ Việt ta thì còn ai làm được việc đó? Trước đây, nhà Nam Hán đem hàng vạn quân thủy bộ sang xâm lược nước ta đã bị Ngô Vương Quyền đánh cho tan tác ở cửa sông Bạch Đằng. Nay nhà vua có binh hùng, tướng mạnh gấp nhiều lần thì sợ gì giặc Bắc?”.
Nghe lời khuyên của Nguyễn Bặc, các đại thần đồng thanh dâng vị hiệu, Đinh Bộ Lĩnh quyết định xưng Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.
Lại một chuyện khác. Khi tìm đất định đô, Đinh Bộ Lĩnh định lập đô ở Đại hữu quê nhà, nhưng Nguyễn Bặc đã khuyên vua Đinh rằng, đất Đại Hữu không hiểm trở, nên lấy Hoa Lư làm đô. Chính “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng chép:
“Khi ấy mười hai sứ quân đều tự làm hùng trưởng cắt giữ đất đai… vua đánh dẹp được cả, mới tự xưng đế, chọn chỗ đất phẳng ở Đàm Thôn, muốn dựng làm kinh đô, nhưng thế đất chập hẹp, lại không có lợi về sự đặt hiểm, nên lại đóng đô ở Hoa Lư (nay là phủ Trường Yên)”.
Năm Tân Mùi (971), Nguyễn Bặc được vua Đinh gia phong là Khai quốc công thần, Phụ quốc, Thừa tướng, Thái Tể Định Quốc Công, tức là vị Tể tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta từ thế kỷ thứ X. Lúc này ông vừa 47 tuổi đời. Là một vị Tể tướng, ông cũng rất chý ý tiến cử người hiền tài cho vua Đinh. Khi vua Đinh định trao cho ông cả chính quyền và binh quyền, ông đã từ chối mà tiến cử Lê Hoàn, một viên tướng trẻ đầy tài năng, hiện đang dưới quyền Nam Việt Vương Đinh Liễn, lên làm Thập đạo Tướng quân (chức Tổng chỉ huy quân đội thời Đinh).
Trong ngót 10 năm, với vị trí là người đứng đầu bộ máy hành chính triều Đinh, Nguyễn Bặc đã giúp vua Đinh xây dựng hệ thống chính quyền phong kiến tập trung, thống nhất, xóa bỏ cát cứ, xây thành đắp hào, làm cung điện, đặt triều nghi.
Về kinh tế, nhà Đinh đã chú trọng phát triển nông nghiệp và mở mang ngành nghề thủ công.
Về quân sự, nhà Đinh đã xây dựng quân đội thống nhất gồm 10 đạo, phiên chế thành các lữ, tốt. Đây là lực lượng quân đội khá hùng mạnh lúc bấy giờ và là lực lượng chủ lực để phá Tống, bình Chiêm sau này.
Về ngoại giao, quan hệ bang giao với nhà Tống lúc bấy giờ cũng rất thành công. Trong vòng 8 năm, từ năm 969 đến năm 977, triều Đinh đã 5 lần cử phái đoàn sứ giả sang Trung Quốc giao hảo và được nhà Tống cử sứ thần sang đáp lễ.
Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, nhà nước phong kiến Trung Quốc công nhận nước ta là một nước độc lập, tự chủ.
Phan Huy Chú nhận xét: “Đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục và mở mang bờ cõi, bấy giờ Trung Quốc mới công nhận nước ta đứng riêng là một nước”.
Đêm Trung Thu năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và con trai là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Sau đó, triều đình tôn Vệ Vương Đinh Toàn lên làm vua kế vị (1).
Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn xưng là Phó Vương, lại có tình riêng với Thái hậu Dương Văn Nga. Đinh Điền và Nguyễn Bặc hội quân ở Ái Châu (Thanh Hóa) kéo về Hoa Lư để đánh Lê Hoàn. Sử cũ chép: “Bấy giờ Hoàn mới chỉnh đốn binh sĩ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Tây Đô (Thanh Hóa). Điền, Bặc thua chạy, lại đem thủy quân ra đánh. Hoàn nhân gió phóng lửa đốt chiến thuyền, chém Điền tại trận, bắt được Bặc đóng cũi đưa về kinh sư kể tội… bèn chém đầu để rao”.
Theo gia phả thì Nguyễn Bặc bị hành quyết ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Mão, tức ngày 7-11-979 ở Ngô Khê Thượng, ngoại thành Hoa Lư. Kinh Thành Hoa Lư có 9 vòng thành, Ngô Kế Thượng là vòng thành thứ 7, là nhiệm sở của ông khi còn sống. Đến nay ở đây vẫn còn đền thờ và có tượng của ông. Khu bản doanh cũ của ông nay gọi là làng Hành Khiển.
Sau khi Nguyễn Bặc bị hành quyết, gia thần của ông được lượm xác, đưa xuống thuyền chở về an táng tại Đại Hữu quê nhà. Đến thời nhà Lý, ông được truy phong là Phúc thần.
Khi bàn về việc Đinh Điền và Nguyễn Bặc dấy quân chống lại Lê Hoàn, sử thần Ngô Sĩ Liên viết thật chí lý và xác đáng:
“Ngày xưa, Chu Công (Người thời Chu - Trung Quốc - Nhiếp chính cho cháu ruột Thành Vương khi còn nhỏ tuổi) là người tôn thất rất thân giúp vua còn nhỏ tuổi, còn không khỏi có lời gièm pha. Lê Hoàn là đại thần họ khác, tay nắm binh quyền, lại làm việc như Chu Công, thường tình còn ngờ, huống chi là Nguyễn Bặc ở chức Thủ tướng và Đinh Điền là đại thần cùng họ? Việc khởi binh ấy không phải là làm loạn, là một lòng phò tá họ Đinh, đánh Hoàn không được mà chết, cái chết ấy là đáng chỗ”.
Sau khi Nguyễn Bặc bị hành quyết, con cháu ông bỏ làng chạy lên Kinh Bắc (Bắc Ninh) và vào Tống Sơn (Thanh Hóa). Nguyễn Bặc có hai con trai là Nguyễn Đê và Nguyễn Đạt. Sau này Nguyễn Đê đã giúp Lý Công Uẩn lật đổ Lê Ngọa Triều, lên ngôi vua, thay nhà Tiền Lê đã mục nát.
Dòng Nguyễn Đê, con cả Nguyễn Bặc, về sau cũng rất phát đạt. Nguyễn Trãi thuộc đời thứ 10, Nguyễn Hoàng, Chúa Nguyễn đầu tiên mở mang và gây nên nghiệp lớn nhà Nguyễn sau này thuộc đời thứ 15 của Nguyễn Bặc.
Nguyễn Bặc là một trong những nhân vật lịch sử xuất sắc của đất nước ta cuối thế kỷ X, là vị anh hùng dân tộc có công lớn trong sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, dựng nền chính thống Đại Cồ Việt.
Có khá nhiều thơ văn, câu đối ca ngợi công đức của ông. Từ đường họ Nguyễn ở thôn Vĩnh Ninh, xã Gia Phương (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là quê hương của ông, có bức đại tự rất đáng tự hào “Khởi nguyên đường” (khởi đầu dòng họ Nguyễn). Đền thờ ông ở Ngô Hạ (Ninh Hòa, Hoa Lư, Ninh Bình) cũng có bức đại tự “Trung quán nhật nguyệt” (trong sáng như mặt trời, mặt trăng). Đền thờ họ Nguyễn ở Gia Miêu (Hà Trung, Thanh Hóa) có đôi câu đối rất hay, nói lên sự nối tiếp vẻ vang của dòng họ Nguyễn:
“Duệ xuất Gia Miêu vương tích hiển Khánh lưu Đại Hữu tướng môn quang” Tạm dịch:
Cửa tướng phúc dày làng Đại Hữu
Dòng Vương nối ở đất Gia Miêu.
Về đền thờ, ông được thờ ở nhiều nơi:
• Chính thức là ngôi từ đường Nguyễn Tộc tại thôn Vĩnh Ninh (Gia Viễn, Ninh Bình).
• Tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) dựng từ thế kỷ XI. Đền có 3 tòa: tòa ngoài là bái đường, tòa giữa gọi là Thiên Hương thờ tứ trụ triều đình của nhà Đinh: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Toà trong cùng là chính cung thờ Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang.
• Tại thôn Vân Hà làng Đại Hữu (Gia Viễn, Ninh
Bình) có ngôi đền thờ 3 vị anh hùng đào viên kết nghĩa là Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc và Đinh Điền.
Tại làng Cổ Điển thuộc xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, có đình Ba Dân là đình chung của 3 làng: Cương Ngô, Cổ Diển, Đồng Trì thờ chung các
• ông Nguyễn Bặc, Nguyễn Bồ và Nguyễn Phục.
• Tại huyện Hoa Lư (Ninh Bình) có bốn thôn đều có đình thờ ông làm thành hoàng, trong đó thôn Ngô Hạ thờ tượng. Năm Canh thân (1980) chi họ Nguyễn Đình rước tượng ngài về thờ ở từ đường của chi họ (cùng thôn).
• Đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc tại làng Phú Cốc, xã Thanh Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
• Tại kinh thành Phú Xuân (Huế) vua Minh Mạng cho xây miếu Lịch Đại Đế Vương để thờ các vị vua và các danh tướng qua các triều đại trong đó có Nguyễn Bặc.
• Năm Đinh Dậu (1917) ông được vua Khải Định sắc phong là Hộ Quốc Tướng Công Trác Võ Thượng Đẳng Phúc Thần.
Hiện tại trung tâm thành phố Ninh Bình đang xây dựng khu Quảng trường - tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế với 4 góc có tượng 4 vị quan đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, cao 5m, có lính canh và ngựa bằng đá.
Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu hiện nay như Hoàng Đạo Thuý (1900 - 1994), việc Lê Hoàn tự ý xưng làm Phó vương khi Đinh Toàn lên ngôi, cấm cố họ Đinh (thuật ngữ Việt Nam bây giờ gọi là quản chế-NV), cùng với việc các trung thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp khởi binh chống Lê Hoàn có thể là những biểu hiện cho thấy mưu đồ thoán đoạt của Lê Hoàn. Đỗ Thích không thể làm chuyện này vì ông chỉ là một viên quan hoạn tài hèn sức mọn không vây cánh, làm sao có thể mơ tưởng được các quan đại thần ủng hộ lên làm vua. Việc có mặt của Đỗ Thích tại hiện trường vụ án là vô tình vì ông là quan nội thị, một trong những người có mặt sớm nhất lúc vụ án xẩy ra. Lúc bấy giờ ông không thể thanh minh là mình vô tội vì có nhiều người ập tới. Ông vội vã chạy trốn và bị bắt sau ba ngày trốn tránh, trở thành nạn nhân trong mưu đồ của Lê Hoàn và Dương hậu.
Tháng 7 năm 980,  Phạm Cự Lượng tôn Lê Hoàn lên ngôi vua.
Tháng 4 năm 981, quân Tống chia hai đường thủy bộ sang đánh nước ta. Như vậy kể từ khi vua Đinh bị đầu độc chết đến lúc quân Tống động binh là một năm rưỡi, và trong thư dụ hàng cũng kể rằng, cái chết của Giao Chỉ Quận vương Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn là một trong những lý do khiến quân Tống khởi phạt chiến tranh.
Dù sao đó chỉ là ngụy tạo lý do biện minh cho âm mưu xâm lược nước ta. Việc Lê Hoàn thành công trong cuộc kháng chiến chống Tống đó khiến cho nhân dân tha thứ cho ông.
Thái độ của sử gia xưa và nay:
“Chu Công là người vương thất rất thân, giúp vua nhỏ tuổi còn không tránh khỏi những lời dèm pha phao truyền. Lê Hoàn là đại thần khác họ, nắm giữ binh quyền,làm công việc như Chu Công, thường tình còn ngờ vực, huống là Nguyễn Bặc ở chức phụ chính đại thần và Đinh Điền là đại thần cùng họ hay sao? Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ. Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình. Khi Bặc chết ắt phải có nói lấy một lời để bày tỏ chính nghĩa nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót...
…“Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?”.
(Đại Việt Sử ký Toàn thư - Ngô Sĩ Liên)
 
“…Dân chúng đã lập đền thờ các vua Đinh, Lê trên nền tảng cung điện Hoa Lư mà không quên bà Dương hậu, không những thế mà còn tự hợp hai vua tô tượng hai vua ngồi chung một tòa với Dương hậu ở giữa. Nhưng đến đầu đời Lê Thái Tổ cho là trái đạo mà bỏ đi. Tuy vậy các nho gia phê bình cũng không ai trách bà mà chỉ trách Lê Hoàn”.
(Hoàng Xuân Hãn tuyển tập)
 
Sau được thờ chung với vua Đinh, nhưng sau lại được chuyển sang thờ với vua Lê.
     TS. Nguyễn Xuân Mạnh
 Chú thích: [1] Tháng 10 năm 979, cha con vua Đinh bị đầu độc chết.
 
Nguồn:
- Tộc Phả Họ Nguyễn Triệu Cơ Quỳnh Đôi; 
- Phả họ Nguyễn Hữu thế hệ Hằng Quốc Công, chi phái Vĩnh Quốc Công, Cam Ranh, Khánh Hòa.
- Nghiên Cứu Phần Thượng Phả Dòng Họ Nguyễn Bặc (Nguyễn Thế Nguyên), 2002.
- Nghiên cứu Phả Sử Họ Nguyễn Khởi Từ Thủy Tổ Định Quốc Công Nguyễn Bặc (Nguyễn Bế Du, Nguyễn Bế Thành), 2012.

Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Xin mời quý bà con cộng đồng cùng chia sẻ và kết nối thông tin với ban biên tập cổng thông tin họ Nguyễn Việt Nam.
Email: info@honguyenvietnam.org

Điện thoại: 0907097567
Zalo Group: https://zalo.me/g/ggupcf777
Facebook Groups: https://www.facebook.com/groups/congdonghonguyen
Fanpage: https://www.facebook.com/honguyenvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay8,732
  • Tháng hiện tại164,047
  • Tổng lượt truy cập12,794,357
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây