Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), vị chúa đầu tiên - Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, mở ra một trang sử mới cho vùng đất này. Cùng với sự phát triển và củng cố quyền lực của họ Nguyễn ở Đàng Trong, mâu thuẫn với họ Trịnh ở Đàng Ngoài cũng ngày càng gay gắt, gây nên cuộc chiến tranh chia cắt đất nước trong suốt hơn 200 năm. Bên cạnh đó, công cuộc Nam tiến để mở rộng bờ cõi cũng được đẩy mạnh. Đến năm 1757, các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền trên toàn bộ vùng đất Nam bộ như chúng ta thấy ngày nay.
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển chính quyền xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã nhiều lần dời lập thủ phủ từ Ái Tử (1558-1570) đến Trà Bát (1570-1600), Dinh Cát (1600-1626), Phước Yên (1626-1636), Kim Long (1636-1687), Phú Xuân (1687-1712), Bác Vọng (1712-1738) để rồi trở về dừng chân ở Phú Xuân một lần nữa (1738-1775). Năm 1775, dưới nhiều tác động của bối cảnh chính trị-xã hội, vị chúa Nguyễn cuối cùng đã để mất Phú Xuân vào tay quân Trịnh, tiếp đó là sự sụp đổ hoàn toàn trước sức mạnh của quân Tây Sơn cho đến khi một hậu duệ của họ Nguyễn khôi phục lại cơ đồ, dựng nên vương triều Nguyễn sau này.
Chín đời chúa Nguyễn bao gồm:
(Chúa Tiên) Nguyễn Hoàng (1558-1613)
(Chúa Sãi) Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635)
(Chúa Thượng) Nguyễn Phúc Lan (1635-1648)
(Chúa Hiền) Nguyễn Phúc Tần (1648-1687)
(Chúa Nghĩa) Nguyễn Phúc Thái (1687-1691)
(Quốc Chúa) Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)
(Ninh Vương) Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738)
(Vũ Vương) Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765)
(Định Vương) Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh - hậu duệ của các chúa Nguyễn đã thâu tóm giang sơn về một mối, lập nên vương triều Nguyễn, lấy niên hiệu là Gia Long. Phú Xuân trở thành kinh đô của cả nước trong suốt 143 năm tồn tại của triều đại này. Kế tục sự nghiệp của ông, lần lượt 12 vị vua Nguyễn sau đó đã xây dựng Phú Xuân thành trung tâm chính trị, văn hóa, quyền lực của một nhà nước Việt Nam thống nhất từ Bắc đến Nam, phản ánh bước phát triển cao hơn của lãnh thổ quốc gia, quy tụ được các giá trị văn hóa của cả lãnh thổ rộng lớn. Triều Nguyễn cũng đã để lại một di sản cực kỳ đồ sộ bao gồm một khối lượng lớn các bộ quốc sử, địa chí, hội điển, văn bia, châu bản, địa bạ, gia phả... Một phần rất quan trọng nữa là các di sản văn hóa vật thể không những của thời kỳ này mà của cả thời đại trước đều được bảo tồn, trùng tu vào thời Nguyễn, kể cả những di sản lâu đời có từ thời Lý đến Hậu Lê như chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Dâu... nhờ đó vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Cống hiến to lớn nhất của thời Nguyễn nói chung chính là những thành tựu văn hóa mang giá trị nổi bật toàn cầu với ba di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, bao gồm hai Di sản Văn hóa Thế giới (Quần thể di tích Cố đô Huế và phố cổ Hội An) cùng với Nhã nhạc - Nhạc cung đình Huế, di sản Kiệt tác Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại.
13 đời vua Nguyễn bao gồm:
Vua Gia Long (1802-1819)
Vua Minh Mạng (1820-1840)
Vua Thiệu Trị (1841-1847)
Vua Tự Đức (1848-1883)
Vua Dục Đức (1883, 3 ngày)
Vua Hiệp Hòa (30.7.1883-29.11.1883)
Vua Kiến Phúc (2.12.1883-31.7.1884)
Vua Hàm Nghi (1884-1885)
Vua Đồng Khánh (1886-1888)
Vua Thành Thái (1889-1907)
Vua Duy Tân (1907-1916)
Vua Khải Định (1916-1925)
Vua Bảo Đại (1926-1945)
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Cũng chính vì sự đa dạng, và gắn liền với nhiều sự đổi thay trong quá trình phát triển dòng họ đó, mà ít nhiều đến bây giờ chúng ta đã phần nào bị thất lạc hoặc mất kết nối với các nhánh họ và những tư liệu lịch sử từ ngàn năm ông cha ta, ông bà ta để lại. Với mục đích xây dựng một kênh...