Danh nhân họ Nguyễn thời Tây Sơn

Thứ bảy - 01/05/2010 05:22
Sự-nghiệp lẫy-lừng của Vua Quang-Trung như không ai không biết; chiến-công Hạ-Hồi, trận gò Đống-đa, chiến-bào xám mầu khói vào Thăng-long, cầu sông Hồng xụp gẫy, xác giặc trôi đầy sông, những chuyện đó đã nhiều người viết. Hôm nay chỉ xin tản-mạn về vài chi-tiết nho-nhỏ, chuyện chung-quanh hay bên lề ít người để ý tới về nhà Tây-sơn.
Dòng-dõi.
Danh nhân họ Nguyễn thời Tây Sơn

Tổ-tiên Vua Quang-Trung gốc Chiết-giang, Trung-hoa, di về miền nam, sang nước ta, lập-nghiệp ở Quỳnh-lưu, Nghệ-an vào thời loạn-lạc Ngũ-Quý bên Tàu ngang với thời nhà Khúc, nhà Ngô (906-950) thai-nghén nền tự-trị ở nước ta, đầu thế-kỷ thứ 10.(1) Sau một nhánh di sang Thanh-hóa; nhánh ở lại tiếp-tục sinh-sống tại Nghệ-an.

Gia-đình

Sách-sử thời nhà Nguyễn (Liệt-truyện, Sử-ký Đại-Nam-Việt, VN sử-lược) ghi ba anh em theo thứ tự Nhạc, Lữ và Huệ. Hoa-Bằng trong cuốn Quang-trung Nguyễn-Huệ anh-hùng dân-tộc cũng nhắc đến tên gọi Chú Thơm và ghi thêm là em thứ ba dưới Nguyễn Nhạc và Nguyễn-Lữ. Đấy là nếu nói về con trai mà thôi. Còn theo Tạ-Chí-Đại-Trường (dẫn thơ của một giáo-sĩ đương-thời), nếu kể tất-cả trai-gái thì còn có năm người con gái giữa Nhạc và Lữ. Trần-Gia-Phụng kết-luận là Nhạc là anh lớn, hơn Huệ chừng 10 tuổi, Huệ là út, và Lữ là anh hai ở giữa. Cũng nói thêm là Huệ sinh khoảng 1753, vậy Nhạc, sinh khoảng 1743. Lữ sinh giữa khoảng đó, gần với Huệ hơn là với Nhạc (vì có 5 chị ở giữa, vậy sinh khoảng 1750-51).(2)

Khi Nhạc khởi nghĩa năm 1771, tuổi khoảng 28; Lữ khoảng 20, còn Huệ mới khoảng 18 .

Ba anh em nhà Nguyễn Tây-sơn nổi lên khoảng năm 1771, do anh cả là Nguyễn-Nhạc dẫn đầu. Nhạc tính lanh-lợi; lúc trẻ có theo đạo Cơ-đốc, được rửa tội, tên thánh là Phao-lồ; lớn lên thôi đạo; đi buôn-bán miền núi, quen thuộc với dân sắc-tộc miền cao; được cử làm biện-lại lo thu thuế miền núi ở Tây-sơn. Tính phóng-túng; sử nhà Nguyễn ghi là Nhạc đánh bạc mất tiền thuế nên nổi loạn.Quan-lại thúc-dục nộp tiến thuế, không được bèn truy-tố.Nhạc bỏ trốn, vào rừng tụ-họp đảng cướp, lấy tiền nhà giầu, chia-sẻ cho dân nghèo, một loại cướp hào-hiệp.Cũng kể là bạo-dạn, can-cường, có lần giả làm tù, cho đồng-bọn đóng cũi nộp quan, rồi ban đêm, tháo cũi thoát ra mở cửa cho đồng bọn vào chiếm thành. Cũng biết thời-cơ, lợi-dụng lòng mê-tín của dân, kêu có mệnh trời khởi-nghĩa, nổi lên chống nhà Chúa Đàng-trong, chỉ trong mấy năm mà lập nên vương-nghiệp, hùng-cứ một vùng giữa nước ta, từ Quảng-nam đến Phú-Yên. Dòng chúa Nguyễn mất chính là vì Nhạc vậy.

1- Nguyễn-Nhạc

Con người

Trần-Gia-Phụng dẫn theo thư của một giáo-sĩ đương-thời (1778) trong cuốn sử truyền-giáo Nam-kỳ cho hay là Nhạc có theo đạo, đã rửa tội và được tên thánh là Phao-lồ; cha là người giữ nhà thờ địa-phương. Sách Sử-ký Đại-Nam-Việt ghi rằng bà dì của Nhạc có đạo (và có thể bà mẹ cũng theo đạo) và giúp nhiều việc cho thạnh-sự đạo. Một giáo-sĩ Tây-Ban-Nha đương-thời kể là sau khi chiếm được Quy-nhơn, Nhạc ra lệnh phóng-thích các phạm-nhân, Gia-tô-giáo và ngoại-đạo.

Không thấy Nhạc thực-hành lòng mộ-đạo; nhưng vẫn còn cảm-tình, hay ít nhất, không cấm-phá Cơ-đốc-giáo. Cho mãi đến năm 1786, sau khi Bá-đa-lộc đưa hoàng-tử Cảnh đi Pháp cầu-viện và mộ quân giúp Nguyễn-Ánh, Nhạc mới ra dụ cấm đạo.

Sự-nghiệp

Lúc khởi-nghĩa, Nhạc cướp của người giàu và chia cho người nghèo nên được dân hưởng-ứng. Lại lấy tiếng trung-nghĩa,

nhất lòng phò dòng chính, con của thế-tử Hạo (lúc đó bị loạn-thần Trương-Phúc-Loan đàn-áp, lập một ông hoàng nhỏ 11 tuổi lên làm Định-vương để dễ thao-túng). Nhạc bèn quyết-tâm phò con thế-tử Hạo, gọi là Hoàng-tôn Dương. Dân-chúng theo.

Nhiều người có của cũng đi theo vì đại-nghĩa. Hai người Tàu là Tập-Đình và Lý-Tài theo lập chiến-công lớn.(3)

Năm 1774, Hoàng-Ngũ-Phúc xua quân Trịnh thừa cơ vượt sông Giang, nêu lý-do trừ quyền-thần Trương-Phúc-Loan.Nhạc bèn tạm hàng Trịnh, nhận danh-hiệu Tây-sơn hiệu-trưởng Tráng-tiết tướng-quân, làm tiên-phong, mang quân đánh nhà chúa Nguyễn. Năm 1776, Ngũ-Phúc rút quân về Bắc. Nhạc tung quân trước chiếm Điện-bàn sau lấy Thăng-hoa, thu toàn-thể Quảng-nam. Nhạc xưng Tây-sơn-vương.Đầu năm 1777, nhà Trịnh phong cho Nhạc làm Quảng-nam trấn-thủ tuyên-úy đại-sứ, tước Cung Quận-công. Nhạc sai hai em vào đánh Gia-định lần này giết cả Định-vương lẫn Đông-cung.(9) Dòng Chúa Nguyễn được chín đời, đến đấy kể như chấm- dứt. Sang 1778, Nhạc xưng đế, hiệu Thái-đức, phong Lữ làm tiết-chế, Huệ làm Long-nhưỡng tướng-quân. Nhạc cai-trị vùng giữa nước, từ Quảng-nam đến Bình-thuận.

Xây Hoàng-đế thành tại đô cũ Chiêm-thành Đồ-bàn; Nhạc chia cho Huệ đất đã nhỏ, năm 1786, lại còn đòi chiến-lợi-phẩm châu-báu miền Bắc khiến Huệ bực mình Bực mình, năm 1787, Huệ cho đòi thêm đất Quảng-Nam (Điện-bàn và Thăng-hoa) và khi Nhạc từ-chối, Huệ mang quân vào đánh Quy-nhơn, vây Hoàng-đế thành. Nhạc yếu-thế, bế con trai Huệ lên thành, khóc, tả oán cảnh nồi-da-xáo-thịt, rồi xin cắt đất cầu hòa, Quảng-nam thuộc về Huệ.
Nguyễn-Vương ra đánh Thái-đức Nhạc tại Quy-nhơn. Lúc này Nhạc đã làm vua mười lăm năm, lâu không còn dụng võ, chống-cự không nổi, kêu-cứu với triều-đình Phú-Xuân. Quân Cảnh-Thịnh vào cứu-viện, rồi chiếm-giữ luôn thành-trì, tịch-thu tài-sản của Nhạc. Nhạc thổ-huyết mà băng.

Cái nghiệp

Lúc khởi-sự, lòng người thương vì hành-động hào-hiệp.Thành-công vì cơ-mưu và dũng-cảm.Khởi nghĩa, bảy năm xưng Vương, chín năm xưng Đế; ở ngôi hơn mười lăm năm.Thổ huyết mà chết. Con nối nghiệp bị giết năm năm sau. Các con khác cũng bị giết mươi năm sau. Sao phát nhanh và vĩ-đại như vậy, mà rồi tan-tác cũng mau và thảm-thương như vậy?Có phải thành-công lớn đã thay đổi tâm-tính Nhạc? Hay là những đức-tính từ-tâm buổi đầu vốn chỉ là đóng kịch giỏi?

2- Nguyễn-Lữ

Con người

Lữ tính hiền-lành; Quách-Tấn kể là Nguyễn-Lữ theo đạo Minh-giáo, tục gọi là đạo Ma-ní, dùng phù-phép để chữa bệnh trừ tà như đạo phù-thủy. Đạo này thịnh-hành ở Tây-sơn-thượng và các miền cao-nguyên Trung-phần. (4) Minh-giáo hay Ma-ní-giáo phát-xuất từ Ba-tư từ trước thời Islam-giáo tới đó, theo lời dạy của Zoroastra, thờ Thần-lửa, giáo-dân sống đời thanh-đạm, hiền-lành.

Sự-nghiệp

Lúc đầu, Lữ ở dưới trướng do Nhạc sai-phái. Mấy năm sau mới được Nhạc chính-thức cử làm tiết-chế đem thủy-binh đánh Gia-định., rồi năm sau, Lữ có Huệ đi theo. bắt và giết luôn cả hai Chúa Nguyễn Thái-thượng-vương và Tân-chính-vương. . Nhạc bèn xưng hoàng-đế, phong Lữ làm Tiết-chế.đuổi cho Ánh chạy sang Xiêm. Rồi kéo quân về Quy-nhơn.
Lữ được Nhạc phong làm Đông-Định-vương, đóng ở Gia-định, có bổn-phận chống-giữ phe Nguyễn-Ánh; trước đây, Lữ đã nhiều lần cầm quân và thắng ở mặt trận miền Nam. Sang năm 1787, Ánh từ Xiêm về đánh Gia-định. Lữ thế yếu, rút về Quy-nhơn nương nhờ Nhạc được một tháng rồi mất tại đó. Kể hãy còn là trẻ, chưa đến bốn mươi!

Sử-ký Đại-Nam-Việt ghi Lữ đến Quy-nhơn, qua một tháng phải bịnh nặng mà chết

3- QUANG TRUNG - NGUYỄN HUỆ - HỒ THƠM

Con người

Giữa một người anh cơ-mưu lanh-lợi và một người anh khác thầy tu hiền-lành, Nguyễn-Huệ là một mẫu thứ ba khác-biệt trong gia-đình Tây-sơn.Cũng cơ-mưu, cũng gan-dạ, nhưng chí-khí cao vượt. Cũng có cái lượng của kẻ cả nhưng thành-công ở chính-trường và chiến-trường đòi-hỏi tính quả-quyết dứt-khoát, đôi-khi tàn-bạo, hiếm có ở người thầy tu.
Nếu chúng ta có được một số chi-tiết về Nhạc và Lữ, chính cũng nhờ có chi-tiết về Huệ.Tỷ-dụ như sử không ghi năm sinh và tuổi của hai người anh.Nhưng nhờ biết Huệ mất vào năm 1792 và thọ 40 tuổi, người ta tính ra năm sinh khoảng 1753.Biết Nhạc hơn Huệ khoảng 10 tuổi nên đoán năm sinh khoảng 1743.Biết Lữ hơn Huệ khoảng hai tuổi nên ước-đoán năm sinh khoảng 1751.

Phật-giáo

Hai anh, một người có rửa tội Cơ-đốc, một người theo phái Chăm Ba-ní (Islam); người ta tin rằng Huệ là đã có một thời theo Phật-giáo nhưng rồi thôi. Thôi có thể hiểu theo nhiều nghĩa.

(i)- Thôi như là đã hoàn-tất khoảng bình-thường hai, ba năm thử-thách trong chùa như thấy bên Cam-pu-chia hay Thái-lan làm nghĩa-vũ tôn-giáo—tương-đương như nghĩa-vụ quân-dịch—rồi đến tuổi 14-17, trở lại đời sống bình-thường một người dân theo Phật-giáo. Thôi cũng có thể hiểu là –

(ii) đã thực-sự xuất-gia trong nhiều năm; nhưng duyện và mệnh chỉ tu đến đó, sau một thời-gian thì chính-thức và công-khai hoàn-tục; ra đời như một người thường, gọi là tu-xuất.

(iii)- Thôi cũng còn là một tu-sĩ không dứt-khoát tu hay hoàn-tục, vẫn nửa theo đạo, không rời hẳn, nhưng không còn giữ những giới chính; gọi là phá-giới hay sư hổ-mang!

Ở tuổi 17 hay 18, đã học võ rồi sớm theo anh trong việc nổi-dậy chống chính-quyền, lần-lần đến thành vua. Trường-hợp vua Quang-trung, chắc-chắn không phải ở trường-hợp (iii); giữa hai trường-hợp (i) và (ii), dựa theo lúc khởi-nghĩa ở tuổi 18, trường-hợp (i) một thời-gian học-tập tu-luyện có vẻ hợp-lý hơn.

Phật-giáo Bình-Định và Chùa Thập-tháp

Tới đây, cũng nên xét qua tình-hình Phật-giáo tại địa-phương vào thời đó. Nổi tiếng một phương có Chùa Thập-Tháp Di-Đà nằm cách Quy-Nhơn khoảng 28km, được hòa-thượng Nguyên-Thiều từ bên Tàu qua, dựng trên gò đất có mười ngôi tháp Chăm, vào năm 1683, sáu-mươi năm trước khi Nhạc sinh ra. Chùa nằm phía bắc thành cổ Đồ Bàn, kinh đô của nước Chiêm-Thành ngày xưa.Thành-phố này cũng có tên là Phật-thệ từ tên Vijia là phần bắc của vương-quốc Chăm-pa.Thời xưa, dân Chăm có xây trên gò đất cao ấy mười ngôi tháp cổ-kính cho nên mới gọi là gò Thập-Tháp.Lẻ-tẻ xung-quanh có nhiều tháp nho-nhỏ như tháp Bánh-ít, tháp Cánh-tiên, tháp Bình-lâm, tháp Đôi. Bấy giờ có hòa-thượng Nguyên-Thiều là người Trung-quốc muốn truyền-bá đạo-Phật sang Đàng-trong khi dòng chúa Nguyễn đang trên đường mở nghiệp khai quốc. Năm 1665, đời chúa Nguyễn Phước Tần, thiền sư Nguyên-Thiều tìm đất cất chùa.Ngài cho phá-hủy mười ngôi tháp Chăm lấy gạch xây-dựng chùa thờ Phật gọi là chùa Thập-Tháp, mở trường truyền đạo.Triều-đình cho tên Thập-tháp Di-đà-tự. Dân chúng kể là đến đời tổ Liễu Triệt – vị tổ thứ ba của chùa Thập Tháp, ngay ở vùng đồi bên chùa vẫn còn nhiều thú dữ, hùm cọp, trong đó có con cọp trắng thường luẩn-quẩn quanh chùa. Nghe tiếng kinh-kệ, tiếng chuông mõ mãi con cọp trắng đó cũng đổi tính, hết hung dữ, trở nên hiền-lành, cứ lảng-vảng gần chùa hơn mỗi lần nghe kinh cầu. Sau nó chết bên chùa, được thiền-sư Liễu-Triệt cho chôn và xây mộ kề sau chùa.

Sau này, vua Quang-trung có những dự-án cải-tổ Phật-giáo trong nước: dẹp những ngôi chùa làng nhỏ để tập-trung xây-dựng những ngôi chùa to ở huyện hay phủ, chọn những tăng-sĩ có đạo-đức để tu-hành còn những người không biết kinh-kệ thì bắt hoàn-tục làm ăn. Ngày nay, từ xa sau nhìn lại, khen là cải-tổ trùng-hưng đạo. Ngay thời đó, các nhân-sự chắc có thể phàn-nàn chính-sách coi là chống Phật-giáo! Trong những quyết-định của nhà Vua về vụ này, tưởng như phảng-phất thấy có phần nào ảnh-lưởng của việc rỡ gạch các tháp nhỏ để xây chuà Thập-tháp và việc các thiền-sư mở lớp truyền-giáo vậy trong khoảng Huệ vào chùa học-tập!(5)

Hình-dáng

Về hình-dáng, Đai-Nam Chính-biên Liệt-truyện tả Huệ tiếng nói như chuông lớn, mắt sáng nhoáng nhoáng như chớp, giảo-hoạt khôn-ngoan, hay đánh nhau, người đều sợ cả. Hoa-Bằng tán rộng: tóc quăn, da sần, tiếng nói sang-sảng như chuông, cặp mắt hùng-thư mà sáng như chớp, có thể thấy rõ mọi vật trong đêm tối. Phảng-phất như có dòng máu Chăm chảy trong nhân-vật Việt; có người thoáng-nghĩ đến Mai-hắc-đế.(6)

Sự-nghiệp

Sự-nghiệp hiển-hách, từ vụ phá quân Xiêm ở miền Nam, tới lúc mang quân ra Bắc phù-Lê-diệt-Trịnh, đến các chiến-công Hạ-Hồi, Thăng-Long đã được trình-bày chi-tiết tại nhiều nơi, nhiều sách, nhiều mạng. Ở đây không nhắc lại mà chỉ kể qua vài chi-tiết đóng góp phần nào vào thành-công lớn-lao của Vua.

Trước hết là chiến-dịch thần-tốc. Quân Thanh vừa vào Thăng-long là nhà Vua đã cho xuất-binh ra Bắc, trong hơn một tháng, từ Phú-xuân tới Thắng-long: đi dăm ngày, nghỉ mộ quân ở Nghệ-An 10 ngày, tiếp-tục đi 10 ngày đến Tam-điệp; nghỉ mấy ngày dưỡng-quân, ăn Tết sớm để giao-thừa tấn-công, mồng 5 Tết vào kinh-thành. Trong thời-gian đó, quân Thanh cứ tà-tà lo sửa-soạn ăn Tết chờ ra giêng mới ra quân. Lúc này quân Thanh chưa ngờ là quân Quang-Trung đã tới cửa-ngõ Thăng-long.(7)

Nên kể thêm các yếu-tố bất-ngờ và chiến-tranh tâm-lý của Vua Quang-Trung. Theo Cương-mục, Vua có mưu-kế viết thư cầu hòa, lời-lẽ nhũn-nhặn làm cho quân Thanh ỷ-y say-xưa sửa-soạn đón Tết. Dân Cơ-đốc-giáo kể thêm là có tướng Tàu viết thư đe-dọa Nguyễn-Huệ hoặc phải quy-hàng nếu không sẽ chịu thua lớn khi quân Thanh ra trận ngày 6 tháng giêng. Ngày này thì Vua đã vào kinh-thành và Tôn-Sĩ-Nghị chạy về phương Bắc rồi!

Nhiều sách sử ghi những sánh-kiến chiến-thuật mới như Việt-Nam sử-lược ghiVua Quang Trung sai người lấy những mảnh ván, ghép ba mảnh lại làm một, lấy rơm cỏ giấp nước quấn ở ngoài, rồi sai quân kiêu dũng cứ 20 người khiêng một mảnh, mỗi người dắt một con dao nhọn, lại có 20 người cầm khí giới theo sau. Cuốn Hoàng-Lê nhất-thống chí kể là đội khiêng ván chạy kíp vào trận, khi giáp lá-cà thì quăng ván xuống đất, và dùng đoản-đao chém bừa, rồi thì những người có cầm binh-khí đi sau nhất tề nhảy xô lên đánh. Cuốn Nhà Tây-sơn nói sách Tàu ghi hơi khác về chi-tiết: quân (Tây-sơn) dùng rạ bó thành bó tròn lớn làm mộc lăn chạy trước, theo sau là khinh-binh tấn-công.

Vua lại phối-hợp pháo-binh và tượng-binh, cho đặt súng lớn trên lưng voi, tiến đến gần thành mới khai hỏa, bắn trực-xạ; lại di-chuyển chỗ này chỗ nọ, đánh thành này tới thành kia; hữu-ích hơn là các thần-công đặt ở vị-trí cố-định và xa thành địch. Vua cưỡi voi ra trận.Ngày mồng 5 vào Thăng-long. Người Cơ-đốc-giáo kể lại là lúc đầu cưỡi voi, nhưng sau bỏ voi dùng ngựa, …cầm đoản-đao chạy ngang dọc chém rơi đầu nhiều quân Thanh và lúc nào, Vua cũng ở trận-tuyến đầu.

Cách vận quân thần-tốc, lập mưu dựa vào bất-ngờ và sử-dụng chiến-tranh chính-trị, biến-chế các kỹ-thuật chiến-tranh mới, nêu gương và kích-thích tinh-thần binh-sĩ, đó là những yếu-tố đóng-góp vào thắng-lợi của Vua.(8)

Việc nhà

Vua có ba bà vợ. Bà đầu họ Phạm, không được lập làm hoàng-hậu.Có thuyết ghi bà chỉ là nàng hầu.Có thể bà mất sớm.Có thuyết nghi bà thông-dâm với Nguyễn-Nhạc nên bị phế; thuyết này cũng cho đó là một trong những lý-do Nguyễn-Huệ mang quân vào vây Quy-nhơn thuở trước. Bà này sanh hai con lớn, không được lập làm thái-tử. Lớn là Thùy cho cai-trị miền Bắc, thứ là Bàn cai-trị miền Thanh-hoa.

Bà thứ hai, họ Bùi (chị nhiếp-chính Bùi-Đắc-Tuyên), phong Chánh-cung hoàng-hậu. Sanh Quang-Toản, được nối ngôi là vua Cảnh-thịnh; (và một số em khác nữa). Bà này được vua quý. Khi đau, triều-đình cho mời một giáo-sĩ Pháp đến giúp chữa-trị.Không qua, bà mất năm 1791 một năm trước khi vua băng.

Bà thứ ba là Ngọc-Hân công-chúa, do Nguyễn-Hữu-Chỉnh làm mai-mối, Lúc đầu, nhà Lê phong Huệ chức Nguyên-súy tước Uy-Quốc-công. Huệ không vưà ý, phàn-nàn với Chỉnh. Chỉnh bèn xin với vua Lê Hiển-tông gả một công-chúa để vừa lòng Huệ.Rồi Chỉnh ướm lòng Huệ. Huệ nói: Xưa những kẻ xa nhà, tình khuê-phòng rất là cần-thiết. Hoàng-thượng cũng xét đến chỗ ấy à?Ừ, em vua nước Tây làm rể Hoàng-đế nước Nam, môn-đăng hộ-đối như thế, tưởng cũng không mấy người được.Bắc-cung hoàng-hậu mất năm 1799.

Việc nước

Theo cung-cách Á-đông, được thiên-mệnh cai-trị thiên-hạ thì là hoàng-đế.Hoàng-đế phong vương (và các tước khác, công, hầu, bá v.v.), cho trị-vì một phần nhỏ hơn trong thiên-hạ.Khi hai Chúa đã bị giết và Lữ chiếm được Gia-định thì Nhạc xưng Thái-đức hoàng-đế, sau phong hai em là Đông-định-vương và Bắc-bình-vuơng, cho cai-trị hai vùng biên-cương.

 Khi Huệ xưng Quang-Trung hoàng-đế, Huệ không hề tranh-dành địa-vị hay thiên-mệnh với anh.Huệ nhận là hoàng-đế của Đàng-ngoài trong khi Nhạc vẫn là hoàng-đế Đàng-trong.Và hai miền vẫn là hai nước lân-bang như Huệ và Lê Hiển-tông, rồi Nhạc, Huệ và Chiêu-thống xác-nhận với nhau hồi 1786.

Có điều tương-tự giữa Huệ và Nguyễn-Hoàng. Nguyễn-Hoàng được nhà Lê-trung-hưng phong cho đất Nghệ-an Thuận-hoa của miền Bắc; Hoàng dùng làm bàn-đạp để chiếm và mở-mang Đàng-trong ở phía nam. Huệ được phong đất Quang-nam Thuận-hóa của Đàng-trong; dùng đó làm bàn-đạp mà chiếm Đàng-ngoài phương bắc. (Do đó, không thể nói là nhà Tây-sơn thống-nhất nước ta. Sự-nghiệp thống-nhất là do vua Gia-long thực-hiện về sau).

Cũng không phải vì quân Thanh sang mà Huệ mới xưng hoàng-đế. Sự thực, sau khi quân Tây-sơn ra đánh Chỉnh, rồi Huệ ra giết Nhậm, thì vua Chiêu-thống đã phải chạy trốn. Ngay từ lúc đó, khi Chiêu-thống còn lưu-lạc trong vùng núi miền bắc, chưa sang Tàu, thì Huệ đã mưu-toan xưng vua. Huệ triệu-tập triều-đình, các quan nhà Lê và các kỳ-mục, ý muốn ép họ làm biểu tôn Huệ lên ngôi thay vua Lê.Họ không muốn, chưa chịu ký, có người lại chỉ-trích rồi tự-tử. Nguyễn-Huệ thấy lòng người chưa phục, bèn hoãn việc lên ngôi, giao cho chú vua là Sùng-quốc-công làm giám-quốc lo việc tế-tự nhà Lê; giao việc nước cho một nhóm thuộc-quyền như Ngô-Văn-Sở, Ngô-Thời-Nhiệm v.v..trách-nhiệm chung. Sau khi nhà Thanh sang, lúc đó việc lên ngôi mới danh-chính ngôn-thuận, không cần đến việc ưng-thuận của cựu-thần nhà Lê nữa.(9)

 

Ghi-chú:

Luận về Tây Sơn -Quang Trung

1- Bình Ngô đại-cáo kể các triều-đại lớn kế-tiếp của Trung-quốc là Hán, Đường, Tống, Minh.Giữa các triều-đại lớn thì có những giai-đoạn loạn-lạc, đất-đai chia làm nhiều khu-vực chính-trị khác nhau.Như giữa đời Hán và Đường, chia làm Nam-triều và Bắc-triều. Cũng gọi là Ngũ Quý hay Ngũ Đại vì có năm họ tiếp nhau xưng đế nhưng thực-sự chỉ cai-trị được vùng trung-ương. Bên ngoài thấy chính-quyền trung-ương yếu thì các địa-phương cũng nổi lên xưng vương, tất cả có 10 nước; nên cũng còn gọi là thời Thập-quốc.Thời đó, nhà Khúc tự lập, rồi xin chính-quyền trung-ương Lương công-nhận cho mình làm Tiết-độ-sứ cai-trị nước ta, nhà Lương phải chịu.Sau nhà Hán cũng nổi dậy xưng vương ở phía nam (nước Tàu nghĩa là bắc nước ta). Rồi mang quân hạ nhà Khúc, đánh Ngô-Quyền, bị thua ở Bạch-đằng-giang.Trong thời loạn-lạc đó, nhiều dân Hoa di xuống phương Nam; trong số đó có tổ của anh em nhà Tây-sơn.

2- Trần-Gia-Phụng: Việt-sử đại-cương, Non nước, Toronto, 2005: tr.306, chú-thích 2; Hoa-Bằng: Quang-Trung Nguyễn Huệ, nxb Bốn-phương, Hà-nội 1944, tái-bản, NXB Đại-nam, HK, không năm:tr.28-31.

3- Hoa-Bằng: sđd, gọi Tập-Đình là Trung-nghĩa-quân và Lý-Tài, Hòa-nghĩa-quân, nói chung là bọn giặc khách. Sau Tập-Đình thua, Nhạc muốn giết, Tập-Đình bỏ chạy về Trung-quốc. Lý-Tài sau bỏ Tây-Sơn theo Đông-cung Hoàng-tôn Dương, lập làm Tân-chính-vương; bị phe Đông-sơn theo Định-vương bắt giết.

4- Trần-Gia-Phụng: sđd: tr.289. Theo Dohamide: Bangsa Champa, HK 2004, Chăm Ba-ní là theo đạo Islam có pha-lẫn với tin-ngưỡng bản-địa.

5 Thế-quyền và thần-quyền thường nương-tựa vào nhau, không nhất-thiết là thủ-đoạn của phe cai-trị khai-thác nhân-dân(!) mà chỉ là sự tiếp-tay của hai giới—theo sự hiểu-biết hạn-chế và hẹp-hòi của họ trong thời xa-xưa dó—tự tin là nắm-giữ chân-lý tạo trật-tự cho xã-hội. Do đó, chúa Nguyễn giúp cho sư Nguyên-Thiều phá tháp lập chùa; và chính-quyền bảo-hộ cho dựng nhà thờ trên nền chùa cổ. Sau này, khi Nhạc bắt được Đông-cung (Hoàng-tôn) Dương thì có một thời giam Đông-cung ở chùa Thập-tháp này. Đệ-tứ Tăng-thống Huyền-Quang cũng xuất-thân từ Phái Nguyên-Thiều.

6- Đây hoàn-toàn là võ-đoán cảm-tính; ngược lại, cũng có những người sẵn-sàng quả-quyết là Mai-hắc-đế hoàn-toàn Việt-Nam một-trăm-phần-trăm, mặc dù chúng ta chưa có những hiểu-biết rõ-ràng người Việt-Nam hồi đó và chúng ta ngày nay giống hay khác nhau như thế nào.
7- Vài giai-thoại dính-dáng đến việc điều-động binh-sỹ nhanh chóng như là chia lính thành tổ ba người, hai người khiêng võng thì một người hoặc nghỉ hoặc nấu-nướng trên võng; và dùng bánh tráng Bình-địng làm lương-khô cho binh-sỹ trên đường ra Bắc. Giai-thoại hiểu như là những chuyện nghe vui tai, tưởng như có thể có thực nhưng không nhất-thiết là đúng như vậy!

8- Khen tài quân-sự của vua Quang-Trung là việc không cần-thiết; từ buổi theo hai anh khời-nghĩa (1771) cho đến chiến-công hiển-hách (1789) thiên-tài biểu-lộ trong 18 năm, tài cai-trị và thời-gian hưởng-thụ không đầy 4 năm (1789-1792). Bất-đắc kỳ-tử, tuổi 40. Nếu không mất sớm, đư-định phiêu-lưu bắc-tiến có thành-công hay không và, nếu có, dân ta sẽ phải trả giá bao-nhiêu? Hoặc là mười năm sau, tài quân-sự có lật ngược được các cân lực-lượng giữa quân Bắc-hà đối-diện với quân chúa Nguyễn dùng thần-công và tàu sắt, kỹ-thuật và khí-giới Âu-tây?

9- Cương-mục ghi rằng Nguyễn Huệ triệu tập cựu thần nhà Lê, ép họ lập biểu tôn Huệ lên ngôi vua. Tham tri chính sự Huy Trạc đến Ngự sử đài, không chịu ký tên vào tờ biểu ấy, uống thuốc độc tự tử.Việc tôn Huệ đình chỉ.Huệ liền cử Sùng-Nhượng công Lê Duy Cận làm giám quốc. Sùng-nhượng-công là con vua Hiển-tông, trước được lập Đông-cung nhưng sau bị kiêu-binh nhà Trịnh phá-phách bắt phải nhường chức Đông-cung cho cháu đích-tôn vua sau thành Chiêu-Thống. Khi vua Hiển-tông băng, Huệ muốn lập Sùng-nhượng-công là anh Ngọc-Hân công-chúa. Tôn-thất nhà Lê ép Ngọc-Hân xin với chồng cho lập Chiêu-Thống. Nay Chiêu-Thống rời kinh-đô, việc tôn Huệ lên ngôi không thành, Huệ lại mang Sùng-nhượng-công ra làm giám-quốc.

 

NỒI DA XÁO THỊT

Nguyên nhân Chiến tranh

Vào đầu năm 1787, trong khi người ta tưởng những lực lượng thống nhất có cơ lập thành thì một biến chuyển lớn lao làm tan vỡ viễn tượng đó: anh em Tây Sơn, hay nói đúng hơn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đánh nhau. Tại sao có thể xảy ra như vậy?

Sách Hoàng Lê cho chúng ta biết sự rạn nứt có từ lúc Nguyễn Huệ nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh “tự chuyên” kéo quân ra Bắc. Chúa Tây Sơn vốn biết Huệ “khôn ngoan”, “giảo quyệt” sợ Huệ lấy Bắc Hà trở về hợm hĩnh, khó mà kìm chế. Khi tiếp được thư báo Bắc Hà lấy được rồi, Nhạc lại sợ Huệ cầm đại quân ở xa, có tướng tài trong tay sinh biến, nên lật đật ngày đêm dẫn bộ binh ra lôi về. Xung đột nổ bùng khi quân Tây Sơn về đến Huế. Sách “Hoàng Lê” mượn lời Nguyễn Hữu Chỉnh tâu với Chiêu Thống mà nói rõ mối biến loạn này:

“Vua Tây (Nhạc) từ khi về Nam thì kéo về luôn quốc thành (Quy Nhơn), còn Thượng công (Huệ) thì ở Phú Xuân, nghỉ quân mua vui, hoặc là ban bố mệnh lệnh, sửa sang thành lũy. Bao nhiêu quân tướng, khí giới, các vật quý báu lấy được ở Bắc đem về, Thượng công đều chứa vào một chỗ, vua Tây cho người ra vời, Thượng công cũng không chịu vào chầu. Rồi thì phong quan ban chức, Thượng công đều tự quyết định, không hỏi gì đến vua Tây. Vua Tây cho người đem ấn ra phong Thượng công là Bắc Bình vương và hỏi những thứ của báu bắt được ở phủ Chúa Trịnh, Thượng công cũng không chịu trả lời. Vua Tây giận lắm, vì thế anh em mới gây ra cuộc binh đao”.

Sử quan nhà Nguyễn khi bàn về chỗ này quy tội thực nhiều cho Nguyễn Nhạc. Họ cho rằng từ lúc đánh Bắc Hà thắng, Nhạc đắc chí, ngày càng buông thả dâm loạn, giết Nguyễn Thung, người cộng sự lúc đầu, lại hiếp vợ Huệ, “người người đều ghê tởm”. Trong chuyến Bắc xâm, vàng bạc quý giá của Trịnh phủ Nguyễn Huệ lấy, Nhạc đòi Huệ không cho; Huệ còn tranh chiếm đất Quảng Nam nữa. Do đó, chiến tranh mới nổ bùng.

Sở dĩ Nhạc chịu về Quy Nhơn một mình vì mối lo của Nhạc đã thành sự thực: binh lính quen chịu sự điều khiển của Huệ phần lớn đã theo ông này. Sách “Hoàng Lê” cho ta thấy lúc Nhạc thu lại binh phù ở Bắc thấy có nhiều sự đổi thay, sắp đặt quân ngũ khác đi nhưng giả vờ không hay biết gì hết. Ông không thể làm khác hơn ở đất địch, nhưng về tới Phú Xuân ông cũng không lấy lại được thực quyền: một phần rất lớn thủy quân đã theo Nguyễn Huệ. Do đó, ta thấy hành động “dâm, sát” ở Quy Nhơn của Nhạc có thể coi là vì phẫn chí, vì mối bận tâm thanh toán nội bộ hơn là vì đắc chí như lời sử quan.

Nhưng tại sao bỗng dưng lần này Huệ trở chứng với ông anh?

Khi Nguyễn Hữu Chỉnh mang mầm mống diệt Bắc Hà vào miền Nam ươm giống. Nhạc đã không biết sử dụng để lật đổ chúa Trịnh; Nhạc đã lớn tuổi rồi, từ một tên Biện lại làm loạn (cho dù có ý thức) lên được vua Trời, thế là đủ lắm rồi. Nguyễn Nhạc dừng lại!

Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên được Tây Sơn ra Bắc. Trong chuyến đi đó Nguyễn Huệ lớn lên. Tuổi còn trẻ, ước vọng còn lớn, chuyến ra Bắc với đất Bắc tan rã hé cho ông thấy có cả một xứ sở dưới dấu vết đổ nát vẫn chứng tỏ tràn trề sinh lực, của cải phong phú, xứ sở đó sớm muộn gì cũng vào tay anh em ông. Thế mà Nhạc cứ cản lại, “sợ khó kìm chế” ông. Lời hịch lúc đánh nhau có chữ chê Nhạc “khinh suất, can không nghe”. Khinh suất, can không chịu nghe Hữu Chỉnh, vì Nhạc tự mãn trở nên coi thường những khuyến cáo đổi thay, trong lúc Huệ còn muốn tiến.

Thế là anh em chia lìa. Quân đi Bắc đã có cơ ngũ đổi thay, khác với lúc xuất phát, đã luyện thành nếp mới. Một phần nữa họ là dân Thuận Hóa, Bố Chính, có thể có lính Bắc Hà, họ thích ở lại Huế hơn. Cho nên Nhạc về Nam mà Huệ còn giữ được quân. Khi ra Bắc, Tây Sơn chiếm được kho tàng của Trịnh như các chứng nhân đã nói. Vàng bạc vốn không phải chỉ cần thiết cho bề ngoài một triều đình mà còn thiết yếu cho việc binh nhung nữa. Huệ phải giữ lại, và giữ được vì Nhạc cô thế ở Phú Xuân.

Nhưng Nhạc tất nhiên cũng cần vàng bạc. Ta đã thấy Tây Sơn cần tiền như thế nào. Chỉ cần thêm một chứng cớ nữa. Trước khi chiếm Thuận Hoá, vùng Tây Sơn có xẩy ra một vụ rối loạn phong tục do giáo điều Thiên Chúa gây ra, nên nảy sinh một vụ cấm đạo. Ấy thế mà những kẻ nào, nếu nghèo, nộp 10 cân đồng, nếu giàu, nộp từ 100-200 cân đồng thì khỏi phải chối đạo. Tây Sơn, cả Nhạc lẫn Huệ, đều cần rất nhiều tiền. Nhạc đòi vàng đất Bắc, Huệ cố giữ, nay đã có mâu thuẫn Huệ cũng muốn chiếm luôn kho vàng ở Quy Nhơn.

Chiến tranh xảy ra. Một bức thư viết ngày 12-5-1787 cho biết chiến tranh xảy ra đã 3 tháng rồi. Kẻ nào mạnh thì ra tay trước lấn lướt cho nên Nguyễn Huệ mới kéo quân vào Quy Nhơn trong tuần lễ Tro (21-2-1787). Số lượng quân đi, kẻ ước lượng 60.000 người, người tính đến 100.000. chỉ biết rằng với lối hành quân của Nguyễn Huệ số quân không nhỏ được. “Ông bắt tất cả mọi người phải ra trận”, tất cả nghĩa là mọi người “từ 15 đến 60 tuổi”. Cho nên vùng Thuận Hóa, nhà thờ biến thành trại lính, tượng thần phật bị lấy ra đúc súng đại bác, đúc nồi. Khi quân đi rồi không còn đàn ông, ở nhà chỉ có đàn bà, kẻ mất cha, người mất con, kẻ lại mất chồng.

Họ, những lực lượng quyết định tình thế trên giải đất này họ đánh nhau rất dữ. Lại bộ Hồ Đồng bị bắt ở trận Đồng Tuyên làm cho Nguyễn Huệ một bài hịch, chửi với ngôn từ “sài lang, chó heo” để kể tội Nhạc “làm nhơ uế cả một triều”, “khinh suất, can không nghe” và cả quyết rằng “ngôi báu tất phải đổi dời”.

Quân Nguyễn Huệ vào vây thành Quy Nhơn, đắp núi đất đặt đại bác bắn đổ vào. Nhạc kêu khóc ở đền thờ cha mẹ rồi kêu Đặng Văn Chân ở Gia Định về tiếp cứu. Chân đem binh về đến Tiên Châu (Phú Yên) thì bị đánh tan, Chân phải đầu Huệ làm tỳ tướng. Hai ba lần giáp công, Huệ cũng bị mất đến nửa số quân và phải lấy thêm lính Thuận Hóa, bắt những kẻ vừa đủ 15 tuổi.

Nhạc phải lên mặt thành, khóc kêu gọi tình anh em ruột thịt cho Huệ giải vây. Tinh thần ăn đều chia đủ của anh em họ thật cũng đáng khen, nhưng đã đem lại tai hại không nhỏ cho triều đại. Trần Văn Kỷ của Nguyễn Huệ bèn lấy Bến Ván làm địa giới ngăn cách đất của Bắc Bình vương và Thái Đức Hoàng đế. Còn “chú Bảy” (Lữ) thì được đất Gia Định với tước Đông Định vương.

Cuộc chiến này thực là một kinh ngạc lớn cho dân chúng thời bấy giờ. Uy danh của gia đình Tây Sơn bị hạ xuống, người ta trông ngóng về một ông Chủng nào đó mà người ta chỉ biết là kẻ còn sót lại của triều đại vừa trị vì. Theo lời đồn thì người Hồng Mao sẽ đem Nguyễn Ánh trở về ngôi vị cũ.

(Nguồn: Trang 90, 91, 92, 93, 94, sách: “Việt Nam Thời Tây Sơn - Lịch Sử Nội Chiến 1771-1802”, tác giả: Tạ Chí Trường. Nhà xuất bản: Công an Nhân dân, năm 2007).

 

Lời bàn của Cố Giáo Sư Trần Quốc Vượng:

Thời Tây Sơn, ở miền Trung, chỉ để 01 chùa ở cấp huyện, ở miền Bắc chỉ để 01 chùa ở cấp tổng. “ĐẤT VUA - chùa LÀNG - Phong cảnh BỤT” - sáng - chiều nghe tiếng chuông chùa “chiêu mộ” để tấm lòng thư giãn, để biết thời gian trôi chảy vô thường đã từ lâu in hằn vào tâm thức người Việt. Phá chùa, đập tượng, nung chuông (làm tiền, làm khí giới) là làm phản lại tâm thức Việt Nam.

Tây Sơn đã ép Nguyễn hữu Chỉnh làm phản?

Danh tướng cuối đời Hậu Lê, quê làng Cổ Đan, xã Đông Hải, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Nghệ An).

Năm 16 tuổi đỗ Hương cống, 18 tuổi thi đỗ Tam trường, ông có cơ trí và có tài biện bác, giỏi văn thơ.

Trước theo Hoàng Ngũ Phúc đánh chúa Nguyễn ở Thuận Hóa. Khi Hoàng Ngũ Phúc mất, ông dựa vào Hoàng Đình Bảo, lúc kiêu binh nổi lên giết Hoàng Đình Bảo, ông chạy vào Nghệ An, rồi theo Tây Sơn đánh chúa Trịnh.

Nguyễn Hữu Chỉnh theo Tây Sơn và đã có công lớn trong việc giúp Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân cũng như tiến ra bắc diệt Trịnh.Trong chiến dịch tiến ra bắc diệt Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh đóng vai trò tướng tiên phong. Nguyễn Hữu Chỉnh cũng chính là người đã gầy dựng cuộc hôn nhân đẹp đẽ giữa Nguyễn Huệ và công chúa Lê Ngọc Hân. Công lao như vậy là không phải nhỏ.

Nhưng khi Tây Sơn rút về nam lại không hề thông báo cho Nguyễn Hữu Chỉnh, để ông ta phải vất vả chạy theo, mãi đến lúc này Nguyễn Nhạc mới cho ông làm trấn thủ Nghệ An.

Điều này chắc chắn đã làm cho Chỉnh rất thất vọng với Tây Sơn. Tây Sơn đã có ý muốn bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh!

Ở Nghệ An, Hữu Chỉnh lại được vua Lê mời về Bắc Hà để giúp họ Lê tiêu diệt các tàn dư của họ Trịnh đang trỗi dậy.Tuy vậy nhưng những lực lượng này cũng đã là những lực lượng mạnh nhất của Bắc Hà. Hữu Chỉnh lại một tay diệt sạch các thế lực này,trở thành nhân vật số một số hai của vùng đất phía Bắc, đến vua Lê cũng phải kiêng dè. Sau đó khi anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ mâu thuẫn, Nguyễn Hữu Chỉnh lại cùng với Nguyễn Duệ một người theo phe Nhạc sửa sang thành lũy ở Nghệ An.

Kết cục khoảng cuối năm Đinh Mùi 1787, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm đánh bắt ông, rồi giết đi bằng cực hình bốn ngựa phân thây!

Như vậy liệu có phải Nguyễn Hữu Chỉnh chưa phản bội Tây Sơn,mà là bị Tây Sơn bỏ rơi rồi tiêu diệt?

Lời bàn:

1- Quân Tây Sơn đã diệt Chỉnh trước vì lo xa, sợ Chỉnh làm phản vì Nguyễn Hữu Chỉnh có tài nhưng cũng dễ sinh lòng phản trắc. Dẫu lúc Chỉnh bị Tây Sơn diệt, bằng chứng làm phản vẫn chưa rõ ràng (để rồi đời sau, người ta đã tạo ra những bằng chứng nực cười cho rằng Chỉnh làm phản).

2- Lúc này Chỉnh đang nắm rất nhiều quyền bính độc lập ở Bắc Hà trong khi quân Tây Sơn lại đang cần nguồn tài lực và nhân lực từ phía bắc để chuẩn bị cho những cuộc chiến của mình.

3- Vũ Văn Nhậm vốn đã có nhiều đố kỵ với Chỉnh, Nhậm đã đưa ra rất nhiều lý do để cho Tây Sơn phát binh dẹp Chỉnh. Trong lòng Nhậm trong các tướng lĩnh, chỉ có Chỉnh là nhất, Nhậm đứng thứ hai sau Chỉnh.. Vậy nên, Nhậm rất muốn trừ Chỉnh để trở thành “đệ nhất tướng quân”.

Vũ Văn Nhậm

Tướng Tây Sơn, con rể Nguyễn Nhạc. Sau Nguyễn Huệ, Vũ Văn Nhậm nổi danh là tướng tài. Năm 1787, Vũ Văn Nhậm được Nguyễn Huệ sai làm tiết chế, cùng Ngô Văn Sở đem quân ra Bắc diệt Chỉnh.

Năm 1788 sau khi diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm cho đắp thành Đại La, tự đúc ấn chương riêng nên bị Nguyễn Huệ nghi ngờ và tại Thăng Long Huệ giết Vũ Văn Nhậm bằng cực hình bốn ngựa phân thây!

Nhậm tự nói vô tội. Huệ bảo: “Không cần tội trạng, chỉ vì tài mày hơn ta, không thể cho sống được”.

Nhậm bèn than rằng: “Ta diệt nước người, phá nhà người, chết có thừa tội, dám oan gì nữa”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Lê Hiếu

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Xin mời quý bà con cộng đồng cùng chia sẻ và kết nối thông tin với ban biên tập cổng thông tin họ Nguyễn Việt Nam.
Email: info@honguyenvietnam.org

Điện thoại: 0907097567
Zalo Group: https://zalo.me/g/ggupcf777
Facebook Groups: https://www.facebook.com/groups/congdonghonguyen
Fanpage: https://www.facebook.com/honguyenvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Họ Nguyễn Việt Nam.ORG

Cũng chính vì sự đa dạng, và gắn liền với nhiều sự đổi thay trong quá trình phát triển dòng họ đó, mà ít nhiều đến bây giờ chúng ta đã phần nào bị thất lạc hoặc mất kết nối với các nhánh họ và những tư liệu lịch sử từ ngàn năm ông cha ta, ông bà ta để lại. Với mục đích xây dựng một kênh...

Quỹ Cộng Đồng HNVN
 
Thống kê
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay8,724
  • Tháng hiện tại164,039
  • Tổng lượt truy cập12,794,349
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây