Ông đã ra đi hơn 10 năm trước nhưng cứ mỗi dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước; những bài hát, những bài thơ, những vở kịch của Nguyễn Đình Thi lại tái xuất. Không đơn thuần là hành động tri ân một nghệ sĩ đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, mà trên hết các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi trải qua bao năm tháng vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật và là chứng nhân cho những giai đoạn lịch sử hào hùng.
Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20-10-1924 tại Luông Phra-băng (Lào) khi cha ông là công chức đang làm việc tại đây, nhưng nguyên quán của ông ở phố Bà Triệu (Hà Nội).
Được gia đình cho theo Tây học bài bản cộng với tố chất thông minh, Nguyễn Đình Thi đã bộc lộ tư chất của một con người tài năng. Tuy nhiên, lĩnh vực ông tham gia đầu tiên lại không phải là văn học nghệ thuật mà là… triết học. Trong vòng hai năm (1942-1943), ông in ba cuốn sách phổ thông ở NXB Tân Việt là: “Triết học Nietzsche”, “Siêu hình học” và “Triết học Descartes”. Các cuốn sách này chủ yếu mang tính nhập môn chứ không phải là những công trình nghiên cứu sâu nhưng nó thể hiện tác giả là người uyên bác mới có thể tóm tắt những triết thuyết phức tạp trở nên đơn giản, dễ hiểu cho người đọc.
Cũng trong thời gian này, Nguyễn Đình Thi tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945, ở tuổi 21, ông là đại biểu trẻ nhất tham gia Hội nghị Quốc dân Tân Trào. Thời gian này, ông sáng tác ca khúc nổi tiếng “Diệt phát xít” với lời ca hào hùng: “Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao/ Mau mau mau vai kề vai không phân già trẻ trai hay gái/ Tuốt kiếm lên, ta đi lên, ta tiến lên ta diệt quân thù/ Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam/ Ôi nước Việt yêu dấu ngàn năm/ Việt Nam, Việt Nam muôn năm”.
Sau khi nước nhà giành được độc lập, Nguyễn Đình Thi được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I. Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông viết bài hát thứ hai nổi tiếng không kém là bài hát “Người Hà Nội”. Một bài hát sâu lắng, ngợi ca con người Hà Nội tài hoa, anh dũng, tin tưởng ngày chiến thắng sẽ đến và những người con Hà Nội lại sẽ trở về Thủ đô yêu dấu.
Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi tích cực tham gia nhiều hoạt động văn nghệ. Điều đáng ngạc nhiên là trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Nguyễn Đình Thi đã đi đầu trong cách tân thơ ca Việt Nam với những bài thơ nổi tiếng như: “Đất nước”, “Không nói”, “Đêm mít tinh”, “Đường núi”… Và ông cũng là lý luận gia đi đầu xây dựng nền văn hóa văn nghệ của nước nhà với các tiểu luận nổi tiếng, xác định rõ lập trường là văn nghệ phải phục vụ kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trải suốt thời kỳ chống Mỹ và cho đến khi Nam Bắc thống nhất rồi bước sang thời kỳ Đổi mới, tuy bận bịu với công việc hành chính Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và sau đó là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Đình Thi vẫn tỏ ra sung sức trong sáng tạo ở hai thể loại là kịch (“Con nai đen”, “Hoa và Ngần”, “Giấc mơ”, “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”) và tiểu thuyết (“Vào lửa”, “Xung kích”, “Mặt trận trên cao” và bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ bờ”).
Với những mảng hoạt động đa dạng, phong phú mà ở đâu cũng để lại thành tựu, như âm nhạc chỉ cần hai bài hát thì Nguyễn Đình Thi đã xứng đáng được gọi là một nhạc sĩ lớn. Và vì vậy, có người gọi Nguyễn Đình Thi là “người đa tài của thế kỷ” quả là không quá lời.
HÀM ĐAN
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Dưới đây là toàn văn bản dự thảo, được trình lên Đại Hội Hội Đồng Họ Nguyễn Việt Nam phê duyệt và gửi lên các cấp chức năng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua. ( DOWNLOAD BẢN GỐC TẠI ĐÂY )