GẶP NHỮNG NGƯỜI CON VUA DUY TÂN

Chủ nhật - 08/08/2010 00:27
Họ về Việt Nam, như để ghép lại những mảnh ký ức rời rạc suốt bao năm qua vốn chỉ biết chắp nhặt qua lời kể của vị vua yêu nước đã sớm rời trần thế ở tuổi 45.
GẶP NHỮNG NGƯỜI CON VUA DUY TÂN

Ký ức về người cha

Tình cờ qua một người bạn, tôi đã có buổi gặp với bà Rita Suzy Georgete Vĩnh San (gọi tên là Suzy), trưởng nữ và ông Guy Georges Vĩnh San (tên gọi Georges), trưởng nam của vua Duy Tân nhân dịp ông bà từ Pháp về Việt Nam để thăm lăng mộ cha mình.

Bà Suzy (nay đã 82 tuổi) hồi tưởng: "Tôi sinh ra ở đảo La Réunion vào năm 1929, sau khi cha tôi kết hôn với mẹ tôi là bà Fenanede Antier, vốn là con gái của một người Pháp có tiệm ăn và chuyên nấu cơm tháng trên đảo". Bà Suzy dù đã già rồi nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, trông rất hiền mỗi khi cười. Còn ông Georges thì luôn đạo mạo, trang nghiêm, có nét khả kính của một người thuộc dòng dõi hoàng tộc.

Ông Georges nhớ lại thuở ấu thơ: "Cha tôi là người nghiêm khắc với con cái. Nhắc về người, trong tôi vẫn còn như lưu dấu một nỗi buồn u uẩn của một còn người, một vị vua sa cơ thất thế phải sống kiếp lưu đày".

Ký ức tuổi thơ lại hiện về, bà Suzy kể: "Cha tôi là người có nhiều tài, ông có thể chơi vĩ cầm, viết văn, cưỡi ngựa, đánh kiếm và làm thơ. Đặc biệt ông là người rất ham mê máy móc kỹ thuật, nhất là kỹ thuật truyền tin. Vì vậy chính quyền đảo La Réunion đã đặt ông thiết lập một hệ thống truyền tin đầu tiên trên đảo thời bấy giờ".

Uống một ngụm nước, bà Suzy hồi tưởng: "Cha tôi đã để lại cho chúng tôi những kỷ niệm đẹp cho đến ngày ông mất đi vào cuối năm 1945". Ông Georges kể: "Hôm đó cha tôi trên máy bay trở về La Réunion để đón Giáng sinh và năm mới cùng gia đình. Cả nhà quây quần chờ cha về nhưng chờ mãi không thấy. Sau mới biết hung tin máy bay của cha bị nạn và cháy ở Trung Phi. Năm ấy tôi mới 12 tuổi, còn chị Suzy 16 tuổi".

Một điều đặc biệt khi tôi hỏi rằng, vua Duy Tân có bao giờ nói với các con mình về Việt Nam, cả bà Suzy và ông Georges đều khẳng định là không bao giờ.

"Có thể do chúng tôi sinh ra vào thời điểm đặc biệt nên cha tôi không tiết lộ danh phận, gốc gác để bảo đảm an toàn cho con cái"- ông Georges nói.

Vua Duy Tân sau khi bị đưa đến đảo La Réunion, đã mưu sinh bằng cách mở một tiệm sửa chữa máy móc cho cư dân trên đảo. Tiệm có tên là La Radio Laboratoire Vinh San.

Ông Georges nhớ lại: "Cha tôi không có một ưu đãi vật chất nào trong những tháng ngày trên đảo. Nơi ở của ông không có lò sưởi, vòi nước tắm, thậm chí cả bồn rửa mặt... Nhưng ông vẫn vui vẻ sống".
 

Trưởng nữ của Vua Duy Tân
Trưởng nữ của Vua Duy Tân

Mong ước của những người con

Ông Georges kể, cùng đi với vua Duy Tân khi bị đày sang La Réunion (một hòn đảo thuộc địa của Pháp thuộc Ấn Độ Dương), còn có mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Định (thứ phi của vua Thành Thái), em gái ông là công chúa Lương Nhàn và người vợ mới cưới - Hoàng hậu Mai Thị Vàng.

Chỉ hơn 1 năm sau, vì không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt trên đảo, mẹ và vợ của ông đã về nước, còn công chúa Lương Nhàn thì ở lại. Sau đó vua Duy Tân gặp và kết hôn với bà Fenanede Antier, hai người có 4 người con, trong đó có ông Georges và bà Suzy.

"Lúc còn nhỏ, chúng tôi rất sợ cô Lương Nhàn. Cô là một phụ nữ nghiêm khắc, cậu Georges đây thường hay bị đòn roi của cô Lương Nhàn nhất nhà" - bà Suzy chỉ vào người em trai của mình, cười lớn.

Cả bà Suzy và ông Georges đều kể rằng, lúc nhỏ cả 4 người con của vua Duy Tân đều không được công nhận là Hoàng tử và Công chúa của triều Nguyễn mà phải mang họ mẹ. Mãi đến năm 1946 (sau khi vua Duy Tân mất), tòa án địa phương tại đảo La Réunion mới ra quyết định công nhận họ là con chính thức của hoàng tử Vĩnh San (tức vua Duy Tân, khi bị lưu đày được gọi là Hoàng tử).

Tháng 4/1987 hài cốt của vua Duy Tân được đưa về nước, và được an táng tại khu An Lăng (TP Huế).

"Lúc đưa hài cốt cha tôi về Huế, nhà nước đã nhiệt tình giúp đỡ và nhiều vị quan chức cao cấp đã đến nghiêng mình, thắp nhang trước bàn thờ cha tôi", ông Georges nói.

Bà Suzy và ông Georges thỉnh thoảng vài ba năm lại về Việt Nam một lần để thăm phần mộ vua cha."Tôi cũng mong rằng, nếu đã công nhận cha tôi là một vị vua yêu nước, thì nhà nước nên có kế hoạch gìn giữ, bảo tồn nơi ông yên nghỉ", bà Suzy kết thúc câu chuyện.

Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Tài khoản nhận tài trợ đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xây dựng phả hệ, dịch phả sử và kết nối thông tin các chi tộc:
Số tài khoản: 0907097567 - Ngân hàng MB Bank - Chủ tài khoản: Ts Nguyễn Hữu Thi ( Người sáng lập và đại diện điều hành honguyenvietnam.org )
( Xin vui lòng ghi rỏ nội dung ck:  tài trợ quỹ Tấm Lòng Vàng Honguyenvietnam.org )
 Từ khóa: con của vua duy tân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập212
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm211
  • Hôm nay16,412
  • Tháng hiện tại177,515
  • Tổng lượt truy cập11,064,152
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây