Tiếng “ba ơi” đong đầy nước mắt
Nhắc về quá khứ vàng son của ông cha mình, ông Bảo Tài khẽ chỉ tay về phía vách tường được sơn xanh đã bạc màu gần hết, bên trên là những bức ảnh đã sờn được treo cẩn thận và trang trọng. Ông kể lại những năm 1949, Pháp đưa ba ông về Cần Thơ. Sau đó qua mai mối, cố hoàng tử Vĩnh Giu nên duyên cùng một người phụ nữ địa phương và lần lượt 7 người con ra đời trong cảnh nhà nghèo khó.
“Thời ấy ba tôi làm đủ nghề mới có thể lo cho các con, từ dạy khiêu vũ, dạy đàn, thợ mộc đến bơm vá xe đạp. Các anh chị tôi hầu như ai cũng đi làm thuê, làm mướn. 10 tuổi tôi đã ra chợ nhặt cá rồi bán lại cho người ta, sau đó lớn lên thì chạy xe lôi, xe ôm kiếm sống. Nhà nghèo quá nên tận hơn 40 tuổi tôi mới lập gia đình”, ông Bảo Tài nhớ lại.
Ông Bảo Tài trong căn nhà mới thuê - nơi trú ngụ của hơn 15 con người nghèo khó.
Mối duyên giữa người đàn ông chạy xe ôm cùng với người phụ nữ bán quán cơm thuê được hun đúc trong những buổi tình cờ gặp nhau nơi quán nhỏ ọp ẹp. Cái nghèo đeo đẳng những con người quê chất phác từ ấu thơ cho tới khi trưởng thành, rồi những mầm sống cũng được hình thành trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau.
Trong suốt quá trình vợ mang thai, dù ông Tài đã gắng gượng chạy thêm vài cuốc xe kiếm thêm tiền, bà Thủy vợ ông về nhà trễ hơn để cố bán thêm vài tờ vé số thế nhưng thu nhập vẫn không cải thiện. “Suốt hơn 7 tháng trời mang thai, hầu như hiếm khi nào vợ tôi được ăn một bữa đầy đủ chất”, ông Tài nói.
Một ngày tháng 5 của 13 năm về trước, có cô bé vội vàng rời khỏi bụng mẹ khi mới được 30 tuần tuổi. Ra đời sớm, bé Nguyễn Phước Thanh Tuyền gặp nhiều biến chứng khi chỉ nặng vỏn vẹn 950 gram và buộc phải đưa vào lồng ấp ngay khi mới chào đời. Bao nhiêu lần ghé mắt vào cửa kính phòng bệnh nhìn con là ngần ấy lần vợ ông Tài bật khóc nức nở. “Khi ấy tôi chỉ biết cố gắng động viên vợ, gắng gượng kiếm tiền để lo cho con. Đau lắm chứ, nhưng bao nhiêu nước mắt phải chảy ngược vào trong vì mình là trụ cột”, ông Tài tâm sự.
Bé Thanh Tuyền với khuôn mặt bụ bẫm, thân hình mũm mĩm.
4 tháng nuôi con đằng đẵng trong bệnh viện đường như đã vắt kiệt sức lực và tiền bạc của đôi vợ chồng tuổi đã quá ngũ tuần. 3 tháng sau, ông ngã quỵ trước cửa phòng bệnh khi nghe bác sĩ bảo gia đình nên giữ bình tĩnh. Mười đầu ngón tay bấu chặt vào cạnh bàn, ông Tài bảo trái tim ông như có ai bóp nghẹn vào giây phút ông nghe bác sĩ thông báo bé Tuyền bị bại não hệ thần kinh số 9, có nguy cơ sống tật nguyền suốt đời.
Mọi thứ hiện tại đã quá sức với người đàn ông với khuôn mặt phúc hậu và dáng người gầy gò, ôm vợ vào lòng, ông bật khóc. “Hơn 40 tuổi hai vợ chồng mới có con, vậy mà ông trời bất công gieo bệnh tật cho cô con gái nhỏ. Tôi ước gì mình có thể gánh được bệnh tật cho con”, người cha bất hạnh nói.
Gạt nước mắt, hai vợ chồng ông Tài gắng gượng động viên nhau tiếp tục mưu sinh, cố kiếm tiền chữa bệnh cho cô con gái bại não với hi vọng một ngày nào đó có thể tận tai nghe thấy tiếng gọi “Ba ơi... Mẹ ơi” từ miệng cô con gái duy nhất của mình. Nói duy nhất bởi lẽ trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau, dù yêu trẻ con và cũng mong bé Tuyền sau này có chị có em đỡ đần khi ông bà già yếu nhưng cả vợ chồng ông đều tự nhủ với lòng: một đứa con lo còn chật vật, sao dám sinh thêm, để những đứa trẻ phải chịu cảnh cực khổ cùng với vợ chồng già.
Hàng ngày, ông Tài chạy xe ôm, còn bà Thủy bán vé số dạo quanh thành phố Cần Thơ. Bao nhiêu tiền kiếm được, họ chắt chiu dành dụm đưa con lên Sài Gòn trị bệnh.
6 năm ròng chạy chữa khắp nơi nhưng bé Tuyền vẫn không có dấu hiệu cải thiện, có khi mỗi ngày co giật đến 3-4 lần. Năm 2012, vét sạch gia tài chỉ vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng, ông Tài cùng vợ khăn gói đưa con lên Sài Gòn trị bệnh. Được mọi người giới thiệu chỗ châm cứu miễn phí, ông đưa bé Tuyền đến trị thử rồi từ đó cả gia đình “cắm dùi”, chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai.
Ông Tài và con gái.
Căn nhà trọ nhỏ tại đường Hoàng Hưng là nơi che mưa che nắng cho cả gia đình. Mỗi tháng ông Tài phải trả 2 triệu tiền thuê nhà nhưng có khi nợ đến…4 tháng mà không có tiền trả vì công việc phụ hồ, chạy xe ôm của ông và tiền bán vé số của vợ vun vén lắm mới đủ chi tiêu cho cả gia đình. Chủ nhà đành phải đổi cho ông lên phòng trên cùng với giá 500 nghìn đồng. Từ đó, việc ẵm bồng, di chuyển cho bé Tuyền lại vất vả hơn khi người cha già phải cõng con lên xuống tận 3 cầu thang bộ.
Bé Tuyền châm cứu được một năm, bất thình lình vị bác sĩ qua đời. Từ đó, ai mách ở đâu, ông Tài đều đưa con tới chạy chữa. Sau đó, vì thương xót cảnh vợ chồng nghèo chạy chữa cho cô con gái bại não, các mạnh thường quân đã tài trợ chi phí cho bé Thanh Tuyền cấy ghép tế bào gốc miễn phí tại Hà Nội. Sau 3 lần cấy ghép, em đã có những tiến bộ rõ rệt. Hiện bé đã cầm được muỗng bới cơm, kẹp bút màu để tô và đã có gọi: “Ba ơi”. Sau hơn mười mấy năm có con, lần đầu tiên nghe được 2 tiếng thiêng liêng đó, ông Tài bật khóc.
“Để ba cõng con đi…”
Ngày PV tìm đến gặp gia đình ông Tài cũng là lúc ông vừa dọn dẹp đồ đạc chuyển từ căn nhà trọ cũ sang nhà trọ mới cách đó vài căn. Theo lời kể của ông, căn nhà được chủ trọ cho thuê với giá 9 triệu nhưng thấy hoàn cảnh gia đình nên đã giảm chỉ còn 7 triệu. Đây là nơi trú ngụ cho gần 15 nhân khẩu (bao gồm gia đình ông Tài và các anh chị em) đa số đều kiếm sống bằng nghề làm thuê.
Hiện tại gần một năm trở lại đây, ông Tài phải ở nhà vì căn bệnh thận và tiểu đường tuyp 3 hành hạ khiến ông không thể nào đi phụ hồ hay chạy xe ôm như trước. Từ đó mọi chi phí sinh hoạt đều do bà Thủy, vợ ông gánh vác. Chỉ vào đống lon bia, giấy vụn trước nhà, ông Tài cho biết ngoài công việc tại công ty cây xanh, vợ ông phải dậy sớm đi làm từ 4 giờ sáng để nhặt thêm ve chai bán đắp đổi qua ngày.
Từ sau khi ghép tế bào gốc, bé Tuyền được đưa đi tập luyện tại một trung tâm vật lí trị liệu ở quận Tân Phú với chi phí 370 nghìn đồng/ 3 giờ mỗi ngày. Ròng rã hơn 4 tháng trời, cô bé có nhiều cải thiện tốt về sinh hoạt. Thậm chí bác sĩ điều trị từng cam đoan nếu kiên trì tập luyện trong 2 năm, chắc chắn bé sẽ đi lại được.
Đời này có vất vả, ba sẽ cõng con đi.
“2 tháng nay tôi bệnh nên con bé cũng phải dừng việc tập luyện. Mới đây, trung tâm có gọi đến nhưng tôi bảo do mình bệnh nên không thể đưa con đi. Thực ra lí do chính là gia đình không còn đủ chi phí nữa. Cạn kiệt hết rồi! Tôi chỉ ước gì con được điều trị tới nơi tới chốn, để sau này có thể đi đứng bình thường, để sau này vợ chồng tôi có chết thì cũng yên lòng”, ông Tài rơi nước mắt.
Hình ảnh người cha gần 60 tuổi ngày ngày cõng con lên xuống từng bậc thang khiến nhiều người không khỏi rơi nước mắt. Tiếng thở dài hằng đêm của người cha già ẩn chứa những nỗi lo toan: gánh nặng cơm áo gạo tiền, bệnh tình của con và cả sức khỏe của 2 vợ chồng già. “Mỗi ngày tiền thuốc của tôi mất 70 nghìn nhưng 2 ngày mới dám uống một lần vì không có tiền. Vợ tôi thì bệnh hoài nhưng không dám nghỉ làm.
Giờ tôi như thế này, mọi chi phí đều do vợ gánh vác. Có hôm con nhìn tôi rồi buột miệng bảo: Nếu biết con ra đời khiến ba mẹ khổ thế này, ngày ấy ước gì con đừng sinh ra. Ôm con vào lòng, tôi vỗ về và bảo: Yên tâm, đời này ba còn sống, con mà không đi lại được, ba sẽ cõng con đi. Vì con là con ba, khổ thế nào ba cũng chịu được”, ông Tài tâm sự.
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả đến hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Phước Bảo Tài xin liên hệ SĐT: 0704853279 (ông Tài) Hoặc thông qua số tài khoản 060116671932, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank), chi nhánh TPHCM. Chủ tài khoản Nguyễn Phước Bảo Tài. Xin chân thành cảm ơn! |
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Dưới đây là toàn văn bản dự thảo, được trình lên Đại Hội Hội Đồng Họ Nguyễn Việt Nam phê duyệt và gửi lên các cấp chức năng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua. ( DOWNLOAD BẢN GỐC TẠI ĐÂY )