. |
|
TRANG GIA TỘC HỌ NGUYỄN – TỨ KỲ, HẢI DƯƠNG | |
Địa chỉ: Đoàn Xá (làng Quàn) – Xã Minh Đức – Huyện Tứ Kỳ – Tỉnh Hải Dương | |
Web:nguyengiatkhd.wordpress.com |
Các thế hệ con cháu trong dòng họ kế tiếp nhau chung lưng đấu cật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” gắn bó mật thiết với nghề thuần nông; cùng nhau xây dựng, tôn tạo, vun đắp cho cho quê hương, cho họ tộc ngày thêm giàu đẹp văn minh.
“Chim có tổ người có tông”, ” Cây có cội nước có nguồn” có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đều do “Tinh của người cha, Huyết của người mẹ” mà thành. Gia tộc và dòng họ là cội nguồn, là cái nôi nuôi dưỡng truyền thống và lưu truyền giữa các thế hệ.
” Uống nước nhớ nguồn”, đó là đạo lý xuyên suốt trong tâm thức mỗi người, mỗi thế hệ con cháu của Lạc Hồng từ lúc sinh thời đến khi nhắm mắt xuôi tay. Do vậy, mỗi người Việt Nam dù làm ăn sinh sống ở đâu cũng luôn hướng về quê hương bản quán, hướng về Tổ tiên bởi lẽ như lời bài hát “Quê Hương” của nhạc sỹ Đỗ Trung Quân “… Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người…”. Quê hương cũng chính là nguồn lực của tinh thần đạo đức cho mỗi người chúng ta phấn đấu vươn lên làm vẻ vang và xứng đáng với ông bà, cha mẹ, Tổ tiên.
Trải dài theo lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài kiên cường của dân tộc Việt Nam; do biến cố thăng trầm của lịch sử , các thế hệ con cháu nhiều đời trong dòng họ ngày nay theo tiến trình phát triển của xu thế thời đại, đã rời lũy tre làng, bươn trải trên khắp mọi miền đất nước, kể cả ngoài nước để mưu sinh, để cùng đóng góp, cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực của mình xây dựng nước Việt Nam ” …đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời).
Mỗi người khi đi xa nhớ về quê hương, nhớ về cội nguồn; cũng như người đang ở ngay trên chính quê hương cũng cùng chung một nỗi niềm đau đáu quan tâm muốn hiểu biết đầy đủ, tường tận thông tin về quê hương, về gốc rễ Gia tộc.
Thể theo tâm nguyện chân chính của con cháu trong dòng họ, bằng ý thức trách nhiệm của cá nhân với việc tìm hiểu, ghi chép Gia Phả của dòng họ, mùa Thu, tháng 8, năm Tân Mão (2011) Hậu duệ đời thứ 6, Trưởng Nam, Trưởng chi 5, Gia tộc dòng họ Nguyễn: Nguyễn Văn Thích hiện đang cư trú tại Tổ 6, khu 4, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; sau nhiều năm âm thầm bươn trải ngược dòng thời gian, quá khứ để đi tìm cội nguồn bằng sổ sách ghi chép của ông Nguyễn Văn Sóc, trưởng chi 3 – trưởng Họ và bằng phương pháp tâm linh xin bộc bạch những hiểu biết của mình thành lời để con cháu trong dòng họ quan tâm xem xét, đóng góp những ý kiến xây dựng xác thực để người chép Phả bổ sung, chỉnh trang và hoàn thiện cuốn Phả hệ dòng họ.
Dòng họ Nguyễn Văn thôn Quàn hiện nay, theo lời của các cụ cao niên kể lại có nguồn gốc từ thôn Lâm (Phúc Lâm). Do thôn Phúc Lâm đất chật người đông, người con thứ của cụ Thượng là Nguyễn Đình Thùy (cụ Tổ dòng họ Nguyễn thôn Quàn) đã rời Phúc Lâm sinh cơ lập nghiệp tại mảnh đất mới. Nơi ở đầu tiên của cụ chính là mảnh đất mà ông Nguyễn Văn Sóc đang sinh sống hiện nay.
Làng Quàn (thôn Đoàn Xá) lúc đó chưa được gọi là làng mà chỉ là xóm trại thời đó gọi là “cái phiên 11″ của thôn Lâm. Sau này dân số đông dần, chính quyền phong kiến lúc bấy giờ (có thể vào thời Nguyễn) ban chiếu chỉ thành lập mới thôn Đoàn Xá (làng Quàn), (Chiếu chỉ thành thập của Vua có lẽ vẫn được lưu giữ giữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội).
Tiền khởi, khi mới sinh cơ lập nghiệp, cụ Nguyễn Đình Thùy chỉ dựng một túp lều nho nhỏ, sau một vài lần di chuyển (cụ không nhớ chính xác mấy lần thay đổi nơi ở) nhưng chỗ ở cuối cùng cụ ở và về với coi Tổ tiên là mảnh đất mà người ghi chép phả Nguyễn Văn Thích đang quản lý tại xóm 2, thôn Quàn hiện nay .
Theo tập tục, quy ước cổ truyền, người đảm nhiệm thờ cúng cụ ông, cụ bà: Nguyễn Đình Thùy – Vũ Thị Lan cụ Tổ dòng họ Nguyễn thôn Quàn (còn gọi là Tiền Phả) là người con trai trưởng và kế tiếp là con, cháu trai nối dõi của người con trai trưởng; nhưng, người con trai trưởng của cụ không sống trên trần thế để đảm nhiệm chức phận của mình, mà sớm ra đi khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời vì mang nặng lời nguyền bại trưởng 5 đời giữa hai dòng họ Nguyễn – Vũ.
Cũng theo quy định, người con trai trưởng không còn, người con trai thứ thừa tự đứng ra đảm nhiệm nhiệm vụ của người anh, người đó là cụ là cụ Nguyễn Văn Vâng con trai thứ 2 của cụ. Nhưng cụ Nguyễn Văn Vâng không có con trai nối dõi (chỉ sinh hạ được hai người con gái. Do vậy nhiệm vụ thờ cúng Tổ tiên lại tiếp tục được chuyển giao cho ông, bà Nguyễn Văn Chóc, con trai thứ của cụ ông, cụ bà Nguyễn Văn Vầng (con thứ 3 của cụ Tổ).
Ngày nay, việc thờ cúng cụ Tổ được chuyển giao cho con trai ông, bà Nguyễn Văn Chóc là ông, bà: Nguyễn Văn Sóc – Phạm Thị Lê cư trú tại xóm 2, thôn Quàn trưởng chi 3, nay là trưởng họ.
Theo ghi chép củ ông Nguyễn Văn Sóc: cụ Tổ không biết tên nên trên sổ sách và bia mộ của cụ tại lăng dòng họ chỉ ghi là cụ ông, cụ bà Tứ đại (tính từ đời ông Sóc). Năm 2005, ông Nguyễn Văn Thi và ông Nguyễn Văn My có nói cụ Tứ đại chỉ có bia mộ chứ hài cốt của cụ bị thất lạc không tìm thấy. Nhưng năm 2011, nhân việc đưa ông Sóc ra miếu thần linh và lăng dòng họ thắp hương xin Thần linh cho linh hồn bà Bùi Thị Lới, phu thê ông Nguyễn Văn Thi. Ông Nguyễn Văn Sóc có nói hài cốt của cụ vẫn có. Như vậy, các ông My, Thi, Sóc, Kể… là người trực tiếp di chuyển mộ phần của các cụ từ các xứ đường quy tập về xứ đường Ma Cả ngày nay đã có sai lệch nhau. Con cháu biết tin lời nói nào là đúng, lời nói nào là không đúng?, cụ bà Nguyễn Đình Thùy – Vũ Thị Lan, theo sổ ghi chép của ông Sóc chỉ ghi cụ ông, cụ bà Tư đại, ngày giỗ và phần mộ). (Căn cứ vào thông tin này, suy đoán có hai khả năng trước đó Gia tộc dòng họ Nguyễn Thôn Quàn đã có người ghi chép Gia Phả nhưng bị thất lạc và có thể chưa có Gia Phả).
Dòng họ Nguyễn là một dòng họ đã cống hiến rất nhiều cho quê hương Tứ Kỳ, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có biết bao người con hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như cụ Nguyễn Văn Ích (liệt sỹ chống Pháp), cụ Nguyễn Văn My (thương binh hạng 2/4, tỉ lệ thương tật 75%), ông … v.v…
Chẳng thua kém chồng, các nàng dâu dòng họ Nguyễn cũng là những người đàn bà trung tín, hiền hậu một đời thờ chồng nuôi con, trong số đó có cụ Nguyễn Thị Thuật (vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Ích) đã một mình tần tảo nuôi con trai trưởng thành, học hành và thành đạt.
Ngày nay, những người con của dòng họ Nguyễn vẫn đang giữ các trọng trách trong xã hội và luôn nêu cao truyền thống dòng họ dù ở bất cứ nơi đâu.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh thăng trầm của đất nước, do nhận thức không đầy đủ nên chúng ta đã để cho nhiều di sản văn hoá quý báu của Tổ tiên, dòng họ bị mất mát khá nhiều, một số con em trong họ ít quan tâm đến công ơn của Ông Bà, Tổ tiên, lãng quên truyền thống dòng họ. Tộc phả của dòng họ bị thất lạc.
May thay, chúng ta đã sớm nhận ra điều đó, đã biết tìm về cội nguồn, biết bảo tồn và phát huy văn hoá của dân tộc và dòng họ. Chúng tôi rất mong tìm lại được cội nguồn, tổ tiên của mình.
Năm 2011, con cháu đời thứ 5 và thứ 6 của gia tộc Dòng họ Nguyễn lập lại gia phả, thành tâm đi tìm lại các mộ phần đã bị thất lạc, mất, lập trang web để lưu giữ, quản lý và cập nhật thông tin lý lịch từng người trong dòng họ để lưu giữ mãi cho muôn đời sau./.
Cuốn Phả tộc này được khởi lập vào mùa thu năm Tân Mão 2011. Người ghi phả rất mong sự tham gia đóng góp, chỉnh sửa để cuốn gia Phả dòng họ Nguyễn ngày một hoàn thiện, chỉnh trang đáp ứng nhu cầu tâm linh của con cháu trong dòng họ.
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Thân gửi Toàn thể cộng đồng Họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn chúng ta tự hào là dòng họ có số lượng dân số lớn nhất Việt Nam hiện nay. Họ Nguyễn cũng là dòng họ có nhiều nguồn dân số phân bổ trên nhiều vùng miền nhất của cả nước. Ở đâu trên mảnh đất...