Khu lăng mộ danh tướng Nguyễn Huỳnh Đức (1748 - 1819) có diện tích khoảng 1.300m2, nằm ở phường Khánh Hậu, TP. Tân An, tỉnh Long An.
Nguyễn Huỳnh Đức tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại Giồng Cái Én, làng Tường Khánh, tổng Hưng Thượng, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường nay là phường Khánh Hậu, TP. Tân An, tỉnh Long An. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời võ nghiệp, nên có cốt cách làm tướng từ nhỏ, sức khỏe, thần thái cũng hơn người.
Năm 1780, ông theo phò chúa Nguyễn Ánh lập nhiều công lớn nên được ban họ vua. Nhiều lần Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh thua, ông vẫn chạy theo cứu giá, một lòng trung quân. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu vua Gia Long, Nguyễn Huỳnh Đức được phong Quận công, rồi làm Tổng trấn Bắc thành.
Sáu năm sau, ông làm Tổng trấn Gia Định cùng cai quản toàn miền Nam. Tương truyền dân gian và sử sách ghi lại, ông là người trung cang, nghĩa khí, võ nghệ cao cường, mọi người đều gọi ông là “Hổ tướng”, là một trong những bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn. Ngày mùng 9/9 năm Kỷ Mão (1819), ông mất và an táng tại quê nhà.
Lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng năm 1817 (trước khi ông mất) và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Di tích chịu ảnh hưởng bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn mang bản sắc địa phương và đã trở thành điển hình cho lối kiến trúc lăng mộ của tầng lớp quan lại đầu thế kỷ XIX.
Khu lăng mộ có hướng nhìn chính hướng nam, xây dựng bằng đá ong và vữa tam hợp. Mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, rộng 19m, dài 35m. Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, bia mộ, nấm mộ và bình phong hậu. Bao quanh là lớp tường thành kết hợp các trụ biểu búp sen. Xung quanh mộ là những cây sứ cổ thụ tạo nên vẻ thâm nghiêm cho nơi an nghỉ của một đại thần khai quốc.
Bia mộ tạc bằng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn cao 1,55m, rộng 0,9m, dày 0,16m, chạm nổi hoa văn tinh xảo hình mặt trời, hoa lá hóa rồng ở hai bên trán bia; diềm bia trang trí chạm nổi hình hoa cúc dây, hoa mai; trung tâm bia mộ đề quốc hiệu Việt Cố, mộ của Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Chưởng Tiền quân, tặng thời Trung Dực vận công thần, Phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái phó Nguyễn Huỳnh tước Quận công, bia được lập vào tháng 11 năm Kỷ Mão (1819).
Phía sau bia là nơi chôn cất thi hài Nguyễn Huỳnh Đức với một nấm mộ phẳng dài 3,4m, rộng 2,7m, cao 0,3m. Sau nấm mộ là bình phong hậu khép lại kiến trúc lăng mộ. Trên bức bình phong hậu có bài minh văn do chính vua Gia Long ngự phê để ghi nhớ công lao của một đại thần đã cùng mình vào sinh ra tử, từng là người bảo toàn tính mạng cho vua và sự trung hưng của triều Nguyễn.
Cách mộ khoảng 200m là đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức. Cổng vào đền thờ nằm hướng ra con đường mang tên ông. Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức do gia tộc ông xây dựng năm 1959, để tiện cho việc thờ cúng.
Di tích Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Quốc gia tại quyết định số 534/QĐ/BT, ngày 11/05/1993.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Dưới đây là toàn văn bản dự thảo, được trình lên Đại Hội Hội Đồng Họ Nguyễn Việt Nam phê duyệt và gửi lên các cấp chức năng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua. ( DOWNLOAD BẢN GỐC TẠI ĐÂY )