Nhà thờ Nguyễn Bặc là nơi thờ cúng và tưởng niệm Nguyễn Bặc một công thần khai quốc nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân và thế kỷ 10 trong lịch sử Việt Nam. Do lập công lớn, ông được vua Đinh phong là Định Quốc công, vị trí như Tể tướng trong triều đình nàh Đinh. Theo các gia phổ họ Nguyễn và tài liệu “Lược sử họ Nguyễn Việt Nam”, ông được coi là bậc tiền thuỷ tổ họ Nguyễn ở Việt Nam. Ông được sử sách Trung Hoa liệt vào danh sách “Giao Châu thất hùng”, tức vị 7 anh hùng đất Giao Châu.
Sử cũ cho biết Nguyễn Bặc quê ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh, nay là thôn Vĩnh Ninh, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nguyễn Bặc sinh vào khoảng năm 924. Lúc thiếu thời Nguyễn Bặc cùng với Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau, rồi cùng tập hợp lực lượng, lấy động Hoa Lư (nay thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn) làm căn cứ ban đầu. Về sau, Đinh Bộ Lĩnh hợp nhất với quân Trần Lãm ở Cửa Bố (Thái Bình) và cùng Nguyễn Bặc, Đinh Điền tiến lên dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Nguyễn Bặc đã có công lớn trong việc đánh tan những sứ quân mạnh, nhất là hai sứ quân Nguyễn Siêu và Đỗ Cảnh Thạc, là hai sứ quân mạnh nhất trong 12 sứ quân. Nguyễn Bặc là một vị tướng số một của Đinh Tiên Hoàng. Ông không nhữg chỉ dùng quân sự để dẹp kẻ thù, mà ông còn biết kết hợp cả chính trị và quân sự.
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, phong chức tước cho các quan văn võ. Nguyễn Bặc là người có công đầu, được phong chức Định Quốc Công, một chức quan đầu triều lúc đó. Ông có công lớn trong việc định đô ở Hoa Lư, xây dựng quân đội, xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta. Tháng 10 năm 979 vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị sát hại, triều đình suy tôn người con thứ ba là Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi hoàng đế. Lê Hoàn nhiếp chính tự xưng là phó vương. Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Lê Hoàn không có lợi cho vua nhỏ và hai ông đã nặng tình nặng nghĩa với Đinh Tiên Hoàng, cùng là bạn bè anh em từ nhỏ “cờ lau tập trận” lại đồng chí đồng lý (người cùng chí hướng, cùng làng) với Đinh Tiên Hoàng, nên đã cùng nhau chia làm hai hướng thuỷ bộ tiến về kinh đô Hoa Lư, định giết Lê Hoàn. Nhưng Đinh Điền bị Lê Hoàn giết tại trận. Nguyễn Bặc bị bắt, đem về kinh đô Hoa Lư xử tội. Theo truyền thuyết, Nguyễn Bặc bị hành quyết ở ven bờ sông Chanh, tương truyền là nơi hành dinh của ông. Con cháu bí mật đưa xác ông về quê chôn cất ở gò Con Cá, cánh đồng chùa thôn Vĩnh Ninh (nay thuộc xã Gia Lập, huyện Gia Viễn). Việc ông chống lại Lê Hoàn là việc làm theo đạo lý ViệtNam, vì tình bạn hữu - nghĩa vua tôi với Đinh Tiên Hoàng. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đánh giá Nguyễn Bặc là “chết đúng chỗ”, là người có lòng trung quân, ái quốc đáng ngợi khen, đúng như câu đối ở nhà thờ ông:
Nhất phiến trung can huyền nhật nguyệt;
Thiên thu chính khí tác sơn hà.
Nghĩa là:
Một mảnh gương trung treo sáng như mặt trời mặt trăng
Nghìn thu chính khí còn rung động non sông.
Nhà thờ Nguyễn Bặc ở trên mảnh đất của tổ tiên để lại, rộng 3 sào 6 thước, quay hướng tây, nhìn ra sông Hoàng Long, uốn khúc như một con rồng khổng lồ. Theo lưu truyền của dòng họ Nguyễn, thì sau khi chôn cất Nguyễn Bặc xong, con cháu phát tán các nơi, mai danh ẩn tích đến thế kỷ XVII, ông Nguyễn Tài Nông từ Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay là làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá) về xã Đại Hoàng, huyện Gia Viễn (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) giữ mộ tổ Nguyễn Bặc và xây nhà thờ ông tổ của mình. Về sau, con cháu thờ phụng ông Nguyễn Tài Nông và các ông tổ tiếp theo. Theo thượng lương của nhà thờ thì vào năm Khải Định thứ 7 (1927), dòng họ Nguyễn xây dựng lại nhà thờ khá bề thế, kiến trúc tiền nhất hậu đinh. Tiền đường 5 gian, bằng gỗ xoan và mít, vì kèo kiểu chồng rường hạ kẻ, nhưng đã bị thực dân Pháp đốt năm 1948. Trung đường 3 gian, hai vì kèo giữa theo kiểu kẻ truyền, hai vì kèo bên làm theo kiểu “thượng rường, hạ kẻ”. Hai gian bên Trung đường thờ ông Nguyễn Tài Nông và các ông tổ tiếp theo. Ở giữa Trung đường có bức hoành phi khắc ba chữ lớn: “Khởi nguyên đường” (có nghĩa là khởi đầu dòng họ Nguyễn). Gian chính giữa Hậu cung thờ ông tổ Nguyễn Bặc.
Mộ Nguyễn Bặc ở cánh đồng Chùa, gò Con Cá. Xưa kia là mộ đất, gần đây được con cháu tu bổ lát đá khang trang. Mộ Nguyễn Bặc lấy dãy núi ở phía bắc làm hậu chẩm, lấy sông Hoàng Long ở phía nam làm tiền án. Con cháu còn lưu truyền hai câu đối.
Bắc hướng cao sơn trung vượng khí
Namphương lưu thuỷ tạo anh linh
Nghĩa là:
Phía bắc, dãy núi cao tụ nghĩa khí
Phía nam, dòng nước chảy hiện khí thiêng
Hiện nay Hội đồng dòng họ Nguyễn Bặc toàn quốc – BQL di tích Nhà thờ và mộ Định Quốc công Nguyễn Bặc cùng toàn thể bà con dòng tộc chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức lễ giỗ tổ họ Nguyễn vào ngày 14 -15/10 âm lịch hàng năm. Nhà thờ là nơi sinh hoạt mỗi khi có công việc của con cháu trong dòng họ. Đồng thời nhà thờ cũng là nơi thăm quan, học tập của cán bộ và nhân dân, nhất là các em học sinh về truyền thống chống giặc ngoại xâm. Di tích đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997.
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thư mời tham gia xây dựng Cổng Thông Tin Điện Tử Họ Nguyễn Việt Nam ************************* Kính gửi : Cộng Đồng Họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn chúng ta là một dòng Họ rộng lớn và rất nhiều chi, nhiều nhánh Họ rộng khắp trên toàn quốc và cả thế giới. Việc thành lập một Cổng Thông...