Ngay sau khi đỗ đạt, ông đã làm việc khiến mọi người bất ngờ là xin cưới cô Ẩn-con gái quan đại thần Tôn Thất Thuyết (1839-1913). Khi đó, Tôn Thất Thuyết đã đi theo phò vua Hàm Nghi để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp, nên những người có mối liên hệ tới Tôn Thất Thuyết đều bị nghi kỵ về mặt chính trị. Về sau này, Nguyễn Thượng Hiền lý giải nguyên nhân sâu xa là ông không muốn phụng sự triều đình hèn yếu trước quân xâm lược.
Năm 1895, triều đình bắt ông ra làm quan, giữ chức Toản tu Quốc Sử quán. Cùng thời gian này, ông gặp Tăng Bạt Hổ (1858-1906)-một chí sĩ yêu nước từng ủng hộ phong trào Cần Vương, đã đi hoạt động cách mạng ở nhiều nước. Được tiếp xúc với chí sĩ như Tăng Bạt Hổ rồi Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền dần tiếp thu tư tưởng canh tân đất nước phải theo con đường hiện đại hóa như Nhật Bản. Khi được cử đi làm Đốc học ở Nam Định, ông tích cực cổ động thanh niên du học, ủng hộ hết mình cho phong trào Đông Du.
Năm 1907, cụ Nguyễn Thượng Phiên mất. Cùng năm đó, ông vua yêu nước Thành Thái bị thực dân Pháp truất ngôi, Nguyễn Thượng Hiền trước khi từ quan sang Trung Quốc hoạt động cách mạng đã viết bản kháng nghị lời lẽ kịch liệt gửi Thống sứ Bắc Kỳ. Vì việc này ông bị xử tử hình vắng mặt. Ở nước ngoài, Nguyễn Thượng Hiền gắn bó với Phan Bội Châu (1867-1940) giúp du học sinh, hô hào thức tỉnh đồng bào trong nước, cầu ngoại viện. Tuy Nguyễn Thượng Hiền tích cực hoạt động nhưng hiệu quả không cao do các chính khách nước ngoài chỉ hứa suông mà không có hành động thiết thực giúp đỡ các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, các phong trào đấu tranh trong nước lần lượt thất bại, tuy vậy nhuệ khí của ông không giảm.
Đến năm 1918, sức khỏe yếu, Nguyễn Thượng Hiền vào chùa sống và mất ở chùa Thượng Tịch Quang Lan Nhược trên núi Vân Sơn Cư ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào ngày 27-12-1925, thọ 57 tuổi.
Không chỉ là một chí sĩ yêu nước nổi bật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nguyễn Thượng Hiền còn được giới nghiên cứu văn học đánh giá là một trong những tài năng văn chương lớn cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam với khoảng 600 bài thơ còn lại. Thơ văn của ông không chỉ điêu luyện trong câu chữ, mà còn đậm đà tinh thần yêu nước, cổ vũ phong trào cách mạng.
Cũng như những nhà Nho yêu nước không thành công trong sự nghiệp chống Pháp, Nguyễn Thượng Hiền để lại bài học sâu sắc về tấm gương của một nhà Nho quân tử. Vì thế, tên tuổi của Nguyễn Thượng Hiền sống mãi trong lịch sử dân tộc.
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Dưới đây là toàn văn bản dự thảo, được trình lên Đại Hội Hội Đồng Họ Nguyễn Việt Nam phê duyệt và gửi lên các cấp chức năng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua. ( DOWNLOAD BẢN GỐC TẠI ĐÂY )