CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----- ****** -----
ĐỀ ÁN ( Dự thảo)
THÀNH LẬP BAN TRÙ BỊ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC
HỘI ĐỒNG DÒNG TỘC HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
I. Đặt vấn đề:
Hoạt động dòng họ hiện đang là nhu cầu thực của xã hội; Tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dòng họ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mọi người mà còn là yêu cầu về mặt khoa học xã hội trong một xã hội đang hướng tới công nghiệp hiện đại, để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, truyền thừa cho các thế hệ mai sau… Đây chính là lý do để tổ chức UNESCO khởi xướng, giúp đỡ và cộng tác tích cực với hàng loạt các dòng họ lớn cả nước để hình thành các Ban liên lạc hay các Hội đồng dòng tộc của họ mình đi vào hoạt động ngày càng quy củ và đã làm được rất nhiều việc có ích cho xã hội đương đại trong nhiều năm qua.
Ở Việt Nam chúng ta, những người mang họ NGUYỄN lại rất đông và hiện đang chiếm một tỷ trọng lớn nhất trong dân số, đời nào cũng có những Danh nhân, Anh hùng, Hào kiệt đóng góp nhiều cho Đất nước, cho dòng họ trong lịch sử và hiện tại….
Theo thống kê của tổ chức UNESCO nghiên cứu văn hóa các dòng họ VN thì hiện tại ở nước ta đang tồn tại khoảng hơn 50 dòng họ Nguyễn khác nhau, cùng mang họ Nguyễn nhưng chưa kết nối được gia phả, ghép nối hệ tộc được với nhau là do chưa có một nghiên cứu nghiêm túc, bài bản về vấn đề lịch sử và mạch huyết thống của Tộc họ lớn nhất này. Mặt khác cũng theo tổ chức UNESCO dòng họ thì nguồn tư liệu Gia phả, Hán nôm và các tư liệu lịch sử gia đình, dòng họ quý giá khác lại chủ yếu nằm trong dân lưu giữ là chính, kho Tàng thư lưu trữ Nhà nước lại không có là bao so với dân, đặc biệt là dòng họ Nguyễn lại là dòng họ đang lưu giữ nhiều tư liệu nhất so với các dòng họ khác thì đây là một nghịch lý của riêng dòng họ Nguyễn, đồng thời lại là nhu cầu chính đáng, cần làm ngay của những người mang họ Nguyễn trên khắp mọi miền Đất nước đang mong muốn được nghiên cứu lịch sử, được tìm hiểu về gốc gác của chính bản thân mình, dòng tộc mình…. Đó vừa là ý nguyện xâu xa của mọi người và cũng là lý do để hình thành tổ chức đại diện cho những người mang họ Nguyến để gánh vác trọng trách này trước muôn dân trong họ…
Có lẽ phần nào ý thức được tầm quan trọng của vấn đề nêu trên, nên trong những năm qua tại Hà Nội đã tồn tại song hành nhiều tổ chức dòng họ Nguyễn tự lập như: Ban liên lạc các dòng họ Nguyễn; Hội đồng dòng tộc Nguyễn Bặc; Hội người họ Nguyễn … cùng có mục tiêu hoạt động vì dòng họ Nguyễn… Tuy có lập ra những trang mạng, diễn đàn trao đổi, ra được một số bản tin nội bộ phát hành trong phạm vi rất hẹp… Với mô hình hoạt động manh múm như vậy nên dù có nhiều cố gắng vẫn rơi vào “Lực bất tòng tâm” Bởi hoạt động dòng họ không đơn giản vậy, hơn nữa thành phần tham gia các tổ chức này chủ yếu là một số người về hưu ở Hà Nội và một số Tỉnh lân cận nên chưa phải là đa số, không có chân rết ở các địa phương khác, lại hoạt động riêng rẽ theo chủ quan của mình, không có chuyên môn nên không vạch ra được những tiêu chí cụ thể, chiến lược, đường hướng rõ ràng, lại không hề bắt tay hợp tác với nhau để phối hợp hoạt động chung cho dòng họ nên không thể đáp ứng được yêu cầu chung của hoạt động dòng họ đặt ra hiện nay mà còn gây ra sự hoang mang nghi ngờ cho đông đảo bà con họ Nguyễn cả nước không biết theo bên nào làm chỗ dựa cho mình để hợp tác, trao đổi thông tin…
Thể theo nguyện vọng và tâm nguyện của hàng triệu bà con mang họ Nguyễn trên khắp mọi miền đất nước muốn có một tổ chức đại diện cho mình, là nơi quy tụ ý chí và hành động trong việc chung tay khôi phục và xây dựng văn hóa dòng họ Nguyễn đậm đà bản sắc Dân tộc Việt; Nối tiếp truyền thống lịch sử văn hóa dòng tộc Nguyễn ngàn đời Ông Cha để lại để giáo dục các thế hệ con cháu tiếp bước Cha, Anh trong giữ nước và dựng xây Đất nước. Đây là thời điểm thích hợp nhất để một lần nữa tổ chức UNESCO các dòng họ Việt Nam giúp làm trung gian thúc đẩy việc tiến hành hiệp thương đi tới thống nhất một tổ chức đại diện dòng họ Nguyễn Việt Nam chính thống có đủ năng lực với tầm hoạt động rộng ra cả nước và với tay ra Nước ngoài để quy tụ bà con việt kiều ở khắp nơi trên Thế giới…
II. Nội dung của đề án: ( Dự thảo ):
ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÒNG TỘC
HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
ChƯ¬ng I
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
1. Tên gọi:
HỘI ĐỒNG DÒNG TỘC HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
2. Tên viết tắt:
HĐDTHNVN
3 Tên tiếng Anh:
4. Trụ sở chính đặt tại:
Hà Nội ; các chi nhánh đặt tại các
Tỉnh, Thành phố…
5.
Tôn chỉ, mục đích, chức năng và nhiệm vụ của Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn Việt Nam
5.1.
Tôn chỉ: Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn Việt nam là một tổ chức xã hội quần chúng rộng rãi của những người cùng mang họ Nguyễn trên khắp mọi miền Đất nước và người Việt nam ở Nước ngoài, không phân biệt tầng lớp, địa vị xã hội, tuổi tác, tôn giáo, tín ngưỡng… Miễn có cùng chí hướng, nguyện vọng tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dòng họ, bảo tồn các di sản dòng họ Nguyễn, giáo dục, truyền thừa cho các thế hệ con cháu mai sau….
* HĐDTHNVN Là tổ chức đại diện cho bà con thân tộc mang họ Nguyễn trên cả nước; Hoạt động độc lập, tuân thủ theo luật pháp của Nhà nước hiện hành. Tự chựu trách nhiệm về pháp lý và tài chính….
5.2.
Mục đích: HĐDTHNVN có mục đích hoạt động và đáp ứng các nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của các dòng họ Nguyễn Việt nam, tổ chức giao lưu và phát huy những thành quả tiến bộ về di sản văn hoá lịch sử, về khoa học, thông tin và truyền thông của các dòng họ Nguyễn Việt Nam như: Tạo điều kiện cho bà con thân tộc có nhu cầu được tham gia tư vấn, về tri thức văn hóa lịch sử các dòng họ và gia đình trong và ngoài nước có liên quan đến văn hóa, lịch sử của dòng họ NguyễnViệt Nam, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật của Việt Nam.
Tuyên truyền, giáo dục các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dòng họ Nguyễn trong bà con thân tộc và các thế hệ mai sau góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của Dân tộc
Việt Nam
HĐDTHNVN Là trung tâm đoàn kết các Tộc họ Nguyễn khác nhau trên toàn quốc
cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết trong đại gia đình Dân tộc Việt nam theo chủ chương của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
5.3.
Chức năng: Là tổ chức đại diện cho bà con dòng tộc họ Nguyễn cả nước; Là trung tâm đoàn kết tộc họ; Trung tâm lưu trữ tư liệu Hán nôm, Gia phả, chứng tích lịch sử…; Trung tâm kết nối dòng họ, hệ tộc Nguyễn; Trung tâm tư vấn, định hướng khuyến học, khuyến tài, khuyến kinh tế, khuyến tạo việc làm, giáo dục văn hóa truyền thống dòng họ, giáo dục nâng cao chất lượng nòi giống dòng tộc, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong dòng họ Nguyễn, hun đúc đào tạo nhân tài cho đất nước…. Chăm lo bảo tồn, Nhà thờ, Mộ tổ, Đình, Đền, Miếu mạo mang dấu tích dòng họ Nguyễn trên cả nước…
5.4.
Nhiệm vụ của HĐDTHNVN:
Tổ chức sưu tầm tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu phả hệ, di sản văn hóa, Nhà thờ họ, làm phim, ảnh, sách báo tuyên truyền nhằm thể hiện các lĩnh vực và đề tài hữu ích cho
cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam.
Tổ chức nghiên cứu để làm sáng tỏ nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của các Chi – Phái họ Nguyễn trên cả Nước; Tìm hiểu, vinh danh các Danh nhân lịch sử, Doanh nhân dòng họ, Tổ nghề… Bảo tồn, tôn tạo, trùng tu, phục dựng, thuyết minh cho các di tích lịch sử văn hóa dòng họ, Nhà thờ, Mộ tổ, Đình, Đền, Miếu mạo mang dấu tích dòng họ Nguyễn… Để lưu giữ cho muôn đời con cháu về sau….
Tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin, tư vấn giáo dục, tư vấn pháp luật, tuyên truyền tri thức tiến bộ trong cộng đồng dòng họ, gia đình trên tinh thần đoàn kết, cảm thông, giúp đỡ lẫn nhau “Học tiến bộ xưa, phát triển đạo lý nay”; Thực hiện nếp sống “Dòng họ văn minh – Gia đình hạnh phúc“ Góp phần nâng cao dân chí, thẩm mỹ của cộng đồng, xây dựng ý thức đoàn kết, kỷ cương truyền thống của các dòng họ Nguyễn Việt nam theo tinh thần đại đoàn kết Dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Tạo điều kiện giao lưu, nâng cao trình độ dân trí trong các dòng họ và gia đình Nguyễn Việt nam, phát huy các tập tục, tập quán và tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp trong dòng họ, gia đình góp phần xây dựng các lợi ích tiến bộ xã hội và nhân văn.
Khai thác những tinh hoa, tiềm năng của con người có xuất xứ từ dòng họ và gia đình Nguyễn; Tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chuyên môn khác tiến hành thẩm định về di truyền, huyết thống dòng họ; Lập và biên dịch gia phả, tộc phả, lịch sử dòng họ và gia đình Nguyễn Việt nam ở mọi thời đại.
Là cầu nối với các cơ quan chuyên ngành để đáp ứng các chương trình, đề án, đề tài khoa học có giá trị văn hóa lâu dài, giúp thành lập các cụm bảo tồn, bảo tàng, di sản vật thể, phi vật thể có nguồn gốc xuất xứ từ dòng họ Nguyễn.
Tổ chức các diễn đàn để thu hút các nhà kinh tế, các chuyên gia, doanh nhân, các nhân tài trong các dòng họ Nguyễn cùng tham gia vào Câu lạc bộ doanh nhân họ Nguyễn Việt Nam để trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau xây dựng kinh tế gia đình, dòng họ vững mạnh, tạo công ăn việc làm cho đông đảo bà con thân tộc Nguyễn…
Tổ chức và phối hợp làm phim, thực hiện việc ghi chép tài liệu bằng hình ảnh, vi deo kỹ thuật số, số hóa tư liệu để đáp ứng việc lưu trữ lâu dài cho dòng họ những nguồn tư liệu lịch sử quý giá này…
Hình thành Hội đồng khoa học và Ban nghiên cứu Dòng họ - Hệ tộc là tổ chức tham mưu giúp việc chủ lực cho HĐDTHNVN để gánh vác những nhiệm vụ chính nêu trên …
( HĐKH và Ban nghiên cứu này được quy tụ từ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp có học hàm học vị đến các nhà nghiên cứu nghiệp dư trong và ngoài dòng họ tham gia theo phương thức xã hội hóa....)
ChƯ¬ng II
Tổ Chức VÀ HOẠT ĐỘNG
6.
Cơ cấu, tổ chức của HĐDTHNVN gồm:
6.1. Ban Lãnh đạo gồm: Chủ tịch Hội đồng và các Phó chủ tịch Hội đồng; Các Ủy viên thường trực và các Ủy viên khác của Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn Việt Nam bàu ra; Số lượng và thành phần, cơ cấu của các ủy viên do đại diện các Chi họ tiến cử và đại hội của HDDTHNVN quyết định… Ban lãnh đạo này là cơ quan quản lý và điều hành cao nhất của Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn Việt Nam giữa hai kỳ đại hội
6.2. Nhiệm kỳ hoạt động của HĐ là 03 năm
6.3. Các bộ phận giúp việc cho HĐ như: Hội đồng khoa học; Ban thư ký; Ban nghiên cứu Dòng họ - Hệ tộc; Văn phòng; Ban sưu tầm và lưu trữ tư liệu dòng họ; Ban nối kết dòng họ; Ban Tài chính – Hậu cần; Ban thông tin – Tuyền truyền; Câu lạc bộ doanh nhân, doanh nghiệp dòng họ; Đại diện HDDTHNVN tại các Tỉnh, Thành phố, Vùng Miền…
6.4. Thành viên của HĐ là các cá nhân hay tổ chức chi họ cơ sở hoặc người đại diện cho Chi họ, Tộc họ tham gia vào HĐ, không phân biệt tuổi tác, điạ vị xã hội, nguồn gốc xuất xứ… Miễn là người mang danh họ Nguyễn, tán đồng và tuân thủ các quy định của bản quy chế này, có năng lực nghiên cứu, năng lực hoạt động dòng họ, là hạt nhân đoàn kết tộc họ, chịu sự phân công làm việc theo kế hoạch của HĐ, nhiệt tình tham gia đầy đủ các hoạt động của HĐ, đóng góp nghĩa vụ tài chính theo quy định của HĐ đề ra ( Nếu có)…
- Tiêu chí cụ thể cho nhân sự tham gia HĐ: Trên tinh thần tự nguyện, thỏa mãn yêu cầu cần và đủ của HĐ đặt ra cho người tham gia hoạt động việc họ trong HĐ là: Phải có Tâm – Có Tầm; Có sức khỏe, có trí lực; Có Thời gian, tiền bạc, phương tiện đi lại, chấp hành đầy đủ các quy định đặt ra của tổ chức… Ngược lại, khi hết sứ mạng lịch sử của mình, hoặc tự thấy sức khỏe yếu, trí tuệ đã cùn theo năm tháng, lạc hậu với thời cuộc… Cũng sẵn sàng, vui vẻ rút lui về hậu trường để làm gương sáng cho thế hệ kế tiếp noi theo gánh vác trọng trách nặng nề nhưng cũng vẻ vang trước họ tộc…
- Trong thời gian tham gia hoạt động trong HĐDTHNVN, các cá nhân, tổ chức, đại diện Chi họ… Tự nhận thấy chưa đáp ứng đủ các tiêu chí đặt ra của Tổ chức, có thời gian hoạt động không liên tục hoặc không tham gia hoạt động trong một thời gian dài từ 06 tháng trở lên có thể coi là tự rút lui không còn là thành viên của HĐ – Xong phải thông báo trước cho HĐ bằng văn bản và phải bàn giao đầy đủ các tài liệu, ấn phẩm, vật dụng… Thuộc tài sản chung của Họ cho người có trách nhiệm của HĐ….
6.7. Các cá nhân, tổ chức được HĐDTHNVN cử đến các Gia đình, Chi họ, Tộc họ Nguyễn trong cả nước làm việc, công tác hay sưu tầm tư liệu dòng họ phải có giấy giới thiệu của HĐDTHNVN cấp, đến nơi công tác phải xuất trình GGT còn giá trị sử dụng; Kết quả chuyến công tác phải được báo cáo lãnh đạo HĐ kịp thời; Mọi tư liệu thu thập về thuộc tài sản của HĐ để dùng chung – Nghiêm cấm việc sao chép tư liệu hoặc biển thủ, chiếm đoạt để dùng vào mục đích riêng…
- Các cá nhân, tổ chức là thành viên của HĐDTHNVN phải có trách nhiệm tự giác
tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế tổ chức, quy định về việc Sưu tầm – Sử dụng – Phổ biến
tư liệu, tàng thư lưu trữ của HĐ đã đề ra cùng các nội quy khác… Mọi vi phạm đều phải
được xử lý kịp thời nhằm tránh tổn thất, gây mất uy tín cho tổ chức.
- Mô hình tổ chức lâm thời của HĐDTHNVN là mô hình Ban trù bị đại hội đại biểu toàn quốc Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn Việt nam do một số người có tâm huyết với dòng họ Nguyễn sáng lập trên cơ sở hiệp thương với các tổ chức dòng họ Nguyễn hiện có với sự trợ giúp về chuyên môn, giới thiệu nhân sự của Trng tâm UNESCO nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam trong thời gian đầu… Ban trù bị này tồn tại trong thời kỳ quá độ trong thời gian đầu chưa có liên lạc đầy đủ với các Chi họ Nguyễn toàn quốc là 01 năm… BTB hoạt động ổn định, tập hợp được đầy đủ đại diện các chi họ Nguyễn cả nước sẽ tiến tới tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn Việt Nam - Mới là mô hình tổ chức có hội đủ tầm để gánh vác trọng trách lớn lao của dòng họ Nguyễn cả nước.
CHƯƠNG III
TÀI CHÍNH
7.
Kinh phí hoạt động
7.1.
Cơ chế tài chính
HĐDTHNVN là tổ chức tự quản, tự hoạch tóan và tự chịu trách nhiệm về các kinh phí hoạt động của mình tuân theo những quy định về quản lý tài chính do nhà nước ban hành và chịu sự giám sát của bà con thân tộc Nguyễn….
7.2.
Các nguồn thu của HĐDTHNVN:
Thu niên phí hàng năm của các chi họ thành viên tham gia HĐ đóng góp theo quy định, tiền ủng hộ của bà con thân tộc, các chi họ địa phương; Nguồn thu do các hoạt động gây quỹ hợp pháp của HĐ; Tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Vốn đầu tư, xây dựng và các khoản thu khác có từ dự án và chương trình; Thu từ kết quả hoạt động – dịch vụ, từ công tác chuyên môn, từ các cơ sở có hoạt động kinh tế lấy thu bù chi, từ các doanh nhân tài trợ và các đối tác khác.
7.3
Các khoản chi của HĐDTHNVN:
Chi cho hoạt động phát triển và các dự án, chương trình của HĐ;
Chi hành chính, trang thiết bị vật chất và kỹ thuật cơ sở của HĐ;
Chi khen thưởng; Chi cho công tác đối ngoại.
Chi cho các hoạt động mang tính xã hội: Bảo trợ các di sản văn hóa, Lịch sử….
Chi cho các hoạt động từ thiện xã hội đối với bà con thân tộc Nguyễn gặp khó khăn, thiên tai, bệnh tật, xóa đói giảm nghèo cùng cực…
Chi cho các bảo trợ bà mẹ và trẻ sơ sinh trong đề án giáo dục nâng cao chất lượng nòi giống dòng họ, khuyến học, khuyến tài, tạo công ăn việc làm cho bà con thân tộc …
Đảm bảo chi tiêu đúng mục đích, tiết kiệm, minh bạch…. Chịu trách nhiệm trước bà con thân tộc về các khoản chi tiêu này.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Thành lập Ban trù bị Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn Việt nam lâm thời với cơ cấu bộ khung tổ chức như quy định tại chương 3 ở trên.
- Ban trù bị có trách nhiệm tổ chức lập đề án thành lập HDDTHNVN; Tổ chức các cuộc gặp mặt hiệp thương với các đại diện chi họ về tổ chức và nhân sự của HĐ;
- Ban trù bị điều hành Ban Tài chính – Hậu cần lập dự toán, bố trí kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban trù bịvà kinh phí tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc của HĐDTHNVN.
III. Kế hoạch tổ chức, thực hiện Đề án:
* Giai đoạn 1: Năm 2013.
Tháng 09 - 10/2013: Hoàn thành lập Đề án khả thi trình bày trước đại diện một số chi họ tại Hà Nội .
Tháng 11 - 12/2013: Thành lập Ban trù bị lâm thời dòng họ Nguyễn Việt Nam
* Giai đoạn 2: Năm 2014:
Tháng 01-03/2014: Thiết lập Văn phòng làm việc; Hoàn thành tổ chức bộ máy lâm thời của BTB đi vào hoạt động, các điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất ban đầu; Ra mắt trang web chính thức của Ban, đăng tải các văn bản, tư liệu, lên kế hoạch tác nghiệp chuyên môn cho công tác nghiên cứu và các hoạt động dòng họ khác, thu thập thông tin, quy tụ các chi họ cả nước... Tiến tới chuẩn bị văn kiện cho đại hội đại biểu toàn quốc thành lập HĐDT họ Nguyễn Việt Nam khi hội đủ các điều kiện cần thiết...
Tháng 07 - 10/2014: Tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc chính thức thành lập Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn Việt Nam và bàu ra ban chấp hành chính thức điều hành hoạt động giữa hai kỳ đại hội
Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn Việt Nam chính thức đi vào hoạt động kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc diễn ra vào mùa thu năm 2014.
* Giai đoạn 3: Từ cuối năm 2014 đến năm 2015 và các năm tiếp theo.
Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế của HĐDTHNVN, đảm bảo tổ chức thực hiện có hiệu quả các yêu cầu và nghị quyết của đại hội đại biểu toàn quốc đã đề ra. Tổ chức, thực hiện tốt các nhiệm vụ giữa hai kỳ đại hội, thỏa mãn lòng mong mỏi và sự ủy thác của bà con thân tộc Nguyễn cả nước.
IV. Những kiến nghị và đề xuất:
Trên đây là Đề án thành lập Ban trù bị và thành lập Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn Việt nam trình ra cuộc họp đại diện các chi họ Nguyễn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận xem xét, góp ý chỉnh sửa nội dung cho phù hợp và sát với thực tế để cụ thể hóa các hoạt động của BTB chính thức sau khi bàu ra hoạt động có hiệu quả. Mọi ý kiến xin phản hồi về ban sáng lập BTB dòng họ Nguyễn lâm thời theo địa chỉ: Ông Nguyễn Văn Thịnh ( Thí dụ )
số nhà 38/4/5 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội; Email:
dongho.vn@gmail.com Hoặc địa chỉ, nhân sự cụ thể do BTB lâm thời chỉ định…..
V. *
Xin lưu ý: Theo kinh nghiệm hoạt động dòng họ nhiều năm qua của Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt nam cho thấy:
1/ Tổ chức mới ra đời này trên cơ sở hiệp thương với các tổ chức họ Nguyễn hiện có nhưng phải lựa chọn kỹ để tổ chức ra bộ máy tương xứng với Tầm hoạt động cả nước: Phải Gọn mà Tinh, phải có những người làm thật, không nên “Đánh trống ghi tên”; Nên chọn “Người cầm cờ” có uy tín đủ lớn để quy tụ nhân tâm, có năng lực đủ mạnh đề điều hành tổ chức; Phải tạo ra được nguồn lực nhân sự và tài chính phù hợp; Phải đưa ra được chiến lược hoạt động với những tiêu chí cụ thể có bài bản về nghiệp vụ chuyên môn trong hoạt động dòng họ; Phải là trung tâm đoàn kết, có đủ uy tín và độ tin cậy để thu phục lòng người, để các chi họ Nguyễn cả nước ủng hộ và hợp tác có hiệu quả….
2/ Hoạt động nghiên cứu văn hóa các dòng họ nói chung ở Nước ta do đặc thù nguồn tư liệu chính thống qua hệ thống Tàng thư lưu trữ Nhà nước thì quá ít mà phần lớn laị nằm trong dân và cũng phần lớn đối tượng đang lưu giữ những tài liệu quý này lại thường rơi vào những chi họ, những gia đình “Danh gia thế phiệt” luôn giữ được “Nếp nhà”, có hệ thống Gia phả tốt mới giữ được truyền thống này và hệ quả là những chi họ này thường sản sinh ra những nhà khoa bảng xưa và những nhà trí thức có học hàm, học vị nay... Gần như có tính di truyền về giáo dục truyền thống.... Hoạt động nghiên cứu văn hóa dòng họ của chúng ta đang rất cần những kinh nghiệm giáo dục truyền thống và lưu trữ tư liệu quý báu của những chi họ này cũng như những cá nhân là những nhà trí thức, học giả uyên thâm có gốc gác từ những chi họ này ( Họ Nguyễn ta rất nhiều...). Khai thác “Chất xám” từ những Chi họ này chính là tìm về cái gốc của Văn hóa truyền thống, của nề nếp gia phong đã hình thành nên cốt cách con người thuầnViệt, là một trong những cái nôi sản sinh ra nhân tài cho đất nước... Nhưng mặt trái của vấn đề là: Khi họ tham gia các hoạt động xã hội kiểu này - Những người có “Học thật” thường hay bị ảnh hưởng tư duy “Kẻ Si” của “Sĩ phu Bắc Hà” Họ rất kín đáo và tế nhị, rất dễ “Rút lui” khi vấp phải sự “Bon chen” của người khác nhất là khi tuổi đã cao, họ cần phải bảo toàn danh dự, danh phẩm cuối đời của mình, gia đình mình... Ngược lại những người “Thùng rỗng – kêu to” lại cứ nhảy bổ vào các tổ chức hoạt động dòng họ để “làm oai” và cố giành lấy “Danh vị” bằng mọi giá đang là nguyên nhân chính gây mất đoàn kết cho tổ chức dòng họ, thậm chí khi không còn uy tín nữa, không được bầu lại vào khóa sau là họ liền lập ra một tổ chức dòng họ tự xưng khác để đối chọi lại với tổ chức chính thống gây lũng đoạn ngay trong chính dòng họ của mình, làm mất lòng tin và nhuệ khí “Vấn Tổ tìm Tông” của chính bà con thân tộc của họ, hoặc một biểu hiện khác là tự huyễn hoặc mình thành “Nhà nghiên cứu đại tài...” đến các cửa họ ba hoa bốc phét, đề cao mình như “Cây gia phả sống” để làm tin rồi lừa vơ vét tư liệu của các chi họ về làm của riêng trưng bày ở nhà để “Khoe mẽ”, tiếp tục lừa mọi người để phục vụ cho việc kiếm tiền cho riêng mình... Những việc này đã xảy ra ở không ít các tổ chức dòng họ khác, làm lỡ nhiều cơ hội cho các Họ.... Chính từ những biểu hiện thực tế này sẽ là những bài học rút kinh nghiệm cho các tổ chức ra đời sau như Hội đồng dòng tộc họ Nguyễn của chúng ta sắp ra đời, giờ đây cần phải “Rào dậu cho kỹ” ngay từ đầu bằng hệ thống văn bản pháp quy để quy hoạch cơ cấu tổ chức, đưa ra các tiêu chí hoạt động, các tiêu chuẩn cụ thể về nhân sự tham gia làm việc họ phải thật sự là những người có Tâm đức, phải có đủ Tâm – đủ Tầm tham gia vào thì mới gánh vác được trọng trách, hoạt động mới có hiệu quả thiết thực cho muôn dân của dòng họ lớn nhất Nước và có nhiều phức tạp về lịch sử này.
Chúng tôi rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp xây dựng quý báu của quý vị đại biểu và xin tiếp thu chỉnh sửa đề án một cách hoàn thiện nhất. Xin trân trọng cám ơn ./.
Nơi nhận:
- Đại diện các chi họ cả nước;
- Lưu VT. |
TM. BAN SÁNG LẬP BTB HĐDTHNVN
Trưởng ban lâm thời
Nguyễn Hồng Quân
( Nguyên ủy viên TW Đảng – Bộ trưởng Bộ xây dựng ) |