Trang web Nghiên cứu lịch sử có đăng bài “Việt gian bán nước trong Lịch sử (bài 10c)” của Nguyễn Ngọc Lanh. Tác giả thuật lại là vào năm 2008 lần đầu tiên kể từ sau năm 1945 các nhà nghiên cứu sử học Marxist Việt Nam mới có một cuộc hội thảo Khoa học về Lịch sử tại Thanh Hóa với đề tài “Đánh giá lại Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn”. Tại hội nghị có nhiều báo cáo chứng minh rằng triều Nguyễn không phải là “rặt những tội, là tội”. Thậm chí có báo cáo cho thấy Gia Long có công thống nhất đất nước. Tuy nhiên vị Giáo sư lão thành Văn Tạo (nguyên Viện trưởng Viện Sử học) đã “chốt” kết quả Hội nghị này bằng hai ý:
-Tuy Gia Long cũng có công thống nhất đất nước (cùng Tây Sơn), nhưng…
-Công Gia Long là nhờ “cắt đất cho Pháp” (!?) do vậy sẽ là mầm chia rẽ lâu dài. Còn công thống nhất của Tây Sơn là trên cơ sở diệt cả Trịnh, cả Nguyễn khiến sự thống nhất bền vững.[1]
Sao lại có chuyện “Gia Long cũng có công thống nhất đất nước (cùng Tây Sơn)” và “công thống nhất của Tây Sơn là trên cơ sở diệt Trịnh, cả Nguyễn khiến sự thống nhất bền vững”?
Khi đọc ý này, tôi lại nhớ vào thập niên cuối của thế kỷ XX, khi còn ngồi ghế Trường Đại học Khoa học Huế, trong một tiết học về Phong trào Tây Sơn, thầy Đỗ Bang đã khẳng định là vua Quang Trung là người có công thống nhất đất nước. Sau đó tôi có ý kiến là người có công thống nhất đất nước là Gia Long chứ không phải Quang Trung! Tôi đã đưa ra các bằng chứng là dưới thời Quang Trung nước Đại Việt chưa hoàn toàn thống nhất mà vẫn còn trong tình trạng chia cắt.
Năm 1778 Nguyễn Nhạc tự xưng đế hiệu, đặt niên hiệu là Thái Đức, gọi thành Đồ Bàn là Hoàng Đế thành, phong cho Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân. Trong khi đó Đàng Ngoài vẫn thuộc quyền cai quản của vua Lê, chúa Trịnh và phía Nam thì Nguyễn Phước Ánh khởi binh, khôi phục lại đất Gia Định.
Sau khi vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc từ Thăng Long trở về Qui Nhơn, tự xưng Trung Ương Hoàng đế, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định vương ở đất Gia Định, cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương ở đất Thuận Hóa, lấy Hải Vân làm giới hạn.
Được ít lâu, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ có chuyện hiềm khích với nhau, Nguyễn Huệ đem binh vào vây đánh thành Qui Nhơn. Theo Đặng Xuân Bảng (1828-1910) cho biết vào mùa đông, tháng 10 năm Bính Ngọ (1786): “Nhạc và Huệ đánh nhau, sát thương rất nhiều. Sau hai người giảng hòa. Huệ sai quân chiếm giữ Thăng Bình, Điện Bàn trở ra Bắc, đóng đô ở Thuận Hóa. Nhạc sai em là Nguyễn Văn Lữ giữ Gia Định, sai Thái bảo Phạm Văn Tham phụ tá. Hào kiệt Gia Định khởi binh khắp nơi đánh Lữ. Từ đó thế giặc mâu thuẫn, không có dịp ngó tới phương Nam và vương nghiệp triều ta cũng định hình từ đó” (Nhạc dữ Huệ tương công sát thương thậm đa. Tầm thỉnh hòa. Huệ di binh cứ Thăng Điện dĩ Bắc, đô Thuận Hóa. Nhạc sử kỳ đệ Nguyễn Văn Lữ cứ Gia Định, lệnh Thái bảo Phạm Văn Tham vi chi phụ. Gia Định hào kiệt xứ xứ khởi binh công Lữ. Tự thử tặc thế nội hội bất giả Nam cố nhi ngã triều vương nghiệp ư tư định hĩ)[2]
Sau khi Nhạc và Huệ giảng hòa lấy sông Bến Ván[Bản Tân] (Hiện thuộc địa bàn huyện Núi Thành, Quảng Nam) làm ranh giới.
Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung băng hà, Thái tử là Nguyễn Quang Toản mới 10 tuổi lên nối ngôi, niên hiệu là Cảnh Thịnh. Tháng 3 năm Quý Sửu (1793) Nguyễn Vương lần đầu tiên đem binh ra đánh thành Qui Nhơn. Thành bị vây, Nguyễn Nhạc sai người ra Phú Xuân cầu cứu. Vua Cảnh Thịnh sai quan quân vào giải vây. Sau khi thành được giải vây, quan quân của vua Cảnh Thịnh đã chiếm giữ thành trì và tịch biên cả các kho tàng của Nguyễn Nhạc. Quá uất ức, Nguyễn Nhạc thổ huyết mà chết [3]. Kể từ đây, từ Phú Yên trở ra thuộc quyền vua Cảnh Thịnh, từ dinh Bình Khang (Khánh Hòa) trở vào Nam là của Nguyễn Vương.
Tác giả Đặng Xuân Bảng có chép riêng một mục thời Tây Sơn có tên là “Tam quốc”: “ Gia Định: Thế tổ ta đóng ở Bình Dương, cai trị từ Gia Định đến Hà Tiên gồm 6 tỉnh. Qui Nhơn: chúa Nguyễn Văn Nhạc, đóng đô ở Phù Ly, cai trị từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, gồm 5 tỉnh. Thuận Hóa: chúa Nguyễn Quang Bình[4] đóng đô ở Phú Xuân, cai trị từ Quảng Nam đến Cao Bằng gồm 17 tỉnh” (Tam quốc: Gia Định ngã Thế tổ, đô Bình Dương, trị Gia Định chí Hà Tiên lục đại tỉnh. Qui Nhơn chúa Nguyễn Văn Nhạc, đô Phù Ly, trị Quảng Ngãi chí Khánh Hòa phàm ngũ tỉnh. Thuận Hóa chúa Nguyễn Quang Bình đô Phú Xuân, trị Quảng Nam chí Cao Bằng phàm thập thất tỉnh)[5].
Cuối trang dịch, dịch giả đã chú thích từ “Tam quốc”: “Theo quan niệm của tác giả từ khi Quang Trung lên ngôi năm 1788 đến khi nhà Tây Sơn mất, trên thực tế lãnh thổ Đại Việt lúc ấy hình thành ba “nước”, nên tác giả mới đặt thành một kỳ “Tam quốc”.
Đặng Xuân Bảng là một quan lớn dưới triều nhà Nguyễn viết xong tác phẩm Việt sử cương mục tiết yếu vào năm 1905, nhưng có cái nhìn cởi mở về triều đại Tây Sơn: “Xét quy mô dựng nước, đại đế như Lê Đại Hành. Bên trong dẹp yên giặc cướp, bên ngoài đuổi đánh quân Thanh làm cho non sông Hồng Lạc vẫn vững vàng như cũ. Huống chi, bấy giờ nhà Lê đã mất, triều ta chưa lên. Sự truyền nối các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đối với đất Bắc Kỳ trong 18 năm ấy không thuộc Tây Sơn thì còn thuộc về ai nữa?” [6]. Tuy nhiên ông khẳng định là nước ta dưới triều đại Tây Sơn vẫn còn trong tình trạng chia cắt mà ông gọi là “Tam quốc”.
Sau khi vua Quang Trung băng hà vào năm Nhâm Tý (1792) nước ta không còn “tam quốc”mà là “nhị quốc” (từ Phú Yên trở ra thuộc quyền vua Quang Toản; từ Khánh Hòa trở vào thuộc quyền Nguyễn Vương. Năm 1802 “Thế tổ Cao hoàng nhà Nguyễn cất quân ra Bắc, lòng người theo phục, chỉ một tháng trời mà bình được đất Bắc Hà, đem giang sơn về một mối, nam bắc một nhà”[7]
Trong tác phẩm Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim xuất bản lần đầu năm 1919, chương XII có mục “Nguyễn Vương nhất thống nước Nam”. Trần Trọng Kim khẳng định việc thống nhất nước ta là thuộc về Gia Long: “Tuy rằng chẳng được bao lâu nhà Nguyễn Tây Sơn sinh ra nội loạn, vua Thế tổ Cao hoàng nhà Nguyễn lại thu phục cơ nghiệp cũ mà thống nhất[8] cả nam bắc lại làm một…”.
Các nhà nghiên cứu sử Marxist dưới chế độ cộng sản miền Bắc theo nguyên tắc sử học phục vụ chính trị nên khẳng định công thống nhất đất nước thuộc về vua Quang Trung chứ không phải Gia Long.
Trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập 4 ghi: “Phong trào nông dân Tây Sơn đã thực hiện được nhiệm vụ lịch sử trọng đại là đánh đổ tập đoàn phong kiến lỗi thời trong nước (chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong, chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng ngoài), dẹp nạn ngoại xâm (quân Xiêm, quân Thanh)hoàn thành vẻ vang công cuộc thống nhất đất nước”[9]. Và vua Gia Long chỉ là người thừa hưởng: “Sau khi thành lập, vương triều Nguyễn được thừa hưởng thành quả to lớn của phong trào nông dân Tây Sơn trong sự nghiệp thống nhất đất nước, làm chủ một lãnh thổ trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, bao gồm cả Đàng Trong và Đàng Ngoài”[10]
Gần đây vấn đề nghiên cứu sử học có phần không còn “định hướng gắt gao” nên một số nhà nghiên cứu sử học Marxist có cái nhìn “trung dung” về công cuộc thống nhất đất nước đầu thế kỷ XIX: “Về công cuộc thống nhất đất nước, có thể thấy trên cơ sở thành tựu của phong trào Tây Sơn với việc tiêu diệt các thế lực Lê- Trịnh, Nguyễn xóa bỏ tình trạng chia cắt Đàng Trong –Đàng Ngoài, đánh tan quân xâm lược ở hai phía Bắc và Nam; Nguyễn Huệ nhân vật tiêu biểu cho thành tựu của phong trào, là người có công lớn nhất, đặt cơ sở cho sự thống nhất. Sau đó, với công cuộc khôi phục vương quyền của dòng họ, Nguyễn Ánh- Gia long đã hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước”.[11] Theo tác giả Nguyễn Văn Đăng “Quan điểm của hầu hết giới sử học hiện nay ghi nhận công cuộc thống nhất là của cả dân tộc, nhiều người cùng tham gia và có công trong quá trình này. Trong đó Nguyễn Huệ là người có công lớn nhất nhưng chưa phải đã hoàn chỉnh công cuộc thống nhất. Phải đến đầu thế kỷ XIX, dù đối lập về quyền lợi với Nguyễn Huệ nhưng Nguyễn Ánh- Gia Long, sau khi tiêu diệt vương triều Cảnh Thịnh đã hoàn thành công cuộc thống nhất”.[12]
Các nhà nghiên cứu sử dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều có chung quan điểm với Đặng Xuân Bảng, Trần Trọng Kim: Người có công thống nhất đất nước là vua Gia Long chứ không phải Quang Trung.
Trong lịch sử không có từ “nếu”. Không người này đứng lên thì cũng có người khác đứng lên lãnh đạo việc thống nhất đất nước. Yêu cầu thống nhất đất nước luôn là khát vọng của nhân dân : tan rồi hợp, đó là quy luật!
Những nhà nghiên cứu sử học chịu ảnh hưởng Marxist nên lắng nghe nhận định của Giáo sư Hà Văn Tấn: “Lịch sử là khách quan, sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau” và “Các nhà sử học chúng ta thường tự coi là Mác xít nhưng bệnh thiên lệch cường điệu một cách phiến diện một mặt nào đó lại là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm. Cũng chính vì vậy nhiều sự thật lịch sử đã bị bỏ qua”[13]
Chú thích:
[1]- nghiencuulichsu.com/2022/10/19/viet-gian-ban-nuoc-trong-lich-su-bai-10c/
[2]-Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu (dịch và chú giải: Hoàng Văn Lâu), Nxb KHXH, 2000, tr.616. Trang chữ Hán 621 (tính từ sau ra trước)
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.226
[3]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.297&299
[4]- Nguyễn Quang Bình chính là Nguyễn Huệ. Xem Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin-1999, tr.395
[5]- Đặng Xuân Bảng, sđd, tr.635. Trang chữ Hán 642 (tính từ sau ra trước)
[6]- Đặng Xuân Bảng, sđd, tr. 642
[7]- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin -1999, tr.433
[8]- Nguyên bản Việt Nam sử lược của Nhà xuất bản Tân Việt in là “nhất thống” nhưng ở trang 395 và 406 của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin- 1999 là sửa thành “ thống nhất”. Ban Tu thư Khai Trí, Tự điển Việt Nam, Nxb Khai Trí, 62 –Lê Lợi, Sài Gòn, tr. 628 ghi: Nhất thống ht. Thống nhất, hợp làm một: Nhất thống sơn hà.
[9]- Trần Thị Vinh (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 4 từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội-2013, tr.389
[10]- Trương Thị Yến (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 5 từ năm 1802 đến năm 1858, Nxb khoa học Xã hội Hà Nội- 2013, tr.23
[11][12]-Nguyễn Văn Đăng, “Vài nét về thành tựu nghiên cứu thời Chúa Nguyễn và vua Nguyễn của giới sử học Huế”,đăng trên Tạp chí khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa Học- Đại học Huế, tập 6, số 2(2016) trang 75-76.
[13]- Hà Văn Tấn, ‘Lịch sử, sự thật và sử học”, đăng trên Tạp chí Tổ quốc , tháng giêng năm 1988. Được in chung trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb ĐHQG Hà Nội-2007.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nghệ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Cũng chính vì sự đa dạng, và gắn liền với nhiều sự đổi thay trong quá trình phát triển dòng họ đó, mà ít nhiều đến bây giờ chúng ta đã phần nào bị thất lạc hoặc mất kết nối với các nhánh họ và những tư liệu lịch sử từ ngàn năm ông cha ta, ông bà ta để lại. Với mục đích xây dựng một kênh...