Sư Thiện Chiếu sinh năm 1898 trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Từ nhỏ, Ông đã xuất gia theo ông nội là trụ trì chùa Linh Tuyền, Hòa thượng Huệ Tịnh. Ở đây ông được giáo dục căn bản cả Hán học và Tây học. Trong thời gian này, ông cũng có dịp tiếp xúc với nhiều nhà trí thức yêu nước, đặc biệt là Tiến sĩ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chí Minh). Cụ Nguyễn có tặng ông quyển Tự điển Pháp - Việt và lời căn dặn: "Muốn đánh đuổi được giặc thì phải hiểu giặc, tuổi còn trẻ cố học cho giỏi Pháp văn".
Năm 1923, ông lên Sài Gòn học và sau đó làm trụ trì chùa Linh Sơn. Tại đây; ông vừa mở lớp dạy học và thuyết giảng giáo lí đạo Phật, vừa cổ súy phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc trong giới Tăng ni, Phật tử. Ông viết quyển 'Phật hóa tân thanh niên' nhằm kêu gọi giới trẻ xuất gia và Phật tử cần phải nắm vững Phật học (nội điển) và xã hội học (ngoại điển) để làm tròn nghĩa vụ của mình đối với nhà Phật và đất nước.
Lo sợ trước những hoạt động yêu nước của ông, chính quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn ra lệnh trục xuất ông khỏi chùa Linh Sơn. Kể từ đó, ông bị nhà cầm quyền Pháp liên tiếp trục xuất ra khỏi các chùa Chúc Thọ, Hanh Thông Tây, Hưng Long. Mặc dù vậy, ông vẫn không hề khiếp sợ, tiếp tục dạy học, thuyết pháp, viết sách và tranh luận với bọn tay sai Pháp về mối liên quan giữa đạo với đời trên báo Tân Phong và một số tờ báo khác.
Năm 1926, ông và một số nhà sư cấp tiến tổ chức lễ truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh trong giới tăng ni, Phật tử Nam kì. Sau đó, ông cùng với các Hòa thượng Khánh Hòa (Bến Tre), Từ Nhẫn (Long An), Chân Huệ (Mỹ Tho), Trí Thiền (Rạch Giá) thành lập Hội Nghiên cứu Phật học và Hội Chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ. Đồng thời, ông còn là người sáng lập và là cây bút chủ lực của tờ báo Tiến Hóa-một tờ báo tiến bộ của giới Phật giáo Nam Kỳ.
1927 được hòa thượng Khánh Hòa (người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ) cử ra Hà Nội liên lạc với chư tăng miền Bắc nhằm phối hợp hoạt động chấn hưng Phật giáo; tại Hà Nội, Ông đã được xúc tiếp với Nam Đồng thư xã, với Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài. Sau đó ông trở vào nam và tiếp tục lãnh đạo phong trào chấn hưng Phật Giáo Nam Kỳ.
Năm 1928, ông được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là nhà sư đầu tiên tham gia vào Đảng. Từ đây, ông đi khắp Nam Kỳ xây dựng cơ sở Đảng trong các nhà chùa.
Năm 1934, ông chuyển sang hoạt động bí mật và là cán bộ của Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1936, ông được phân công về Rạch Giá hoạt động. Tại đây, ông cùng với Hòa thượng Trí Thiền - trụ trì chùa Tam Bảo - thành lập Hội Phật học kiêm tế và cho tái bản báo Tiến Hóa nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin. Hội cũng cho thành lập cô nhi viện đặt tại chùa Tam Bảo, nuôi dưỡng khoảng từ 200 - 300 trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh; để qua đó, làm nơi liên lạc cho các cơ sở cách mạng và đào tạo cán bộ cho Đảng.
Năm 1940, ông cùng với nhiều nhà sư yêu nước khác vận động đồng bào Phật tử nổi dậy, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau đó, với tinh thần "Từ bi có thể sát sanh để độ chúng sanh", ông tổ chức xưởng sản xuất vũ khí tại chùa Tam Bảo. Mật thám Pháp ở Rạch Giá phát hiện được, bắt bớ một số nhà sư, riêng ông trốn thoát được và chuyển về Sài Gòn hoạt động. Đầu năm 1943, ông bị địch bắt; và bọn chúng đày ông ra Côn Đảo.
Sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, ông trở về làm phó chủ tịch Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến tỉnh Gò Công. Năm 1947, ông vào chiến khu 7, làm công tác biên tập báo Tiền Đạo. Sau đó, ông được điều về chiến khu 8 rồi chiến khu 9 làm công tác tuyên huấn.
Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, làm việc ở ban nghiên cứu văn sử địa. Năm 1956, ông được cử sang Trung Quốc làm chuyên gia khảo cứu, công tác tại Nhà xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh với chức vụ Trưởng ban dịch thuật Văn hóa Trung - Việt. Năm 1961, ông trở về nước làm chuyên viên nghiên cứu Triết học tại Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 1965, do tuổi cao sức yếu, ông nghỉ hưu.
Năm 1974, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.
Năm 1993, thể theo nguyện vọng của giới tăng ni, Phật tử và được sự chấp thuận của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành việc bốc hài cốt của ông từ nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) về hỏa thiêu và tôn trí tại chùa Pháp Hoa ở quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.
Về văn học Phật Giáo, Ông đã để lại một số tác phẩm gồm: Chân lý của Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo, Tại sao tôi đã cám ơn đạo Phật, Phật học vấn đáp, Tranh biện... dịch Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Cú, Phật giáo vô thần luận của Thiền sư Thái Hư... Ông cũng còn là dịch giả một số sách văn học Nga: Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc (của M.Sholokhov), Tiền tuyến (kịch của A.E.Korneichuk), Tính cách Nga (truyện ngắn của A.Tolstoi), Ông già (truyện của V.Grossman)...
Nhà nghiên cứu Phật học Minh Chi viết: "Đó là một con người đã thống nhất trong bản thân mình tinh hoa của Phật giáo và tinh hoa của chủ nghĩa cộng sản".
Tháng 4.2003, tại Hà Nội có hội thảo “Nhà sư, chiến sĩ cộng sản Thiện Chiếu”.
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thư mời tham gia xây dựng Cổng Thông Tin Điện Tử Họ Nguyễn Việt Nam ************************* Kính gửi : Cộng Đồng Họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn chúng ta là một dòng Họ rộng lớn và rất nhiều chi, nhiều nhánh Họ rộng khắp trên toàn quốc và cả thế giới. Việc thành lập một Cổng Thông...