Nhắc tới Ba Vì không thể không nhắc tới hình ảnh núi Ba Vì- đó là ngọn núi kỳ vĩ và linh thiêng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Đức Thánh Tản. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có gần 80 điểm thờ Tản Viên Sơn Thánh. Đó là những minh chứng cho sự ảnh hưởng mạnh mẽ về hình tượng Đức Thánh Tản trong tín ngưỡng dân gian của người Việt- nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Ba Vì.
Cụm di tích đền Hạ- đền Trung- đền Thượng, thờ Đức Thánh Tản Viên thuộc địa phận hai xã Minh Quang và Ba Vì. Đền Thượng hay còn gọi là chính cung Thần Điện. Theo truyền thuyết và Ngọc phả có liên quan cho rằng, đền Thượng có từ thời An Dương Vương. Đền có vị trí và kiến trúc độc đáo, một mái lộ thiên lợp ngói và một mái ngầm dưới lòng tảng đá lớn nằm ở độ cao 1.227m bên sườn núi Ba Vì. Đền Trung hay còn gọi là Trung cung, tọa lạc ở lưng chừng núi Ba Vì. Đền thờ bà Ma Thị Cao Sơn,vị thần chủ cai quản núi Tản Viên, đồng thời cũng là mẹ nuôi của Đức Thánh Tản. Đền Hạ còn gọi là Tây cung, nằm dưới chân núi Tản, bên bờ sông Đà. Theo truyền tích kể lại, đây là nơi anh, em Sơn Tinh trên đường từ động Lăng Xương sang núi Tản kiếm củi, vì trời tối không về kịp nên phải dựng lều nghỉ lại. Về sau, nhân dân đã lập miếu thờ để tưởng nhớ Ngài và gọi là đền Hạ. Nhận thức được vai trò và ý nghĩa đặc biệt của cụm di tích đền thờ Tản Viên Sơn Thánh trong tâm thức dân gian của người Việt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử- văn hóa năm 2008. Năm 2011, UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện làm chủ đầu tư, các công ty Cổ Phần Tập đoàn Him Lam; Tổng công ty xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam Vinaconex; Công ty Cổ phần tập đoàn Bình Minh thực hiện xây dựng tôn tạo cụm di tích.
Lễ hội tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng giêng hàng năm. Đặc biệt, năm nay các nghi thức truyền thống của lễ hội được phục dựng theo truyền thống như: Lễ rước nước từ đền Hạ lên đền Trung; lễ hiến thánh 5 thôn- xã Minh Quang, lễ dâng hương tại các đền và các trò chơi dân gian gồm: kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, cờ tướng, leo núi, chọi gà, bóng chuyền nam, ném còn, bóng đá thiếu niên cúp Tản Viên. Trong trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng, cả không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí lễ hội.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn với người dân Ba Vì như một điều tất yếu. Trong không khí đó con người như trở về với tự nhiên, cội nguồn, là môi trường để mỗi người dân thể hiện sức mạnh cố kết cộng đồng./.
Diệu Thu - Đài truyền thanh huyện Ba Vì