Cụ bà 92 tuổi với đôi tay “báu vật” - Cụ Nguyễn Thị Hạ

Thứ bảy - 23/03/2013 08:13
Cụ bà 92 tuổi với đôi tay “báu vật”
Dù đã 92 tuổi nhưng hàng ngày cụ bà Nguyễn Thị Hạ (tên thường gọi là cụ Kỹ) ở thôn Ngọc Trục, Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn nắn xương giúp người mà không hề đòi hỏi một đồng thù lao nào. Cụ được coi như một "báu vật" của làng.
Cụ bà 92 tuổi với đôi tay “báu vật” - Cụ Nguyễn Thị Hạ

Cụ Kỹ đã có 67 năm làm nghề nắn xương cứu người mà không đòi hỏi một đồng thù lao. Ảnh: K.T

Chỉ truyền nghề cho phụ nữ

Trước đây, khi còn sức khỏe, cứ sáng sớm tinh mơ, cụ Kỹ đã đi hết đồng này đến vườn nọ để tìm lá thuốc về bó cho người bệnh. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do tuổi cao sức yếu, mắt mũi không còn tinh nhạy nên cụ chỉ nắn xương, còn những ai cần bó thì cụ cho lá rồi chỉ cho cách về tự bó lấy. Loại lá mà cụ hay dùng để bó xương cho người bệnh là lá của cây ngã ngựa. Loại lá này được con rể cụ Kỹ kỳ công mang về từ Campuchia nhân giống rồi trồng trong vườn nhà. Đã không ít lần, một số bệnh viện y học cổ truyền về tận nhà mời cụ lên truyền giảng những kinh nghiệm và bí quyết nắn xương, bó xương của cụ cho các y bác sỹ để mang ra ứng dụng cứu người. Hiện cụ Kỹ vẫn đang cố gắng truyền nghề cho con dâu và cháu gái.
Nhà cụ Kỹ nằm sâu trong ngách nhỏ, ấy thế nhưng bất kỳ ai đến đây cũng không phải mất nhiều thời gian tìm bởi cả thôn Ngọc Trục ai cũng biết nhà cụ. Đối với dân làng vùng Đại Mỗ, cụ Kỹ không chỉ là một "bác sĩ" có bàn tay vàng mà còn là một bà già nổi tiếng khó tính nhưng lại rất thương người.

Cụ Kỹ (Kỹ là tên con trai đầu của cụ) năm nay đã bước qua tuổi 92. Để chứng minh tuổi mình, cụ bắc ghế đứng lên gỡ tấm giấy mừng thọ của Hội Người cao tuổi xã Đại Mỗ tặng nhân cụ tròn 90 tuổi cách đây 2 năm xuống cho chúng tôi xem. Nhìn cụ thoăn thoắt leo trèo, gỡ gạc... khó ai có thể tin cụ đã ở tuổi “cửu thập”.

Nắn xương là nghề gia truyền của gia đình họ Nguyễn nhà cụ Kỹ. Tính đến đời cụ là đời thứ 4 được truyền nghề. Người có công lớn trong việc khai sáng ra nghề nắn xương này chính là cụ nội của cụ. Cụ nội vốn là một viên quan ngự y dưới triều nhà Nguyễn. Tuy nhiên, vì bất mãn với thời thế nên cụ chỉ làm quan một thời gian ngắn rồi xin về quê chữa bệnh cứu người. Cũng chính nhờ thế mà bà nội cụ Kỹ đã được cụ nội truyền cho những y thuật gia truyền để giúp đời và truyền nghề cho con cháu mai sau.

Đến đời bố mẹ cụ Kỹ, dù sinh đông con nhưng chỉ có cụ Kỹ và người em gái kế là được đích thân mẹ truyền nghề. Còn lại, do một phần không yêu thích công việc này, một phần chưa đủ "duyên" nên chẳng ai theo được đến cùng. Tuy nhiên, em gái cụ Kỹ cũng đã qua đời cách đây 5 năm nên chỉ còn lại cụ Kỹ là người duy nhất trong gia đình nắm được những bí quyết nắn xương gia truyền để cứu giúp người mà không lấy một đồng công nào.

Cụ Kỹ tâm sự: "Tôi hơn 25 tuổi mẹ tôi mới chịu truyền nghề cho vì mẹ tôi sợ truyền sớm quá, tôi chưa đủ tuổi khôn sẽ gây hại cho người ta. Mẹ tôi kèm cặp tôi cho đến khi biết nắn thành thạo mới cho tự làm riêng. Khi tôi bắt đầu hành nghề, mẹ tôi dặn: "Nghề này bạc lắm con ạ. Nếu làm tốt thì mình được phúc, không tốt thì dễ bị phản lắm, con cháu đời sau của mình sẽ phải gánh họa. Thế nên, đã nhận làm giúp cho người ta thì phải làm đến nơi đến chốn, phải lấy chữ Tâm làm đầu...". Lời mẹ tôi dặn cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ".

Một điều đặc biệt, suốt 4 đời hành nghề nắn xương thì chỉ duy nhất cụ nội và bố cụ Kỹ là đàn ông trong gia đình được truyền nghề, còn lại đều là phụ nữ. Lý giải về điều này, cụ Kỹ cho hay, việc nắn xương đòi hỏi phải nhẹ nhàng, thận trọng, từ tốn... nếu vội vàng là hỏng ngay. Mà những tính cách và tố chất này lại chủ yếu hội tụ ở người phụ nữ nên phụ nữ trong gia đình bao giờ cũng được ưu tiên truyền nghề.

"Người đàn ông tay to, cầm vào tay, chân bệnh nhân dễ khiến họ bị đau. Mà phàm đã nhìn thấy bệnh nhân đau thì không thể nào tập trung chữa được. Thế nên, cụ nội nhà tôi cũng phải truyền nghề cho cụ bà, cụ bà lại truyền cho con dâu, tức là bà nội tôi. Bà nội tôi dạy lại cho mẹ tôi, mẹ tôi dạy lại cho bố tôi và 2 chị em tôi. Bố tôi dù biết nắn nhưng không khéo bằng mẹ tôi", cụ Kỹ chia sẻ thêm.
 
Cụ Kỹ đang nắn xương cho một bệnh nhân tại nhà.

Bí quyết nắn xương

"Trong dân gian còn tiềm ẩn rất nhiều bài thuốc gia truyền hết sức quý báu và độc đáo. Nhiều bài thuốc này qua năm tháng đã chứng minh được tính hiệu quả của nó. Riêng cách nắn xương bằng tay với những y thuật gia truyền và cách bó lá của cụ Kỹ ở thôn Ngọc Trục - Đại Mỗ tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ nhưng qua miêu tả thì tôi thấy đây là một cách chữa bệnh khá hay. Nó không gây đau đớn nhiều cho người bệnh, lại rút ngắn được thời gian điều trị, tiết kiệm được chi phí và nhanh hồi phục. Cần phải dành thời gian nghiên cứu cho bài thuốc này và cần phải phổ cập rộng rãi hơn nữa tính hiệu quả của nó để cứu giúp người dân, nhất là người dân ở những vùng sâu, vùng xa".
GS.TSKH Lê Thế Trung, nguyên GĐ Học viện Quân y
Cụ Kỹ cho biết: "Ngày xưa người dân đói khổ nên mỗi lần bị tai nạn gãy xương, trật khớp, bong gân... người ta không dám đến bệnh viện mà toàn tìm đến nhờ mẹ cụ nắn hộ. Thời ấy, ban ngày đầu tắt mặt tối với việc nhà, việc đồng áng... nên chỉ đến tối mẹ tôi mới tranh thủ dạy cho tôi thôi. Đầu tiên là dạy lý thuyết, sau mới đến thực hành. Hai mẹ con cứ nằm trên giường rồi mẹ giảng giải, xương chỗ này thế nào, xương chỗ kia ra sao... Sau một thời gian ngấm lý thuyết, mẹ tôi mới cho tôi trực tiếp nhìn cụ nắn và bó. Tiếp đến là cho tôi thao tác thử. Cứ như thế được khoảng một năm thì tôi đã biết nắn xương".

Cũng theo cụ Kỹ thì trong tất cả các tai nạn về xương, gãy xương chân là khó nắn nhất vì xương chân rất giòn, khi gãy dễ bị vỡ vụn. "Từ đầu bàn chân vào gót chân có 3 đoạn, bàn tay cũng có 3 đoạn xương tương ứng... Một khi bị nặng, xương ở hai bàn tay, chân bị vỡ vụn thì rất khó nắn lắm vì không có chỗ nào để cầm mà nắn cả. Lúc đó chỉ có cách lần lần ngón tay đi từng chỗ một, chỗ nào dập hoặc quẫy thì nắn chỗ đó...

Tôi sợ nhất là nắn cho người ta xong ra người ta quay ra chửi mình làm không ra gì hoặc làm người ta đau. Thế nên, tôi rất thận trọng khi nhận chữa và đã chữa là khả năng khỏi bệnh phải trên 90%. Người ta cứ nói ngã cây khế, cây me, cây sấu... thì không nắn được còn tôi, tôi chữa được tất. Chỉ có trường hợp để lâu ngày, thành tật rồi mới đem đến thì tôi không chữa được thôi", cụ cho biết.

Cách nắn xương của cụ Kỹ chủ yếu là dựa vào đôi bàn tay. Chỉ cần dùng tay chạm nhẹ vào chỗ bị thương là cụ đã có thể đoán biết được tình trạng của xương, khớp... Và cũng chỉ đôi bàn tay với một vài thao tác nhẹ nhàng là cụ đã có thể đưa được khớp bị trật vào đúng vị trí một cách dễ dàng và mau chóng. Theo cụ Kỹ, để làm được công việc này, ngoài bàn tay nhẹ nhàng, người chữa bệnh còn không được sợ hãi.

Cụ Kỹ còn nhớ rất rõ, cách đây 3 năm, giữa đêm khuya bỗng có 3 thanh niên say rượu bị tai nạn tìm đến nhà nhờ cụ cứu giúp. Mặc dù lúc đó đang ngon giấc nhưng nghe tiếng rên rỉ đau đớn quá thương tâm nên gia đình cũng dậy bật đèn mở cửa cho họ vào. Khi cửa vừa mở thì 3 thanh niên mình mẩy đầm đìa máu me, toàn thân xây xát, có người xương bả vai bị lệch hẳn sang một bên... bò vào vái cụ như vái thánh.
 
Với những công lao và đóng góp của mình, cụ Kỹ đã được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng bằng khen "Người tốt - việc tốt".

Ban đầu cụ định không giúp nhưng vì thấy họ tội quá nên đành phải nhận lời giúp. Đêm đó, cả gia đình tất bật. Để có thanh tre cố định xương, con trai cả của cụ đã phải đi khắp làng tìm tre về chẻ thành từng thanh cho cụ nẹp. Cháu trai chạy ra tít ngoài đồng hái loại lá chuyên bó xương về cho cụ. Còn con dâu nhóm lò đun nước để lau vết thương cho từng người.

Cụ Kỹ "hy sinh" chiếc màn tuyn 1,6m của mình để xé làm dải băng buộc nẹp cho 3 thanh niên. Sau này, khi vết thương đã lành lặn, 3 thanh niên đó đã đưa vợ con đến nhà cám ơn cụ, biếu một phong bì rất dày nhưng cụ không nhận. Cuối cùng, họ xin làm cháu nuôi của cụ để được thường xuyên lui tới thăm nom, xem như một cách trả ơn cụ đã cứu mạng.
 
Theo Khánh Toàn
Gia đình & Xã hội

Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Xin mời quý bà con cộng đồng cùng chia sẻ và kết nối thông tin với ban biên tập cổng thông tin họ Nguyễn Việt Nam.
Email: info@honguyenvietnam.org

Điện thoại: 0907097567
Zalo Group: https://zalo.me/g/ggupcf777
Facebook Groups: https://www.facebook.com/groups/congdonghonguyen
Fanpage: https://www.facebook.com/honguyenvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm71
  • Hôm nay9,721
  • Tháng hiện tại170,008
  • Tổng lượt truy cập13,275,496
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây