LĂNG CÁC CHÚA NGUYỄN

Thứ ba - 23/06/2020 09:01
Do cùng được xây dựng lại dưới đầu triều Nguyễn nên quy mô, cấu trúc lăng các chúa Nguyễn và phi về cơ bản tương tự như nhau. Các lăng này đều phân bố ở phía tây, tây nam Kinh thành, dọc hai bờ sông Hương.
LĂNG CÁC CHÚA NGUYỄN
LĂNG CÁC CHÚA NGUYỄN

Mỗi lăng đều có 2 lớp tường thành hình chữ nhật bao bọc, xây bằng đá núi, gạch vồ; trước mặt và sau lưng đều có bình phong xây gạch đá che chắn; bình phong sau bao giờ cũng gắn liền với lớp thành ngoài; bình phong trước thì dựng độc lập. Nấm mộ (gọi là Bảo phong) xây hình khối chữ nhật, giật 2-3 cấp; trước mặt Bảo phong có án bằng đá hoặc xây gạch. Tại các khu lăng thời chúa Nguyễn không thấy có công trình kiến trúc gỗ.

Kích thước cụ thể của các lăng chúa Nguyễn như sau:

Lang tam nha nguyen 01
Lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng. (Ảnh: Vietlyso.com)

Lăng Trường Cơ: tức lăng Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế - Nguyễn Hoàng (1525-1613). Lăng thuộc địa phận “xã La Khê, huyện Hương Trà” (*), nay là làng La Khê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Nguyên trước “lăng ở núi Thạch Hàn, huyện Vũ Xương”, tỉnh Quảng Trị, về sau mới dời đến vị trí này. Lăng nằm bên tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông chừng 300m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km đường chim bay về phía tây-nam. Lăng xoay mặt về hướng chính bắc. Lăng có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc. Vòng ngoài xây bằng đá bazan, phần mũ tường xây bằng gạch vồ. Chu vi :”36 trượng 9 thước 2 tấc” (đo trên thực tế là 156,5m - sau đây các số liệu trong ngoặc đều là số đo thực tế của chúng tôi - PTH), thành “cao 6 thước 3 tấc” (260cm). Vòng trong xây hoàn toàn bằng gạch vồ, chu vi “16 trượng 4 thước 2 tấc”(69,5m), thành “cao 5 thước” (205cm). Mộ được xây bằng gạch vồ và vôi vữa. Mộ thấp, phẳng, xây làm 2 tầng, hình khối chữ nhật. Từ trên xuống: Tầng 1: rộng 172cm, dài 248cm,cao 25cm. Tầng 2: rộng 222cm, dài 303cm, cao 30cm. Trước mộ xây một hương án chân quỳ, cao 90cm, rộng 110cm, dài 214cm. Lăng trổ một cửa phía trước, sau cửa xây một bình phong, mặt trước bình phong trang trí long mã ghép sành sứ. Sau lưng mộ cũng có bình phong trang trí rồng.

Lăng Trường Diễn: tức lăng của Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng Đế - Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635). Ở địa phận “núi xã Hải Cát, huyện Hương Trà”, nay là thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Trước kia lăng ở Sơn Phận, huyện Quảng Điền, sau mới dời về đây. Lăng nằm ở phía tả ngạn sông Hương, cách bờ sông khoảng 350m, cách trung tâm thành phố Huế 6km đường chim bay về phía tây nam. Lăng xoay về phía nam. Lăng cũng gồm hai vòng tường thành, mô thức và vật liệu xây dựng tương tự như lăng Trường Cơ, nhưng vòng thành trong cũng xây bằng đá bazan, phần mũ xây gạch vồ. Vòng ngoài “chu vi 28 trượng 4 thước 2 tấc” (120,5m), “cao 6 thước 3 tấc”(250cm). Vòng trong “chu vi 15 trượng 7 thước 6 tấc”(66,9m), thành “cao 5 thước”(202cm). Mộ cũng được xây 2 bậc, kiểu thức tựa như mộ lăng Trường Cơ. Tầng 1: rộng 210cm, dài 322cm, cao 17cm. Tầng 2: rộng 259cm, dài 372cm, cao 23cm. Hương án trước mộ xây thấp. Bình phong hiện không còn thấy trang trí.

Lăng Trường Diên: tức lăng của Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàn Đế Nguyễn Phúc Lan (1601-1648). Ở địa phận “núi An Bằng, phủ Thừa Thiên”, nay thuộc thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Lăng nằm bên tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông gần 2km, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 11km đường chim bay về phía tây nam. Lăng xoay mặt về hướng bắc. Kiểu thức xây dựng lăng mộ tương tự như hai lăng trên. Vòng ngoài “chu vi 29 trượng 3 thước 4 tấc”(124,5m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (251cm). Vòng trong “chu vi 16 trượng 1thước”(68,3m). Thành “cao 5 thước” (198cm). Mộ 2 tầng: Tầng 1 rộng 170cm, dài 214cm, cao 27cm. Tầng 2: rộng 187cm, dài 310cm, cao 23cm.

Lăng Trường Hưng: tức lăng của Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Đế Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), dân gian quen gọi là lăng Chín Chậu. Lăng thuộc địa phận “núi xã Hải Cát, phủ Thừa Thiên”, nay là thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, nằm ở tả ngạn sông Hương, cách bờ sông khoảng 800m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km về phía tây nam. Lăng xoay mặt về hướng đông bắc. Lăng Trường Hưng mới được Nguyễn Phúc Tộc trùng tu năm 1996. Trong đợt trùng tu này có dựng thêm bia mộ bằng đá. Mặt trước bia đề dòng chữ Hán: “Thái Tông Hiếu Triết Trường Hưng Lăng”. Mặt sau có khắc tiểu sử và công trạng của chúa Nguyễn Phúc Tần bằng tiếng Việt. Mộ gồm 2 tầng, kiểu thức tương tự các lăng trên, nhưng trong đợt trùng tu vừa qua có làm 1 tầng dưới khá rộng. Tầng 1: rộng 193cm, dài 271cm, cao 22cm. Tầng 2: rộng 241cm, dài 326cm, cao 18cm. Tầng 3: rộng 345cm, dài 433cm, cao 7cm. Hai vòng thành bao quanh mộ có kiểu thức xây dựng tương tự các lăng vừa mô tả. Vòng ngoài “chu vi 25 trượng 9 thước 6 tấc” (210m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (257cm). Vòng trong “chu vi 12 trượng 4 thước 3 tấc” (52,8m), thành “cao 5 thước” (197cm). Phía trước lăng, bên ngoài hai vòng thành có một khoảng sân nhỏ. Trên sân có xây 10 chiếc chậu để trồng hoa và cây cảnh (vốn xưa chỉ có 9 chiếc nên dân gian mới gọi là lăng Chín Chậu). Phía trước còn có hệ thống bậc cấp đi lên sân gồm 7 bậc. Bậc cấp này mới được tu sửa lại.

Lăng Trường Mậu: tức lăng của Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng Đế Nguyễn Phúc Thái (1650-1691). Lăng thuộc địa phận “núi Kim Ngọc, huyện Hương Trà”, nay thuộc thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, nằm ở phía tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông chừng 1,5km, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 11km đường chim bay về phía tây nam. Lăng nằm trên một quả đồi cao, xoay mặt về hướng bắc, trước mặt lăng có hồ rộng. Cả lăng và mộ đều có kiểu thức xây dựng tương tự các lăng mộ trên. Nghĩa lăng có 2 vòng thành bao bọc, mộ phẳng, thấp, chia làm 2 tầng. Vòng ngoài “chu vi 28 trượng 7 thước 2 tấc”(121,7m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (250cm). Vòng trong “chu vi 15 trượng 8 thước 6 tấc” (67m), thành “cao 5 thước” (198cm). Mộ 2 tầng chữ nhật: Tầng 1: rộng 275cm, dài 350cm, cao 23cm. Tầng 2: rộng 534cm, dài 650cm, cao 18cm. Phía trước mộ có xây hương án, sau cổng có bình phong long mã tương tự các lăng trên.

Lang tam nha nguyen 02
Lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu. (Ảnh: Vietlyso.com)

Lăng Trường Thanh: tức lăng của Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (1675-1725). Lăng thuộc địa phận “núi Kim Ngọc, huyện Hương Trà”, nay thuộc thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, nằm ở tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông 800m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10,5km đường chim bay về hướng tây nam. Lăng nằm trên đồi cao, xoay mặt về hướng đông nam, trước mặt là đồng ruộng. Kiểu thức lăng mộ tương tự các lăng mộ trên. Vòng thành ngoài của lăng “chu vi 28 trượng 4 thước 2 tấc”(120,5m), thành “cao 5 thước”(196cm). Vòng thành trong “chu vi 16 trượng 6 tấc”(70,3m), thành “cao 5 thước” (205cm). Mộ: Tầng 1: rộng 136cm, dài 212cm, cao 22cm. Tầng 2: rộng 193cm, dài 258cm, cao 27cm. Bình phong và hương án của lăng vẫn còn khá nguyên vẹn và rất đẹp.

Lăng Trường Phong: tức lăng của Túc Tôn Hiếu Ninh Hoàng Đế Nguyễn Phúc Chú (Thụ) (1697-1738). Lăng ở “núi Định Môn, huyện Hương Trà”, nay thuộc làng Định Môn, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, ở tả ngạn dòng Tả Trạch, bên cạnh khe Trường Phong, cách bờ sông gần 2km, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km về phía nam. Lăng xoay mặt về hướng chính bắc. Mô thức xây dựng lăng tương tự các lăng chúa khác. Vòng ngoài “chu vi 28 trượng 2 thước”(121m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (253cm). Vòng thành trong “chu vi 15 trượng 3 thước 2 tấc” (66,5m), thành “cao 5 tấc” (202cm). Mộ: Tầng 1: rộng 145cm, dài 251cm, cao 20cm. Tầng 2: rộng 210cm, dài 271cm, cao 22cm. Trước mặt lăng có một chiếc sân hình chữ nhật (7,5mx28m) và có hệ thống 18 bậc cấp để lên sân.

Lăng Trường Thái: tức lăng của Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng Đế Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765). Lăng ở “núi La Khê, huyện Hương Trà”, nay là làng La Khê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, nằm ở tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông khoảng 500m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10,5km đường chim bay về hướng tây nam. Lăng cũng nằm trên một quả đồi cao, xoay về hướng chính bắc, trước mặt là đồng ruộng. Mô thức xây dựng lăng không khác gì các lăng trên. Vòng thành bao bọc bên ngoài “chu vi 29 trượng 9 thước 2 tấc” (126,8m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (253cm). Vòng trong “chu vi 14 trượng 4 thước 2 tấc” (61,2m), thành “cao 5 thước” (145cm). Hai tầng mộ: Tầng 1 rộng 250cm, dài 325cm, cao 28cm. Tầng 2 rộng 510cm, dài 610cm, cao 20cm. Bình phong trước mộ trang trí hai mặt, phía trước là con long mã, phía sau trang trí rồng, hiện còn khá nguyên vẹn và rất đẹp.

Lang tam nha nguyen 03
Lăng Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần. (Ảnh: Vietlyso.com)

Lăng Trường Thiệu: tức lăng của Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng Đế Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777). Lăng thuộc địa phận “núi La Khê, huyện Hương Trà”, nay thuộc làng La Khê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Trước kia lăng ở “địa phận huyện Bình Dương đất Gia Định, năm Gia Long thứ 8, rước về để ở đấy”. Lăng nằm ở tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông chừng 400m, rất gần lăng Trường Cơ. Lăng xoay về hướng tây bắc. Kiểu thức xây dựng lăng mộ cũng tương tự như các lăng chúa khác. Vòng thành bao bọc bên ngoài lăng “chu vi 29 trượng 6 thước 6 tấc”(117,2m), thành “cao 6 thước 3 tấc” (251cm). Vòng thành trong “chu vi 15 trượng 2 tấc” (64,4m), thành “cao 5 thước” (chỗ cao nhất chỉ là 190cm). Mộ lăng Trường Thiệu cũng gồm 2 tầng. Tầng 1 rộng 190cm, dài 233cm, cao 28cm. Tầng 2 rộng 250cm, dài 305cm, cao 35cm.

Lang tam nha nguyen 04
Lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Luân - cha vua Gia Long. (Nguồn: Internet)

Lăng Cơ Thánh: Tức lăng của Hưng tổ Hiếu Khang Hoàng Đế Nguyễn Phúc Luân (Côn) (1733-1765), thân phụ của vua Gia Long. Lăng thuộc địa phận núi Hưng Nghiệp, thôn Cư Chính, thị xã Hương Thủy, gần bờ sông Hương. Lăng này nguyên đã bị nhà Tây Sơn cho đào phá năm 1790, được xây dựng lại đầu thời Gia Long. Về cơ bản, cấu trúc lăng cũng như lăng các chúa Nguyễn, những trước mặt có bình phong lớn, sau đó là 3 tầng sân bái đình lát gạch Bát Tràng. Bảo thành chỉ có một lớp, hình chữ nhật (23,6m x 18,7m, cao 3,15m). Bảo phong hình khối chữ nhật, giật cấp 3 lớp (Tầng thứ nhất: dài 3,45m, rộng 3,1m, cao 0,12m; tầng thứ hai: dài 2,86m, rộng 2,5m, cao 0,28m; tầng trên cùng: dài 2,20m, rộng 1,96m, cao 0,34m). Trước sau Bảo thành có bình phong, trang trí rồng, lân rất sinh động. Nguyên xưa hai bên đông tây lăng còn có điện Canh Y và Thần Khố, đều 3 gian, nay không còn.

(*) Những trích dẫn trong ngoặc kép đều lấy từ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, phần bộ Công, quyển 216.

Theo TS. Phan Thanh Hải (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Xin mời quý bà con cộng đồng cùng chia sẻ và kết nối thông tin với ban biên tập cổng thông tin họ Nguyễn Việt Nam.
Email: info@honguyenvietnam.org

Điện thoại: 0907097567
Zalo Group: https://zalo.me/g/ggupcf777
Facebook Groups: https://www.facebook.com/groups/congdonghonguyen
Fanpage: https://www.facebook.com/honguyenvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay13,251
  • Tháng hiện tại311,656
  • Tổng lượt truy cập13,998,941
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây