Nhà thờ họ Nguyễn nhìn về hướng Nam, tọa lạc trên một khu đất rộng 360m2, các công trình kiến trúc chính có mặt bằng tổng thể hình chữ Nhị gồm hai tòa tiền tế và hậu đường. Tòa tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ, bộ khung nhà làm bằng gỗ lim, kết cấu bởi 4 bộ vì kèo to khỏe theo kiểu thức “tiền kẻ hậu bẩy”. Toàn bộ các cấu kiện gỗ của tòa tiền tế để trơn không trang trí hoa văn. Trên câu đầu khắc dòng chữ Hán “Bảo Đại Canh Ngọ niên” cho biết tòa nhà này được tu tạo vào năm 1930. Cách một khoảng sân nhỏ tới tòa hậu đường nằm ở phía sau mới được xây dựng thêm trong đợt trùng tu năm 2008 gồm 3 gian nhỏ, khung nhà làm bằng gỗ xoan, vì kèo kết cấu theo kiểu “quá giang ghếch tường”. Nhà hậu đường làm nơi thờ thân phụ, thân mẫu của Hải quận công Nguyễn Tiến Cơ và Đặng quận công Nguyễn Đình Thế.
Giá trị cơ bản của nhà thờ tập trung ở hệ thống các tài liệu, hiện vật cổ còn lưu trữ tại đây gồm: Một bản gia phả của dòng họ biên soạn từ năm 1657 dưới thời vua Lê Thần Tông, 2 đạo sắc phong cho cụ Đặng quận công Nguyễn Đình Thế vào các năm Vĩnh Khánh 3 (1731), Long Đức 2 (1733), 2 ly đá chạm trổ nghệ thuật thế kỷ XVII, một tấm bia đá “Hậu phật bi ký” khắc vào ngày tốt, tháng 10 năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) ghi chép về việc phu nhân Đặng quận công Nguyễn Đình Thế hiệu là Diệu Loan công đức tiền của vào xây dựng chùa làng. Ngoài ra nhà thờ còn có hương án, hạc thờ, hoành phi, câu đối và 6 pho tượng của Hải quận công Nguyễn Tiến Cơ, Đặng quận công Nguyễn Đình Thế cùng thân phụ, thân mẫu của hai vị quận công đều mới được tạo tác sau này.
Đặc biệt là tấm bia đá “Hạ trùm trưởng quan bi ký” hiện được dựng ở khu vực lăng mộ của dòng họ (cách nhà thờ 200m). Bia dựng năm Khánh Đức thứ nhất (1649) đời vua Lê Thần Tông, do Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh Thám hoa khoa Đinh Sửu (1637) Nguyễn Thế Khanh người xã Phù Lưu, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, châu Ái (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa) giữ chức Bồi tụng đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Lễ bộ hữu thị lang tước Phương lộc Bá phụng soạn. Thân bia có kích thước lớn cao 147cm, rộng 96cm, dầy 22cm đặt trên lưng rùa. Nội dung bia ghi chép về thân thế, sự nghiệp của Hải quận công Nguyễn Tiến Cơ, phần cuối bia viết bài minh ghi danh từ “Việt Nam” ngay ở câu đầu tiên.
Minh rằng:
Việt Nam triệu quốc
Kinh Bắc định cương
Yên Phong mỹ huyện
Mẫn Xá danh hương…
Nghĩa là: (Việt Nam mới dựng nước
Kinh Bắc định biên cương
Yên Phong tên huyện đẹp
Mẫn Xá đó tên làng…)
Đây là một tác phẩm nghệ thuật, một văn bản quý và là tấm bia duy nhất trong 4 tấm bia đá (bia chùa Thiên Phúc, xã Tam Đa, huyện Yên Phong dựng năm Phúc Thái 6 (1648) đời vua Lê Chân Tông, bia chùa Phúc Khánh, xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ dựng năm Cảnh Trị 4 (1664) đời vua Lê Huyền Tông, bia “Hậu thần bi kí” đặt tại chùa Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ dựng năm Chính Hòa 11 (1690) đời vua Lê Hy Tông có niên đại vào thế kỷ XVII ghi danh từ “Việt Nam” hiện còn ở Bắc Ninh.
Với những giá trị nổi bật kể trên nhà thờ họ Nguyễn thôn Chi Long và tấm bia đá ghi danh từ “Việt Nam” được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa năm 2003.
Nguyễn Văn An