Trước khi từ trần do tuổi cao bệnh nặng, lúc 13h38 ngày 19/7/2024, hưởng thọ 80 tuổi, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng được biết đến là người sống giản dị, gần gũi dân. Trong ảnh, ông bế một em bé khi có chuyến công tác đến xã Tây An, huyện Tiền Hải. tỉnh Thái Bình tháng 2/2018. Ảnh: TTXVN
Là đại biểu Quốc hội 5 khóa liên tiếp từ 11 đến 15, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội để lắng nghe tâm tư, trả lời những câu hỏi của họ.
Ông bắt tay, trò chuyện với các cử tri tại cuộc tiếp xúc ở quận Tây Hồ, Hà Nội, tháng 5/2015. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Trên cương vị Tổng bí thư, ông cũng nhiều lần về lại trường xưa, THPT Nguyễn Gia Thiều, nơi ông theo học niên khóa 1957-1963. Ở lần dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường sáng 14/11/2020, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa chúc mừng thầy giáo cũ Lê Đức Giảng.
Ông kể rằng thời đi học trường lớp thiếu thốn đủ thứ. Từ lớp 5, ông thường phải vượt qua bãi tha ma, qua sông Đuống để đến trường trên quãng đường dài hàng chục km. Nhà không có đồng hồ, không biết mấy giờ nên ông dậy rất sớm ra bờ sông chờ đò.
Tuần hai buổi, cứ học xong là ông cùng bạn đi dạy bình dân học vụ để nhận thù lao 6 hào cho hai giờ dạy. "Đó là số tiền lớn vì lúc bấy giờ lương công nhân, cán bộ nhà nước chỉ 1,3 đồng 5 xu. Chúng tôi lấy tiền đó sinh hoạt, học tập, ở trọ, tự nấu nướng", ông kể. Ảnh: Viết Thành
Đêm 30 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội, trò chuyện với người dân đang chờ đón giao thừa trước tượng đài Lý Thái Tổ. Ông chúc Tết công nhân môi trường đô thị đang làm nhiệm vụ, mừng tuổi các cháu bé đang cùng gia đình tề tựu quanh Hồ Gươm.
Khi một cháu nhỏ lại gần, Tổng bí thư cười tươi, bế bổng cháu bé để cùng chụp hình lưu niệm. Ảnh: Giang Huy
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và phu nhân Ngô Thị Mận chụp hình lưu niệm trên cầu Thê Húc, sau khi thả cá chép tại hồ Hoàn Kiếm ngày 26/1/2019 (tức 21 tháng Chạp năm Mậu Tuất).
Trong thời gian giữ cương vị Tổng bí thư từ năm 2011 đến nay, ông Trọng kiêm Chủ tịch nước từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2021. Ảnh: TTXVN
Trong chương trình công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế tháng 3/2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm trường tiểu học và THCS Hồng Hạ, huyện A Lưới. Đây là huyện miền núi nằm phía Tây Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, còn nhiều xã thuộc diện khó khăn. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Người dân làng văn hóa Thượng Điện, TP Hải Phòng đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, tháng 11/2017.
Khi Tổng bí thư đi bộ giữa làng, nhiều người già, trẻ nhỏ tiến lại bắt tay, tặng hoa. Ồng cười tươi, bắt tay đáp lại và bày tỏ niềm vui khi thấy đời sống bà con không ngừng đổi mới, nhà cửa, đường làng, ngõ xóm ngày một sạch sẽ. Nhân dịp này, Tổng bí thư tặng quà 6 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Ảnh: TTXVN
Tháng 8/2023, Tổng bí thư đến thăm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, trong chương trình công tác tại tỉnh Lạng Sơn.
Tại đây, ông nghe đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn giới thiệu về cột mốc 1.116 và báo cáo tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Ảnh: Văn Hiếu/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Tháng 5/2016, ông thăm và làm việc tại Vùng 4 Hải Quân, Cam Ranh, Khánh Hòa. Tại đây, ông thử ngồi vào buồng lái chiếc thủy phi cơ DHC-6 Series 400 Twin Otter, thăm tàu hộ vệ Lý Thái Tổ, tàu ngầm Kilo. Ảnh: Văn Kỳ
Tháng 8/2014, Tổng bí thư thăm, làm việc, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... tại Cần Thơ. Ông chỉ rõ, để phát huy vai trò của thành phố trung tâm, động lực phát triển trên vùng sông nước gắn nhiều với nông nghiệp, Cần Thơ cần tập trung phát triển hạ tầng, nhân lực chất lượng cao, công nghiệp chế biến gắn với thương mại, du lịch, dịch vụ.
Trong chuyến đi này, ông đến thăm dây chuyền chế biến tôm của Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (khu công nghiệp Trà Nóc). Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Tháng 3/2016, khi Đồng bằng sông Cửu Long đang trong đợt hạn mặn xâm nhập lịch sử (100 năm mới lặp lại), Tổng bí thư đến tận ruộng lúa chết khô ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, thiệt hại mà nông dân đang gặp phải.
Bến Tre khi đó đã công bố tình trạng thiên tai bởi cả tỉnh bị nước mặn bao trùm, ảnh hưởng nặng nề nhất các tỉnh miền Tây với 353.000 người thiếu nước ngọt, 19.000 ha lúa đông xuân mất trắng, gần 7.000 ha hoa màu, cây ăn trái đặc sản và vùng nuôi thủy sản bị thiệt hại, hơn 150.000 trâu bò thiếu nước uống.
"Trung ương và chính quyền địa phương sẽ tìm mọi cách để giúp bà con vượt qua khó khăn này", ông Trọng nói. Ảnh: Đồng Khởi
Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên tháng 4/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Văn Nên (bìa phải), khi đó là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, hiện là Bí thư Thành ủy TP HCM, thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN
Một ngày sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc chiếc áo thổ cẩm, tham gia điệu múa truyền thống của đông bào dân tộc tại thôn Kon Rơ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Sáng 31/1/2018, sau khi dự lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm khu hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập của cố chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (Năm Lai) trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM.
Ông ghi nhận sự gian khổ của gia đình chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai khi xây dựng, giữ gìn hầm vũ khí. Ông cũng cặn kẽ thăm hỏi các nhân chứng lịch sử về quá trình đào hầm, cất giấu vũ khí để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công nửa thế kỷ trước.
Tháng 9/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm TP HCM tiếp theo, làm việc với Thành ủy thành phố về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng Đảng. Chuyến thăm này diễn ra khi TP HCM trên đà phục hồi sau hai năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Video: Đức Huy
Ngoài các hoạt động trong nước, các chuyến công tác nước ngoài, ông cũng tiếp xúc, trò chuyện với kiều bào, người dân bản địa. Trong ảnh, Tổng bí thư dự lễ mít tinh hữu nghị đoàn kết hai nước Việt Nam - Cuba, trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba, tháng 4/2012. Ảnh: TTXVN
Tác giả bài viết: Phạm Dự - Viết Tuân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thân gửi Toàn thể cộng đồng Họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn chúng ta tự hào là dòng họ có số lượng dân số lớn nhất Việt Nam hiện nay. Họ Nguyễn cũng là dòng họ có nhiều nguồn dân số phân bổ trên nhiều vùng miền nhất của cả nước. Ở đâu trên mảnh đất...