CỘNG ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM - CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
TRẬN ĐÁNH QUÂN MINH Ở CỬA SÔNG KHUẤT
Thứ hai - 05/04/2010 05:03
Trận đánh với quy mô lớn tiêu diệt 2 vạn quân Minh làm thay đổi hoàn toàn cục diên chiến lược quân sự song trong chính sử quốc gia chỉ ghi lại một cách mơ hồ rằng trận đánh Trần Trí cạnh thành Nghệ An. Trong thực tế của lịch sử trận đánh này có nhiều di tích, sự tích lịch sử.
Trước đó nghĩa quân Lê Lợi bị quân nhà Minh bao vây ở Chí Linh Thanh Hoá và bị truy đuổi gắt gao. Trong tình thế sức kiệt phải giết hết voi ngựa cho quân ăn Lê Lợi chủ trương tạm hòa hoãn giả hàng quân Minh để chờ thời cơ. Trong tình thế đó Lê Lợi và Bộ tham mưu của nghĩa quân nghe theo lời bàn của tướng Nguyễn Chích (người Nghệ An trước cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống quân Minh ở Nông Cống sau gia nhập nghĩa quân Lam Sơn) rút quân về Nghệ An xây dựng căn cứ. Năm 1424 nghĩa quân Lam Sơn đến Nghệ An nhiều trai tráng gia nhập nghĩa quân sau đó trở thành những tướng giỏi Nguyễn Tu về sau được phong Quả cảm tướng công, tước Long lĩnh công, Nguyễn Lai giữ chức Tổng quản quân lương... Để tăng thêm số lượng quan võ, đầu năm 1425 Lê Lợi cho mở khóa thi tuyển cử nhân võ, trong đó có các cụ Nguyễn Tu, Nuyễn Lai... con Cụ An Hòa Hầu Nguyễn Thạc đều trúng tuyển. Cụ Nguyễn Tu đậu cử nhân được cử phụ trách đội tượng binh, Nguyễn Lai đội quản quân lương. Ngày 12 tháng 10 năm 1424 nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ tiến đánh quân Minh ở Trà Lân (nay là huyện Tương Dương) tiêu diệt được trên 1000 quân Minh và ngụy quân.Đầu năm 1425 tiến đánh Diễn Châu thu được một ít quân lương thực của ngụy quân. Tuy có chiến thắng nhưng giặc Minh bị tổn thất không đáng kể, nghĩa quân Lam Sơn vẫn trong tình thế bị quân Minh truy đuổi. Lê Lợi và bộ tham mưu nghĩa quân rút lên miền Tây Nghệ Tĩnh để hợp nhất với nghĩa binh Cốc Sơn ở Động Tiên Hoa vùng thượng Hương Sơn Để đi lại di chuyển quân, chuyên chở lương thực và chiến đấu, nghĩa binh Cốc Sơn đã cho chặt hạ cây rừng thân cây dài và to cở đường kinh khoảng 0,8 đến 1m loại gỗ chịu được nước dùng làm thuyền độc mộc và đóng nhiều nốc (thuyền ba ván) và đóng thuyền chiến luyện quân (thuyền loại lớn). Vì thế tuy nghĩa quân Lam Sơn mới đến nhưng đã có căn cứ vững chắc. Lê Lợi cùng với Nguyễn Tuấn Thiện cắt tóc giết ngựa trắng uống máu thề kết nghĩa anh em ở dưới gốc cây thị ở làng Cổ Đậu (nay là xã Sơn Phúc) và hợp nhất nghĩa binh thành một. Bản doanh của nghĩa quân mở rộng sang Cự Sơn (nay là xóm Cự Sơn và Rú Cựa), Điểu Sơn (nay là Thôn Thanh Uyên) bên kia sông Khuất và Linh Sơn (về sau gọi là xóm Cụp có Linh Sơn Tự). Do số quân tăng nhanh nên thiếu lương thực và vũ khi. Để có lương thực nuôi quân trước mắt Nguyễn Tuấn Thiện cho nghĩa quân Cốc Sơn người địa phương đi quyên gom lương thực của dân ở các vùng lân cận(1). Về kế lâu dài, Nguyễn Trãi bàn với Lê Lợi cho quân lính khai hoang trồng sắn khoai và cấy lúa. Đối với vũ khí Nguyễn Tuấn Thiện hối thúc mở thêm xưởng rèn đao kiếm, mở xưởng mộc chế thêm cung nỏ. Thiếu sắt thép ghĩa quân có sáng kiến lấy gỗ lim, táu, kền, cá ổi làm ra nhiều cây giáo, cây thương, lấy cây mạy (một loại tre ruột đặc thân thẳng to vừa tay nắm và cây giang cắt từng khúc dài và vót nhọn hai đầu gọi là “lao” (tựa như đòn xóc dùng để gánh lúa, gánh củi) dùng làm vũ khí. Quân Minh ra sức truy lùng nghĩa quân Lam Sơn. Tổng binh Trần Trí và Lý An có âm mưu kéo 2 vạn quân theo đường bộ đường thủy tiến vào cửa sông Khuất đột nhập bản doanh tiêu diệt Lê Lợi và bộ tham mưu của nghĩa quân. Biết được âm mưu đó bộ tham mưu nghĩa quân Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã bố trí mặt trận chống giặc và cử tướng Nguyễn Tuấn Thiện và Nguyễn Xí chỉ huy trận đánh, Nguyễn Tu chỉ huy đội “Thiết đột” (tượng binh) Sau kỳ lụt Tiểu mãn nước sông còn to, Tổng binh Trần Trí và Lý An chỉ huy 2 vạn quân Minh theo đường bộ và thủy từ sông Lam qua sồng La lên sông Ngàn Phố tới khỏang 8 sáng (giờ Thìn) ngày 24 tháng 5 năm Ất Tỵ (năm 1425) ồ ạt tiến vào cửa sông Khuất. Nghĩa quân Lam Sơn và nghĩa binh Cốc Sơn mai phục 2 bên bờ cửa sông Khuất bắn và phóng lao tới tấp, quân Minh chết, bị thương ngã xuống sông chết đuối nhiều vô kể. Nhiều dũng binh ào ạt nhảy xuống thuyền giặc chém giết. Chiến thuyền (đa phần là thuyền độc mộc và thuyền chiến) của nghĩa quân lao thằng vào đâm thủng rồi nhấn chìm tàu giặc. Trần Trí và lý An bất ngờ bị đánh nên hốt hoảng ra lệnh cho các tàu quay đầu bỏ chạy.Từ cửa sông Khuất tới vực Nầm nước xoáy chảy xiết tàu giặc đâm vào nhau ngã nghiêng lật chìm. Quân giặc chết đuối dạt vào chân rú Trụn (tách biệt với rú Nầm bởi con khe Tréc) nhiều vô kể thuyền giặc trôi ngổn ngang. Chiến thuyền của nghĩa quân với khí thế truy đuổi đánh chìm nhiều tàu giặc. Chiến thuyền của Trần Trí và Lý An chạy xuống đến bến Đỗ Gia (nay là gọi là Xa Lang thuộc xã Sơn Tân huyện Hương Sơn qua đò lên núi Thiên Nhẫn) bị quân của Đinh Lễ, Đinh Liệt chặn đánh chém giết xác giặc và máu đỏ đầy sông. Quân Minh đánh bộ cũng bị quân mai phục ở các núi Mồng Ga, Nầm và rú Trụn chặn đánh chém giết phóng lao thiệt hại nặng nề xác giặc khí giới vứt đầy cả rừng núi. Bị thua chúng co cụm đắp chiến lũy để đối phó. Hôm sau Lê lợi đã cho các tướng Lê Sát, Đinh Lễ, Lê Nhân Chú...phục ở Bồ Ải (nay là xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh) giữa nơi hiểm yếu. Giặc không ngờ tới, đưa quân ra đánh. Phục binh của Lê Lợi thi nhau chém giết và bắt sống được Đô ty Chu Kiệt chém tướng tiên phong là Đô Ty Hoàng Thành. Quân Minh bị đánh tan tác cả đường sông và đường bộ chỉ sống sót vài trăm cùng với Trần Trí và Lý An chạy thoát về thành Rum (nay là Rú Thành). Chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn ở cửa sông Khuất là một chiến thắng lớn tiêu diệt gần 2 vạn quân Minh (trong tổng số 10 vạn quân do Trần Trí đem vào Giao Châu cùng với ngụy quân). Có thể nói chiến thắng ở cửa sông Khuất là trận quyết chiến chiến lược nghĩa quân Lam Sơn chuyển từ thế bị động sang thế chủ động phản công tiến tới các trận đánh ở Tân Bình, Thuận Hoá đến Đông Quan, Chúc Động và Tốt Động, chém Liễu Thăng ở Chi Lăng bắt 2 tướng Hoàng Phúc, Thôi Tụ ở Xương Giang và kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh. Những người tham gia trận đánh ở cửa sông Khuất có công rất lớn chẳng những các danh tướng như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Đinh Liễn... mà còn những võ quan mới ra nhập nghĩa quân như Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Tu, Nguyễn Lai... họ đều xứng đáng được liệt vào tầng lớp khai quốc công thần. Sau trận đánh này Nguyễn Tuấn Thiện đươc phong Định Quốc Công, Nguyễn Tu được phong vượt nhiều cấp, Nguyễn Lai được phong là Tổng quản quân lương. Sau chiến thắng ở cửa sông Khuất nghĩa quân Lam Sơn trong thế chủ động đã tiến quân vào giải phóng Tân Bình,Thuận Hóa tiến ra giải phónh hoàn toàn Nghệ An, Thanh Hóa. Năm 1426 tiến quân ra bắc đánh Đông Quan, năm 1427 chiến thắng trận Chúc Động Tốt Động, sau khi chém đầu Liểu Thăng ở ải Chi Lăng, ở trận Xương Giang Lê Sát bắt được tướng Hoàng Phúc và Thôi Tụ cuộc kháng chiến của nghĩa chống giặc Minh kết thúc nước ta hoàn toàn độc lập. Thực ra trận đánh này tuy đã gần 600 năm nhưng nay vẫn còn nhiều sự tích sâu đậm trong lịch sử vẻ vang của nhân tỉnh Hà Tĩnh. Cửa sông Khuất(tức hói Nầm hay còn gọi hói Chùa) nằm ven chân núi Nầm. Nơi đây, năm Ất Tỵ (1425) hai Vạn quân xâm lược nhà Minh do Trần Trí và Lý An chỉ huy bị nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi và nghĩa binh Cốc Sơn đánh cho tan tác không còn mảnh giáp, chỉ còn vài trăm tàn quân sống sót tháo chạy về thành Rum tức là thành Nghệ An”. - Động Tiên Hoa nay là Rú hoa Bảy (nghĩa là động của 7 núi Tiên Hoa) Bàu Cốc và Điểu Lĩnh (nay gọi là lòi Chín chim), Cự Sơn (Rú Cựa), Linh Sơn (xóm Cụp với Linh Sơn Tự) đại bản doanh của Nghĩa Binh Cốc Sơn nơi hai thủ lĩnh khởi nghĩa Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện gặp nhau cắt tốc uống máu ngựa trắng kết nghĩa anh em vẫn còn đó điều đáng tiếc chưa được xếp vào địa danh lịch sử. - Thành Lục Niên hay còn gọi là Thành Lê Lợi trên dãy núi Thiên Nhẫn còn đó. Thành Lục Niên do nghĩa binh Cốc Sơn xây vào năm 1422 - phía trước thành là xã Nam Kim thuộc tỉnh Ngệ An phía sau là xã Sơn Thịnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh - Thành ở độ cao có thể nhìn xa bốn phương tới hàng trăm dặm để cảnh giới và bảo vệ vòng ngoài của khu căn cứ và Động Tiên Hoa. Sau thắng lợi ở cửa sông Khuất nghĩa quân Lam Sơn tiến đánh Tân Bình. Nghe lời bàn của Nguyễn Tuấn Thiện, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã cử một số nghĩa binh người địa phương ở lại giữ Động Tiên Hoa và thành trên núi Thiên Nhẫn làm hậu cứ khi cần. Đến khi kết thúc chiến tranh (1427) thì nghĩa binh mới rút quân. Thời gian nghĩa binh đóng quân giữ thành (1422 - 1427) là 6 năm nên dân gọi là thành Lục Niên. Thành này trước là nghĩa binh Cốc Sơn về sau quân của Lê Lợi giữ thành nên dân gọi là thành Lê Lợi. - Cửa sông Khuất nay gọi là hói Chùa hoặc hói Nầm được xếp vào địa danh lịch sử cấp tỉnh. - Danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện được công nhận là danh nhân của tĩnh Hà Tĩnh. - Nhà thờ dòng họ Nguyễn Tuấn Thiện ở Sơn Phúc với 5 chi họ hậu duệ của Cụ ở Hà Tĩnh hàng năm về dâng hương và con cháu đang phát huy truyền thống yêu nước trong sự nghiệp cách mạng. - Đền thờ Định Quốc công Nguyễn Tuấn Thiện(2) ở Kẻ Sét thuộc xã Sơn Ninh được xếp di tích văn hóa cấp tỉnh. - Cồn Tổng Binh ở bến Đỗ Gia (nay gọi là Xa Lang thuộc xã Sơn Tân) nơi chôn gần 2 vạn xác giặc Minh (tương tự gò Đống Đa chôn xác quân Thanh) cho ta biết mưu đồ xâm lược của kẻ thù vẫn còn đó. - Nhà yêu nước Nguyễn Năng Định (hậu duệ đời 11 của Cụ Hoài An Hầu Nguyễn Thạc) thủ lĩnh nghĩa binh Hữu Bằng dương cao ngọn cờ khởi nghĩa về sau đi theo phong trào Cần vương do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo có viết bản trường ca về danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện và nghĩa binh Cốc Sơn. T.s Nguyễn Xuân Mạnh Hình Xuân Mạnh, nội Dung trích từ bài của T.s Nguyễn Đình Tùng
Dưới đây là toàn văn bản dự thảo, được trình lên Đại Hội Hội Đồng Họ Nguyễn Việt Nam phê duyệt và gửi lên các cấp chức năng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua.
( DOWNLOAD BẢN GỐC TẠI ĐÂY )