Là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn, song, văn phong của Thạch Lam trước sau vẫn chảy một dòng riêng biệt. Nếu đề tài của quen thuộc của nhóm Tự lực văn đoàn là những cảnh sống thi vị, những mơ ước thoát ly, những phản kháng yếu ớt trước sự trói buộc của lề thói phong kiến thì ngòi bút Thạch Lam lại hướng tới những người lao động bần cùng trong xã hội đương thời. Mỗi truyện ngắn của ông như một bài thơ về những thân phận nhỏ bé, côi cút và bất hạnh, gợi sự thương cảm, xót xa sâu sắc của tình người. Có người ví như ông nuốt hết mọi chất độc, ông căng hồn mình như một cánh diều no gió rồi lắng nghe cuộc đời thổi vào đó những hợp âm.
Trong kí ức của người thân và bạn bè, Thạch Lam luôn hiện lên với bóng dáng một con người đôn hậu, từ tốn, khiêm nhường, với lối sống phong nhã, tài hoa. Nhà văn Vũ Bằng kể lại: “Thạch Lam yêu sự sống hơn bất kỳ ai. Anh quý từ cốc nước chè tươi nóng, trang trọng đưa lên miệng uống một cách gần như thành kính... như thể cảm ơn trời đất đã cho mình sống để thưởng thức ngon lành như vậy. Anh cẩn thận từng câu nói với cô bán hàng vì sợ lỡ lời... khiến người ta tủi thân mà buồn. Thạch Lam đi đứng nhẹ nhàng... Anh là một người độc đáo có tài lại khiêm nhường, người nhỏ mà nhân cách lớn...”.
Một lần, Thạch Lam cho tiền một đứa trẻ bán lạc rang bị cướp mất tiền, Vũ Bằng nhắc khéo là có thể bị đứa trẻ đánh lừa, Thạch Lam đáp: “Bị lừa hay không, cái đó không quan hệ lắm. Mình cần làm một việc xét ra phải làm, theo ý mình…”.