Ngày 13-10, tại lễ ra mắt Công ty cổ phần Nghị lực sống - Doanh nghiệp xã hội, trên chiếc xe lăn, chị Nguyễn Thị Vân (chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống) chia sẻ về hành trình nỗ lực hướng đến mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế tại Việt Nam.
Chị kể 16 năm trước đặt chân đến Hà Nội, mỗi lần đi ra đường chị đều đối mặt với ánh mắt tò mò, dò xét của người xung quanh.
Đi rất nhiều nơi ở Hà Nội, đi đến nhà hàng, các cơ quan, chị mới nhận ra một người khuyết tật như mình thật sự ít thấy, ít gặp ngoài đường.
"Ở Việt Nam có đến 6,2 triệu người khuyết tật, vậy tại sao không thấy người khuyết tật ở những nơi như vậy, ở các nhà hàng, các cơ quan, các nơi vui chơi giải trí? Đó là sự trăn trở rất lớn đối với tôi", chị đặt câu hỏi.
Trăn trở đó đã thôi thúc chị cùng đội ngũ Nghị lực sống luôn nỗ lực giúp đỡ, đồng hành, hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế hòa nhập toàn diện vào cộng đồng.
Ra mắt Công ty cổ phần Nghị lực sống - Doanh nghiệp xã hội nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10
Ngồi xe lăn, chị Vân không giấu được xúc động chia sẻ mong muốn giúp người khuyết tật được đi ra đường, được tiếp cận với giáo dục và sau đó đi làm, tự kiếm thu nhập nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, từ gia đình hay những câu chuyện từ thiện…
Suốt 20 năm kể từ ngày ra mắt, Trung tâm Nghị lực sống (do cố Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng thành lập) đã đào tạo miễn phí cho hơn 1.200 học viên, hằng năm đã hỗ trợ việc làm cho 60 - 70 người khuyết tật. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam có đến 6,2 triệu người khuyết tật nhưng trong số đó rất ít người có công ăn việc làm với thu nhập ổn định.
Chị Vân cho biết Công ty cổ phần Nghị lực sống - Doanh nghiệp xã hội sẽ hoạt động với nguyên tắc sử dụng phần lớn lợi nhuận vào mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế. Họ sẽ sử dụng tối đa nhân sự là người khuyết tật và người yếu thế. Các hoạt động kinh doanh đem lại lợi nhuận sẽ đầu tư vào các trung tâm đào tạo, hướng nghiệp cho người khuyết tật và người yếu thế.
"Tôi luôn có sự cam kết dành cả cuộc đời của mình, dành tất cả thời gian còn lại để tập trung làm sao giúp cho mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn" - chị Nguyễn Thị Vân nói.
Ông Patrick Haverman, phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho rằng mô hình doanh nghiệp xã hội Nghị lực sống là một dấu hiệu tích cực cho cộng đồng các doanh nghiệp và xã hội, các đối tác trong hệ sinh thái về một mô hình kinh doanh mới, sáng tạo khi mà các tập đoàn lớn nằm trong ban giám đốc doanh nghiệp xã hội, từ đó giúp cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, tạo ra mặt tích cực lâu dài cho công ty.
Chị Nguyễn Thị Vân - chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống - mắc chứng teo cơ tủy sống từ nhỏ, sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào người khác, cơ thể đau nhức, nhưng chưa một ngày nào chị ngừng cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.
Với những đóng góp cho xã hội và nghị lực phi thường, truyền cảm hứng đến cho cộng đồng, chị được bình chọn là một trong 100 người phụ nữ truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019, Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, Giải thưởng Sao Đỏ.
Tác giả bài viết: Hà Thanh - Tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Cũng chính vì sự đa dạng, và gắn liền với nhiều sự đổi thay trong quá trình phát triển dòng họ đó, mà ít nhiều đến bây giờ chúng ta đã phần nào bị thất lạc hoặc mất kết nối với các nhánh họ và những tư liệu lịch sử từ ngàn năm ông cha ta, ông bà ta để lại. Với mục đích xây dựng một kênh...