Theo đuổi phong cách bản địa bền vững và chữa lành
Rì-Rào Homestay khai trương cuối tháng 4/2023 và từ đó đến nay luôn kín phòng, thậm chí không còn phòng trống trong hơn 2 tháng tới. Thông tin này được Nguyễn Minh Tùng, nhà sáng lập Rì-Rào Homestay, chủ kênh Tik Tok Ben Xa Bờ chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Lớn lên ở TP.HCM, nhưng tình yêu với Phú Quý (một huyện đảo thuộc Bình Thuận) đã níu chân Tùng ở lại. Sau khi được giới thiệu mảnh đất ngay gần biển, Tùng dự định làm một căn nhà nhỏ cho chính mình để có không gian sống và làm việc lâu dài tại đây. Nhưng bạn bè khuyên cậu làm 2 phòng, vừa để ở, vừa tiện cho việc kinh doanh homestay.
“Nói là làm cho bản thân, thế mà đến nay, em vẫn chưa ở ngày nào, toàn khách thuê hết rồi. Em ở nhà người dân gần đó”, Tùng nói.
Rì-Rào Homestay nổi bật bởi nét kiến trúc đơn sơ, gần gũi, từ bức tường nhà được trét mộc mạc, nền lát xi măng, mái che nắng bằng thân cây từ bi (một giống cây theo tên gọi của người địa phương với mùi thơm dìu dịu và đặc tính chữa lành) cho đến những chiếc bàn, ghế gỗ được xin lại của người dân trên đảo.
Tùng tiết lộ, nhiều người bạn đề nghị được góp vốn mở rộng thương hiệu Rì-Rào Homestay không chỉ ở đảo Phú Quý, mà còn nhiều tỉnh, thành phố khác nữa, nhưng cậu đều từ chối. Tùng lo ngại Rì-Rào Homestay sẽ bị thương mại hóa, mất đi nét mộc mạc, bình dị vốn có. Chủ nhân của Rì-Rào Homestay cho biết thêm, cậu đang có kế hoạch mở thêm một căn homestay nho nhỏ khác trong thời gian tới.Nếu để gọi tên chính xác cho phong cách mà Rì-Rào Homestay theo đuổi, Tùng nói đó là phong cách bản địa bền vững và chữa lành. Cậu cho biết, 90% kiến trúc nội, ngoại thất của homestay này lấy cảm hứng từ chính những căn nhà của người dân địa phương; 10% khác biệt còn lại nằm ở khung cửa sổ to rộng chiếm hết cả mảng tường, để khách hàng có thể tận hưởng trọn vẹn cảnh biển tuyệt đẹp trước mặt.
“Một căn homestay lưu giữ được nét mộc mạc, tận dụng tối đa nắng, gió trời sẽ giúp khách du lịch có thể hoà mình với hơi thở, nhịp sống bình dị của người dân địa phương”, nhà sáng lập Rì-Rào Homestay khẳng định.
Tùng tiết lộ, đa phần khách đến Rì-Rào Homestay là những người cùng “tần số” với cậu. Đó là những người trẻ đã và đang đối diện với vấn đề tâm lý sau giai đoạn Covid-19; có người trầm cảm nhẹ, có người chịu những tổn thương, vụn vỡ ở bên trong. Họ đến đây để tìm cảm giác chữa lành giữa một không gian thanh bình. Ở đây, Tùng mang hết tấm lòng ra đối xử với họ như những người bạn.
“Em hay chia sẻ những câu chuyện, câu nói chữa lành trên Facebook của Rì-Rào Homestay để mọi người có thêm năng lượng tích cực mỗi ngày”, nhà sáng lập nói thêm.
Không đặt nặng yếu tố kinh doanh
Nếu nhìn vào Rì-Rào Homestay hôm nay, thật khó có thể hình dung ra chặng đường gian khổ mà Tùng từng đi qua. Từ nhỏ, cậu đã gặp biến cố gia đình và phải tự lập từ rất sớm. Lớn lên, chàng trai sinh năm 2000 quyết định bỏ ngang đại học ngay trong năm đầu tiên để lăn vào đời bươn chải.
Vì không muốn phụ thuộc vào chu cấp của bố mẹ, Tùng từng trải qua nhiều công việc để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Dù làm gì, Tùng luôn tâm niệm, phải cố gắng hết sức, trân trọng từng cơ hội đến với mình, đơn giản vì “nếu đã quyết định không học đại học, em phải cố gắng nhiều hơn, chăm chỉ học hỏi hơn để bù lại”.
May mắn trong giai đoạn Covid-19, việc kinh doanh online thu được kết quả tích cực, nhờ đó Tùng có chi phí để đầu tư, xây dựng Rì-Rào Homestay. Nhưng đại dịch cũng khiến cậu và không ít người trẻ đối diện với vấn đề tâm lý. Cảm giác ngột ngạt, bí bách trong giai đoạn giãn cách xã hội, cộng thêm quãng thời gian “cày ngày cày đêm” để bán hàng online khiến Tùng kiệt sức.
Vậy nên, khi Covid-19 qua đi, nhà sáng lập dành nguyên 1 năm chu du khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Cậu đến đảo Phú Quý, đến Huế, Đà Nẵng…, mỗi nơi, Tùng đều dành khoảng 1 tháng để trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Được đón tiếp nhiệt tình ở những nơi đã đi qua, nhưng chỉ khi đến Phú Quý, cậu mới cảm nhận được sự ấm áp của gia đình. Người dân nơi đây coi cậu như con em mình, thậm chí sẵn lòng để cậu ăn ở miễn phí và giúp đỡ mà không nề hà việc gì.
“Là người thiếu thốn tình cảm gia đình, nên em rất cảm động với những yêu thương vô điều kiện của người dân đảo. Giai đoạn ấy, em thấy mình được vỗ về, chữa lành rất nhiều. Sau khi đến một vài nơi khác, em quyết định trở về gắn bó với Phú Quý”, Tùng tâm sự.
Đầu năm 2023, Tùng triển khai xây dựng Rì-Rào Homestay. Cậu tự lên ý tưởng thiết kế, dùng tiền tiết kiệm để đầu tư. Chàng trai Gen Z cho biết, đó là một quá trình vất vả, bởi cậu không phải người có kiến thức chuyên môn trong ngành thiết kế hay xây dựng. Tại đảo Phú Quý, trình độ của thợ xây cũng chỉ dừng ở mức cơ bản, không thể so với thành phố. Vì vậy, cậu và thợ cùng nhau vừa học vừa làm, thậm chí Tùng còn nghiên cứu để tự lắp đường điện, nước.
Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng Tùng thừa nhận, chi phí đội lên khá nhiều so với tính toán ban đầu. Bù lại, cậu đã có một không gian riêng nơi huyện đảo trong lành, hoang sơ. Trừ lễ tết, hay khi Phú Quý bước vào mùa mưa, Tùng trở về TP.HCM với gia đình. Còn lại, cậu xác định dành toàn bộ thời gian ở Phú Quý.
Hiện tại, giá thuê nguyên căn của Rì-Rào Homestay là 2,5 triệu đồng/đêm. Cả homestay chỉ gồm 2 phòng, nhưng không gian rộng và thoáng đến mức đủ cho đoàn từ 10-12 người vào ở. Tùng khẳng định: “Em không đặt nặng chuyện tiền bạc. Nếu ngay từ đầu xác định làm kinh doanh, thì với diện tích này, em đã xây thành 6 phòng như mọi người khuyên, chứ không giới hạn 2 phòng để có một không gian sống thực sự”.
Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Dưới đây là toàn văn bản dự thảo, được trình lên Đại Hội Hội Đồng Họ Nguyễn Việt Nam phê duyệt và gửi lên các cấp chức năng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua. ( DOWNLOAD BẢN GỐC TẠI ĐÂY )