Vùng đất danh tiếng Trung Cần và truyền thống dòng họ Nguyễn Hữu

Thứ năm - 11/07/2024 00:02
Ở Nam Đàn (Nghệ An), dòng họ Nguyễn Hữu ở xã Nam Trung có bề dày lịch sử gần 500 năm với 17 đời và 5 chi hậu duệ luôn viết tiếp truyền thống hiếu học, khoa bảng, đóng góp vào sự phát triển quê hương, đất nước.
Vùng đất danh tiếng Trung Cần và truyền thống dòng họ Nguyễn Hữu

Từ truyền thống quê hương...

Nằm bên bờ sông Lam, vùng đất Nam Trung xưa (từ thế kỷ XVI) có tên gọi là Trang Cần Cung, thuộc xã Nam Hoa Thượng, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương. Đến đầu thế kỷ XIX, Trang Cần Cung được tách khỏi xã Nam Hoa Thượng thành xã Trung Cần và vẫn thuộc tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương. Cuối thế kỷ XIX, tổng Nam Hoa đổi thành tổng Nam Kim, xã Trung Cần vẫn thuộc tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương. Năm 1910, tổng Nam Kim được chuyển sang thuộc vào huyện Nam Đàn.
 

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hai xã Trung Cần và Dương Liễu được hợp nhất lại thành xã Nam Trung ngày nay.

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Hữu (xã Nam Trung, Nam Đàn).
Nhà thờ chi II dòng họ Nguyễn Hữu (xã Nam Trung, Nam Đàn).

Vùng đất này vẫn luôn lưu truyền câu “Quan Trung Cần, dân Dương Liễu” với ý nói người làng Trung Cần có truyền thống hiếu học, dân làng Dương Liễu có chí “nổi can qua”, tiếp nối bằng tinh thần yêu nước vùng lên theo Đảng đấu tranh sau này. Theo sách “Khoa bảng Nghệ An - (1075 - 1919)” do tác giả Đào Tam Tỉnh biên soạn thì Nghệ An có 2 làng nổi tiếng về số người khoa bảng cao, đó là làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) chiếm 17% tổng số khoa bảng của Nghệ An và làng Trung Cần (huyện Nam Đàn) chiếm 11%. Theo các tài liệu lịch sử, tính từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX ở xã Trung Cần có 8 vị đậu đại khoa; 16 vị đỗ trung khoa.

Tiến sỹ Tống Tất Thắng được coi là người khai khoa cho vùng đất Trung Cần dưới thời Lê, làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các đại học sỹ; được phong Nghĩa Quận công, lập nhiều chiến công hiển hách nhằm bảo vệ biên cương, giữ gìn lãnh thổ của đất nước, quê hương.

Trung Cần cũng là quê hương của những người con kiệt xuất của dân tộc như Trung Quận công Nguyễn Nhân Mỹ, người có công khôi phục nhà Lê Trung Hưng; Tam thế ngũ hoàng hoa Thượng thư Nguyễn Trọng Thường (đỗ Tiến sỹ năm Nhâm Thìn – 1712)... Đây cũng chính quê hương của đồng chí Nguyễn Tiềm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên (hy sinh năm 21 tuổi, khi đang là Ủy viên BTV Xứ ủy Trung kỳ phụ trách công tác tuyên truyền); quê hương của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của Việt Nam, cùng nhiều văn thần, võ tướng xưa và nay, nhiều người con đi ra thành đạt trên nhiều lĩnh vực, làm rạng rỡ quê hương.

Truyền thống của quê hương đã, đang tiếp sức cho cán bộ và nhân dân ở quê nhà hôm nay có ý chí vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những xã đầu tiên ở Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả phản ánh toàn diện nhất sự đổi thay của quê hương giàu truyền thống cách mạng.

2 bia đá được lưu giữ hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn.
2 bia đá được lưu giữ hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn.


…. đến truyền thống dòng họ

Dòng họ Nguyễn Hữu (xã Nam Trung) có nguồn gốc từ xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Vào thế kỷ XVI, ông Nguyễn Hữu Nhuận Ốc di cư vào Trang Cần Cung (nay là xã Nam Trung) sinh cơ lập nghiệp và trở thành vị thủy tổ của dòng họ Nguyễn Hữu nơi đây.

Ngược dòng lịch sử, thời nào dòng họ Nguyễn Hữu cũng sinh ra những người con ưu tú, đậu đạt cao, đóng góp nhiều cho dân, cho nước. Riêng thời Hán học có 3 đại khoa; trung khoa có 12 vị Cử nhân, 21 Tú tài. Đối với chi II Nguyễn Hữu có Giám sát ngự sử Nguyễn Trọng Dực (vị Tổ đầu tiên của chi II) và Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Lập…

Theo sách Khoa bảng Nghệ An và gia phả họ Nguyễn Hữu thì Nguyễn Trọng Dực sinh năm 1799, ông tham gia kỳ thi hương và đậu Cử nhân năm 26 tuổi, được bổ nhiệm làm Tri huyện, rồi thăng chức Tri phủ, tiếp đó thăng lên làm Giám sát ngự sử đạo. Về sau, ông lần lượt được phong tặng Hàn Lâm viện thị giảng, rồi gia tặng Hàn Lâm viện thị độc. Ngoài là một vị quan lớn của triều đình, ông còn là một ông đồ Nghệ, một thầy thuốc đông y. Ông mất năm Mậu Ngọ (1858) và đến năm Đinh Mão (1867), con trai Nguyễn Hữu Lập đã xây dựng nhà thờ và dựng bia đá để làm nơi thờ tự, tưởng niệm và trở thành nhà thờ họ chi II ngày nay.

Nói về Song nguyên Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập là hậu duệ đời thứ 2 thuộc chi II, cha là Giám sát ngự sử Nguyễn Trọng Dực, mẹ là bà Phan Thị Hòa. Ông sinh năm Giáp Thân (1824); 14 tuổi ông đậu Tú tài, 26 tuổi đậu Giải nguyên khoa Canh Tuất đời Vua Tự Đức; 39 tuổi, ông thi Hội trúng đệ tam danh, rồi thi Đình trúng đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, đệ nhất danh, tức là Đình nguyên Hoàng Giáp. Do ông đậu cả Giải Nguyên lẫn Đình Nguyên (tức thủ khoa 2 lần) nên còn gọi là cụ Song nguyên Hoàng giáp.

Con cháu dòng họ Nguyễn Hữu thắp hương tưởng niệm tổ tiên.
Con cháu dòng họ Nguyễn Hữu thắp hương tưởng niệm tổ tiên.

Sau khi đậu Hoàng giáp, Nguyễn Hữu Lập lần lượt được giao giữ nhiều chức quan và ông luôn lấy liêm chính mà răn mình, lấy công tâm mà sự xử, dám thẳng thắn khuyên can nhà vua nên được Vua Tự Đức khen ngợi và tặng thưởng 1 chiếc khánh vàng có khắc 4 chữ “Liêm, Bình, Công, Cán” (liêm khiết, bình đẳng, công tâm, mẫn cán) và nhiều vật phẩm có giá trị khác.

Năm Giáp Tuất (1874), niên hiệu Tự Đức thứ 27, do có nhiều công lao nên Nguyễn Hữu Lập được nhà vua ban thưởng nghiên đá, ngân, tiền và bức trướng có thêu 4 chữ “Triệu dân lại chỉ” (muôn dân được nhờ cậy), lại được phụng họa 10 bài thơ ngự chế, vua phê “Học tráng tầm phụng”, (trí tuệ vượt trội); rồi được cử giữ chức Tham biện Cơ mật vụ, Thương bạc sự vụ trong giao tiếp với người nước ngoài, thăng Hữu tham tri Bộ Binh, sung Cơ mật viện đại thần (Cơ mật viện có 4 đại thần văn, võ từ Tam phẩm trở lên, kiêm nhiệm bàn việc trọng yếu, giúp việc quân sự).

Phát huy truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Hữu, con cháu hậu duệ chi II luôn ra sức học tập, lao động sáng tạo và đạt được nhiều thành tích cao trên các ngành, lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế, giáo dục, y tế, luật, quân đội. Trong chi II có 1 giáo sư; 20 tiến sỹ; hơn 50 thạc sỹ và rất nhiều cử nhân, kỹ sư, bác sỹ, cán bộ cao cấp trong và ngoài nước, như Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục Nguyễn Hữu Dụng; TS Nguyễn Hữu Khang - Chánh án Toà án Hành chính thành phố Marseille (Pháp); cán bộ lão thành cách mạng - Đại tá Nguyễn Hữu Đang; ông Nguyễn Lê Kiêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; GS, TS Nguyễn Hữu Khôi - Phó Chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam; ông Nguyễn Văn Kích -Vụ trưởng, Cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; TS Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; các thầy thuốc ưu tú: Đại tá Nguyễn Hữu Chánh và Nguyễn Thu Nga,...

Họ Nguyễn Hữu làng Trung Cần tính từ khi thủy tổ Nguyễn Hữu Nhuận Ốc về đây sinh cơ lập nghiệp đến nay đã trải qua 17 đời với 5 chi hậu duệ. Hiện nay, ngoài nhà thờ họ Nguyễn Hữu đại tôn, mỗi chi họ đều có nhà thờ riêng.

Đối với nhà thờ chi II, là công trình văn hóa tâm linh được khởi dựng cách đây 150 năm do Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Lập xây dựng để thờ tự và tưởng niệm cha mình - Giám sát ngự sử Nguyễn Trọng Dực và trở thành nơi thờ tự tiên tổ và địa chỉ văn hóa tâm linh của con cháu chi II Nguyễn Hữu. Chính nơi đây, vào giai đoạn cách mạng 1930-1931 trở thành nơi tụ họp thanh niên, nơi tập trung nhân dân trong làng kéo đi tham gia cuộc biểu tình “Xô Viết Nghệ Tĩnh 12 tháng 9 năm 1930” tại Hưng Nguyên; nơi tổ chức họp bí mật của Chi bộ Đảng và địa điểm học “Bình dân học vụ” của nhân dân trong vùng.

Tại di tích hiện còn lưu giữ bia đá, gia phả, câu đối, đại tự, biển gỗ bằng chữ Hán. Đặc biệt 2 bia đá và biển gỗ “Ân tứ vinh quy” được lưu giữ hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn. Đây là những cứ liệu lịch sử gốc, chứng minh công trạng của các vị tiên tổ của chi II họ Nguyễn Hữu, làng Trung Cần. Mặt khác, các tài liệu quý này cũng góp phần không nhỏ vào công tác nghiên cứu lịch sử địa phương cũng như lịch sử dân tộc qua các thời kỳ, giúp thế hệ mai sau có cái nhìn sâu sắc và khách quan hơn đối với sự phát triển đầy thăng trầm của đất nước qua các triều đại.

Với những giá trị lịch sử đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3598/QĐ-UBND, ngày 7/8/2017 về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử nhà thờ chi II, họ Nguyễn Hữu, xã Nam Trung nhằm đưa vào quản lý và có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.

Đây chính là động lực cổ vũ con cháu chi II, họ Nguyễn Hữu ở Nam Trung, huyện Nam Đàn tiếp tục nỗ lực cao hơn nhằm viết thêm truyền thống dòng họ ở chặng đường mới. Hiện nay, con em dòng họ Nguyễn Hữu ở lại quê hương cũng như xa quê luôn vì quê hương và hướng quê hương cùng với con cháu các dòng họ khác đóng góp nhiều công sức để xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Nam Trung nói riêng, Nam Đàn nói chung ngày càng giàu mạnh.

Tác giả bài viết: Minh Chi - Báo Nghệ An

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Xin mời quý bà con cộng đồng cùng chia sẻ và kết nối thông tin với ban biên tập cổng thông tin họ Nguyễn Việt Nam.
Email: info@honguyenvietnam.org

Điện thoại: 0907097567
Zalo Group: https://zalo.me/g/ggupcf777
Facebook Groups: https://www.facebook.com/groups/congdonghonguyen
Fanpage: https://www.facebook.com/honguyenvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu website Honguyenvietnam.org

Thân gửi Toàn thể  cộng đồng Họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn chúng ta tự hào là dòng họ có số lượng dân số lớn nhất Việt Nam hiện nay. Họ Nguyễn cũng là dòng họ có nhiều nguồn dân số phân bổ trên nhiều vùng miền nhất của cả nước. Ở đâu trên mảnh đất...

Quỹ Cộng Đồng HNVN
 
Thống kê
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay11,053
  • Tháng hiện tại340,751
  • Tổng lượt truy cập14,028,036
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây