CỘNG ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM - CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Workshop giao luu cùng tác giả sách: Theo dấu Hoàng Hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại, hành trình nhiều thú vị.
Thứ bảy - 15/06/2024 19:14
Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm và xây dựng tư liệu, gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa, nuôi dưỡng tình yêu lịch sử và tìm hiểu về cội nguồn và lòng tự hào dân tộc nói chung, dòng họ Nguyễn nói riêng, Học viện Thương hiệu Kim cương DBI - thành viên Tập đoàn Hành trình Kim cương (DJC) đã phối hợp với Cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam tổ chức sự kiện workshop giao lưu với tác giả sách. Sự kiện diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm đông đảo từ phía công chúng và giới học giả.
Tham dự chương trình có sự góp mặt của TS. Nguyễn Phước Vĩnh Đào và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - đồng tác giả cuốn sách "Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại". Ngoài ra, còn có ThS. Nguyễn Châu Linh - Phó Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Hành trình Kim cương và Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thi - Người sáng lập cổng thông tin họ Nguyễn Việt Nam - honguyenvietnam.org. Buổi workshop là cơ hội để mọi người cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc tìm kiếm, xác minh thông tin và xây dựng tư liệu, cũng như khơi dậy tinh thần yêu sách, thích sách và viết sách trong thế hệ trẻ.
TS. Nguyễn Phước Vĩnh Đào, con cháu hoàng tộc triều Nguyễn, với nền tảng học vấn sâu rộng và kinh nghiệm nghiên cứu phong phú, đã mang đến cho khán giả cái nhìn mới mẻ về Hoàng Hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ông từng tốt nghiệp cao học Văn chương Pháp tại Đại học Văn khoa và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne. Với sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử và văn hóa, TS. Vĩnh Đào đã chia sẻ chi tiết về hành trình nghiên cứu và quá trình tìm kiếm tư liệu, từ đó giúp khán giả hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của hai nhân vật lịch sử này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, với tình yêu và sự đam mê đối với lịch sử, đã cùng TS. Vĩnh Đào khám phá và tổng hợp các nguồn tư liệu quý báu. Bà đã hé lộ nhiều chi tiết thú vị và ít được biết đến về cuộc đời Hoàng Hậu Nam Phương, từ những ngày thơ ấu đến khi trở thành Hoàng hậu và sau này. Bà cũng chia sẻ về những khó khăn và thử thách trong việc xác minh thông tin và lựa chọn những tư liệu đáng tin cậy để đưa vào cuốn sách.
Sứ mệnh bảo tồn di sản văn hóa và phát triển thư viện số :
ThS. Nguyễn Châu Linh, Chủ tịch Học viện DBI, đã chia sẻ về sứ mệnh của DJC trong việc truyền tải, quảng bá và lưu trữ các thông tin giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và văn học. DJC đang phát triển nền tảng thư viện số, nơi cung cấp hàng ngàn nguồn tư liệu số về văn hóa, lịch sử, danh nhân và nghệ thuật. Thông qua nền tảng này, DJC hy vọng sẽ giúp cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, dễ dàng tiếp cận và học hỏi từ những tài liệu quý báu.
Cổng thông tin họ Nguyễn Việt Nam và hành trình số hóa phả hệ:
Trong khuôn khổ buổi workshop, cổng thông tin điện tử Họ Nguyễn Việt Nam đã chia sẻ về hành trình sưu tập và lưu trữ các bản phả hệ của dòng họ Nguyễn trên toàn quốc. Quá trình này đang được số hóa để kết nối và truyền tải thông tin đến toàn cộng đồng. Hiện cổng thông tin họ Nguyễn Việt Nam là nơi chia sẻ và kết nối các hoạt động của người họ Nguyễn, từ danh nhân, di tích, đến những câu chuyện lịch sử phong phú. Qua sự kiện này, cổng thông tin cũng mong kết nối nhiều hơn cùng tất cả mọi người về hành trình kết nối thông tin, kết nối các hoạt động dòng họ, để cổng thông tin ngày càng phong phú hơn.
Chương trình được điều phối bởi ThS Văn hóa Nguyễn Thu Hương, giảng viên Khoa Văn hóa học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Với sự am hiểu sâu rộng và kinh nghiệm phong phú, ThS Hương đã dẫn dắt chương trình một cách sinh động và hấp dẫn. Khán giả cũng đã có cơ hội đặt nhiều câu hỏi thú vị, qua đó thảo luận và chia sẻ về những góc khuất thâm cung bí sử của Hoàng Hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại, mang đến cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về hai nhân vật lịch sử này.
Buổi workshop kết thúc bằng buổi giao lưu chụp ảnh cùng các tác giả sách, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Sự kiện không chỉ là dịp để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa, mà còn là cơ hội để khơi dậy tình yêu sách và đam mê nghiên cứu trong thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, và tạo động lực cho những người đam mê lịch sử tiếp tục hành trình khám phá và tìm hiểu về cội nguồn.