Ngài làm quan dưới triều vua Lê Anh tông (1557-1573) và Lê Thế tông ( 1573-1599 ). Ngài là vị tướng thiện chiến, mưu lược và dũng cảm nhờ quân công mà được thăng đến chức Tả tướng Thái úy Thái bảo Quận công.
Năm Quý Tị 1593, khi Chúa Tiên ra Đông Đô giúp vua Lê đánh dẹp tàn quân nhà Mạc, Ngài dẫn binh đi theo chinh phạt, giao chiến với tướng Mạc là Mạc Kính Cung ở bãi Lâm Tiên, Ngài bị trúng tên và mất tại trận.
Ngài mất ngày 25 tháng Chín năm Quý Tị (19/10/1593), vua Lê rất thương tiếc, truy tặng Ngài tước Lỵ Nhân công và cho đưa về an táng tại Gia Miêu, về sau Ngài được cải táng về xã Bùi Xá, huyện Tống Sơn (nay là thôn Trạng Sơn, xã Hà Bắc).
Ngài được vua Lê bao phong: “Trợ uy Hộ quốc Dụ phúc Ân hậu Tán trị Triệu hưng Bật thế Khuông thần Hi tải Tài trí Anh hùng Dũng lược Nghĩa tín Cương nghị Hoàng nghĩa Trí dũng Dịch anh Hùng uy Nghiêm dực Cộng thành Lỵ Nhân công”, thụy là Nhân Trực.
Ngài được vua Lê cho lập phủ Lỵ Nhân công ở quê hương Gia Miêu để thờ Ngài.
Phu nhân họ Mai, được phong Quốc Thái phu nhân.
Theo gia phả họ Đỗ ở Bồng Trung huyện Vĩnh Lộc, Ngài còn có phu nhân là Đỗ Thị Hành. Sau khi Ngài mất, phu nhân Đỗ Thị Hành trở về quê Bồng Trung và mất tại đây, phần mộ của Bà đã bị thất lạc trong thời cải cách.
Ngài sinh hạ được 2 con trai và 1 con gái:
1- Trưởng nam Phụ Quận công húy Nguyễn Hắc, Dương vũ Uy dực Tán trị công thần, Nam quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Chưởng phủ sự, Thái bảo, Quận công. Khi mất được tặng Thái tể, gia phong Tuy lộc Hiển khánh Bật chính Diên huống Tả Tư mã Phụ Đô quận công, thụy là Mẫn Nghị.
2- Thái phó Lại Quận công húy Nguyễn Hữu Vịnh. Triều vua Lê Kính Tông (1599 – 1619), Cụ cùng anh ruột là Phụ Quận công đi đánh dẹp nhà Mạc lập công. Cụ làm quan đến chức Phụ quốc Thượng tướng quân Thượng trụ quốc Thái bảo Lại Quận công, thụy Minh Lãng.
3- Đông cung chính phi húy Nguyễn Thị Ngọc Súy được gả cho Thế tử Trịnh Tráng. Đức Bà được lập làm Đông cung Chính phi khi Thế tử lên ngôi chúa Thanh Đô vương.
Con cháu ngài Nguyễn Hán về sau đông đúc, lập thành một hệ được vua Gia Long ban Công tính chính chi Nguyễn Hựu.
Hiện nay, các chi phái con cháu ngài Nguyễn Hán đang sinh sống ở các địa phương sau:
1- Quý hương Gia Miêu ngoại trang, xã Hà Long, Hà Trung.
2- Thôn Trạng Sơn, xã Hà Bắc, Hà Trung, Thanh Hóa.
3- Làng Đầm, xã Xuân Thiên, Thọ Xuân.
4- Thôn Nam (nay là thôn Trung), xã Bình Hòa.
5- Xã Nam Cai, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa.
6- Xã Kim Vực, tổng Bái Nhuyễn, huyện Yên Định, Thanh Hóa.
7- Xã Đắc Sở, huyện Đan Phượng.
8- Xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
9- Xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội.
10- Phường Báo Thiên, Hà Nội.
11- Xóm Thuận Mỹ, Hà Nội.
12- Phường Đông Hà, Hà Nội.
13- Phường Thịnh Quang, Hà Nội.
14- Phường Hồng Mai, huyện Thọ Xương, Hà Nội.
15- Xã Hà Xá, huyện Hoài An, Hà Nội.
và ở một số địa danh khác chưa khảo cứu được.
Lỵ Nhân công Nguyễn Hán và Phu nhân được thờ tự chính tại 2 nơi:
1- tại Tôn Miếu ở Quý hương Gia Miêu do chi Nguyễn Hữu công tính chính chi là trực hệ của Ngài ở lại quê hương chăm lo thờ phụng.
2- tại Trừng Quốc công miếu trong thành Triệu Tường ở Quý hương Gia Miêu.