Nhân dịp đầu xuân Quý tỵ - 2013, để nhớ về cội nguồn Tiên Tổ. Hội người Họ Nguyễn Việt Nam đã tổ chức đi lễ Đức Thánh Tản Viên – Nguyễn Tuấn tại hai đền: Đền Hạ xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội và đền Lăng Xương nơi thờ thân mẫu của Ngài ở xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ (Phía bên đối diện núi Tản Viên qua sông Đà).
Cổng Đền không có gì thay đổi
Cổng Đền Hạ
Nhà Đền đã được phục chế lại hoàn toàn và hoàn thành nhà Tiền tế vào ngày 26 tháng chạp năm Nhâm Thìn (tức ngày 6 tháng 2 năm 2013) – theo lời Chủ Đền. Nhà Tiền tế đã được mở rộng với quy mô lớn hơn, nhà được xây dựng toàn bằng gỗ lim, mái cong lợp ngói mũi cổ. Tất cả được làm tại Thành phố Hồ Chí Minh đem ra lắp đặt do công ty phục chế Lam Sơn thực hiện. Việc bài chí các Thần Quan và các Đức Thánh vẫn như xưa: Chính giữa nhà Tiền tế bài trí tượng bốn vị Thần Quan. Qua nhà tiền tế là hậu cung. Chính điện là nơi thờ tam vị đức thánh tản, chính là 3 anh em Nguyễn Tuấn, Nguyễn Sùng và nguyễn Hiển ( tức thần Sơn Tinh, Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương). Gian bên trái là tượng của dưỡng mẫu – bà Ma Thị Cao Sơn.
Thành tâm của đoàn mang lên dâng Thánh là bánh trưng ngày Tết, giò lụa, hương hoa phẩm quả, tiền vàng. Đoàn đã được Thủ đền (ông Nấu) đón tiếp và dâng lễ vào tận Hậu Cung. Cụ Hạ - cố vấn của Hội, người có tuổi nhất đã đọc lời khấn cho cả dòng Họ Nguyễn được an khang thịnh vương trong năm Quý Tỵ này và cho Hội ngày càng đoàn kết, phát triển.
Sau lễ đoàn đã có cuộc hội kiến với Thủ đền. Cuộc hội kiến diễn ra vui vẻ tràn đầy sự thân thiện, Chủ đền cho biết về những việc còn phải làm tới của nhà Đền và rất mong có thêm sự đóng góp của các con nhang phật tử và các con cháu dòng họ Nguyễn.
Hội kiến với chủ Đền
Đoàn rời Đền Hạ với tâm trạng của mọi người đều thanh thản để đi sang lễ ở Đền Lăng Xương. Qua con dốc cao quanh co ở chân núi Ba Vì, qua thị trấn Tây Đăng (phố Phủ Quảng Oai xưa) nay là thủ phủ của huyện Ba Vì, qua đất Trung Hà và cầu Trung Hà nơi đầu phía tây của TP. Hà Nội, sang bên kia sông Đà là đất Thanh Thủy của miền đất trung du Phú Thọ, đi dọc theo con đê tả ngạn sông Đà, khoảng 20km gần ngang bên kia sông Đà nơi ngự của Đền Hạ là làng Trung Nghĩa, từ bờ sông Đà vào Đền khoảng 1,5km. Ở đây cờ súy đã cắm từ ngoài bờ sông vào.
Đây là lần đầu tiên đoàn đến đền Lăng Xương. Đền Lăng Xương vẫn như các mô tả trước đây. Đền nằm trên một khuân viên bằng phẳng tục truyền nơi đây xưa kia là động Lăng Xương. Cổng đền có ba cửa một cửa chính rộng và 2 cổng phụ 2 bên có 4 tháp làm trụ cổng.
Cổng đền Lăng Xương
Nhà Tiền tế đền Lăng Xương
Nhà Tiền tế mái cong ngói mũi cổ, cũng được làm bằng gỗ lim . Tiền đường đặt thờ ba pho tượng. Pho tượng lớn chính là hiện thân của mẹ ngài, bà Đinh Thị Đen; hai bức tượng ngồi là hiện thân của ngài – thần Sơn Tinh và vợ ngài – công chúa Mị Nương. Ban thờ bên phải là ban thờ cha ngài; ban bên trái là thờ Dưỡng mẫu của ngài – bà Ma Thị Cao Sơn; phía trước là ban thờ Cao Sơn Đại Vương và ban thờ Quý Minh Đại Vương.
Ngoài sân là đền thờ Giếng ngọc nơi thân mẫu Ngài đã quỳ gối lấy nước tắm từ đó có thai 14 tháng sau sinh hạ ra Ngài
Đền giếng và giếng nước thân mẫu Ngài lấy nước tắm
Giếng nước và phiến đá quỳ còn in vết chân thân mẫu Ngài
Bên ngoài khu nhà Đền còn có lăng mộ của thân mầu Ngài.
Đoàn đã đặt lễ tại gian chính diện, việc lễ diễn ra thuận lợi mặc dù là rất đông khách. Đoàn đã được các cụ giúp nhà Đền đón tiếp tận tình. 11 giờ 30 việc lễ đã xong, đoàn với tâm trạng thanh thản rời Đền Lăng Xương kết thúc chuyến du ngoạn đầu xuân với việc thưởng ngoạn các lộc phẩm của việc Lễ.