CỘNG ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM - HO NGUYEN VIET NAM COMUNITY

http://honguyenvietnam.org/vi


Núi Tản Viên và Truyền thuyết Sơn Tinh - vị thánh bất tử

Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) được coi là vị đệ nhất phúc thần của nước Việt, đứng đầu trong tứ bất tử. (tứ bất tử: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh). Tản Viên Sơn Thánh là con ông Nguyễn Cao Hạnh và bà Đinh Thị Đen quê ở Động Lăng Xương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây (nay là xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).
Núi Tản Viên và Truyền thuyết Sơn Tinh - vị thánh bất tử
           Như vậy Thánh Sơn Tinh là người mang họ Nguyễn. Hội người Họ Nguyễn Việt Nam lấy Đức Thánh Sơn Tinh là Ông Tổ Họ Nguyễn Việt Nam của mình.
 
1. Núi Tản Viên
 
Theo Lĩnh Nam chích quái về truyện núi Tản Viên (Văn thư lưu trữ mở Wikisource 2012). Núi Tản Viên ở phía tây kinh thành Thăng Long nước Nam Việt. Núi cao một vạn hai nghìn ba trăm trượng, chu vi chín vạn tám nghìn sáu trăm trượng. Ba núi đứng xếp hàng, đỉnh tròn như cái tán cho nên có tên Tản. Theo sách Ai giao châu tự của Đường Tăng thì Đại Vương núi này là Sơn Tinh họ Nguyễn, vô cùng linh ứng. Khi hạn hán, lúc lụt lội cầu đảo để phòng tai trừ hoạn lập tức có ứng nghiệm. Kẻ thờ cúng hết lòng thành kính. Lần theo thần tích Việt và thần thoại Trung Hoa, sẽ cho câu trả lời về phép thần của Sơn Tinh và long mạch của núi Tản. Cao Biền nhà Đường muốn yểm những nơi linh tích của Nam Việt bằng bùa phép. Biền đem thuật bùa để tiến đại vương núi Tản Viên, thấy Vương cưỡi ngựa trắng ở trên mây nhổ nước bọt vào mà bỏ đi. Biền than rằng: "Linh khí ở phương Nam không thể lường được”.
Theo sách “Bắc – Thành Địa dư chí” của Lê Đại Cương (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tháng 2/2012): “ Núi này ở huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội). Hình núi tròn như cái tán nên gọi là Tản Viên, rộng rãi bao la, đứng cao hùng vĩ, làm trấn sơn cho cả một vùng, cao 2.310 trượng, chu vi 18.605 trượng, hướng tây có sông Đà chảy quanh theo, rừng cây rậm rạp, cảnh trí đẹp”. Tại Đền Và thờ Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) có đôi câu đối:
 
Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không
 
Hạo khí quan mang vạn cổ tồn
 
Có nghĩa là:
 
Dáng hình sừng sừng ngang trời rộng
 
Hạo khí mênh mang vạn thuở còn.
 
Dưới triều Nguyễn, năm Bính Thân, Minh mạng thứ 17 (1836) đúc “ Cửu Đỉnh” biểu tượng cho uy thế và sự bền vững của nhà nguyễn. Minh Mạng cho chạm hình núi Tản Viên vào Thuần Đỉnh (cao 2,32m, nặng 1.950 kg)
 
Núi Ba Vì chiếm một vị trí quan trọng, không những về mặt địa lý mà còn có địa vị độc tôn trong tâm linh người Việt, trong sách “ Dư địa chí” Nguyễn Trãi viết : “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”.
 
Nhất cao là núi Ba Vì, Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn.
 
Sự thực núi Ba Vì chỉ cao 1.296m, núi Tam Đảo lại cao đến 1.581m, nhưng vì núi này là nơi ngự của Thần núi (thần Tản Viên), nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất. Núi cao ở đây là cao trong tâm thức, không phải độ cao thấp đơn thuần về mặt địa lý.
 
Núi Ba Vì không chỉ là ngọn núi huyền thoại về Sơn Tinh – Thủy Tinh mà còn là ngọn núi linh của xứ Đoài. Vua nhà Đường đã coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay). Theo sách này, để nước Nam không thể phát Vương, vua Đường đã cử Cao Biền (vị tướng kiêm phù thủy) dùng pháp thuật cho đào một trăm cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm tà triệt long mạch nước Việt. Nhưng cứ đào gần xong giếng nào thì giếng đó lại bị sập, nên chúng đành phải bỏ cuộc bởi dãy núi thiêng của nước Đại Việt.
 
Truyền tích núi Ba Vì(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tháng 2/2012) Núi Ba Vì là ngọn núi thần kỳ, là một trong những ngọn núi cổ nhất của nước Đại Việt. Những phát hiện về khảo cổ học vùng văn hóa cổ Ba Vì đã chứng tỏ đây là một vùng truyền thuyết lớn phát triển sớm trong lịch sử hình thành dân tộc. Núi Ba Vì còn là nơi ngự trị muốn đời của Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, Ngài là vị thần tối linh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
 
 
            núi tản viên
Núi tản viên(Ảnh minh họa)

2. Truyền thuyết Sơn Tinh
 
Theo các thần tích vùng Sơn Tây, Vĩnh Phú thì Tản Viên Sơn Thánh là người ở động Lăng Xương (Thanh Thủy – Phú Thọ ngày nay), tên là Nguyễn Tuấn (Nguyễn Tùng), con ông Nguyễn Cao Hạnh (Hành) và bà Đinh Thị Điêng (Đen). Khi lớn lên nhận bà Ma Thị Cao Sơn ở núi Ngọc Tản làm mẹ nuôi.
Động Lăng Xương có thể là Lang Xương, trong đó Lang là Vua. Động Lăng Xương như vậy có nghĩa là nơi quê gốc của Vua. Vua ở đây chính là thần Tản Viên. Mẹ đẻ của Nguyễn Tuấn là bà Đinh Thị Điêng hay Đen, còn gọi là Thái Vĩ. Đinh là hướng Tây. Đen là tên của sông Đà xưa. Đinh Thị Đen có nghĩa chỉ Thái bà (Thái Vĩ hay Thái Thủy) là người ở Tả ngạn sông Đà (dòng sông Đà ở quãng chân núi Ba Vì đổi hướng chảy lên phía Bắc, nên tả ngạn sông nằm ở phía Tây).
Bà mẹ nuôi Ma Thị Cao Sơn có lẽ cũng chỉ có nghĩa là Mẫu Thượng Ngàn vì: Ma = Má = MẫuCao Sơn = Thượng Ngàn. Bà Ma Thị Cao Sơn ở Ba Vì được thờ như Mẫu thượng ngàn, là người cai quản núi Ba Vì trước khi “di chúc” lại cho Thánh Tản.
Theo Ngọc phả Đền Lăng Xương do TS Nguyễn Hữu Công, quan Đô Đốc Thượng Thư cùng với Nguyễn Công Chính và Nguyễn Minh Khai lập vào ngày 15  tháng 11 năm 1011 đời Lý Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên thứ III, Thánh Tản Viên - Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn, con trưởng ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen (còn gọi là Bà Thái Vĩ), sinh sống ở Động Lăng Xương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây (nay là xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Tương truyền một hôm bà vào rừng kiếm củi, đến Thạch Bàn bỗng thấy mây lành bao phủ, rồng vàng bay xuống phun nước như mưa, khí thiêng lan tỏa. Sau khi rồng bay đi, bà thấy hương bay ngào ngạt, nước giếng trong như ngọc, bà liền xuống tắm rồi mang thai từ đấy. Mười bốn tháng sau, đúng ngày rằm tháng giêng năm Đinh Tỵ, giữa giờ thìn bà trở dạ sinh hạ được một cậu con trai tướng mạo khôi ngô, tuấn tú khác thường đặt tên là Nguyễn Tuấn. Lớn lên, Nguyễn Tuấn trở thành người cứu độ, tài cao, văn võ song toàn, có phép thần thông biến hóa, “hô phong hoán vũ” và trở thành vị thần (Thánh) của núi Tản Viên – Thần Sơn Tinh. Ông được Hùng Vương kén làm rể, gả con gái Mỵ Nương. Sau đó, Thủy Tinh vì không được chọn, đã nổi giận đem binh đến đánh, xảy ra các cuộc chinh chiến trong nhiều năm trời. Rốt cuộc, Thủy Tinh luôn là kẻ bại trận... 
Theo một truyền thuyết khác (nguồn Newvietart.com) thần Sơn Tinh được sinh ra ở động Lăng Xương, nay thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đứng từ núi Tản nhìn sang mảnh đất bên kia bờ Sông Đà chính là vùng đất Lăng Xương.
Truyện kể lại rằng, ngày xưa ở vùng đất Lăng xương có một cặp vợ chồng nọ, tuổi đã ngoại ngũ tuần mà chưa có con. Một ngày, người chồng vào rừng kiếm củi và gặp một vị thần hiện lên mà rằng “Nhà ngươi phải chăm lo tu nhân tích đức, gắng làm việc thiện và đem di cốt của Tổ phụ mà an tang trên sườn núi Tản, không bao lâu sẽ sinh được quý tử và làm rạng danh gia tộc”. Sau khi nghe thần núi mách bảo, về nhà bà vợ có thai. Sau 14 tháng mang thai, bà hạ sinh được một con trai, đặt tên là Nguyễn Tuấn. Năm Nguyễn Tuấn lên 6 thì cha là ông Nguyễn Cao Hành qua đời; đến năm Tuấn lên 12 thì mẹ là bà Đinh Thị Đen cũng qua đời. Cùng năm đó người chú và thím ruột của Tuấn cũng qua đời để lại hai người con trai còn nhỏ tên là Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển. Hàng ngày ba anh em vẫn bơi qua sông, lên núi Tản Viên kiếm củi. Đến mùa nước lên, ba anh em không thể qua sông kiếm ăn, vì thế họ quyết định chuyển hẳn nhà sang chân sườn núi Tản để ở. Trên nền đất của Động lăng Xương- nơi thần Sơn Tinh được sinh ra, nhân dân trong vùng đã lập điện thờ cha mẹ ngài để tưởng nhớ công ơn sinh thành nên một người con kiệt xuất, có công giúp dân trừ nạn giặc nước, đó là đền Lăng Xương.
Trở lại với câu chuyện truyền thuyết, sau khi ba anh em đức thánh Tản lập nhà dưới chân sườn núi, thì hàng ngày đều lên núi kiếm củi, khai hoang. Một ngày, ba anh em được một người phụ nữ trên núi nhận làm mẹ nuôi – bà tên là Ma Thị Cao Sơn. Bà đã truyền dạy cho 3 anh em họ các chú thuật và phép thiền định. Ba anh em tiếp thu rất nhanh, không chỉ giỏi các chú thuật mà ba anh em còn được học các môn như Binh pháp, y pháp và các nghề thủ công, đặc biệt là việc trị thủy, trồng lúa nước và nuôi tằm dệt lụa. Dấu vết của nghề dệt lụa vẫn còn được lưu giữ tại làng Cổ Đô dưới chân núi Ba vì... Trải qua 6 năm học tập chuyên cần, ba anh em họ Nguyễn đã tới lúc trưởng thành. Một hôm bà Ma Thị cho gọi ba anh em lên mà dặn rằng: “ Nay các con đã trưởng thành, các pháp ta cũng đã dậy xong, núi này thuộc Kim Sơn, nguồn dương khí chốn trời Nam, rất thích hợp cho các con cư trú. Còn ta sẽ về Hương sơn để khai tràng thuyết pháp. Nay các con là đệ tử của ta, phải khuông phù đạo ta, chăm lo cho dân, giữ cho dân chúng trời Nam được hưởng thái bình.” Nói rồi bà bay đi. Kể từ đó, ba anh em chuyên tâm chăm lo, dạy dỗ dân chúng, chữa bệnh dạy học cho dân. Kể từ đó, nhân dân kính trọng và tôn 3 anh em ngài lên làm Thủ Lĩnh, cai quản dãy núi Ba Vì.
Một truyền thuyết khác, tương truyền rằng, Thánh Tản Viên tên thật là Nguyễn Tuấn, con một vị trưởng lão họ Nguyễn ở Sơn Tây. Năm 6 tuổi thì cha qua đời, 2 mẹ con đến ở nhờ nhà bà Ma Thị Cao (con thần núi Tản Viên). Một hôm, Nguyễn Tuấn lên núi đốn củi gặp thần Thái Bạch, thấy cậu bé khôi ngô, tuấn tú, thần đã trao cho cây gậy thần và dạy câu thần chú để cứu đời. Sau này chàng có công cứu con Long Vương thoát chết và được Long Vương đền ơn biếu cuốn sách có thể hiểu mọi lẽ huyền vi của trời đất. Biết chàng là người có tài, có hiếu, trước khi qua đời, mẹ nuôi đã trao cho chàng cai quản muôn vật ở núi Tản Viên. Khi Vua Hùng kén rể cho công chúa Mị Nương, Nguyễn Tuấn nhờ có sách quý và gậy thần đã kiếm được sính lễ mang đến trước Thủy Tinh và cưới được Mị Nương. Sau chiến thắng Thủy Tinh và quân Thục, biết chàng là người có tài, Hùng Vương đã trao quyền trị nước cho Nguyễn Tuấn, nhưng chàng từ chối và xin vua cha cho đi du ngoạn khắp nơi giúp dân. Khi đi qua vùng Tam Hồng, thấy cảnh sơn thủy hữu tình, Ngài đã dừng chân, dạy dân trồng lúa, đánh cá, sản xuất nông nghiệp. Ghi nhớ công đức của Ngài, nhân dân Tam Hồng dựng một ngôi đền thờ gọi là đến Thính, xây ở phía Bắc núi Ba Vì và châu thổ sông Hồng nên có tên là đền Bắc Cung (một trong “Tứ cung” thờ Đức thánh Tản Viên). Thần núi Tản Viên hết sức linh ứng, khi nào nhân dân cầu mưa, cầu nắng cho mùa màng đều được ứng nghiệm. Mỗi khi lạnh trời, thánh Tản Viên thường hiện hình ở các khe suối, lại đem theo cây gậy thần cứu chữa bệnh cho người nghèo khổ, đi đến đâu, Ngài cho hiện ra đền đài để nghỉ ngơi.  Để ghi nhớ công lao của Tản Viên Sơn Thánh, tại vị trí này nhân dân Tam Hồng dựng một ngôi đền để thờ phụng gọi là đền Bắc Cung nay là xã Tam Hồng huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc.
 Theo thần tích đền Và, phép thuật của Tản Viên bắt đầu từ việc đi chặt cây trên núi Tản gặp Thái Bạch Thần Tinh, được truyền cho cây gậy thần đầu sinh đầu tử. Từ đó Nguyễn Tuấn xưng là Thần Sư, bắt đầu đi cứu dân độ thế. Bảo bối thứ hai của Thánh Tản bắt đầu từ việc cứu được con rắn thần, là con trai Long Vương ở Động Đình. Sau khi xuống thăm Long cung Tản Viên đã được tặng quyển sách ước. Tản Viên từ đó dùng gậy thần và sách ước đi khắp nơi, lấy được công chúa Ngọc Hoa, chiến thắng Thủy Tinh, đánh quân Thục
Hiện nay ở các cung điện cũ của thần Tản Viên đều có nhắc đến 2 bảo vật gậy thần sách ước trên. Câu đối ở đền Và (Đông Cung) ở thôn Vân Già, Sơn Tây:
Tiên trượng ước thư truyền dật sử
Đông cung Tây trấn ngật linh từ.
Dịch:
Gậy thần sách ước dã sử truyền
Cung Đông trấn Tây đền linh tỏ
Hay câu đối khác cùng một ý tại đền Và:
Thần vi chi linh, địa vi chi linh, diệc nhân sùng vi chi linh, ngật nhĩ Đông cung Tây trấn
Sơn đắc kỳ thuật, thủy đắc kỳ thuật, túc kim dục đắc kỳ thuật, diêu hô tiên trượng ước thư.
Dịch:
Thần linh thiêng, đất linh thiêng, vĩ nhân linh thiêng, Cung Đông trấn Tây cao ngất
Núi thành thuật, sông thành thuật, đạo đức thành thuật, gậy thần sách ước diệu kỳ.

Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây