CỘNG ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM - HO NGUYEN VIET NAM COMUNITY

http://honguyenvietnam.org/vi


Di tích tỉnh Nghệ An Nhà thờ họ Nguyễn (Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An)

Nhà thờ họ Nguyễn thuộc xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ trung tâm thành phố Vinh theo Quốc lộ 46 khoảng 20 km đến thị trấn Nam Đàn, rẽ phải qua cầu Nam Đàn, du khách đi theo quốc lộ 15A khoảng 6km đến km 340 rẽ phải theo tỉnh lộ 533 khoảng 10 km, gặp nhà văn hóa thôn Nghi Xuân, thuộc địa phận xã Thanh Lâm, du khách rẽ phải 50 m là đến nhà thờ họ Nguyễn.
Di tích tỉnh Nghệ An Nhà thờ họ Nguyễn (Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An)
Nguyên khi xưa vùng đất này có tên là Giáp Đào Nha, phủ Đức Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Thời Nguyễn, thuộc xã Bích Triều, tổng Bích Triều, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Trước cách mạng tháng 8/1945, di tích thuộc làng Liễu Nha, xã Bích Triều, tổng Bích Hào, huyện Thanh Chương. Sau cách mạng tháng 8, di tích thuộc xã Xuân Triều, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ năm 1954 đến nay di tích thuộc địa phận xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tuy địa danh có sự thay đổi qua các thời kỳ lịch sử, nhưng di tích nhà thờ họ Nguyễn vẫn giữ nguyên vị trí xây dựng ban đầu của nó.

Theo gia phả, họ Nguyễn - Thanh Lâm có nguồn gốc từ xã Sơn Đồng, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay là Đức Thọ, Hà Tĩnh). Di tích nhà thờ họ Nguyễn (chi trung tôn ) nguyên là nhà của ông Nguyễn Khắc Triệu thuộc thế hệ thứ 9 của dòng họ Nguyễn được sử dụng làm nhà thờ sau khi ông mất để thờ các vị tiên liệt từ thế hệ thứ 9 trở về sau, trong đó có những nhân vật tiêu biểu như:

Nguyễn Khắc Triệu là con thứ hai của Nguyễn Thiện Thuật và Nguyễn Thị Đắc. Ông sinh năm Kỷ Mùi (1799), mất năm Tân Dậu (1861). Từ nhỏ, ông nổi tiếng là một cậu bé thông minh, ham học, nhưng do hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nên Nguyễn Khắc Triệu không có điều kiện học hành chu đáo. Khi có gia đình riêng ông đã không quản ngại khó khăn gian khổ nuôi dạy giáo dục con cái học hành tử tế. Không phụ lòng ông, con cháu ông đã có nhiều người thành danh và có công lao với đất nước.

Con trai ông là Nguyễn Đức Lân sinh năm 1831 cũng nổi tiếng là người có công lao với non sông đất nước. Sống trong sự yêu thương, giáo dưỡng chu đáo của gia đình, từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ sự thông minh của mình trong học hành kinh sách. Năm Tự Đức 20 (1867), ông đậu cử nhân khoa Đinh Mão, được triều đình bổ làm Huấn đạo tỉnh Hà Tĩnh. Ông đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáp dục nước nhà lúc bấy giờ và được nhà vua ban sắc phong ghi nhận. Năm 1877, ông được cử làm Chánh thanh tra trường thi Nam Định.

Năm Tự Đức năm thứ 35, ông được thăng chức Giám sát Ngự sử đạo Nam Ngãi, kiêm Chủ tả thiên ở triều đình. Sau đó, được phong làm Tham biện quân vụ sung phó sứ Sơn phòng tỉnh Hà Tĩnh.

Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Nguyễn Đức Lân đã bày mưu tính kế và bỏ nhiều công sức vào việc nghiên cứu địa hình, xây dựng hệ thống phòng lũy, tập hợp lực lượng, vận động nhân dân góp sức người sức của cho nghĩa quân Lê Ninh tổ chức tấn công đánh thành Hà Tĩnh, giết chết tên Bố chánh Lê Đại. Ông đã kêu gọi con em họ Nguyễn như Nguyễn Viết Hành, Nguyễn Quyền, Nguyễn Đức Cơ….tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng tham gia lập căn cứ kháng chiến…. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, ông về quê ẩn dật, tập hợp nhân dân khai khẩn đất đai xây dựng cuộc sống…..

Ngày 15 tháng 10 năm 1898, Nguyễn Đức Lân qua đời trong niềm thương tiếc vô hạn của gia đình, bạn bè thân hữu và nhân dân địa phương, thi hài của ông được an táng tại Cồn Trụ Cội, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương. Bài vị của ông được thờ tại nhà thờ họ Nguyễn chi trung tôn.

Nguyễn Văn Chính sinh năm Quý Mùi 1883, là con trai trưởng của Nguyễn Ích Cung và Nguyễn Thị Trinh, cháu đích tôn của cụ Nguyễn Đức Lân. Sinh ra trong một gia đình nhà nho, từ nhỏ Nguyễn Văn Chính được ông nội kèm cặp về văn chương, được cha mẹ dạy dỗ chu đáo với mong ước con mình sớm thành tài. Lớn lên, Nguyễn Văn Chính học giỏi, đặc biệt là về văn thơ. Năm 30 tuổi, Nguyễn Văn Chính đậu Giải nguyên khoa Nhâm Tý. Chối bỏ quan trường, Nguyễn Văn Chính ở nhà tham gia hoạt động yêu nước cùng các sỹ phu xứ Nghệ. Theo tiếng gọi của phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng, ông xuất dương sang Thái Lan cùng cụ Đặng Thúc Hứa nhưng giữa đường bị mật thám đuổi bắt. Xuất dương không thành, ông trở về và được phong làm Hàn Lâm viện Kiểm tịch, rồi Hàn Lâm Viện kiểm thảo tại trường Quốc học Vinh.

Một thời gian sau, ông về quê làm nghề dạy học. Ông mất năm 1936, được an táng tại quê nhà và thờ tại nhà thờ họ Nguyễn.

Tôn Thị Quế sinh ngày 10 tháng 8 năm 1902 tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và khoa bảng. Bà là con gái của cụ Tôn Thúc Đích và Nguyễn Thị Hảo. Ngay từ nhỏ, Tôn Thị Quế đã nổi tiếng là một người con gái nết na, thông minh, xinh đẹp, tính tình nhanh nhẹn hoạt bát, lại học giỏi, làm thơ hay…

Đến tuổi trưởng thành bà kết duyên với ông Nguyễn Văn Địch, em ruột của giải nguyên Nguyễn Văn Chính. Góa chồng khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng bà không tái hôn mà bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Tháng 7/1928 bà được kết nạp vào Đảng Tân Việt ở Thanh Chương, làm công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân. Đầu năm 1929, Tôn Thị Quế được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ Tân Việt huyện Thanh Chương. Khi Đảng cộng sản Việt Nam thành lập, bà trở thành Đảng viên của Đảng. Bà làm công tác giao thông liên lạc cho huyện ủy Thanh Chương và Tỉnh ủy Nghệ An.

Ngày 1/5/1930, Tôn Thị Quế tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động ở huyện Thanh Chương. Tháng 8/1930, bà được bầu vào Ban chấp hanh Đảng bộ Thanh Chương, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 20.000 người nổ ra ngày 1/9/1930. Tháng 10/1930, bà được bầu vào Ban chấp hành TỈnh ủy Nghệ An khóa đầu tiên do đồng chí Nguyễn Tiềm làm bí thư. Ngày 4/4/1932 bà bị địch bắt tại khu Tràng Ri và giam tại nhà lao Vinh, bị kết án 20 năm tù giam. Tháng 3/1941, bà bị đưa vào giam ở nhà tù Khánh Hòa (Nha Trang). Năm 1945, cách mạng tháng Tam thẳng lợi, bà trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngày 6/1/1946 bà được bầu vào Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đảm nhiệm công tác Bí thư Đảng đoàn Liên khu IV. Năm 1960 bà được điều ra làm Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, sau đó giữ chức Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Với quá trình cống hiến tận tụy cho Đảng, bà đã vinh dự nhận được nhiều huân huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước. Năm 1992, bà qua đời tại Hà Nội và được thờ tại nhà thờ họ Nguyễn.

Rất nhiều các thế hệ con cháu của dòng họ Nguyễn noi gương các bậc tổ tiên cống hiến hết sức mình phục vụ cho cách mạng, xây dựng quê hương đất nước như Nguyễn Côn, Nguyễn Thị Kỳ….

Nhà thờ họ Nguyễn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và là nơi hội tụ các thế hệ con cháu họ Nguyễn. Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, đặc biệt là ngày giỗ ông Nguyễn Khắc Triệu (8/10 âm lịch) và ngày giỗ ông Nguyễn Đức Lân (15/10 AL) con cháu khắp nơi tề tựu về đây tổ chức tế lễ, tưởng nhớ tới công lao của tổ tiên. Bên cạnh đó, nhà thờ họ Nguyễn còn là di tích ghi dấu các sự kiện lịch sử thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân Liễu Nha nói chung và con cháu họ Nguyễn nói riêng.

Trong phong trào Cần Vương, nhà thờ là nơi gặp gỡ, hội họp, bàn bạc kế sách cứu nước của các sỹ phu yêu nước như: Nguyễn Đức Lân, Đinh Văn Chất, Nguyễn Hữu Chính….

Đầu thế kỷ XX, nhà thờ họ Nguyễn là nơi tuyên truyền những tác phẩm: trò Trưng Trắc, Hải ngoại huyết thư, Việt nam vong quốc sử….kêu gọi thanh niên trí thức hưởng ứng phong trào Đông Du do nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu khởi xướng. Đây còn là nơi làm trường học, truyền bá chữ quốc ngữ cho học sinh, nhân dân làng Liễu Nha.

Từ năm 1925 trở về sau, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh lên cao, nhà thờ họ Nguyễn trở thành nơi tập trung các cuộc đấu tranh, hội họp bí mật của các tổ chức cách mạng như: Tân Việt và Thanh Niên. Các đồng chí Tôn Thị Quế, Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Gia Chung, Nguyễn Thị Kỳ, Nguyễn Cổn….là những thành viên trong Đảng Tân Việt, vừa là anh em dâu rể trong dòng họ. Năm 1927, nhà thờ là nơi Nguyễn Sỹ Sách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê Nin, xây dựng và phát triển tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhà thờ là nơi hoạt động của các đảng viên, chiến sỹ cộng sản như đồng chí Tôn Gia Chung, Nguyễn Thị Kỳ, Tôn Thị Quế, và là nơi hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu truyền đơn của Đảng.

Những năm kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhà thờ là nơi in ấn tài liệu, truyền đơn, băng rôn, khẩu hiệu phục vụ cách mạng, đồng thời là nơi tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ cho nhân dân. Nhà thờ được dùng làm trụ sở Đảng bộ xã Xuân Triều năm 1950-1952.

Tọa lạc giữa một làng quê trù phú, di tích nhà thờ họ Nguyễn được xây dựng trên một khu đất cao ráo, rộng rãi thuộc thôn Nghi Xuân, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Phía trước mặt là những bãi mía, nương dâu, ruộng ngô tươi tốt, phía sau là dãy núi Thiên Nhẫn trùng điệp bên dòng sông Lam thơ mộng.

Toàn bộ di tích nhà thờ họ Nguyễn được bố trí xây dựng trên khu đất có diện tích 1.894,4 m2 được bố trí tuần tự từ ngoài vào gồm: cổng tam quan, vườn, khu vực nhà thờ và khu vực nhà cụ Chính.

Vườn di tích nhà thờ họ Nguyễn cao ráo, rộng rãi được trồng nhiều loại cây xanh và cây ăn quả, cây cảnh.

Khu vực nhà thờ gồm cổng, sân và 2 tòa nhà Bái đường và Hậu cung, được bố trí xây dựng theo kiểu chữ Đinh. Từ cổng tam quan đi qua một khoảng sân rộng có diện tích 19,5m2 được lát bằng gạch đất nung mới đến nhà Bái đường.

Nhà Bái đường có diện tích 5,54 x 5,6m gồm 3 gian lợp ngói vảy, bờ nóc trang trí vân mây, hoa lá và búp sen cách điệu. Hai đầu xây tường bít đốc, phía sau để trống thông với nhà Hậu cung. Khung nhà Bái đường làm bằng gỗ kiến trúc thời Nguyễn gồm 2 vì liên kết với các đường xà. Mỗi vì có 2 cột cao 2,4 m kê trên chân tảng đá tròn. Hệ thống vì kèo được bào chuốt xoi hình vỏ mãng, chạm trổ vân mây, hoa lá….tạo cho nhà Bái đường vẻ đẹp thanh thoát, uy nghi, chắc chắn và cổ kính. Gian giữa nhà Bái đường đặt 1 hương án gỗ, trên bài trí 01 tam sự bằng đồng, 1 bát hương bằng đồng và 02 lọ hoa sứ. Phía trên xà hạ treo bức đại tự bằng gỗ sơn son thếp vàng bằng chữ Hán có nội dung : “Tổ kiến tôn bồi”, nghĩa là tổ tiên gây dựng, con cháu bồi đắp. Hai bên thân cột treo câu đối bằng chữ Hán bằng gỗ sơn son thếp vàng.

Nối với nhà Bái đường là nhà Hậu cung. Hậu cung có kiến trúc thời Nguyễn gồm 1 gian 2 hồi lợp ngói vảy, bờ nóc trang trí họa tiết hoa văn hình học, hoa lá, vân mây gắn búp sen cách điệu. Khung nhà Hậu cung được làm bằng gỗ lim, gồm 2 vì thiết kế theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền. Mỗi vì có 2 cột liên kết với các đường xà, thượng lương. Gian giữa nhà Hậu cung đặt 1 hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng, trên bài trí bộ ngũ sự bằng đồng, 1 bát hương sứ, 2 con hạc đứng trên lưng rùa. Phía sau là bàn thờ gỗ đặt hiệu bụt thờ ông Nguyễn Khắc Triệu và hiệu bụt thờ ông Nguyễn Đức Lân và long ngai thờ ông Nguyễn Văn Chính. 2 gian hai bên đặt bàn thờ gỗ thờ các hậu duệ của dòng họ. Trên xà hạ treo bức đại tự bằng gỗ sơn son thếp vàng bằng chữ Hán có nội dung: “Quang tiền thùy hậu” nghĩa làm sáng người trước, để phúc cho người sau. Hai bên thân cột treo câu đối bằng chữ Hán.

Khu vực nhà cụ Chính gồm cổng vào, sân, vườn, nhà ở. Cổng nhà cụ Chính cách nhà thờ 7,1m, rộng 2,0 m, xung quanh xây tường cao 0,8 m. Sân nhà có diện tích 60,75 m2, phía trước trồng các hoa, cây cảnh….Nhà cụ Chính được xây dựng trên mặt bằng có diện tích: 94,68m2. Khung nhà làm bằng gỗ lim, dỗi, gồm 6 vì thiết kế theo kiểu thượng giao nguyên, hạ kẻ. 4 vì giữa, mỗi vì có 1 cột cái và 3 cột quân; 2 vì bên, mỗi vì có 2 cột cái và 2 cột quân. Các vì liên kết với nhau bằng các đường xà, hạ, thượng lương. Trên các cấu kiện kiến trúc gỗ được bào trơn, xoi hình sống khế, ở các đầu kẻ chạm trổ hoa văn hoa lá, vân mây….

Nhà cụ Chính là nơi gắn bó sâu sắc với các chiến sỹ cách mạng, ngày nay được con cháu làm nơi gặp gỡ, nghỉ ngơi và trưng bày các tài liệu, hiện vật của dòng họ. Gian giữa đặt 1 bộ trường kỷ gỗ là nơi ngồi làm việc, bàn bạc việc nước của các chiến sỹ cách mạng. Gian bên trái là phòng ngủ của gia đình cụ Chính. Gian bên trái đặt 1 bộ dong bằng gỗ được dùng làm chỗ nghỉ ngơi của gia đình cụ Chính. Gian bên phải giống gian bên trái. Trên tường của 3 gian giữa treo ảnh các chiến sỹ cách mạng.

Với những nội dung và giá trị như trên, nhà thờ họ Nguyễn được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp Tỉnh

Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây